Chấp nhận mất 20 độc giả quen thuộc để có thể chỉ thêm 2 độc giả mới là chia sẻ của tác giả ”Cánh đồng bất tận” khi phát hành tiểu thuyết đầu tay – “Sông”.

Chị cũng cho biết, ”điều đó không có nghĩa là 2 người này quan trọng hơn, mà tôi chỉ muốn thử chinh phục mấy thằng cha cứng đầu cho… biết”.

Con người là động vật dễ tổn thương…

– Từng nhập nhiều vai trong các truyện ngắn, nhưng ”vào vai nam chính” dài hơi, lại thuộc hệ nhân vật có tâm lý khá đặc biệt, lý do nào để chị chọn mẫu nhân vật ”khó nhằn” như vậy?

– Chẳng có vấn đề gì, tôi thấy thích vai này, cảm giác thoải mái và hào hứng. Từ nhỏ đến lớn tôi chơi với phái nam, cũng không có gì bất tiện. Bản thân cảm thấy khi ngồi với họ mình có nhiều chuyện để góp hơn khi ngồi giữa mấy chị đàn bà. Tôi xa lạ với chuyện váy áo, son phấn, càng không thích nói về chồng con của mình và… hàng xóm. Và vai nam chính này, như anh biết, cậu ta cũng không phải đàn ông hoàn toàn (cười).

– Nếu có thể gọi nhân vật Ân trong “Sông” là gay thì có vẻ như anh ta “gay trong tâm hồn” nhiều hơn là thể xác. Chị định cho anh ta tìm gì ở cuối sông Di?

– Tìm chính mình, tìm thứ mình muốn. Nhưng anh chàng này vẫn không làm được, anh bèn nhờ sông giúp lựa chọn một con đường. Tôi hy vọng khi ở lằn ranh sống – chết, anh chàng sẽ thấy sợ chết mà… cố bơi vào bờ.

.

Trang bìa tiểu thuyết “Sông”.

– Từ đầu đến cuối “Sông” là những nhân vật bị tổn thương, không lành lặn về thể chất hoặc tinh thần, như những mảnh vỡ của cuộc sống trong một thế giới u minh, hư thực. Qua tất thảy những điều đó, chị muốn nói điều gì?

– Tôi nghĩ con người là động vật dễ tổn thương, ai cũng từng trải qua cảm giác đó, nhưng đối đầu với nó như thế nào mới là quan trọng. Mấy bạn trong cuốn sách này hầu hết đều tìm cách bỏ chạy, họ tìm kiếm một lối thoát, một con đường…

– Ở “Sông” có khá nhiều cái chết, những nhân vật rơi rụng dần theo hành trình và họ thường biến mất vô tăm tích. Tại sao chị không để cho họ giải quyết rốt ráo vấn đề của họ, chịu trách nhiệm trước lựa chọn của họ?

– Tôi không tin vào cái gọi là… cuối cùng. Như ta vẫn thường nghe cổ tích kể rằng ”Cuối cùng họ sống hạnh phúc đến suốt đời”. Ý tưởng của cuốn sách này không phải là… giải quyết rốt ráo vấn đề, vụ đó có khi tôi dành cho những cuốn sau này, viết về tranh chấp đất đai chẳng hạn (cười). Nhân vật của tôi sống lừng khừng, biết ”có quá nhiều câu hỏi có được trả lời cho tới cùng đâu”. Vì sống giữa những vô lý, thất vọng và dằn vặt nên họ phải ra đi.

Mỗi tháng đi bụi vài ba ngày

– Có thể cảm nhận hành trình ngược dòng sông Di của nhân vật chính là hành trình hủy diệt, cũng có thể hiểu đó là hành trình thanh tẩy nhưng phía trước vẫn là một sự mịt mờ. Chị có thể giúp bạn đọc một hình dung để nó… đỡ mịt mờ hơn?

– À, như vầy, có thằng nhỏ đó nghĩ rằng nó bị mất quả bóng, nó cất công tìm, và khi nhìn thấy quả bóng nó phát hiện ra cái cảm giác mất mát đang đè nặng không phải từ quả bóng. Vậy là nó lại đi tìm thứ mà chính nó còn không biết là gì ấy. Quá đơn giản, nhưng bạn có nghĩ tôi đã giúp bạn đọc đỡ mịt mờ hơn không? (cười).

– Một số nhà văn cũng đã viết về sự hoang mang của người trẻ trong cuộc sống hiện đại, với “Sông” chị sẽ mang đến điều gì mới mẻ, khác biệt hơn?

– Cũng thế thôi, mỗi người nhìn một góc. Những nhân vật của tôi sống với những câu hỏi không được trả lời. Họ không biết mình là ai, mình thực sự muốn gì, mình phải sống vì chính mình hay vì người khác. Họ không vô cảm nhưng không biết cách bày tỏ tình cảm. Tôi nghĩ sự phấp phỏng này không phải chỉ tồn tại ở những người trẻ hiện đại.


Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

– Gần đây chị thường viết dồn nén, tác giả gần như lùi về tuyến sau, cũng có người thấy nhơ nhớ tiêng tiếc giọng văn hồn hậu, đậm chất Nam Bộ trước đây của Nguyễn Ngọc Tư thời mới chạm ngõ văn chương. Xin hỏi quan điểm của chị về việc “đổi mới bản thân”?

– Tôi không quan tâm đến cái gọi là ”đổi mới bản thân”. Cái mới là cái tự nhiên nó tới sau những va chạm, sau những trải nghiệm, sau quá trình học hỏi. Nó không đến vì ta quả quyết ”mình phải mới, mình phải mới…”. Tôi là quả đến ngày tháng thì đổi vị, tôi chấp nhận điều đó như chấp nhận một ngày nào đó quả rụng rơi. Đôi khi tôi xê dịch đồ đạc trong nhà để tránh cảm giác tù đọng, để tìm kiếm một chút cảm giác tươi tắn ở nơi chốn quen thuộc. Mỗi tháng tôi cũng đi bụi chừng vài ba ngày cho khuây khỏa. Đòi hỏi tiếp cận cái mới là nhu cầu tự nhiên của mọi người, không chỉ của nhà văn.

– Sex trong “Sông” chỉ loáng thoáng, nhẹ nhàng trong khi chị vẫn được cho là cao tay và tinh tế khi xử lý yếu tố này trong tác phẩm. Chị ngại vấn đề sex đồng tính hay có điều gì khác?

– Đơn giản là tôi không mặc định viết về đồng tính là phải đi vào miêu tả thân xác, nhục dục. Đấy không phải là tất cả của họ. Những con người ấy cũng đầy lý trí, cũng phức tạp về tâm lý, cũng có nhiều mối quan tâm khác… Và chừng ấy cũng hấp dẫn người viết rồi, sao phải sex?

Hai mươi và hai…

– Khi viết chị quan tâm nhất đến điều gì?

– Cái này bán được bao nhiêu tiền (cười). Có thể bạn lăn ra cười, có thể bạn nhếch môi khinh rẻ, nhưng với tôi, viết và sống được bằng nghề cực kỳ quan trọng. Tôi còn quãng đời phía trước và trách nhiệm với đám con mình. Mối quan tâm đó đi song song với chuyện mình giải quyết chuyện thằng Hai với con Bảy thế nào, chuyện tình tụi nó sẽ dừng lại ở đâu. À, hai người đó là nhân vật của tôi. (tưng tửng)

– Bạn đọc có ý nghĩa như thế nào với chị?

– Là bạn và là người đọc. Tôi ý thức được mối quan hệ này mình chẳng tạo dựng được nếu không cố gắng vun đắp bằng cách viết chăm chỉ.

– Nhưng nếu chị “vun đắp” một cách mà họ lại thích theo cách khác thì sao?

– Nếu quan tâm quá nhiều chuyện đó, tôi trở thành người đẽo cày giữa đường. Tôi chăm chú nấu món mà tôi nghĩ là ngon và dọn lên, bạn đọc thấy hợp thì thưởng thức, không thì sang mâm khác. Thiên hạ mênh mông, biết sao mà chiều chuộng hết.

– Đã rất thành công với truyện ngắn, sự kỳ vọng của bạn đọc vào tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư có là một áp lực với chị?

– Gần như không. Nhưng tôi chuẩn bị sẵn tinh thần nghe bà con họ cằn nhằn Tư này lạ quá, tôi không quen Tư này, tôi nhớ Tư quê mùa chân chất của năm xưa.

Kiểu vậy. Trong lòng họ tôi mãi mãi là thứ quả ngọt bùi mà không nghĩ chỉ trái nhựa mới đong đưa mãi vậy. Đây là cuốn sách mà tôi nghĩ có thể đánh đổi 20 độc giả thân thiết mà chỉ được nhiều lắm là hai độc giả mới. Điều đó không có nghĩa là hai người này quan trọng hơn, mà tôi chỉ muốn thử chinh phục mấy thằng cha cứng đầu này cho… biết.

– Trong “Sông” chị đã viết: “Rất nhiều người sống trên đời cũng mang theo một hoặc nhiều câu hỏi mà không được trả lời”. Trong cuộc sống, câu hỏi nào “không được trả lời” khiến chị băn khoăn, day dứt nhất?

– Tại sao mình lại viết văn mà không làm kế toán, hay bán hàng? Tôi thường tự hỏi nhưng không băn khoăn, day dứt. Thấy nó khó hiểu quá chừng, chỉ vậy thôi. Cũng như khi đi lang thang xứ lạ tôi thường tự hỏi con đường kia dẫn về đâu, nhưng xe lướt qua và lại có một ngã rẽ mới xuất hiện cùng với câu hỏi mới. Những câu hỏi không lời đáp làm mình luôn ở trạng thái rạo rực. Ngay cả khi tôi nhận được câu trả lời, tôi cũng nghi nó giống như lời đáp thôi, chưa chắc chính là nó.

– Có thể hình dung hành trình văn chương Nguyễn Ngọc Tư: truyện ngắn – truyện ngắn dài – tiểu thuyết ngắn; và nếu cứ theo “lộ trình” ấy thì phía trước con đường sáng tác của chị sẽ là… tiểu thuyết dài?

– A, trời, cứ theo logic này thì sau tiểu thuyết dài là tiểu thuyết dài dài dài? Tôi lo lắng cho những cánh rừng đây, vì sẽ cần rất nhiều giấy (cười). Sự thật là tôi đang thực hiện một tập truyện ngắn hơi… ngắn. Khoảng 2.000 chữ trở lại cho mỗi truyện, và tôi thích thú với vụ này. Viết ngắn mà hay, để lại ấn tượng rất khó.

Dương Tử Thành thực hiện

Nguồn: eVan