Hai cực của chiến tranh lạnh đã không còn. Giờ đây, mọi thứ phải được gắn kết bằng văn hóa. Con người phải có quyền được cất tiếng, tìm thấy vị trí của mình

Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vừa trở về từ Cairo, Ai Cập trong chuyến công tác 3 ngày (8-10/12/2012) tham dự Đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á – Phi. Ông vừa được bầu là Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi.

Phóng viên VietNamNet trò chuyện với ông về hoạt động của tổ chức này, cũng như những cơ hội để văn học Việt có sức chinh phục lớn hơn trên bình diện văn hóa quốc tế.

Việt Nam giữ vị trí quan trọng trong Á Phi

Ông có thể chia sẻ kết quả từ chuyến đi đến Cairo vừa qua?

– Hội nhà văn Á Phi thành lập từ năm 1957 với nhiều hoạt động rất có uy tín trên thế giới với nhiều giải thưởng và nhà văn danh giá. Thế hệ trước tôi có nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từng tham gia và ban chấp hành. Đến năm 1988 thì dừng hoạt động vì những vấn đề của Đông Âu. Liên Xô cũ không còn tài trợ nữa, hội mất 90% nguồn kinh phí.

Sau 24 năm, họ quyết định tái thành lập nó. Có khoảng 60 đoàn nhà văn đã tham dự. Một số đoàn không tham dự cũng gửi thư đồng ý với việc tái thành lập này. Tôi sẽ giữ vị trí Phó Tổng thư ký thứ nhất, nhiệm kì 3 năm. Dưới ban thư ký sẽ có các ủy ban khác mà mỗi nước sẽ có vai trò chủ trì: văn học thiếu nhi, văn trẻ, xuất bản, truyền thông, tài chính… Một số hội nhà văn các nước Mỹ La tinh cũng muốn tham gia vào hội như thành viên không chính thức.

Nhiệm kì đầu tiên được xác định là nhiệm kì khó khăn nhất, bởi chúng tôi sẽ phải khởi động toàn bộ, trong khi trong tay chưa có gì cả. Tài chính, những mối quan hệ… rất cần cho việc tổ chức đại hội, giải thưởng, các hoạt động có liên quan, trong đó, một phần quan trọng là tạp chí Hoa Sen.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi.

Mục tiêu là gìn giữ bản sắc, tôn vinh văn hóa và nối kết các dân tộc Á Phi, chống lại sự bất cập của toàn cầu hóa với văn hóa.

Tạp chí Hoa Sen sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?

– Trong giai đoạn đầu, tạp chí sẽ xuất bản 2 số/ năm, bằng tiếng Anh, sau đó tiến đến thêm 2 thứ tiếng Pháp và Ả Rập. Nhiều nước Châu Phi đã từng là thuộc địa của Pháp và khối Ả Rập thì rất đông. Tuần tới, chúng tôi sẽ trao đổi qua thư từ cụ thể hơn nữa. Ý kiến hành lang của rất nhiều đoàn nhà văn muốn Việt Nam làm tổng biên tập Tạp chí trong giai đoạn đầu tiên.

Trung Quốc có tham gia vào hội hay không? Bởi thông thường tôi thấy sẽ có phiên bản tiếng Trung.

– Trung Quốc đăng kí một đoàn rất đông, nhưng đến cuối cùng thì không tham dự được, có thể bởi vài lý do tế nhị. Đã không có đoàn Trung Quốc ở Đại hội nhà văn Á Phi lần này

“Độc giả Việt cần phải được đọc đa diện”

Đánh giá của ông về tiềm năng của văn học Á Phi?

– Một số nhà văn Mỹ nói với tôi rằng, họ đã chán văn học châu Âu và Mỹ La tinh. Chúng đã làm xong sứ mệnh lớn của mình là tạo ra một nền văn học hiện huyền ảo. Phần chìm chính là văn học Á Phi đang hứa hẹn một ngày bùng nổ. Nhiều dân tộc ở khu vực này có số phận thật đặc biệt, ví dụ như Việt Nam, Palestine… Châu Âu và châu Mỹ vẫn có những tác giả lớn, uyên bác; nhưng cái bùng nổ, cái mới mẻ, tươi non hấp dẫn thì được chờ đợi từ 2 châu lục Á và Phi.

Tôi cũng đồng ý với quan điểm đó. Ở Việt Nam, còn nhiều điều các nhà văn vẫn đang tranh cãi, nhưng tôi tin rằng đất nước này, một ngày nào đó sẽ xuất hiện tác giả lớn. Lịch sử vẫn còn đó, hiện thực vẫn còn đó… đợi chờ một người đến, nâng nó lên, chế tác nó như nhà luyện kim chế tác quặng.

Tôi vẫn nghĩ Á Phi là văn học của tương lai. Mặc dù châu Á đã có các tác giả Nobel từ Nhật Bản, Trung Quốc, nhưng sức quyến rũ vẫn chưa được khai thác hết.

Gần đây, một số tác phẩm văn học Á Phi được dịch tại Việt Nam có tiếng vang lớn như: “Ngàn mặt trời rực rỡ”, “Gỗ mun”, “Hãy chăm sóc mẹ”… Chúng ta sẽ tiếp tục đón nhận luồng văn học Á Phi này như thế nào?

– Người Việt không phải ít đọc sách, đặc biệt các nhà văn Việt Nam đọc rất nhiều. Nhưng giả như một tác giả Việt Nam đọc 1 số sách ngang bằng với một tác giả Mỹ, thì họ vẫn đọc phong phú hơn, đầy đủ các tác phẩm xuất sắc trên thế giới. Chúng tạo cho họ năng lượng, hứng khởi và mở vỡ. Còn nhà văn Việt Nam thường chỉ đọc một luồng.

Có thể trước kia chúng ta tập trung đọc rất nhiều các tác phẩm của Nga, rồi một thời gian lại đọc Trung Quốc, rồi đến Mỹ… Ta có những tác giả, những bạn đọc hiểu rất sâu về văn học Mỹ, văn học Nga, văn học Trung Quốc…; nhưng toàn bộ thế giới thì chưa. Chúng ta cần phải được đọc đa diện hơn. Điều đó rất quan trọng.

Đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á – Phi tại Cairo, Ai Cập (12/2012)


Hướng đến thị trường thế giới

Đây có phải là một phần nguyên nhân khiến tác giả trong nước ít được thế giới biết tiếng, trong khi những nhà văn gốc Việt như Linda Lê, Nam Lê, Jenny Mai Nuyen.. lại có những thành tựu quốc tế?

– Đó là một nguyên nhân. Thứ hai là việc truyền bá của nước ta còn ít. Nếu không truyền bá, dịch thuật thì độc giả nước ngoài không biết Việt Nam. Các tác giả gốc Việt nói trên đều viết được trực tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, được sống trong một môi trường bạn đọc tuyệt vời nhất như Mỹ và Châu Âu. Còn chúng ta chỉ được đọc trong cộng đồng người Việt.

Hội nhà văn Việt Nam chuẩn bị thành lập Trung tâm dịch thuật để tuyển chọn các tác phẩm trong nước, kết hợp với các nhà xuất bản nước ngoài đã có quan hệ với Việt Nam. Việc này sẽ được tiến hành trong tương lai, như một kênh quảng bá văn hóa quốc gia. Ta sẽ phải tốn chi phí để dịch thuật, hiệu đính và có thể cả chi phí in ấn nữa.

Ông vừa nhắc đến cái mà mọi nhà văn đều mơ ước: một tầng lớp bạn đọc tinh tế để nhận ra giá trị của tác phẩm? Nên phải hướng đến thị trường Âu Mỹ?

– Đúng vậy. Bởi từ thị trường lớn, sách sẽ lan tỏa ra các thị trường nhỏ. Giống như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, ta cho họ biết tác phẩm tốt nhất, dần dần, họ sẽ tìm cách để hiểu chúng ta hơn.

“Không thể dựng thêm bức tường Berlin”

Tại sao châu Á và châu Phi lại đứng cùng nhau trên diễn đàn văn chương này?


– Nhìn lại lịch sử, Á Phi là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, là đồn điền thuộc địa. Những vấn đề văn hóa, chính trị, môi trường… cũng khác biệt với châu Âu và châu Mỹ la tinh; đồng thời các quốc gia cũng tương đối chậm phát triển. Đặc biệt là châu Phi, có những người nghĩ rằng đây là mảnh đất bị bỏ quên, bị tách biệt khỏi thế giới. Những đặc điểm số phận như vậy đã gắn kết họ lại với nhau.

Mục tiêu thành lập ban đầu của hội, dường như để đối trọng lại với sự xâm lấn văn hóa của chủ nghĩa thực dân?

– Tôi chưa tìm hiểu kĩ, nhưng trước đây, Hội nhà văn Á Phi như là một nhân tố lớn của tổ chức Đoàn kết nhân dân Á Phi. Đại hội lần này do sự đề cử và gợi mở của chủ tịch tổ chức này – một giáo sư Ai Cập.

Thế giới đã thay đổi rất nhiều, Hội không thể hoạt động theo cách cũ. Nó đã chọn một hướng đi mới phù hợp với thời đại. Văn chương sẽ gắn kết và tôn vinh các dân tộc, chứ không phải ở thế đối trọng

Như vậy, văn chương là tiếng nói vượt lên số phận của những vùng đất thiệt thòi này?

– Trước kia, các tổ chức dường như được sinh ra bởi một cuộc chiến tranh lạnh giữa 2 cực của thế giới; thì cho đến nay, 2 cực này dường như đã mất dần. Sự đối trọng nặng nề đã không còn. Giờ đây, tiếng nói của văn hóa mới có thể có quyền lực hòa thuận và lan tỏa. Con đường văn hóa là con đường tốt nhất.

Chúng ta không thể dựng một bức tường Berlin nữa. Mọi thứ cần phải được gắn kết bằng văn hóa. Những hàng rào cần phải được xóa đi, để con người đến gần nhau hơn. Con người ở mọi nơi phải có quyền được cất tiếng, tìm thấy vị trí của mình.

Ban lãnh đạo Hội nhà văn Á Phi (từ trái sang): Nhà văn Ấn Độ, Ali Javed (Chủ tịch), nhà văn Ai Cập, Mohamed Salmawy (Tổng thư ký), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó tổng thư ký thứ nhất)


Tác phẩm là sáng tạo cá nhân

Ông sẽ tham gia như một đại diện quan trọng của Việt Nam và thúc đẩy văn học Việt Nam trong khu vực; hay với tâm thế của một vị Phó tổng thư ký và quan tâm cho toàn khối?

– Đây là cơ hội để giới thiệu văn học Việt Nam vào các nước Á Phi một cách đầy đủ hơn và có một lộ trình chiến lược; bằng cách giới thiệu các tác phẩm tốt nhất. Tuy nhiên cũng là cơ hội để giới thiệu nền văn học Á Phi vào Việt Nam. Hội nhà văn Việt Nam sẽ là một trong những thành viên quan trọng để thúc đẩy hoạt động chung của cả hội.

Các đoàn có ấn tượng rất tốt, họ cám ơn tinh thần và quan điểm của Việt Nam ủng hộ việc tái thành lập, ủng hộ tinh thần đoàn kết của con người vì hòa bình và văn hóa các dân tộc châu Á – châu Phi. Tôi là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam, cũng là điều kiện thuận lợi để tham gia vào Hội nhà văn Á Phi. Nếu không có Hội nhà văn Việt Nam, các hoạt động của Hội nhà văn Á Phi tại Việt Nam sẽ khó khăn. Tháng 4/2013, lãnh đạo Hội nhà văn Á Phi sẽ họp phiên đầu tiên về vấn đề hoạt động của hội. Họ muốn được tổ chức tại Việt Nam.

Trong lịch sử và trong tương lai, vai trò của chính phủ với hoạt động và ngân sách của Hội như thế nào, thưa ông?

– Nhà nước Liên Xô từng đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề ngân sách, hỗ trợ đến 90% kinh phí. Một số nước cộng hòa nằm trong liên bang Xô Viết trước kia cũng thuộc Châu Á. Từ nay về sau, có thể chúng tôi sẽ sử dụng hình thức công văn gửi tới chính phủ các nước. Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua chính Hội nhà văn của họ.

Tiêu chí cho giải thưởng có phải là bản sắc văn hóa địa phương?

– Đó phải là những tác phẩm xuất sắc ở quốc gia và được hội đồng đề cử. Tác phẩm phải nói lên được văn hóa, tinh thần của con người đất nước đó; nhưng cũng phải mang hơi thở của thời đại, nghĩa là có tính toàn cầu. Có thể lấy tên là giải thưởng Hoa Sen hoặc giải thưởng Hội nhà văn Á Phi.

Đầu tiên, tác phẩm phụ thuộc vào sự sáng tạo cá nhân mà không ai liên quan được cả, trừ Chúa. Sau đó, là cách nhìn nhận, tôn vinh truyền bá của các tổ chức, hội nhà văn…

Hội nhà văn Á Phí phải làm sao cho giải thưởng của mình có sức lan tỏa lớn, phải làm cho thế giới nhận ra giá trị riêng của mình. Các giải thưởng ở những quốc gia nhỏ không gây ảnh hưởng trên thế giới, nhưng nếu hội làm tốt điều đó, bạn đọc thế giới sẽ đón nhận văn học Á Phi nhiều hơn.

Xin cảm ơn ông và chúc ông nhiều sức khỏe để đảm nhiệm thêm vị trí mới!

Hồ Hương Giang