Sáng ngày 6/3/2014, rất nhiều bạn đọc có mặt tại tiệm sách Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh (số 8BC Lương Hữu Khánh, Q. 1, TP. HCM) để nhận được chữ kí của nhà văn trên cuốn truyện dài “Chúc một ngày tốt lành”. Nhiều bạn đọc yêu mến văn phong Nguyễn Nhật Ánh không chỉ mua sách mà còn mua áo thun và túi xách thiết kế dựa theo nội dung sách này. Chỉ trong vòng một buổi sáng, gần 1.000 bản “Chúc một ngày tốt lành” đã được bán ra tại đây. Cùng với những hình ảnh ghi lại buổi phát hành đặc biệt này, VanVN.Net xin trích giới thiệu 2 phân đoạn trong chương III: “Cứ gõ, cửa sẽ mở” của thiên truyện vừa dí dỏm vừa thơ mộng này.

Tiệm nhỏ, khánh đông, “Chúc một ngày tốt lành” phải bày bán bên ngoài cửa tiệm.

Những người đã mua được sách kiên nhẫn xếp  hàng chờ tới lượt xin chữ kí tác giả.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kí tặng bạn đọc


CHÚC MỘT NGÀY TỐT LÀNH

(Trích)

23

Lọ Nồi thừ mặt ra mất một lúc. Từ trước tới nay, nó chẳng bao giờ quan tâm đến tên của mình. Cậu chủ đặt tên gì, nó vui vẻ chấp nhận tên đó, không hề nghĩ ngợi.

Nhưng bây giờ thì nó đau khổ phát hiện ra nó đang sở hữu một cái tên quá xấu xí. Tên Lọ Nồi đứng cạnh tên Đeo Nơ chẳng khác nào một kẻ bần hàn thô lỗ đứng cạnh một tiểu thư quý phái thanh cao.

– Tôi tên là… là… – Lọ Nồi lắp bắp, cái lưỡi như thụt đi đâu mất.

– Bạn sao thế? – Đeo Nơ chớp đôi mi dài óng ả, sửng sốt – Tên bạn mà bạn cũng không nhớ à?

– Nhớ chứ! – Lọ Nồi quyết định nói dối – Tôi tên là… là… Nắng Vàng.

– Ôi, tên bạn thật là thơ mộng! – Đeo Nơ reo lên.

Cánh mũi Lọ Nồi phập phồng vì sung sướng:

– Chiếp chiếp gô!

– Sao ạ? – Đeo Nơ nhướn mắt, hôm nay người bạn mới làm nó kinh ngạc không biết bao nhiêu là lần.

Lần thứ hai trong vòng năm phút Lọ Nồi nhận ra sai lầm của mình. Nó cào chân lên cỏ, lúng túng:

– À… à… tôi muốn nói là… tôi cảm ơn lời khen của bạn.

Lọ Nồi là một chú heo nghịch ngợm nhưng chân thật. Xưa nay nó chưa bao giờ nói dối. Đây là lần đầu tiên, và nó không ngờ nói dối lại hay ho đến thế.

Đang lâng lâng, nó chợt lạnh toát sống lưng khi nghe tiếng cậu chủ gióng giả vẳng tới từ phía sau:

– Lọ Nồi ới ời! Mày đang ở đâu thế?

Thằng Cu vừa gọi vừa khua chân dọc cánh đồng cỏ, chốc chốc lại khum tay lên miệng gọi lớn:

– Lọ Nồi ơi! Lọ Nồi à?

Nhìn người bạn mới cựa quậy vẻ bồn chồn, Đeo Nơ tò mò:

– Cậu chủ của bạn đang tìm bạn phải không?

– Ờ.

– Thế ra bạn tên là Lọ Nồi? – Nàng heo ngẩn ra.

– Ờ… ờ…

Lọ Nồi ngọng nghịu, hai tai thốt nhiên nóng bừng, trong khoảnh khắc đó nó ước giá mà nó có thể hóa thành vô hình.

Lúc này thằng Cu vừa đến chỗ hàng giậu và đã nhìn thấy chú heo của mình:

– À, thì ra mày ở đây!

Lọ Nồi chộp ngay lấy vận may. Nó ủn ỉn ý nói “tôi đây” và hấp tấp chạy lại phía cậu chủ.

Cậu chủ sẽ lùa nó về nhà, sẽ kéo nó ra khỏi tình huống tồi tệ nhất nó từng gặp phải trong đời.

Khi nhủ bụng như vậy, Lọ Nồi không ngờ chủ nó cứ neo chân tại chỗ, mắt nhìn chăm chăm vào khu vườn.

Cái mỏ neo có hình thù một cô bé mười hai tuổi, tóc ngắn ngang vai, mặc áo màu nõn chuối đang bước ra từ ngách cửa phủ đầy hoa giấy đỏ tươi.

– Em đang làm gì đó, Đeo Nơ? – Cô bé reo lên khi nhìn thấy Đeo Nơ cạnh hàng rào.

Đang bước thoăn thoắt về phía nàng heo, cô nhác thấy bóng người thấp thoáng bên kia hàng giậu, liền đứng lại:

– Ai đang thập thò ngoài đó? Tính ăn trộm gì nhà tôi phải không?

Thằng Cu như người bị giội nước lạnh. Đang ở trên mây, nó rơi một lèo xuống đất (còn lăn thêm vài vòng), trong một thoáng nó bỗng ngọng líu lo y như con heo của mình:

– Ơ… ơ…

– “Ơ” gì mà “ơ”!

Cô bé vừa nói vừa tiến lại phía hàng rào.

– A, tôi biết anh rồi! Anh là anh Cu, con bác Đỏ.

Nếu thằng Lọ Nồi xấu hổ về cái tên của mình như thế nào thì chủ của nó còn xấu hổ về cái tên của mình gấp mười lần hơn thế.

Thằng Cu ấp úng, mặt đỏ nhừ:

– Đó là tên mẹ tôi gọi ở nhà, còn tên đi học…

Cô bé có vẻ thờ ơ với cái tên trên giấy tờ của thằng Cu. Nó ngắt lời:

– Các vật nuôi nhà anh không còn con này kêu tiếng con kia nữa à?

– Ờ.

Thằng Cu ngượng nghịu đáp, vẫn chưa nhận ra cô bé trước mặt là ai.

Nó chẳng lạ gì nhà bà Tươi. Bà Tươi sống bằng nghề nuôi bò cày để cho thuê. Bà không có con, trong nhà quanh quẩn chỉ hai vợ chồng, không hiểu cô bé này ở đâu ra.

Như đọc được thắc mắc qua vẻ lóng ngóng của người bạn mới, cô bé nhoẻn miệng cười:

– Tôi là Hà, cháu bác Tươi.

– Chắc bạn ở thành phố về nghỉ hè?

Thằng Cu ngập ngừng hỏi, nó nghĩ chỉ có con gái thành phố mới trắng trẻo và mồm miệng nhanh nhẩu như thế.

Nhỏ Hà gật đầu, không nói đúng hay sai, chỉ hỏi:

– Anh đi đâu đây?

– Tôi đi tìm con heo bị sổng sáng nay.

Thằng Cu đinh ninh nhỏ Hà sẽ hỏi han con heo đó trông như thế nào, anh đã tìm được chưa hay điều gì đại loại như vậy hoặc hơn vậy (ví dụ “để tôi đi tìm cùng anh nhé”), nào ngờ cô bé nhún vai:

– Vậy anh Cu đi tìm đi nhé!

Nhỏ Hà buông một câu hờ hững, rồi cúi xuống âu yếm gãi lên lưng con Đeo Nơ:

– Trời nắng rồi đó, vào nhà đi em!

24

Thằng Cu buồn lắm. Hụt hẫng nữa.

Nó có cảm giác nhỏ Hà không hứng thú trò chuyện với nó.

Nó cũng ngạc nhiên về mình nữa. Hôm nay nó thấy nó làm sao ấy! Nó có khối bạn gái trong làng. Nhưng chẳng bao giờ nó bận tâm các con nhỏ đó có thích trò chuyện với nó hay không.

Thế mà sáng nay một con nhỏ lạ hoắc lại khiến lòng nó gầm lên giận hờn, rồi dịu xuống thành những tiếng thở than. Hay là tại cái tên của mình nhỉ? Trong làng chẳng thiếu gì đứa tên Cu: Cu Tí, Cu Tèo… Nhưng khi lớn lên, chẳng ai gọi chúng bằng cái tên hồi bé nữa. Ờ, lớn lên thì mọi thứ phải khác đi. Thằng Cu Tí thành thằng Hùng. Thằng Cu Tèo thành thằng Hải. Chỉ có nó, đã mười ba tuổi rồi mà ngày nào cũng nghe mẹ nó oang oang “Cu ơi, Cu à”. Rồi cả làng cũng gọi thế.

Trước đây thì nó chẳng thấy phiền lòng. Chỉ có hôm nay đi lùng con heo con bất ngờ gặp nhỏ Hà, nó mới cảm thấy cái tên của nó thật bất tiện.

Thằng Cu vừa lê bước vừa nghĩ, rất giống con heo của mình.

Vì thằng Lọ Nồi, đang lếch thếch theo chân chủ, cũng đang nghĩ về cái tên của nó y như thế.

Hai chủ tớ lặng thinh trên đường về, lòng đầy tâm trạng, đã thấy hương cỏ ban trưa phảng phất buồn.

Sau lần đó, bà Đỏ bảo thằng Cu thay cây cọc cũ bị mục chỗ chân rào để heo khỏi sổng ra ngoài.

Kể từ hôm thằng Cu tuân lời mẹ nêm chặt lối ra vào bí mật, Lọ Nồi – kẻ đầu têu những trò nghịch ngợm trong bầy – bỗng hóa thành một chàng heo đăm chiêu. Nó ít đùa giỡn với bọn nhóc hơn. Bây giờ đám vật nuôi hay bắt gặp nó nằm mọp hàng giờ bên hàng giậu tư lự nhìn ra ngoài.

– Có gì ngoài đó mà nhìn hoài vậy anh? – Một hôm không nén được thắc mắc, Đuôi Xoăn mon men lại gần ngập ngừng hỏi.

– Ngoài đó có nhiều thứ hay lắm. – Lọ Nồi khụt khịt đáp, vẫn không nhấc mình lên khỏi nỗi buồn – Hôm trước tao đã lẻn ra đó một lần.

Đuôi Xoăn rúc đầu vào đám lá, nheo mắt nhìn:

– Em thấy ngoài kia cũng giống như trong này thôi. Cũng cỏ cây. Những bông hoa, và những con chim.

Lọ Nồi chưa kịp nói, thằng cún Mõm Ngắn đã nhô đầu ra từ phía sau Đuôi Xoăn:

– Bãi cỏ bên ngoài rộng lắm, thầy. Mình tha hồ chạy từ đầu này sang đầu nọ mà không phải tránh bất cứ thứ gì.

– Ừ, thế thì thích thật. – Lần đầu tiên thằng Đuôi Xoăn khen tên đệ tử. So với cuộc sống quanh quẩn của loài heo, bọn cún xưa nay vẫn phiêu lưu bên ngoài hàng rào mà chẳng bị ai cấm cản.

Lọ Nồi cựa mình trên chỗ nằm. Nó ngước cổ định hét lên “Không phải thế! Điều đáng yêu nhất ngoài kia không phải là bãi cỏ!” nhưng đến phút chót nó thấy ngường ngượng thế nào, lại nằm im. Bãi cỏ tất nhiên là hay, hương thơm của nó rõ ràng ngào ngạt hơn trong này, ít ra là vì nó không trộn lẫn với mùi… phân heo. Nhưng với Lọ Nồi, điều quyến rũ nhất ở bên kia hàng rào là nàng tiểu thư Đeo Nơ trong vườn nhà bà Tươi.

Lọ Nồi không biết Đeo Nơ lúc này có nhớ đến nó như nó đang nhớ đến nàng không. Và nếu nhớ thì nàng nhớ những gì. Chắc nàng sẽ nhớ đến cái tên Nắng Vàng. Nàng sẽ nhớ nó là chúa xạo ke.

Lọ Nồi buồn lắm, nhưng nó không trách nàng. Nghĩ đến Đeo Nơ, đến thân hình thon thả và dáng đi uyển chuyển của nàng, lòng nó chỉ dậy lên một niềm trìu mến. Đột nhiên nó lẩm bẩm, tin rằng ở tít đằng kia nàng sẽ nghe thấy:

Ăng gô gô!

– Thấy chưa, nó “Chúc một ngày tốt lành” đó!

Có tiếng nói bên kia dãy lá.

Lọ Nồi bật ngay dậy khỏi chỗ nằm, mắt láo liên. Cả thằng Đuôi Xoăn cũng quay đầu nhìn dáo dác.

Mõm Ngắn thì thầm:

– Em phát hiện ra bọn họ từ nãy, thưa thầy.

Lố nhố bóng người bên ngoài hàng giậu.

– Họ là ai thế?

Mõm Ngắn làm một động tác mơ hồ (nếu nó không phải là một con cún thì rất có thể chúng ta nhìn thấy nó đang rụt cổ):

– Các nhà báo hôm nọ.

(còn tiếp)