Lần đầu tiên “Đẹp +…” phá lệ: một nhân vật văn học, và là một người “vừa xa vừa gần và… vừa phải” – đúng như nhân vật tự họa. Một khoảng lặng khiến Đẹp bỗng muốn khác đi, sau một năm “mệt nhoài” chạy theo showbiz!

Đời tôi tẻ nhạt lắm, chẳng có gì mà rêu rao

* Nguyễn Ngọc Tư đã khác, đó là cảm nhận khi đọc “Sông”. Cảm nhận đó ở bạn đọc sẽ khiến Tư vui hay… giật mình?

– Tôi không vui cũng không giật mình. Ngay khi chưa bắt tay vào viết, tôi đã biết mình sẽ khác. Và điều đó hoàn toàn tự nhiên, như một nếp nhăn mới xuất hiện, một vài sợi tóc bạc đi vậy. Tôi thản nhiên khác như thản nhiên đón tuổi tác đến với mình.

* Tư nghĩ, cái khác đáng kể nhất ở đây là gì? Có đúng là Tư đã “ranh ma” hơn không, trong chuyện… bán sách, khi biết cài cắm rất khéo mấy chuyện “thời thượng”: phượt, đồng tính, “chủ nghĩa biến mất”…?

– Tôi có một câu chuyện và sẽ tìm mọi cách, mọi chi tiết để phục vụ cho câu chuyện đó. Chúng có thể là gì thì tùy vào nhu cầu của câu chuyện. Tôi không quan tâm chuyện gì khác, kể cả bán sách. Và nếu chỉ cần bán sách thôi thì tôi sẽ viết truyện ngôn tình, nghe nói đang bán chạy lắm. Hoặc viết kịch bản phim truyền hình, cũng là nghe nói, được rất nhiều tiền. Thật ra, bạn đọc tinh ý lắm, giật gân câu khách họ nhận ra ngay, và tôi không chỉ muốn bán một cuốn rồi nghỉ. Tôi khác vì tôi đi, thay vì ngồi lì nhấm nháp vinh quang cũ. Tôi tin có đỉnh núi khác đang chờ mình, và chỗ cũ không phải là nơi cao nhất.


* Showbiz Việt không thiếu những câu chuyện theo kiểu “một người đồng tính, cả họ được nhờ”. Bạn có dị ứng những cuộc “rêu rao đời mình” này không?

– Không, tôi không quan tâm. Mỗi người có một cách sống, cách hành xử mà họ cho là đúng đắn. Tôi nghĩ người trong giới giải trí sống với nhiều gương mặt, và ta chỉ thấy cái gương mặt mà họ muốn cho ta thấy. Chính vì vậy, thay vì yêu ghét hay để ý hay gièm xiểm, tôi lơ luôn.

* Hay viết văn, ít nhiều cũng là một cuộc “rêu rao đời mình”?

– Tôi không nghĩ vậy. Ấy là mổ xẻ nỗi đau của thiên hạ. Sự thật thì đời tôi tẻ nhạt lắm, chẳng có gì để rêu rao. Cho nên tôi giấu mình hết mức có thể. Hoàn toàn không có chuyện văn là người, với tôi.

* Hiện tại, đã có ai đặt vấn đề chuyển thể tác phẩm mới nhất của bạn chưa? Tôi nghe nói rằng bạn đã không thực sự hài lòng với “Cánh đồng bất tận” – cả phiên bản phim lẫn kịch?

– Tôi không khen ngợi không có nghĩa không hài lòng. Với tôi, phim và kịch là thứ ngoại thân. Nó đã có một đời sống khác, một vóc hình khác. Nó trông giống tác phẩm của tôi thôi. Và nếu để tâm quá nhiều vào chuyện đó, tôi đã không còn thời gian để làm cái mới. Khi làm việc với những nhà làm phim, tôi hay bảo mấy anh cứ sáng tạo tùy thích, không vì mấy anh làm dở mà tác phẩm của tôi tệ.

* Nhân vật nào trong phim “Cánh đồng bất tận” là gần với hình dung của bạn hơn cả?

– Không có. Tôi mường tượng có một vài con vịt đi lại lạch bạch trong phim, mắt trong và chiếc mỏ vàng, biết rúc mỏ vào những nhân vật đáng thương khi họ nằm đau. Một con vật biết an ủi những tổn thương của người. Nhưng Nương, cô bé đó cũng được.

Chỉ hoạt hình là coi hoài không chán

* Một bộ phim thế nào thì chinh phục được bạn?

– Tôi thích nhiều phim hoạt hình, và chỉ hoạt hình thì coi hoài không chán. Sức tưởng tượng vượt ranh giới, vô tận của họ làm tôi nể. Nói chung tôi hay kính trọng người có những khả năng mà tôi thấy mình dở ẹc. Là một người viết, tôi khá vất vả khi chọn một điểm nhìn, một giọng kể cho câu chuyện của mình… và tôi luôn tìm được cách nhờ vào các bộ phim. Nhân tiện, nhiều khi tôi thích phim của Kim Ki Duk.

* Vì sao những con sông luôn là sự ám ảnh?

– Hồi nhỏ tôi sống ở nhà ngoại. Ký ức về sông Rạch Rập trước nhà luôn mang một vẻ buồn thẳm suốt. Sông buồn đến có thể ngửi được, khi ngồi ngoài bến. Một dòng sông lẻ, chảy hiền, dáng vẻ hơi hiu quạnh như thể ở bên rìa đời, không nhiều người biết, không nhiều người lại qua nhưng nó vẫn sống tất tả một đời sông. À, đoạn trên là tôi trích trong một tạp văn của mình. Ở cái xứ sở mở mắt ra, quay mặt vào đâu cũng thấy sông, không chiêm nghiệm về nó cũng không được…

* Cảm giác nào là khó khăn hơn với bạn: trôi (vô định), vượt sông (để tới bờ bên kia)?

– Trôi. Tôi sợ sự vô định. Có một mục tiêu để hướng tới vẫn tốt hơn. Nên tôi thường hay hứa hẹn với mình, cứ viết cái này xong đi rồi đi chơi. Công việc trở nên hiệu quả hẳn.

* Viết khác có vẻ như không khó đối với Tư? Vậy còn sống khác?

– Nếu muốn thì sẽ được, tôi nghĩ vậy. Vấn đề là tôi không muốn. Mà tại sao phải sống khác khi tôi đã làm việc đó trên từng trang viết của mình rồi? Đôi khi, nó còn làm mình mệt nhoài vì phải trải qua nhiều đời sống quá.

* Vì sao gần đây bạn hay “cấp visa” cho nhân vật của bạn bỏ đi vậy, thay vì cam phận ngồi nhìn nước trôi  như trước?

– “Biến mất” chắc gì đã được “tìm thấy”? Nếu không ai tìm thấy họ, thì bản thân họ sẽ tìm thấy được điều gì đó, trong việc ra đi. Cứ đi, sẽ nhặt được vàng trong đá sỏi, quan niệm của tôi về văn chương cũng vậy. Cứ viết những gì mình muốn, những xúc động chân thành, sẽ có người hiểu mình, đón nhận mình. Tôi nghĩ việc ngồi lì và chờ đợi là một hành vi tiêu cực.

* Trong nghiệp viết, có lúc nào Tư chủ trương “biến mất để được tìm thấy” không?

– Không. Con chữ là cái giống hay bạc, mình giả bộ bỏ đi, nó tưởng thật, bèn trở mặt là mình chết ngắc. Một phần, tôi không tin khi mình biến mất sẽ có ai đó đi tìm. Vấn đề ở chỗ đó, nếu không có ai thì biến mất chi cho… mất công.

* Nguồn cơn của những nỗi buồn ở Tư đến từ đâu? Nó là từ cảnh sắc vùng sông nước hay nỗi niềm nhân tình thế thái?

– Ôi, giá mà biết được thì tôi đâu có buồn! Bọn viết lách cứ vẩn vơ vô cớ vậy. Ở đâu đó từ trong gan ruột. Ở đâu đó trong từng tế bào. Tôi thích công nghệ, và nhiều khi phải cày bài cho báo khá vất vả để mua được món mình thích. Khi có được nó, tôi vui được xíu rồi tắt lịm. Hóa ra cái cảm giác có được một thứ gì đó, nó lạt lẽo vậy sao? In một cuốn sách cũng vậy, vui nhất vẫn là lúc chuẩn bị in, sau đó cầm sách mới trên tay mà thấy trống rỗng. Tôi nghĩ, mình buồn vì nhận ra mọi thứ thật vô nghĩa.

* Nếu có độc giả cho rằng nỗi buồn là sự… “làm phiền”, giữa một đời sống đã có quá nhiều lo toan phiền muộn, Tư có thấy… áy náy?

– Không, tôi nghĩ cái gì tồn tại đều có lý của nó cả. Nỗi buồn cũng vậy. Nhưng khi thấy buồn quá, tôi hay xem phim buồn, nghe nhạc buồn… cho thấu đáy, cho bão hòa với nỗi buồn thiên hạ. Đây gọi là lấy độc trị độc, nhưng tôi không khuyến khích bạn đọc làm theo, nó còn tùy vào sức chống trả của mỗi người.

* Những người như thế nào thì nên đọc văn của Tư? Và người nào thì nên “chống chỉ định”?

– Tôi nghĩ ai đọc cũng được, nhưng trẻ con thì không nên. Trẻ con sẽ không hiểu vì sao người lớn buồn bã vậy. Giống như mình hồi mười lăm tuổi không nghe nổi một bản nhạc nào của Trịnh Công Sơn, ngoài “Em là hoa hồng nhỏ”. Tôi nghĩ có những thứ phải đến một độ tuổi nào đó, một trải nghiệm nào đó thì mới thấu hiểu được.

Sẽ có lúc nhổ neo, sống rày đây mai đó…

* Ở nơi Tư sống, làm một người tốt có… dễ hơn những “chốn bon chen” không? Và đó có phải là một trong những lý do Tư không muốn rời nó?

– Làm người tốt rất khó, dù là sống ở đâu. Tôi không nghĩ đô thị làm người ta xấu đi. Tôi chọn tĩnh lặng, vì vậy, tôi ở lại. Ở đây, tôi tránh được những thị phi, đàn đúm… mà tôi nghĩ chúng chẳng có ích gì cho công việc viết văn.

* Hãy tưởng tượng có một ngày cô nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ nhổ neo khỏi Cà Mau và về Tp.HCM lập nghiệp. Nơi phồn hoa đô hội có thể làm được gì cô ấy nhỉ?

– Chỉ là giả thuyết thôi mà nghe sợ quá. Nhưng nó chỉ là giả thuyết thôi. Tôi vẫn thường nghĩ đến một lúc nào cũng sẽ nhổ neo, nhưng sống rày đây mai đó. Chờ các con tôi đủ lớn và có thể tự lo liệu cho cuộc đời của chúng.

* “Cơm áo (đã bao giờ) đùa với khách thơ” chưa? Và cách Tư “liệu cơm gắp mắm”?

– Tôi từng vật vã 10 năm trời cho việc viết để kiếm tiền. Giờ thì thôi rồi. Nhưng nhìn lại cái quãng đời đó tôi không nhớ mình đã kiếm được bao nhiêu, chỉ biết in được chừng chục cuốn sách. Đó mới là những gì còn lại, của mười năm.

* Kiếm tiền hay tiêu tiền thường làm Tư phải đau đầu hơn?

– Gì cũng được, nghe nói tới tiền là nghe mệt nhoài rồi.

* Nếu có được một công việc khác kiếm tiền tốt hơn, bạn có dám từ bỏ nghề viết?

– Có thể. Nhưng nghề có từ bỏ tôi không? Làm gì có loại công việc nào khiến tôi có thể tiêu tán hết những ý tưởng đầy ứ trong đầu?

* Thường bạn ngồi vào bàn viết khi có hứng hay coi nó như một việc làm thường ngày ở một người sống bằng nghề viết?

– Tôi thất thường, nên có khi ngày nào cũng ngồi viết được, có khi cả tháng chỉ xem phim mà không thèm viết chữ nào. Thật ra, phải có áp lực nào đó thì tôi mới có thể làm việc tập trung. Cá cược với người bạn là sẽ hoàn thành cuốn sách này trong năm, hay là những tờ báo quen kêu réo, hay cần tiền mua cái máy ảnh đời mới nhất… thí dụ vậy. Và tôi buộc phải siêng.

Nó ít nói và hay vác ba lô đi bụi

* Làm một nhà văn hay làm vợ, làm mẹ là trải nghiệm “tiêu tốn cảm xúc” của bạn nhất?

– Viết văn. Chơi với con không làm cho tôi mệt lử và đôi lúc thấy mình kiệt quệ. Chơi với con thì đơn giản lắm.

* Nguyễn Ngọc Tư là một người vợ thế nào nhỉ? Cô ấy có dễ bảo không? Sự “nổi loạn”, nếu có, thì thường là gì?

– Nó ít nói và hay vác ba lô đi bụi, mỗi tháng chừng vài ba ngày. Nó cố giữ cho hai bữa cơm tươm tất và nhà không đóng dày bụi. Nó không cãi vã vì đúng là chẳng có việc gì để cãi. Vừa xa vừa gần, và vừa… phải.

* Bằng những trang văn, nhiều năm qua, bạn như đã làm thay công việc của một “hướng dẫn viên du lịch” miền sông nước. Vậy, nếu nghĩ một câu slogan cho du lịch miền Tây, bạn cần đến mấy từ, và nó là…?

– Thôi, vụ đó tôi không hơi sức đâu mà tranh việc với mấy ông làm du lịch. Nhưng tôi sẽ nhắn mấy ổng là làm gì thì làm, cứ để cho mọi thứ tự nhiên.

* Nếu Cà Mau thiếu Ngọc Tư, thì sẽ thiếu đi cái gì?


– Chợ thiếu một con đàn bà sáng sáng xách xe chạy đi mua cá. Quán cà phê ở Hội Văn học Nghệ thuật thiếu một khách hay ghé qua uống sữa đậu nành bỏ thêm một tí cà phê. Hàng xóm thấy thiếu hình ảnh một con nhỏ chiều nào cũng ra sân bưng tô cơm đút cho con ăn. Những con đường trong khu phố thiếu một đứa tối nào cũng đi bộ. Là tôi nói vui thôi, có lẽ chẳng ai thấy thiếu gì, không mợ chợ vẫn đông mà.

* Ngược lại, nếu Ngọc Tư thiếu Cà Mau?

– À, cái này thì phải thiếu thì mới biết được. Dịp đó còn xa…

Tôi thấy ở mình gì cũng được

* Cách nào để bạn làm dày vốn sống của mình: Đi? Internet? Hay còn quan trọng hơn vốn sống, là sự tưởng tượng?

– Đi chỉ để tránh cảm giác tù đọng. Internet chỉ là một loại phương tiện giao tiếp. Vốn sống là thứ gì đó hơi khó nắm bắt, vì tôi đã thấy nhiều đồng nghiệp sống rất dữ dội, nhưng không thể chuyển tải cái đời sống dày khự đó lên trang viết. Và tôi cũng thấy có anh ngồi một chỗ, chẳng xê dịch đi đâu, xa lạ với thế giới mạng, nhưng viết khỏe re. Nhưng chỉ tưởng tượng thôi thì chưa đủ, nếu xa lạ với đời sống.

* Ai đã đặt tên cho bạn thế, với hàm ý gì?

– Hồi đầu chỉ để cho má gọi và tôi nói dạ, con đang trên cây khế đây má. Bây giờ thì để nhân viên điện lực gọi để thu tiền… điện. Một cái tên chỉ là một cái tên, gọi lên để phân biệt tôi và người khác. Và tôi thích vậy, chẳng nên gửi gắm, kỳ vọng gì qua nó.

* Điều ý nghĩa nhất bố mẹ bạn để lại cho bạn là gì?

– Là chính tôi.

* Hạnh phúc của bạn, cùng những lựa chọn đời thường của bạn được mọi người gọi tên bằng hai từ “giản dị”, bạn có thấy thế? Hay phải là một từ khác mới đúng?

– Từ “giản dị” thì hơi… sang quá. Tôi nghĩ mình đơn giản đến mức hơi bất cần. Cái ăn cái mặc, cho đến phương tiện đi đứng, với tôi sao cũng được. Vì vậy mà mỗi khi máy bay “delay” hoặc xe khách nằm đường, tôi không thèm nhăn mặt.

* Điều gì bạn hài lòng nhất ở bản thân? Ngược lại, điều khó chịu nhất?

– Tôi thấy ở mình gì cũng được. Cả nỗi buồn, cả sự yếm thế bi quan. Mọi thứ đều hợp nhau. Giống như mũi này mắt này thì hài hòa với nước da đen này…

* Đến đây, tôi bỗng muốn biết bạn yêu nhất cái gì trên gương mặt mình: nụ cười hiền, cái đuôi mắt biết cười, hay cái giọng nói đậm màu sông nước…?

– Tôi yêu cái đầu của mình nhất. Còn mặt mũi vóc dáng tôi chắc bạn nên đi hỏi… đàn ông. Nếu tôi yêu chúng thì tôi đã son phấn váy áo, và soi gương ít nhất bốn giờ đồng hồ mỗi ngày. Nhưng nói thế không có nghĩa là ghét chúng. Tôi xem mắt mũi mình, giọng nói của mình là những thứ tự nhiên, để tâm yêu ghét thì chẳng thay đổi được, rồi chúng sẽ tàn phai thôi…

* Sau “cánh đồng” và “sông”, tới đây bạn muốn đi đâu? Và nếu như khán giả còn ngồi lại, chỉ vì quá yêu “Cánh đồng bất tận”?

– Sau “Sông” là “Đất”. Tôi tin là còn đỉnh khác, một chỗ ngồi khác mát lành hơn. Vì vậy mà tôi thích dịch chuyển. Và bạn đọc cũng nên tin vào điều đó.

Nguồn: Đẹp