Cuốn tiểu thuyết tên “Sông” sẽ phát hành đúng dịp Hội chợ sách, khai mạc vào 18/9 tại Hà Nội.
“Sông” dày gần 300 trang kể về nhân vật chính cùng hai chàng trai dân “phượt” trong hành trình khám phá sông Di. Mỗi người một gương mặt, một số phận với những câu chuyện thực ảo pha trộn được “rải” đều dọc theo hành trình, theo từng khúc, từng đoạn của dòng sông Di và ngoái lại nhẩn nha bộc lộ mình. Nhân vật chính với danh xưng “cậu” bỏ lại sau lưng mối tình đồng tính vừa kết thúc do người yêu cưới vợ, bỏ lại công việc ở một công ty truyền thông, đi tìm quên với lý do viết một cuốn sách về sông Di do “sếp” đặt hàng kèm lời nhắn gửi tìm giúp dấu vết cô người tình tên Ánh, một người đã đi sông Di trước đó rồi không trở về. Ở cuối tác phẩm, khi chưa đến thượng nguồn sông Di, “cậu” đã quyết định kết thúc hành trình nơi rốn Túi, một rốn nước “mười người ra chín người mất” của sông Di, cùng những người đồng hành.
Trong tiểu thuyết đầu tay, Nguyễn Ngọc Tư đã gửi nhân vật vào sông Di – con sông như một huyền thoại do tác giả dựng nên. “Sông có khúc người có lúc”, ở mỗi “khúc” sông, tác giả lại để nhân vật lại bộc lộ một “lúc” của mình nhưng rồi đến cuối câu chuyện mọi thứ hiện lên hư thực, thật giả lẫn lộn khiến độc giả ngẩn ngơ khó mà nắm bắt. Có thể nói, khi tiếp cận “Sông”, độc giả sẽ phải “dự phần” khá nhiều mới mong giải mã được tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.
Trang bìa cuốn tiểu thuyết. |
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, một trong số ít người tiếp cận bản thảo “Sông” sớm nhất, nhận xét: “Ở Sông vẫn là không gian sông nước quen thuộc trong những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Sông là chuyển động, là dòng chảy. Với việc cho nhân vật ra đi men theo dòng sông, Tư đã làm được hai việc: vừa phản ánh hiện thực, kể, tả về những vùng đất dọc hành trình vừa men theo dòng chảy tâm trạng để nhân vật bộc lộ mình. Từng chương, từng chương của Sông hiện lên như những truyện ngắn. Lối viết nhẩn nha, dẫn dụ tạo nên sự hấp dẫn từ những mảng miếng tưởng như rời rạc, chắp vá, câu chuyện dần mở ra theo từng trang sách. Sông như đời người với những khúc quanh. Sông vừa quen vừa lạ, vừa là Tư của hiện tại vừa là Tư của một chuyển tiếp…”.
NXB Trẻ phối hợp cùng SaiGon Media JSC, là nơi Nguyễn Ngọc Tư đang làm việc, ấn hành cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả “Cánh đồng bất tận”. Nhận xét về “Sông”, biên tập viên Trần Ngọc Sinh của NXB Trẻ, người biên tập bản thảo cho biết: “Sông là một sự đổi mới toàn diện của Nguyễn Ngọc Tư. Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo. Truyện kết thúc bằng dấu chấm hỏi về số phận một con người – Không hề do dự, cô đã đẩy cái mầm ý tưởng vừa nhú lên sang tay người đọc, để họ nuôi dưỡng chúng bằng trải nghiệm, qua việc đọc cuốn sách này”.
Nguyễn Ngọc Tư là người khá kín tiếng với báo giới, cô chưa bao giờ nói về kế hoạch sáng tác của mình, cũng chưa thấy khi nào cô nói sẽ viết tiểu thuyết. Ngay việc trả lời phỏng vấn cũng rất hạn chế và thường ngắn gọn đến… cụt lủn. Những sáng tác của cô vẫn được giới phê bình và bạn đọc đánh giá cao. Bởi vậy, mỗi lần Nguyễn Ngọc Tư ra sách đều nhận được sự quan tâm của dư luận.
Trong khuôn khổ Hội chợ sách tại Hà Nội, buổi giao lưu với tác giả “Sông” cũng được tổ chức với tên gọi “Nguyễn Ngọc Tư: Từ cánh đồng đến dòng sông”. Buổi giao lưu sẽ diễn ra lúc 14 giờ ngày 18/9 tại hội trường A7, Trung tâm triển lãm Giảng Võ. Buổi giao lưu do Nhà xuất bản Trẻ, SaiGon Media và Hội Nhà văn Hà Nội hối hợp tổ chức. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình.
Nguồn: eVan