“Nguyễn Thanh Phong khiến chúng ta lo lắng về những gì đang diễn ra xung quanh mình. Dưới cái nhìn của một người mới có ngoài hai mươi tuổi, thế giới là đáng sợ và dường như đang tan rã, đang hấp hối và có nguy cơ biến mất, gây sốc cho những bạn đọc ngại đối mặt với sự tối tăm, nguy hiểm. ”. Bạn nghĩ gì về nhận xét này của nhà văn Tạ Duy Anh?

Nhà văn Tạ Duy Anh với tôi không chỉ là bậc đi trước và có những giúp đỡ cho các tác phẩm của tôi trong quá trình ra sách, ông còn gần gũi như một người thầy. Bởi ông luôn cho tôi cảm giác về một sự thấu hiểu đầy bao dung. Những nhận xét của nhà văn Tạ Duy Anh vẫn còn quá to lớn, vượt tầm của tôi và với tôi đây không hẳn là một lời giới thiệu thông thường ở mỗi cuốn sách. Đó là một sự kỳ vọng chân thành không dễ gì có được.

· Sự kỳ vọng chân thành mà nhà văn Tạ Duy Anh dành cho bạn liệu có khiến cho bạn cảm thấy bị áp lực?

Trái lại, tôi cảm thấy một sự thoải mái nhưng cũng đầy băn khoăn vì mình sẽ phải viết nghiêm túc hơn.

· Đời sống của người viết không quy định bởi anh ta bao nhiêu tuổi. Một người viết tuổi đôi mươi có quyền gióng lên hồi chương cảnh báo về một thế giới đang quá nhiều rạn nứt và hiểm họa, với một lối viết không né tránh. Tại sao bạn chọn cách viết này?

Tôi nghĩ cách viết là không thể chọn. Mà cảm giác về cuộc sống tự quy định nó cho tôi. Tôi cũng muốn viết những điều tốt đẹp, nhưng mỗi lần đặt bút, ý tưởng, chi tiết, hình ảnh lập tức bị biến hóa theo một cách khác. Còn về việc gióng hồi chuông thì nó thật quá to tát, tôi chỉ viết, bằng con mắt và những gì mình nhận thấy.

· Đọc những truyện ngắn của bạn, với những câu chuyện thiên nhiều về gam trầm, độc giả dễ có suy nghĩ rằng tác giả là người gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống. Bạn có thể chia sẻ về cuộc sống hiện nay của mình?

Cuộc sống của tôi không quá bất trắc nhưng cũng có lẽ như vậy nên chỉ một chút những điều không vui trong cuộc sống hàng ngày cũng tác động rất mạnh mẽ đến tôi. Cuộc sống hiện nay của tôi cũng khá đơn giản. Hàng ngày ngoài việc viết thì tôi đọc sách hoặc đi dạo một vài nơi bằng xe đạp, rồi hẹn gặp những người bạn mà mình tâm đắc tới một quán trà nho nhỏ và cùng chia sẻ với nhau về các cuốn sách hoặc một ý tưởng mà sau đó sẽ viết lên giấy.

· Những câu chuyện kì lạ, với những số phận cá biệt nhưng lại có sức gợi lớn với người đọc. Các truyện ngắn của bạn thường được “gợi ý” ra sao?

Khi tôi còn học trong trường, may mắn được dự một buổi nói truyện với nhà văn Võ Thị Hảo, bà đã giảng rất tỉ mỉ về ý thức sáng tạo. Việc sáng tạo (dù ở loại hình nghệ thuật nào) không nên trông chờ ở cảm hứng, một phút xuất thần ý tưởng ồ ạt chảy tới hay một ai đó chỉ điểm, sự sáng tạo phải tự thân và không ngừng. Khi nhìn một chiếc đồng hồ, với những chiếc kim đang chạy ta có thể hình dung ra nhiều thứ. Một chiếc đồng hồ bình thường, những chiếc kim trên đó như một lưỡi máy chém, một chiếc đồng hồ không có số nhưng vẫn chạy, và tiếng động đó là âm thanh duy nhất ở một ngôi nhà nhiều nhân khẩu, hoặc cũng có thể liên tưởng tới một nơi không có đồng hồ… Tôi đã mất một thời gian dài học theo lời dạy của nhà văn Võ Thị Hảo và bây giờ tôi không quá lo việc tìm một ý tưởng. Vấn đề chỉ ở chiều sâu và cách viết.

· Thật ngẫu nhiên khi có 2 trong số 14 truyện ngắn, lặp lại motip một người bị bỏ mặc trong phòng riêng, và kết cục là cái chết trong cô độc và quên lãng. Một cảnh báo về sự vô tình đến vô nhân tính trong cuộc sống hiện đại. Theo bạn đây có phải là “căn bệnh” lớn nhất trong quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống hiện nay?

Đấy là một trạng thái sống đáng phải loại bỏ đã tồn tại từ nhiều thập kỷ.

· Liệu bạn có bị ám ảnh bởi một câu chuyện có thực, một bài báo, hoặc một mẩu tin tương tự như vậy, nên bạn đã viết nên 2 câu chuyện sử dụng motip này?

Tôi không bị ám ảnh bởi một bài báo hay một câu chuyện có thực nào cả vì tôi hiếm khi tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi những chuyện trên báo. Đây chỉ là một phút ngẫu hứng, vì đã có lần một người bạn của tôi nuôi một con mèo, sau này nó ốm, người đó vẫn không chăm sóc và tới khi nó chết rồi thì cái xác nó lật tức được tống vào một cái xe rác. Tôi chỉ nghĩ nếu đặt vị trí một con người vào thì sẽ thế nào.

· Truyện nào khiến bạn tâm đắc nhất trong tập truyện ngắn “Hóa trang”?

Mê cung là truyện tôi phải sửa chữa nhiều nhất, nhưng Tiếng thở dài lại là truyện tôi tâm đắc và nặng tình nhất. Bởi trong truyện ngắn đó tôi chỉ kể về một người tri kỷ mà mình luôn mang ơn.

· Cá nhân tôi thích truyện Mê cung. Một người đàn ông dựng lên cả một cánh rừng với mong muốn cứu vớt những con chim đang bị con người cầm tù, phục vụ cho thú tiêu khiển của mình. Nhưng rồi, vẫn có những con chim khước từ cánh rừng để tìm đến một nơi trú ẩn mới. Mỗi người viết có một “nguyên lý” sáng tạo của mình. Nguyên lý đó của bạn là gì?

Mỗi lần viết tôi cũng có một “ nguyên lý sáng tạo” khác nhau, nhưng tôi nghĩ nguyên lý mà bất kì ai cũng phải có là nguyên lý viết về con người. Nguyên lý viết của tôi là “những con người kỳ lạ”.

· Nhà văn Tạ Duy Anh đọc văn của bạn đã tin tưởng rằng: “rất có thể đó là tiên cảm của một nghệ sỹ sớm gánh lấy nỗ lo âu, muốn hướng bạn đọc tới những vấn đề không thể né tránh của tương lai chỉ vì tràn đầy lòng thương yêu cái cuộc sống này”. Cá nhân bạn ý thức như nào về vai trò/sứ mệnh của người cầm bút?

Tôi cho rằng vai trò của người cầm bút trước hết phải viết ra những gì hoàn toàn thuộc về mình, dù không lớn lao gì nhưng mỗi người cầm bút cần phải tạo được một dấu ấn trong mỗi tác phẩm. Còn sứ mệnh nào đó thì tôi chưa bao giờ nghĩ đến, vì bây giờ tôi viết do một sự thôi thúc khó cắt nghĩa trong con người mình.

· Tôi rất quan tâm đến điều bạn vừa nói, “người cầm bút trước hết phải viết ra những gì hoàn toàn thuộc về mình”. Cái bạn gọi là “thuộc về mình” cần được hiểu như thế nào? Vì nó có thể khiến người ta hiểu ở nhiều khía cạnh khác nhau như: vốn sống, phong cách văn chương, cá tính sáng tạo…

Cái thuộc về mình đối với tôi là khi viết ra tôi cảm thấy không phải phân vân xem mình có đang đi theo một hình thức hay một mẫu truyện đã có rồi, hoặc vì một ý kiến của ai đó mà phải viết khác đi.

· 14 truyện ngắn in trong tập truyện ngắn “Hóa trang” hình như đều chưa đăng báo. Cách này của bạn có vẻ như hơi khác với “thông lệ” lâu nay: truyện đăng báo trước rồi tập hợp in thành sách?

Tôi chỉ muốn làm một điều gì đó khác lạ.

· Tốt nghiệp Khoa Viết văn, trường ĐH Văn hóa, trong khi nhiều bạn viết của bạn khá nổi trên báo chí, thì bạn vẫn chọn cách ẩn dật, lặng lẽ. Đó phải chăng là phương châm sống của bạn?

Tôi nghĩ là trong cuộc sống có những cái gọi là duyên. Cũng như viết văn với tôi cũng là duyên. Có thể cái duyên của tôi chưa tới, hoặc cũng có thể tôi chưa tự tin lắm về khả năng của mình. Nhưng nếu phải chọn lựa, tôi vẫn muốn mình tiếp tục im lặng, nếu ai đó đọc các trang viết của tôi, thấy thích thú, hoặc có một sự đồng điệu, như vậy với tôi đã quá tuyệt vời.

· Cảm ơn bạn.

Box

Nguyễn Thanh Phong khiến chúng ta lo lắng về những gì đang diễn ra xung quanh mình. Dưới cái nhìn của một người mới có ngoài hai mươi tuổi, thế giới là đáng sợ và dường như đang tan rã, đang hấp hối và có nguy cơ biến mất, gây sốc cho những bạn đọc ngại đối mặt với sự tối tăm, nguy hiểm.Điều ấy đáng là một sự lạ lùng. Nhưng rất có thể đó là tiên cảm của một nghệ sỹ sớm gánh lấy nỗ lo âu, muốn hướng bạn đọc tới những vấn đề không thể né tránh của tương lai chỉ vì tràn đầy lòng thương yêu cái cuộc sống này (Tạ Duy Anh)

Thiên Lam ( thực hiện)

Văn nghệ Trẻ