Trước đây, tôi cho rằng Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn biết cách đáp ứng nhu cầu của người đọc. Ông tìm hiểu bọn trẻ rất kĩ. Theo tôi được biết, nhà văn dành tương đối nhiều thời gian để trò chuyện với tuổi teen, lên mạng đọc, thậm chí, mở diễn đàn để lắng nghe và đối thoại với các em. Vì thế, Nguyễn Nhật Ánh hiểu đứa trẻ cần gì, mong gì khi đến với một cuốn sách. Bên cạnh những khao khát phiêu lưu, tìm hiểu thế giới, đứa trẻ còn có nhu cầu tìm hiểu chính bản thân mình: những cảm xúc kì lạ không tên, những xáo trộn trong các mối quan hệ đang bình ổn bỗng một ngày trở nên rối tung khiến chúng hoảng sợ, những mong muốn nho nhỏ một ngày bỗng trở nên nhức nhối, bức xúc khiến chúng không hiểu nổi mình, trong quá trình tìm hiểu chính bản thân mình, bọn trẻ chớm lớn còn bắt đầu tích cực… triết lí và suy ngẫm nữa.
Từ việc tìm hiểu nhu cầu của bạn đọc nhỏ tuổi qua rất nhiều kênh giao tiếp, Nguyễn Nhật Ánh đã biết cách viết làm sao cho mọi băn khoăn bỗng trở nên nhẹ nhõm. Nhà văn chia sẻ với chúng bằng nụ cười hiền hậu, dí dỏm, ánh mắt nheo nheo của một người đã trải qua tuổi thơ và nhớ sâu sắc tuổi thơ của mình. Các nhân vật của ông mỗi lần khám phá ra một cảm xúc, một điều mới mẻ về bản thân, về những người xung quanh, đều đưa ra những triết lí và suy ngẫm. Chúng đáng yêu, thú vị và “nói trúng tim đen” bọn trẻ đến nỗi được trích dẫn khắp nơi.
Và như vậy là, Nguyễn Nhật Ánh viết văn để đáp ứng nhu cầu của người đọc nhỏ tuổi, tạo một không gian tinh thần cho tuổi thơ. Ông viết vì người đọc cần – cách đây bốn, năm năm, tôi đã nghĩ thế. Và đã tưởng rằng đó là chân lí.
Thế nhưng, những năm gần đây, sau khi về nước, tôi có điều kiện đọc Nguyễn Nhật Ánh nhiều hơn, hệ thống hơn, đặc biệt là các tác phẩm mới mà mỗi năm ông cống hiến cho độc giả, thì đến thời điểm này, tôi lại nghĩ khác. Ông không viết vì người đọc cần, không vì người đọc muốn đọc điều đó, mà vì chính ông muốn, ông cần làm điều đó!
Không sai khi nói rằng, những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh đáp ứng kịp thời nhu cầu tinh thần của những đứa trẻ đang lớn. Tuy nhiên, đó là hệ quả chứ không phải là lựa chọn của ông. Vì thế, ông thành công không phải vì chọn được một “thị trường văn chương” dường như đang còn thiếu, còn bỏ ngỏ, mà ông không thể không viết và có tố chất đặc biệt của người viết cho tuổi thơ. Ông viết từ nhu cầu của chính mình với tư cách là một nhà văn có khả năng chia sẻ lớn lao với tuổi trẻ bằng trải nghiệm của mình, phong cách viết của mình, ngôn ngữ của mình, và mong muốn của mình. Ông dành cuộc đời của mình viết cho tuổi nhỏ vì ông phát hiện ra mình có khả năng sống trong một tuổi thơ kéo dài bất tận, có trí nhớ “dai” đến từng chi tiết trong thời hoa niên của chính mình, biết cách kể lại chúng khéo đến mức mỗi đứa trẻ đều có thể nhận thấy mình trong đó: mình cũng cười thế, khóc thế, lo lắng thế, yêu ghét thế, và thất vọng cũng như thế. Cho dù mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, có một thế giới riêng mình, chúng vẫn có thể chia sẻ với nhau rất nhiều điều trong thế giới đó, có thể “mời” nhau bước vào thế giới của mình để tạo được sự đồng cảm tuổi thơ. Ở đây, “đứa trẻ” trong Nguyễn Nhật Ánh đã chia sẻ hết lòng thế giới của mình với những đứa trẻ – bạn đọc của ông, đã mời chúng bước vào thế giới Nguyễn Nhật Ánh.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Một nhà toán học nữ của Việt Nam, chị Phan Thị Hà Dương, bạn tôi, trên trang cá nhân của mình đã viết rằng đó là thế giới “trong lành, thân thương và hài hước dịu dàng”. Tôi xin phép được dẫn lại lời chị. Thật không khoa học khi trích dẫn lời một cá nhân trên facebook để chứng minh một luận điểm. Thế nhưng, lời nhận xét đầy hàm ơn đối với nhà văn từ một người mẹ khiến tôi rung động, không thể không nhắc tới ở đây, như một đồng cảm của những bậc phụ huynh quan sát con mình đọc Nguyễn Nhật Ánh mà tôi cũng là một trong đó. Chị viết: “Nhiều lúc mình thầm cảm ơn Nguyễn Nhật Ánh vì đã làm cho một cậu bé ương bướng, ra dáng chê phim và truyện Việt Nam – chỉ thích đọc truyện nước ngoài từ các chú nhóc (Nicolas, Manolito, Titeuf, Chú bé nhút nhát, Cedrix…) cho đến các loại trinh thám, phiêu lưu – đến một ngày lại say mê hết cuốn này đến cuốn khác của Nguyễn Nhật Ánh như vậy”.
Rõ ràng, nhu cầu chia sẻ, nhu cầu viết của nhà văn đã gặp được nhu cầu đọc và sống của độc giả, tạo nên một hiệu ứng mãnh liệt, giống như “chiếc ống sáo, sẵn sàng reo lên khi ngọn gió mùa hè thổi qua” (Tôi là Bêtô).
Nếu trước kia tôi nghĩ, mình đã hiểu Nguyễn Nhật Ánh, thì tại thời điểm đọc xong tạp vănThương nhớ Trà Long (NXB Trẻ, 2014), tôi đã đến với một khám phá mới về ông. Thương nhớ Trà Long không chỉ là miền kí ức giàu có của một người (theo cách nói của tác giả Nguyễn Ngọc Lan Chi, Báo Thanh Niên) mà những mẩu tạp văn nho nhỏ đầy ắp cảm xúc và suy ngẫm về cuộc đời ấy lại hé lộ “bí mật huyền ảo” về chặng đường viết của một người viết tưởng chừng đã được hiểu từ lâu. Thương nhớ Trà Long không viết cho trẻ nhỏ nhưng trong đó cứ bâng khuâng tha thẩn một hình ảnh cậu bé Nguyễn Nhật Ánh cũng đồng thời là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – không thể tách rời. Mẩu kí ức nào, dẫu là về mưa sớm mưa chiều, dẫu là về hoa phượng hay giọng nói thân thương của miền quê đất Quảng của ông, thì cũng gắn bó chặt chẽ với các tác phẩm ông viết từ trước tới nay. Các bạn nhỏ tôi quen là “fan” của ông cứ vừa đọc vừa “à” lên, tranh nhau nhắc đến những nhân vật cũ mà theo dòng kí ức của nhà văn, chúng được gặp lại. Một lần nữa điều này khẳng định suy nghĩ của tôi, rằng ông viết từ nhu cầu tự thân. Chính Nguyễn Nhật Ánh cũng từng nói: “Tuổi thơ đối với tôi là cả một thế giới đầy ám ảnh. Tôi luôn bắt gặp mình thổn thức khi nhớ về những ngày thơ ấu. Ấy là khi tôi nhận ra mình đã ở quá xa sân ga tuổi nhỏ. Tôi viết sách để kéo chúng gần lại” (Báo Tuổi trẻ cuối tuần, 2003).
Tuy nhiên, ông không minh họa cuộc sống mà xây dựng một thế giới riêng cho sáng tác của mình – không xa rời trải nghiệm nhưng cũng không chạy theo việc “tả thực” cuộc sống. Những câu chuyện hồn nhiên của tuổi thơ luôn gắn liền với một thái độ sống và viết. Ở đây, tôi muốn nói đến thái độ đối với cuộc sống, hiện thực trong sáng tác Nguyễn Nhật Ánh. Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng, Nguyễn Nhật Ánh “lọc cái đẹp để viết, chỉ viết về sự trong trẻo” được phát biểu trong hội thảo khoa học “Nguyễn Nhật Ánh – hành trình chinh phục tuổi thơ” (ngày 16/9/2015, Trung tâm ngôn ngữ và văn học – nghệ thuật trẻ em tổ chức). Trên thực tế, nhà văn không ngại nói đến cái xấu, cái dở, cái bất công; đối mặt với nỗi buồn, niềm thất vọng, sự chia li, mất mát, những day dứt mà đứa trẻ nào cũng có trong quá trình lớn; không né tránh bất kì điều gì đứa trẻ đang mở to mắt quan sát thế giới kia có thể thấy được. Ông cũng quyết liệt, một kiểu quyết liệt rất con trẻ – đòi hỏi công bằng, yêu ghét rành mạch – và có cách viết không hề sơ sài, đơn giản. Ví dụ như thế này: “Bạn cũng biết rồi đó, cái tên khi được cha mẹ đặt cho một cách ngẫu nhiên, nhưng chính cách sống của bạn đã không ngừng chưng cất cái tên của mình qua năm tháng, giúp cho nó tỏa hương. Lão Hiếng chắc cũng từng có một cái tên như những người khác. Nhưng tính cách của lão đã lấn át và nhuộm đen cái tên cha mẹ đặt cho lão và bằng cách đó, lão đã tẩy xóa cả lão lẫn cái tên của lão khỏi kí ức mọi người. Chúng tôi gọi lão Hiếng như gọi một thế lực, một hiểm họa hay một bệnh dịch chứ không như gọi một con người.” (Tôi là Bêtô) hoặc những nhận xét sắc lẻm của lũ chó con, lợn con, gà con về “ông an ninh, bà thuế vụ, ông du lịch”… trong Chúc một ngày tốt lành cho thấy ánh mắt nhìn cuộc đời thẳng thắn và đến là cương nghị của những đứa trẻ luôn quan sát thế giới mình đang sống.
Song, viết về tất cả những điều nói trên, ông lại dùng cái nhìn nhân hậu, ấm áp, bằng sự hài hước dí dỏm như là báu vật của tuổi thơ và cũng là tố chất của chính mình để chỉ ra một cách ứng xử đối với cuộc đời và giữa những con người. Sự chân thành, tử tế và cả lãng mạn vẫn là “vũ khí” tốt nhất đối phó với cái xấu, cái dở, cái bất công, cho ta sức mạnh trải qua mọi nỗi niềm tuổi trẻ. Đó cũng là thái độ mà ông không áp đặt, nhưng dường như ngầm muốn bạn đọc nhỏ tuổi của mình hướng tới. Đây là cách ông miêu tả những xáo trộn vui buồn đôi khi thật khó chịu đựng đối với một người trẻ: “Tôi buồn, dĩ nhiên. Nhưng đốm lửa hi vọng trong tôi chưa tắt hẳn. Nó vẫn cháy dù là leo lét, bản chất của tình yêu là hi vọng”, “Tâm hồn tôi ai vừa trang hoàng lại, để bên cạnh nỗi đau vơi kịp có nỗi vui đầy, để tiếng chuông mùa phục sinh reo leng keng trong ngực, suốt ba tháng phượng hồng không một bóng mây giăng. Chỉ có những ngày cuối cùng, mây mùa thu chớm vắt ngang cành phượng và trên những ngọn cây cao tiếng ve thi nhau khản giọng dần, tôi mới buồn chút chút…” (Mắt biếc)… Và những áng văn tả cảnh tả tình tuyệt vời, những câu thơ, những bài thơ nho nhỏ khéo léo gài trong tác phẩm gọi người ta về với sự bình yên trong trẻo, đứng lên từ những vấp ngã, hi vọng vào những tốt đẹp đang chờ đợi phía trước:
Khi mùa xuân tới
Tình anh lại đầy
Lá nằm trong lá
Tay nằm trong tay…
(Lá nằm trong lá).
Có lần, trong một bài viết cũ, tôi có nhắc đến những tác phẩm không dạy người ta sống tốt một cách trực diện mà nuôi dưỡng sự lãng mạn, niềm hi vọng… lại đặt nền móng cho sự tử tế trong tương lai một cách bền vững hơn rất nhiều. Dẫn dắt cảm xúc khó hơn là hướng dẫn hành vi, nhưng nếu làm được lại có thể vun đắp cho sự tinh tế, nhân văn của tâm hồn trẻ. Và Nguyễn Nhật Ánh cũng là một trong những nhà văn có thể làm được điều đó. Dễ hiểu vì sao, những lần nhà văn giao lưu tặng chữ kí với bạn đọc Thủ đô mấy năm gần đây, hàng người xếp hàng từ sáng sớm đến 13h trưa vẫn chờ đợi trong lịch sự, trật tự, nhẹ nhõm. Không ai chen hàng. Họ nhường nhau. Họ chia sẻ những đoạn trích nhớ được trong tác phẩm của nhà văn. Trong thời buổi trên báo chí, ai cũng la lên về những câu chuyện “vô văn hóa” của “người Việt xấu xí” thì đến với Nguyễn Nhật Ánh, sự tử tế lại bao trùm, khiến cuộc sống mới trở nên dễ sống làm sao!
Ngoài tất cả những gì một nhà văn viết cho thiếu nhi luôn dành cho bạn đọc nhỏ tuổi của mình như tình yêu, sự chia sẻ, sự tôn trọng, yêu mến, tôi nhận thấy qua các trang văn của ông một lòng tin. Nó cũng giống như lòng tin thầy hiệu trưởng dành cho cô bé Tốttôchan trongTốttôchan ngồi bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi): Với thầy, em luôn là một đứa bé ngoan. Nguyễn Nhật Ánh không chỉ tin vào góc tốt đẹp đang có trong đứa trẻ mà còn tin vào khả năng thấu hiểu của bạn đọc về những gì ông viết ra. Nó lại giống như lòng tin của chú bé Nguyễn Nhật Ánh đối với các bạn nhỏ đang sẵn sàng đón nhận câu chuyện – chú bé chia sẻ hết lòng, không giấu giếm, những tốt xấu, những sai lầm, những ngốc nghếch, ngây ngô, dại dột… đều được kể ra thật lòng. Trẻ em luôn nhạy cảm với lòng tin. Chúng chỉ tin khi cảm thấy được tin.
Và Nguyễn Nhật Ánh đã khiến bạn đọc tin vào điều gì? – Vào chính mình. Vào những gì mình đang có. Một bạn trẻ ở công ti phần mềm Tinh Vân kể cho tôi nghe kỉ niệm anh có với cuốn Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh. Anh nói: “Khi tôi đọc cuốn sách đó, tình yêu giữa Ngạn và Hà Lan, tình cảm giữa Ngạn và Trà Long khiến tôi lần đầu tiên thấy rung động đến thế. Bấy giờ tôi mới hiểu, hóa ra mình đang yêu. Và tôi đã bắt đầu yêu. Năm đó tôi học lớp 11”…
Hóa ra, tất cả đã có sẵn đây rồi, nhà văn chỉ làm một việc là “gợi” cho bạn đọc nhìn ra điều đó bằng câu chuyện mình kể. Ông kích thích “năng lực rung động” (theo cách nói của nhà giáo Phạm Toàn) của mỗi người, đặc biệt là người trẻ, khiến họ nhận ra những cảm tình nho nhỏ giữa bạn trai bạn gái, như “làn gió mát khẽ len vào hồn”, nhận ra cả nỗi buồn kì lạ mà ông gọi là “nỗi buồn rứt tóc”, nhận ra cảm giác yên tĩnh vắng lặng giữa cuộc đời đang hồn nhiên rộn rã, khi “tiếng chim lảnh lót thế mà thấy lòng mình vô cùng tịch mịch”, những xốn xang khó hiểu không thể gọi được tên, khi “gió mùa hè đang kéo về chật vườn và lòng bỗng nhiên ngập đầy lá rụng”… (Bảy bước tới mùa hè).
Nói cách khác, ông không cố tình “chinh phục tuổi thơ”, mà đơn giản là ông và người đọc nhỏ tuổi các thế hệ đang đồng hành cùng nhau, thân ái mời nhau bước vào thế giới của mình, để rồi, với tư cách là một nhà văn, ông khiến cho người đọc nhận ra vẻ đẹp của thế giới mà mình sở hữu, cái lấp lánh của chính tâm hồn mình, cảm xúc của mình. Giống như trong Bảy bước tới mùa hè, những cảm xúc đẹp đẽ trong các nhân vật vẫn luôn có, chỉ cần một cú hích là chúng rung lên, khiến bọn trẻ ngỡ ngàng nhận ra mình, nhận ra nhau.
Nhà văn có những nguyên tắc và quan niệm riêng về nghề viết. Ở đây, tôi khâm phục sự kiên nhẫn của Nguyễn Nhật Ánh trước thách thức của thời đại văn hóa thính thị – công nghệ. Trong khi tất cả đang có xu hướng ngắn gọn hóa mọi thứ, “tăng tốc”, nhà văn vẫn ung dung viết những câu văn mẫu mực, không cụt gãy, đầy đủ chủ – vị, đôi lúc dàn trải, có vẻ như… không hiện đại. Thế mà bọn trẻ vẫn đọc, vẫn thuộc ông. Cho thấy một nhu cầu đang được đáp ứng – nhu cầu trải lòng và lắng nghe trải lòng. Nếu chỉ đọc Nguyễn Nhật Ánh một cách hời hợt, dễ nghĩ, câu chuyện nào cũng những vui buồn yêu thương như thế, viết mãi viết hoài, vẫn cười khúc khích, vẫn khóc rưng rưng, có gì mới đâu?! Có cảm tưởng người đọc sau trăm năm nữa vẫn sẽ có được một Nguyễn Nhật Ánh đồng hành với kí ức tuổi thơ của mình như thế này mà thôi! Một lần tôi đã viết: “Nguyễn Nhật Ánh vẫn thế, với Lá nằm trong lá” khi cuốn sách Lá nằm trong lá vừa ra đời. Đương nhiên, tôi viết vậy với hàm ý nhà văn mãi mãi đồng hành với tuổi thơ, vẫn chỉ từng đó thôi mà không thể không đọc. Ngay sau đó, tôi nhận được thư của bạn đọc, một bạn đọc lớn tuổi, gần như mắng mỏ thậm tệ, rằng Nguyễn Nhật Ánh luôn mới, chỉ có tôi không chịu đọc ông kĩ mà thôi. Sau một thời gian đọc lại và đọc thêm, cho đến Bảy bước tới mùa hè, thì tôi hiểu, độc giả mắng tôi rất đúng. Nỗi buồn, niềm vui, tình bạn, tình yêu… của thờiBàn có năm chỗ ngồi, Mắt biếc… so với Chúc một ngày tốt lành, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Ngồi khóc trên cây, Bảy bước tới mùa hè đã không còn “vẫn thế” nữa. Nguyễn Nhật Ánh luôn tìm nhiều cách diễn đạt mới, và tiến hành các thử nghiệm nho nhỏ, tuy khá thận trọng. Các tác phẩm gần đây ẩn dụ nhiều hơn, chiêm nghiệm nhiều hơn dù vẫn giữ cách viết hài hước, trong sáng. Có tác phẩm tả cảnh, tả thiên nhiên thật nhiều, đậm đặc, hẳn cũng có một dụng ý thử nghiệm (Ngồi khóc trên cây). Câu chuyện của loài vật (Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ và Chúc một ngày tốt lành) nhưng không phải là truyện đồng thoại, không giống tâm thế viết từ góc nhìn chú chó Bêtô… cũng là một thử nghiệm nho nhỏ và được độc giả đón nhận nhiệt tình.
Tất nhiên rồi, công cuộc làm mới mình luôn là một quá trình không đơn giản, thậm chí đầy day dứt, nhưng không dễ mà “kể lể hay khoe ra”. Một người viết miệt mài viết, tự đặt ra cho mình “kỉ luật viết” hàng ngày để có thể năm nào cũng tặng bạn đọc ít nhất một tác phẩm, không thể không trăn trở về nghề, để mình không cùn mòn đi trong thế giới mình đã xây dựng. Hơn thế nữa, đó là trách nhiệm của một nhà văn gắn bó và có ảnh hưởng tới thế hệ người đọc mới của nền văn học nước nhà. Nhà văn chỉ có thể làm được điều đó khi tin vào bạn đọc của mình. Mà ở Nguyễn Nhật Ánh, như tôi đã nói ở trên, lòng tin ấy thật nồng nhiệt, trọn vẹn
Theo Thụy Anh – Văn nghệ quân đội