“Khi làm thơ tôi không nghĩ nhiều về bút pháp, tôi không nghĩ về việc đổi mới hay làm một cái gì khác, tôi muốn kể một câu chuyện mới mẻ, một câu chuyện chưa từng ai kể”, Nguyễn Phan Quế Mai, tác giả tập thơ đang “hot”: “Tổ quốc gọi tên mình” tâm sự.
Trò chuyện với Nguyễn Phan Quế Mai trước ngày thi sĩ rời Việt Nam trở về Bỉ, chị bận bịu đến độ hẹn tiếp khách vào những quãng ngồi trên taxi di chuyển địa điểm. Nhưng chị khiến người muốn hỏi chuyện xóa ngay dấu ấn họ chỉ giành được của chị chút thời gian vụn. Nguyễn Phan Quế Mai không cần người khác gợi chuyện, chị kể say sưa, xúc động, miệt mài về tập thơ vừa ra mắt “Tổ quốc gọi tên mình”, về sự kì diệu của thi ca, hiệu ứng của thi ca ở những nơi chị có dịp đặt chân đến…
Từng không muốn in tiếp thơ ở Việt Nam
Nguyễn Phan Quế Mai không thể ngờ, mà có lẽ giới xuất bản ở ta cũng khó ngờ, tập thơ “Tổ quốc gọi tên mình” đã nối 1.000 bản sau 5 ngày phát hành. Đây là chuyện xưa nay hiếm, nhất là với loại sách thơ, vốn rất “nghèo” độc giả. Thành công nằm ngoài tưởng tượng, khiến nhà thơ sinh năm 1973 xúc động: “Hơn một năm trước khi trở về Hà Nội dự lễ ra mắt tập sách “Cửa hiệu giặt là” của Đỗ Bích Thúy, tôi gặp Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc NXB Phụ nữ- pv). Cô ấy nói, NXB Phụ nữ muốn in một tập thơ của chị. Thực tâm, lúc ấy tôi không muốn in một tập thơ nào nữa, bởi thơ mình in ra, để ở các hiệu sách, nó ám bụi, rồi bị lãng quên.
Tôi rất thích làm việc với giới xuất bản ở nước ngoài. Khi tập thơ “Bí mật hoa sen” của tôi được in ở Mỹ, tôi thấy giới xuất bản ở đây làm việc rất chuyên nghiệp. Người ta thiết lập chương trình cho tôi giao lưu với các trường đại học, các trung tâm văn hóa. Thơ ca được trân trọng, người ta mua vé để được nghe thơ. Tại New York, độc giả trả khoảng 8 đô la Mỹ để được vào cửa. Tôi từng đến Atlanta, giảng cho khóa học dùng thơ ca như biện pháp trị liệu…”
Từ câu chuyện thơ ca được trân trọng và được “tiếp thị” bài bản, ý nghĩa ở nước người, nghĩ đến cảnh thi ca đang thời chợ chiều ế ẩm ở ta, Nguyễn Phan Quế Mai cảm thấy tự ti: “Ở Việt Nam, tôi vẫn có độc giả nhưng tôi tự thấy không nhiều người ủng hộ. Mấy năm gần đây có thể có đôi tập thơ vẫn được đón nhận nhưng ngày xưa thơ in ra dù giải thưởng nọ kia như tập “Cởi gió” của tôi (giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Hà Nội 2010-pv) song tìm ngoài hiệu sách làm sao có vì thơ không phân phối được. Cho nên tôi nghĩ, không bao giờ in một quyển nào nữa ở Việt Nam. Nhưng vì tình yêu say đắm với thơ ca, tôi âm thầm quay lại với lời mời của NXB Phụ Nữ”.
Khai sinh những bài thơ bị lãng quên
“Cách đây khoảng một tháng rưỡi, chúng tôi chuyển nhà từ Philippines sang Bỉ. Trong quá trình chuyển nhà, tôi soát lại tài liệu để bỏ đi, mới thấy một tập những bài thơ tôi viết đã quên từ lâu, chúng như cất tiếng nói: Chúng tôi cần được khai sinh. Ngồi xung quanh 200 chiếc thùng carton, tôi bỏ tất cả công việc soạn đồ, dành hơn hai ngày trời để sắp xếp và chỉnh sửa lại những bài thơ vừa tìm được, sau đó tôi chuyển cho NXB Phụ nữ. Biên tập viên đọc xong bản thảo đã viết cho tôi một lá thư đề nghị tôi bổ sung thành tập thơ 99 bài. Sự hào hứng từ phía những người làm sách của NXB Phụ nữ đã kích thích tôi, nhưng tôi có một điều kiện: Chỉ đồng ý in nếu tập thơ ra mắt tạo cơ hội cho tôi giao lưu cùng bạn đọc. Tôi và ông xã có kế hoạch về Việt Nam xuyên Việt bằng xe máy từ miền Bắc đến miền Nam, nên tôi sẽ có hai cuộc ra mắt sách ở hai đầu đất nước”. Lời đề nghị của thi sĩ sống xa Tổ quốc đã được NXB Phụ nữ chấp nhận. Tập sách hoàn thiện một cách gấp rút và tâm huyết trong vòng ba tuần của cả một đội ngũ từ tác giả sách tới biên tập viên, họa sỹ, kỹ thuật viên… Vừa chỉ huy đóng đồ, dọn đồ, Nguyễn Phan Quế Mai vừa chăm chút cho tập thơ, chị “hạ lệnh” cho đội ngũ khuân vác: “Hãy để máy tính bàn của tôi đóng vào phút cuối cùng”. Như một sự kì diệu, sách đã về tới văn phòng, trước hôm ra mắt sách đúng một ngày. Hoàn toàn không kịp chuẩn bị chu đáo để quảng cáo lễ ra mắt sách: “Không in một thư mời, không mời qua con đường chính thống, chỉ gửi email cho báo chí hoặc qua mạng xã hội, nhắn tin cho bạn bè, thậm chí tôi còn quên không mời cả những đồng nghiệp cũ”, nên thi sĩ vô cùng bất ngờ khi có quá đông người tham dự sự kiện. Khán phòng có tới 150 chỗ, tưởng rộng rãi cho lễ ra mắt thơ, đã không đủ sức chứa. Khi bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” được cất lên, khán phòng im lặng, nước mắt rơi trên gương mặt người hát và người nghe. Nguyễn Phan Quế Mai đã viết “Tổ quốc gọi tên mình” trên giấy ăn khoảng 5 phút khi nghe tình hình bất ổn của biển Đông, trong chuyến bay rời Việt Nam: “Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình/ Chúng ngang nhiên cắt chia tôi và Tổ quốc/Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau/ Sóng chẳng còn bình yên dẫn lối những con tàu/Sóng quặn đỏ máu những người đã mất/Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc/Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”.
Thu thế giới vào mình và đưa mình ra thế giới
Bằng những trải nghiệm của mình, chị đồng cảm sâu sắc với những con người ở phía bên kia chiến tuyến. Chị ám ảnh với câu chuyện về bức tường chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington, về những cựu chiến binh Mỹ. Một người lính sống sót sau cuộc chiến trở về Mỹ hơn 40 năm nhưng không đêm nào ngủ tròn giấc. Ông kinh hoàng, muốn quay lại Việt Nam song lại lo sợ người Việt sẽ chạy theo và đâm sau lưng ông vì những tội ác ông góp phần gieo rắc trên đất nước nhỏ bé này. Nhưng khi trở lại, cựu chiến binh Mỹ nhận được nụ cười và sự chào đón từ người dân của đất nước một thời bị chiến tranh làm cho tàn khốc, khiến nước mắt ông rơi và tự hỏi: “Tại sao mọi người tốt với tôi như vậy?”.
Câu chuyện của cựu chiến binh Mỹ đã đi vào thơ chị. Những bài thơ viết về người thân của chị cũng đều bắt nguồn từ những ký ức thật rồi nhào nặn trong trí tưởng tượng, sự sáng tạo: “Tôi thấy rằng, trong thơ ca phải dùng trí tưởng tượng của mình. Các bài thơ của tôi đều có sự sáng tạo và sự liên kết các hình ảnh để chuyển tải mạnh mẽ hơn thông điệp của mình”.
Một trong những bài thơ hay về chiến tranh của Nguyễn Phan Quế Mai, có thể kể đến bài thơ viết về Quảng Trị: “Năm 1998, khi tôi nhận được học bổng ở Úc, tôi đã dẫn một đoàn người Úc về Việt Nam. Đi qua Quảng Trị, ngồi nghỉ ven đường, bỗng thấy một người phụ nữ trần truồng chạy về phía những người nước ngoài gào lên: Trả chồng cho tôi, trả con cho tôi”. Tìm hiểu mới biết gia đình của cô ấy bị bom Mỹ giết hại, bao nhiêu năm sau ám ảnh về chiến tranh vẫn khủng khiếp”.
Câu chuyện về người phụ nữ ấy đã khai sinh cho những câu thơ đau đáu: “Trời sập nắng kéo lê tôi trên những quãng đường chi chít hố bom mắt người chết toang hoác mở/Những ruộng đồng nẻ khô thoi thóp thở/Hoa phượng loang tươi đỏ những con đường/Còn sâu hoắm vết thương/Quảng Trị”.
Nguyễn Phan Quế Mai có khả năng sáng tác song ngữ Anh-Việt. Thậm chí có những bài thơ được chị viết bằng tiếng Anh trước, sau mới dịch sang tiếng Việt: “Mỗi bài thơ như một bức tường, ta phải tìm được một cánh cửa để mở vào đó. Với tôi, sự chuyển ngữ rất thú vị. Bởi tôi là người đam mê với việc đưa những câu chuyện của mình ra thế giới”. Ít ai biết bài thơ tình “Từ lòng đất” viết bằng tiếng Anh sau đó mới chuyển sang tiếng Việt của Nguyễn Phan Quế Mai được góp mặt trong một cuốn sách giáo khoa giới thiệu các tác phẩm của nhà văn châu Á tại Singapore.
Quế Mai đã cùng thơ của mình chu du nhiều nơi. Năm 2013, chị vinh dự được đọc thơ tại Liên hoan thơ quốc tế Medelline, tổ chức ở Columbia. Chị đã hát thơ mình ở buổi khai mạc tại quảng trường lớn với sự chứng kiến của hàng ngàn người. Chị đã hát cho những người dân Columbia mất nhà mất cửa, mất quê hương bằng những bài thơ Việt Nam của mình, gắn với những kỷ niệm tuổi thơ ngày chị theo cha lên tàu rời làng quê vào Nam.
Trong buổi đọc thơ giao lưu ở Mỹ, Nguyễn Phan Quế Mai đã khiến một cô gái ôm lấy chị và khóc. Cô ấy nói với thi sĩ: “Cha tôi là một người rất kinh khủng, ông ấy từng tham chiến ở Việt Nam. Tôi không nói chuyện với cha tôi nhiều năm rồi nhưng sau buổi đọc thơ này, tôi nghĩ tôi có thể tha thứ cho cha, bởi vì nhờ thơ chị, tôi mới thật sự hiểu sự tàn khốc của chiến tranh, dù trước đó tôi đã đọc sách lịch sử”. Với Nguyễn Phan Quế Mai, thơ ca thật sự là phép nhiệm màu. Nó đang mang lại cho chính chị và độc giả của chị liều thuốc tâm hồn kì diệu.
Nguyễn Phan Quế Mai có khả năng sáng tác song ngữ Anh-Việt. Thậm chí có những bài thơ được chị viết bằng tiếng Anh trước, sau mới dịch sang tiếng Việt.
Người mơ chắp cánh ước mơ
Nguyễn Phan Quế Mai có một gia đình hạnh phúc. Chồng chị là nhà ngoại giao người Đức đang làm việc cho Ủy ban châu Âu và rất yêu Việt Nam. Sau cuộc ra mắt sách ở Hà Nội, hai vợ chồng thi sĩ khám phá Việt Nam bằng việc đi xe máy vào Sài Gòn. Phu quân của thi sĩ từng đoạt giải nhì cuộc thi tận hưởng bản sắc Việt.
Nguyễn Phan Quế Mai có một truyện dài viết chung với con gái: “Mun ơi, chạy đi” (NXB Văn hóa Văn nghệ 2012). Chị tâm sự: “Con gái rất yêu thương súc vật nhưng gia đình chúng tôi chuyển từ nước này qua nước khác, rất khó để nuôi chó. Một ngày con gái hỏi: Mẹ ơi, nếu mẹ không có hai đứa con, mẹ có nuôi chó không? Tôi bảo: Mẹ sẽ nhận nuôi một em bé. Con gái lại hỏi: Tại sao mẹ nghĩ phải nuôi một con người trong khi chó là loài vật trung thành với con người, yêu thương con người không điều kiện”. Cô bé nói đầy xúc động. Cách nghĩ của nó khác lạ, tôi khuyến khích cháu viết chung để trau dồi tiếng Việt”.
Nhà thơ và chồng đều có ý thức rèn luyện cho con tình yêu văn hóa và tình yêu ngôn ngữ. Ngay khi con mới chào đời, chị đã nói chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ, chồng chị dùng tiếng Đức, bởi một nhà ngôn ngữ học đã khuyên vợ chồng chị, trẻ con rất thông minh có thể học nhiều thứ tiếng, nên hai vợ chồng cứ mạnh dạn nói tiếng mẹ đẻ ngay từ khi con còn nhỏ.
Trong quãng thời gian ra mắt sách ở Hà Nội, con trai chị học đá bóng trong nhà và nói bằng tiếng Việt, con gái đi làm tình nguyện. Buổi ra mắt sách ở Sài Gòn, hai con chị hào hứng bán sách để dùng số tiền thu được tặng một chương trình học bổng do chị thành lập.
Ngay cả nhuận bút từ những tác phẩm đăng báo của Nguyễn Phan Quế Mai ở trong nước cũng đều được chuyển vào quĩ học bổng này, để hỗ trợ những hoàn cảnh trẻ em khó khăn được cắp sách đến trường. Khi còn ở Việt Nam, thi sĩ từng điều hành nhóm tình nguyện “Chắp cánh ước mơ”. Nguyễn Phan Quế Mai bộc bạch: “Ngày xưa gia đình tôi rất nghèo, phải đi làm thêm để học đại học. Tôi thấy tiếc cho người khác về một hi vọng. Muốn giúp người ta một cái gì đó để thay đổi cuộc đời”.
Theo Nông Hồng Diệu – Tiền phong online