Tác giả nổi lên như một hiện tượng khi ra mắt “Cho tôi xin một nửa cuộc đời” – cuốn sách đã từng đã trở thành bestseller của các trang mạng bán sách trực tuyến nửa đầu năm 2012. Sau 2 năm im ắng, anh trở lại với “Hai nửa chông chênh” nhiều ám ảnh.

Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu. Và bạn cũng không  thể dễ dàng lướt qua từng trang sách một cách đơn thuần.

Nhà văn Hữu Tài đã viết những dòng mở đầu trong Hai nửa chông chênhnhư thế này:

“Khoảng mười lăm năm trước, khi tôi mới chập chững vào đời và rời Việt Nam, thì hai chàng trai, cô gái có cảm xúc với nhau là một vấn đề vô cùng khủng khiếp, người ta coi đó là một căn bệnh có tính lây lan và những người làm cha làm mẹ luôn đớn đau tìm mọi cách chạy chữa để cứu con mình ra khỏi cái vũng lầy tội lỗi đó. Nhưng giờ đây, người ta không còn hốt hoảng khi thấy hai chàng trai cầm tay đi dạo cùng nhau, hay hai cô gái chân dài trao cho nhau một cái nhìn tình tứ. Ở một khía cạnh nào đó, họ thương yêu nhau, dù ở mức độ nào thì cũng đáng trân trọng.”


Bìa cuốn sách Hai nửa chông chênh

Bìa cuốn sách “Hai nửa chông chênh”

Hai nửa chông chênh của Huy không phải là một chuyện tình diễm lệ, đầy nước mắt, không chứa xót xa của những người luôn khát khao được sống thật với chính cái bản ngã ẩn sâu trong tâm tưởng mình. Tập truyện dài mang mảnh đời của những chàng trai, cô gái đôi mươi đang chập chững vào đời, hoang mang trước đời sống kiếm tiền và những giá trị về tình yêu. Hai nửa chông chênh không có thứ tình yêu đầy dục cảm, không có những cảnh hoan lạc thể xác, cũng chẳng có những mối tình cuồng loạn. Tập sách đầy ắp tình yêu, dẫu không thành, nhưng đẹp. Những mối tình trai – gái, trai – trai đan xen, trộn lẫn vào nhau, có những kết thúc khiến người ta chới với.

Trong Hai nửa chông chênh, nhân vật của Phước Huy không nhiều, chưa tới chục người đủ để ta nhớ mặt, nhớ tên. Có những nhân vật lướt qua như gió thổi, hững hờ qua vài dòng ngắn ngủi, vài trang viết thương yêu, nhưng đều được Huy khắc họa tính cách rõ ràng, không lẫn vào đâu được. Tất cả đều đậm chất nghệ sĩ Sài Gòn, những con người sần sùi, thô kệch, vụng về, thậm chí hơi tưng tửng, điên điên, nhưng vô cùng đáng quý.

Truyện còn là những trang viết đầy thương yêu về tình cảm gia đình, của hai đấng sinh thành cả đời mãi lo cho thằng con trai phiêu bạt, không biết bao giờ mới chịu yên bề gia thất để đẹp lòng mẹ cha.

Những mảnh đời trong Hai nửa chông chênh bị lạc giữa đam mê, lạc giữa những định kiến, lạc giữa những khát khao được sống trọn cuộc đời với cuồng nhiệt.

Để rồi khi một gã thanh niên chưa đi hết nửa đời người nhưng đã thấy chông chênh, đứng giữa tuyến phố nhưng chẳng biết bên nào là nhà, bên nào là gác trọ, chẳng biết đâu là tình yêu đích thực, hay chỉ là xúc cảm chân chính của mình. Trong tập truyện có những cảm xúc thật nhưng chua xót, nụ hôn của gã đàn ông trong ngày cưới, dành cho một người đàn ông khác mà anh ta trốn chạy cả đời.

Phía sau của quyển sách là những dấu chấm hỏi không rõ lời giải đáp. Sau đám cưới ấy, gã đàn ông ấy có hạnh phúc với người con gái anh yêu hay hằng ngày đối diện với cô, chán nản với cuộc sống gia đình, cái bản ngã tình trai trong anh sẽ dần dần trở lại? Liệu sự ra đi của một gã đàn ông khác nhằm trốn chạy với cái thực tế đang hiển hiện ra trước mắt, có mang lại sự giải thoát trong tâm hồn anh không hay chỉ kéo dài thêm sự khổ đau vốn có? Rồi cô gái lầm lỡ với đứa trẻ không cha kia có những ngày yên ả ở quê nhà, hay lại tiếp tục lao vào cuộc đời ngập tràn sóng gió? Những con người sống hết mình vì đam mê có thật sự hạnh phúc?

Gấp lại trang sách, cảm giác vẫn vô cùng ấm áp, nhưng lại chông chênh, thấy rằng tình yêu luôn là một món quà vạn năng và tuyệt vời của tạo hóa, nó có thể làm lành được vết thương lòng dang dở, vực con người ta đi qua những lối quanh, ngã rẽ của cuộc đời, là động lực để con người ta sống và làm việc, dẫu đó là thứ tình cảm lạc lõng mà ngoài kia người ta đang dè bỉu, chống chế.


Hà Thanh

Nguồn: Dantri.com.vn