Sau 83 năm trên trần thế, bằng cuộc sống, cách sống và tác phẩm, ông đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh một CON NGƯỜI. Thương tiếc ông nhưng chúng ta biết tác phẩm cũng như di sản tinh thần ông để lại sẽ còn tiếp tục tạo niềm lạc quan và vui sống cho nhiều thế hệ tương lai.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (ảnh: Nguyễn Đình Toán)

16 giờ 15 ngày 13.2, từ TPHCM, nhà thơ Nguyễn Duy, rồi nhà văn – doanh nhân xe lăn Kiến Tường – Nguyễn Tiến Toàn gọi điện thông báo: Ông Nguyễn Quang Sáng vừa ra đi lúc 16 giờ. Quá đột ngột. Buổi trưa, ông còn uống rượu, rồi đi ngủ. Nằm trên giường nóng, ông lăn xuống tấm đệm sàn nhà, ngủ một giấc sâu. Khi bà tới thức gọi thì ông đã lặng im. Mọi cấp cứu đều vô hiệu.

Ông đã thăng một cách quá nhẹ nhàng, một cách rất Nguyễn Quang Sáng. Vẫn biết, từ nửa năm nay, sức khỏe ông có giảm sút, bạn bè thương yêu gọi, ông vẫn có mặt, dù nhà tận quận 7, hơi xa trung tâm, có ít nói hơn, nhưng vẫn uống rượu được. Thường các buổi vui, ông chỉ uống mà rất ít ăn. Cuối buổi, ông chỉ cần một chén cơm nhỏ với một món cá thịt gì đó kho mặn. Sinh nhật 12.1 ngỡ tôi còn ở thành phố, ông còn gọi điện nhắc tới buổi gặp mặt thường niên. Nhớ sinh nhật năm trước, tổ chức ở một quán bình dân quen trên đường Nguyễn Thị Diệu, ngoài đông đủ con cháu trong gia đình (vắng Quang Dũng đang đi công việc ở Mỹ hay Nhật gì đó), là đám bạn hữu thân quen, thơ văn thì ít mà giới nhạc sĩ, và các tên tuổi có số má trong giới giang hồ thì nhiều, người mang hoa, người mang chai rượu góp vui. Hôm đó, anh chị rất vui và hạnh phúc.

Mấy chục năm quen biết, khi vào Nam, khi ra Bắc, qua ông và nhờ ông chúng tôi quen thân được với nhiều người quý hiếm, không chỉ trong giới văn nghệ. Mỗi lần biết tin ông sắp ra Hà Nội là mấy đàn em chúng tôi, từ anh em Đỗ Quang Hạnh, Đỗ Quang Hân, Trịnh Lê Văn, rồi vợ chồng Ngô Hồng Quân – Trần Thị Mơ và nhiều người thân quen khác, hẹn hò nhau đi nhậu với ông. Ăn uống thì ít, mà trò chuyện thì khó dứt ra được. Trong số nhà văn lớn lên từ cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Quang Sáng thuộc số không nhiều người, một đời chỉ xây dựng sự nghiệp bằng ngòi bút. Năm 1946, mới 14 tuổi, ông đã tham gia làm liên lạc trong quân đội, rồi được cử đi học trung học, bạn bè ông dạo đó sau này có mấy người thành nhà văn ở cả hai chiến tuyến.

Ra trường, Ông được điều về Phòng Chính trị phân khu miền Tây Nam Bộ, được giao nhiệm vụ nghiên cứu về Phật giáo và đạo Hòa Hảo, một vùng tôn giao rất – rất rối rắm không chỉ hồi bấy giờ. Từ 1952, dẫu là học sinh giỏi toán, ông lại ham viết và bắt đầu viết văn. Một phần trong đó còn được lưu dấu trong tiểu thuyết Đất Lửa được sửa lại, khi đi tập kết ra miền Bắc năm 1955. Với quân hàm chuẩn úy, ông được chuyển ngành về Đài Tiếng nói VN, rồi Hội Nhà văn, khi ở báo Văn Nghệ, khi sang nhà xuất bản. Đây là thời điểm đáng nhớ trong đời viết văn của ông. Sau khi truyện ngắn Con chim vàng được in, là cán bộ miền Nam tập kết, Ông được các nhà văn lớp trước rất quý trọng. Các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Quang Tiến… luôn dành cho ông sự săn sóc ân cần cả trong văn nghiệp cũng như trong đời sống.

Ngôi nhà ông ở ngõ 87 Lý Thường Kiệt, rồi sau này ở phố Cổ Tân cạnh quán bia hơi nổi tiếng một thời, luôn là nơi lui tới của các bậc nghệ sĩ nổi tiếng. Năm 1966, ông về Nam công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng. Sáng tác của ông thời kỳ này mới làm nên tên tuổi một nhà văn có cá tính đặc sắc. Sau 30.4.1975, Ông về thành phố, nhiều năm làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn thành phố, vài kỳ là Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN, là Phó Tổng Thư ký Hội khóa IV. Nhưng nếu với nhiều người, các cương vị công tác như một gánh nặng đè lên cuộc sống, thì bao nhiêu vị trí phải đảm nhiệm, ngay cả trong những thời kỳ căng thẳng và rối rắm nhất cũng không làm thay đổi tính cách và lối sống rất thủng thẳng của ông.

Ông là người sống và viết có trách nhiệm, nhưng cũng biết thưởng thức cuộc sống, không bao giờ chịu làm nô lệ cho công việc và nghề nghiệp. Nhưng những công việc ông từng làm đều để lại những dấu ấn khó phai, dù không phải không có điều này tiếng kia. Còn nhớ, ông kể, sau Đại hội nhà văn VN lần thứ ba (9.1983), nhà văn Hữu Mai trong ban Tổ chức đại hội tiết lộ với ông: Kỳ rồi cũng cân nhắc việc Ông vào ban thư ký. Vào BTK với ông thì xứng đáng rồi. Nhưng cấp trên e ngại là ông hơi tự do.

Ông Sáng nổi đóa: Tại sao họ lại nói thế? Nói thế mà nói được à? Ông Hữu Mai đang lúng túng, chưa kịp thanh minh gì, thì ông Sáng tiếp: Đã nói,phải nói cho đúng. Tôi là người hết sức tự do. Bao giờ tôi cũng là người tự do. Kể lại chuyện đó, ông nói thêm: Có người nói tôi quá tự do, đàn đúm tùm lum. Nhưng với riêng ông, tôi nói thật, điều đó không đúng đâu. Người như tôi, không là gì đâu, nhưng mình cũng biết cái giá của mình, quan hệ tùm lum đâu có được. Phải làm việc mới tồn tại chớ? Nhưng việc gặp gỡ, vui vẻ với bạn bè cũng phải có. Có quý mình, anh em mới tới. Mà tánh tôi là không coi thường bạn bè được. Cho nên, tôi cũng nghĩ, đó là một sự hy sinh. Hy sinh thời gian để có bạn bè, đồng chí, nghĩa là có hơi thở đời sống. Mỗi người đều mang lại cho mình một điều gì đó. Đâu có mất không. Vì tiếc thì giờ cá nhân mà đóng cửa im ỉm, xa lánh bạn bè, quần chúng, xa rời cuộc sống hiện tại, thì lấy đâu ra vốn liếng,nhiệt tình mà sáng tác? Mình viết là viết cho những người đọc cụ thể chớ, có phải không?

Ông không giấu giếm, những năm ngắn ngủi, sống rồi viết văn trên đất Bắc đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời cũng như văn nghiệp của ông. Hễ có dịp là ông lại Bắc hành như để tìm lại những ký ức của một thời binh lửa. Ông là sản phẩm của một thời đất nước bị chia cắt. Vì chia hai miền mà có sự xáo trộn dân cư dữ dội và đông đảo. Mặt trái của sự chia cắt lại tạo nên nguyện vọng thống nhất thiết tha và tạo nên cảm hứng đặc biệt cho văn học nghệ thuật một thời. Vượt qua rào cản địa phương có màu cục bộ, Nguyễn Quang Sáng luôn là nhà văn Việt Nam, dù ông viết về bất cứ điều gì. Bản sắc, cá tính, tính cách Nam Bộ luôn hiện rõ trong đời sống tác giả cũng như nhân vật trong tác phẩm, nhưng không vì thế mà bạn đọc xem ông chỉ là nhà văn của một vùng miền.

Với nhiều người, để thành nhà văn và có tác phẩm, họ luôn phải phấn đấu, phải nỗ lực, phải tu luyện để có tác phẩm và tác phẩm đỉnh cao. Nguyễn Quang Sáng hình như sinh ra đã là nhà văn, dù viết ngắn, viết dài, thể loại này và thể loại khác, ít ai nghe ông nói về những nhọc nhằn, đau đớn trong quá trinh thai nghén và sinh nở. Mà khối lượng tác phẩm trong gần 70 năm cầm bút đều đều, trong chiến tranh và trong hòa bình, khi ở mặt trận và khi về hậu phương là một khối lượng đáng nể. Hơn 20 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, hàng chục kịch bản phim và truyện được chuyển thể thành phim điện ảnh và truyền hình,làm nên những trang rực rỡ nhất của điện ảnh nước nhà, lại còn kịch bản và truyện được chuyển thành kịch bản cải lương rất ăn khách. Văn ông giàu hình ảnh, nhân vật có cá tính rõ nét nhờ những chi tiết độc đáo,khắc dấu vào lòng trí người đọc, kịch tính cao, ngôn ngữ đối thoại sắc sảo, ngắn mà súc tích. Và đó là lý do mà nhiều tác phẩm của ông rất thành công khi chuyển thể thành phim hoặc kịch, cải lương.

Trong đời sống văn nghệ cả nước mấy chục năm qua, với bao thời kỳ sóng gió, có lúc khốn khó, là người trong cuộc nhưng hầu như Nguyễn Quang Sáng ít bị chi phối bởi những phe nhóm, trái lại còn là biểu tượng cho một tinh thần hòa hợp, thân ái, là chỗ dựa tinh thần cho lớp trẻ ở cả hai vùng trong chiến tranh. Nguyến Tiến Toàn từng là trung úy phi công VN Cộng hòa đã ra mắt Nguyễn Quang Sáng bằng cách đọc thuộc lòng một truyện ngắn của ông.

Sau nhiều năm thân thiết,đọc hết những gì nhà văn viết, đã nhận xét, Nguyễn Quang Sáng viết về chiến tranh,về chiến đấu mà không có hận thù. Đó cũng là tính cách rõ nhất trong nhà văn. Tình bạn mặn nồng giữa ông với Trịnh Công Sơn như một biểu tượng thật đẹp của sự hòa hợp. Mà không chỉ với Trịnh Công Sơn. Đã hơn một lần ông thổ lộ: Với Thu Bồn, có người nghĩ rằng,tôi với thằng này ganh ghét nhau, nhưng không đúng vậy đâu. Tôi thương hắn lắm, mà tôi biết hắn cũng thương tôi. Nghe hắn đọc thơ, tôi thích. Tôi cũng muốn làm thơ. Có những điều chỉ nói được bằng thơ thôi. Mà không phải tôi không biết làm thơ đâu nghe. Thơ tôi, đọc nghe cũng được lắm, nhưng làm hay như nó thì tôi chịu, không làm nổi. Nghe nhạc cũng vậy. Tôi thích Trịnh Công Sơn lắm. Tôi dốt nhạc nhưng thích nghe nhạc. Mà cũng nghĩ là mình làm nổi bài hát. Nhưng làm đến như Sơn thì thôi, mình không làm nổi. Thế mới giận, mới tức.

Nhưng anh ơi, bao người đang ghen với anh, có nhiều cái chỉ có anh mới làm được, họ muốn lắm mà đành chịu.

– Đã đành. Đó là cái lẽ cho mình tồn tại. Nhưng văn xuôi làm sao sánh được với thơ, với nhạc trong lòng công chúng?

Bạn nhậu thường nhắc bài Rượu của ông: “Trong mâm rượu/Nếu nói xấu người vắng mặt/Rượu sẽ thành thuốc độc/Trong mâm rượu/Nhắc nhớ người vắng mặt/Rượu sẽ thành nước Thánh/Ta rót vào hồ nổi nhớ thương”.

Sự khiêm nhường nghề nghiệp, sự khâm phục tài năng và tính cách bạn bè làm nên một Nguyễn Quang Sáng luôn có sức lôi cuốn và tập họp. Hình như đó là điều quá thiếu và quá hiếm trong đời sống văn nghệ hôm nay. Nghề nghiệp cũng không làm ông lơ là trong việc chăm sóc gia đình, con cái, từ việc học hành, luyện tập thể thao, định hướng nghề nghiệp. Ông không che giấu niềm hạnh phúc khi thấy Quang và Quang Dũng trưởng thành, tài năng được nhiều người yêu mến và có nhiều bạn bè.

Thời gian cuối, không còn viết nhiều, nhưng ông đã hoàn thành 30 tập kịch bản Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt, viết về một thời điểm lịch sử bộc lộ rõ nhất phẩm chất, tầm vóc và khí phách một con người Nam Bộ hiện đại, đó là chiến trường Nam Bộ 1973, sau khi có hiệp định Paris. Một nhóm bạn bè đang vận động kinh phí để thực hiện bộ phim, như là để chuyển ngọn lửa của tình yêu nước, yêu dân của thế hệ đã đóng vai trò quyết định trong việc giành một nước VN độc lập, thống nhất trọn vẹn. Quan hệ giữa hai người làm nên độ tin cậy cho tác phẩm. Ở hai lứa tuổi,hai công việc,hai cương vị khác nhau,nhưng họ đã có một tinh thần của những con người thẳng thắn, ngang tàng, biết chịu trách nhiệm, biết làm việc hết mình, nhưng cũng biết sống, biết thưởng thức hương vị của cuộc sống.

Ông thường tự hào, mấy mươi năm về sống ở Sài Gòn, do khí hậu, thời tiết, ông không hề biết đến bệnh viện. Mới tháng trước, thấy ông yếu, các con đưa ông vào bệnh viện, nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Vậy mà, sau một giấc ngủ trưa, ông đã không trở dậy. Cả điều này nữa cũng bộc lộ rất rõ tính cách dứt khoát của nhà văn. Sau 83 năm trên trần thế, bằng cuộc sống,cách sống và tác phẩm, ông đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh một CON NGƯỜI. Thương tiếc ông nhưng chúng ta biết tác phẩm cũng như di sản tinh thần ông để lại sẽ còn tiếp tục tạo niềm lạc quan và vui sống cho nhiều thế hệ tương lai.

Ngô Thảo

Nguồn: VanVN.Net

Exit mobile version