Sau khi nằm trong Top 10 cuốn sách bán chạy nhất tại Hội sách TP.HCM vừa qua, tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư được NXB Trẻ tổ chức ra mắt tại Hà Nội nhân Ngày sách Việt Nam (21-4) và ngày Sách, bản quyền thế giới. Cùng trò chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư để hiểu hơn về những lối rẽ bất ngờ của chị trong văn chương và cách “giữ chân” độc giả thời bận rộn.
PV: Đang được độc giả yêu mến với lối viết Nam bộ ở “Cánh đồng bất tận”, người ta nhận ra Nguyễn Ngọc Tư từ bỏ vùng đất màu mỡ của mình rất nhanh. Có động cơ nào không, thưa chị?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: 11 năm không phải là nhanh, tôi nghĩ vậy. Là tôi tính thời gian từ “Cánh đồng” cho tới “Sông”. Cái gọi là “lối viết Nam bộ” ấy tôi coi là cái khung. Sao tôi phải đóng khung mình, khi trời đất mênh mông vậy, khi tôi có thể đi chỗ này chỗ nọ? Nếu dẹp viết qua một bên, là người đọc, tôi sẽ không mua cuốn sách mới của một nhà văn mà tôi biết chắc nó y chang cuốn cũ, dù tôi yêu mến anh (hay chị) ấy đến mức nào.
Nhưng nhiều người vẫn thấy đột ngột. Bởi chị ngoặt một cái tới “Sông” (tiểu thuyết), tới “Chấm” (thơ), rồi giờ là “Đảo”. Cuốn nào cũng râm ran trong người đọc. Kẻ thích, người chê. Phũ hơn, có nhóm độc giả kêu chị phản bội lại họ. Vì sao chị lại rẽ theo một lối vừa không an toàn, vừa khó cầu toàn như vậy?
– Viết thứ văn chương không tử tế đó mới là phản bội tình cảm của độc giả. Chuyện đó tôi tin mình chưa từng làm. Tôi chưa từng viết gì khi nghĩ chưa chín, cảm xúc chưa tới. Nhưng cũng giống như người ta xúc động khi mặc cái áo mới, màu áo đó không phải là vừa mắt với hết thảy những người khác khi nhìn vào.
Cứ sau mỗi cuốn lại thấy chị rời xa hơn những độc giả cũ của mình. Chị có cảm thấy áy náy không?
– Mắc cười là tôi có ý nghĩ, những người viết kiểu như chính thống, sang trọng thì nhìn tôi như nhà văn thị trường, bởi vì sách bán được. Còn những người đọc phổ thông thì kêu ca tôi viết nặng nề khó hiểu. Giống như người miền Bắc mặc định tôi là cây bút miền Tây, giờ dân miền Tây kêu tôi viết khác họ quá, khác với lối văn chương nền nã chỉ thuần kể một câu chuyện mát lành. Nhưng có bị đẩy về phía nào tôi cũng không coi trọng, chỉ nghĩ viết sao cho hết sức mình, chuyện khác tính sau. Hồi đầu, tôi đâu có biết viết sao thì độc giả sẽ yêu.
Trong “Đảo”, toàn những truyện ngắn trên dưới 2.000 chữ được ví như “những bài thơ viết bằng văn xuôi”. Cố tình viết ngắn, nén chặt là cách chị đang muốn thể nghiệm mình, hay tìm độc giả giữa thời bận rộn?
– Là một bài tập nén và căng, cố gắng không để chữ thừa thãi, sao cho mỗi dòng, mỗi câu đều có thông tin. Tôi hơi sợ loại văn “thím Hai đi đâu đó?/ Tôi đi cắt cỏ cho bò/ Bãi cỏ trên đồi đó hả?/ Ừ, dạo này có mưa nên cỏ tốt quá chừng?”, cứ vậy mà hết trang. Hồi mới bắt đầu bài tập, tôi vẫn còn nhớ những truyện ấy làm tôi hào hứng như thế nào, đến nỗi còn tuyên bố với bạn bè, sau này không viết tản văn nữa (cười). Dĩ nhiên, viết ngắn cũng là con dao hai lưỡi, chém nhanh quá sẽ có người đọc không kịp đau.
Chọn cách viết ấy, có vẻ chị đang vừa làm khó mình, vừa làm khó độc giả đã có?
– Biết đâu cách viết ấy chọn tôi. Và độc giả cũng chọn tôi vì ham đi đường khó.
Có cảm giác Ngọc Tư đang không “chiều” theo một lượng độc giả hâm mộ, không nhỏ chút nào, một lượng fan mà người viết ở Việt Nam đều mơ để tính thương mại của cuốn sách sẽ tốt hơn?
– Vậy thì tôi sẽ thoát thế chông chênh “không bầy đàn” như bây giờ, khi chọn cho mình một chỗ tên là “nhà văn ăn khách” hoặc “nhà văn thị trường” (cười). Nhưng cái gọi là độc giả mênh mông, biết đâu mà chiều. Món mát lành mà tôi dọn sẵn không thích hợp với một chiều đông. Tôi tin những độc giả tìm đến mình, vì họ tin chắc sẽ tìm thấy những thứ họ cần trong từng trang sách đó.
Nhưng ngay cả trên con đường chinh phục độc giả mới, có cảm giác chị cũng không có ý chiều chuộng, nâng niu. Người ta không thấy chị ra mắt sách, tặng chữ ký ở Hội sách, ngay cả dịp Ngày sách Việt Nam chị cũng không có mặt, không giao lưu?
– Tôi đã ký tên mình vào sách của tôi rồi chứ, trên từng câu, từng chữ ấy, không tin lật sách ra coi. Giỡn chút chơi thôi. Tôi không phản ứng chuyện nhà văn xuất hiện chỗ đông người. Nhà văn được tiếng là kín đáo như Murakami cũng xuất hiện mỗi lần ra sách mới. Chỉ là ở thời điểm này tôi thấy không thoải mái khi “lộ sáng”.
Phải chăng chị muốn độc giả yêu thì yêu tác phẩm thôi, còn nên… tránh xa con người tác giả?
– Thật ra nếu ngồi vài giờ đồng hồ để ký vài trăm chữ ký thì không có nghĩa là độc giả và tác giả đã gần nhau. Thậm chí, ôm nhau mà còn không biết được người kia là ai (cười). Chỉ là, giai đoạn này tôi nghĩ một người viết bằng xương, bằng thịt thì đâu có quan trọng cho người đọc bằng chính tác phẩm của chị ta.
Có thể tôi đã sai, thời này hình hài quan trọng, ca sĩ không cần giọng hay chỉ cần ưa nhìn và nhảy múa giỏi. Chắc nhà văn cũng vậy, để tôi nghiên cứu thêm!.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Theo Hoàng Thu Phố
Nguồn: Daidoanket.vn