Cách đây chừng một hai năm, khi trên blog của mình, Nguyễn Ngọc Tư đăng những bài thơ mới viết, nhiều độc giả đã khá bất ngờ. Khoảng hai tuần này, độc giả và giới truyền thông càng xao động hơn khi tập Chấm (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) sắp phát hành, với 40 bài thơ tự do.
“… bắt quả tang đê hèn đang làm đau người khác/ chơ vơ đi lẻ/ đẹp nịnh bợ chính mình/ hạnh phúc thì rộng rinh, đổ vào bao nhiêu niềm vui không chật…” – trích trong bài Nghĩ quanh từ điển của Nguyễn Ngọc Tư.
Người mê thơ nay đã làm thơ
Nguyễn Ngọc Tư bắt đầu làm thơ từ khoảng đầu năm 2009, sau khi tập Gió lẻ và những truyện ngắn khác phát hành rất thành công.
“Tôi không làm bài thơ nào trước khi viết văn xuôi, kể cả thơ học trò. Vào những thời điểm nào đó, bỗng dưng có những cảm xúc mà tôi nghĩ không nói được ra chắc chết mất. Chọn thơ để nói, như hơn 15 năm trước đã tôi dùng văn xuôi để diễn tả ý nghĩ trong đầu” – Tư tâm sự.
Trả lời nhà thơ Văn Công Hùng về duyên cớ thơ ca của mình, Tư khẳng định: “Trời, em đọc thơ chứ. Sổ tay ghi đầy những câu thơ (của người khác, tất nhiên). Em còn hay lân la chơi với mấy chú nhà thơ như Chim Trắng, Lê Văn Ngăn, Tô Thùy Yên… Nhưng thơ thường khó mua lắm, nếu như tác giả không… tặng, em buộc phải mò lên mạng để đọc, nhất là của những anh chị thơ trẻ”.
Chính nhà văn Trang Thế Hy, người in tập thơ đầu tay ở tuổi gần 90 cũng cho biết Tư rất thích thơ, trong các trò chuyện miên man với ông, thơ luôn chiếm một góc sâu lắng. Tư mê thơ từ nhỏ nhưng chưa bao giờ làm thơ, nghĩ cũng lạ. Nhưng đâu phải cứ mê gì thì nên làm nấy.
Tư nói trong các thể loại mà bản thân đã đi qua, truyện ngắn, truyện dài giấu mình tốt nhất, tiểu thuyết lộ chút chút, tản văn thì giãi bày, còn thơ thì “tuyệt mật”. Mà muốn tuyệt mật, nghĩa là phải đi đến tận cùng phơi bày, nên nó lại lồ lộ. “Lộ không có nghĩa là phơi bày riêng tư đâu, lo gì” – Tư nói.
Ngoài lý do “không giữ được xúc cảm trong lòng nên viết”, thì tại sao mãi đến gần đây mới làm thơ? Tư không bình luận cụ thể câu hỏi đó. Tư giữ tâm thế trung lập như một câu thơ của mình: “chừng mực của nỗi cô đơn”.
Tập thơ Chấm sắp phát hành
Tập thơ Chấm sắp phát hành
Những câu thơ tự do
Khi được hỏi về trường phái, thể loại thơ, dù khéo léo nhưng Tư vẫn rất rõ ràng: “Hình thức như váy áo, tôi nghĩ vậy. Để mặc một bộ trang phục lộng lẫy mà buộc phải gầy đi một chút, lục lọi đôi giày, chọn kiểu tóc cho hợp… tôi thấy cực quá, mất tự nhiên quá, có cảm giác gần như là nô lệ. Tôi hay có ý nghĩ ngông cuồng rằng mình thơm nắng thì khỏi phải nước hoa (cười). Nhưng không chọn chủ nghĩa, không chạy theo trào lưu không có nghĩa là tôi đứng ngoài chúng. Tôi viết như mình có, gọi tên chủ nghĩa là việc của những nhà phê bình văn học”.
Nếu Tư viết thơ lục bát thì chắc sẽ làm hài lòng nhiều người hơn? Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Chấm chỉ toàn thơ tự do và hạn chế tối đa dùng dấu chấm, dấu phẩy, không viết hoa cả tựa đề, chữ đầu câu, không chấm cuối bài.
Rõ ràng là Tư đã chủ tâm làm thơ tự do, đã giữ nhịp (thay vì vần) rất tốt trong từng bài và trong cả tập. Thơ tự do “trụ” ở nhịp, nhưng để giữ được nhịp thì không phải dễ, nhiều người chê thơ tự do là vì không nắm bắt được nhịp. Ví dụ như trong bài Mưa tháng Bảy, Tư bắc nhịp khá hay: “… gã giang hồ rạp mình cầu an cho mẹ ở quê/ bà mẹ rạp mình cầu an cho đám lúa chìm đồng/ lúa cầu an cho những cái bông vừa tượng/ tượng ung dung mỉm cười/ ai nghiêng trời chắt bớt nước đi?”.
Nương vào sự tự do của thơ tự do, Tư đã khá ung dung khi giãi bày những cảm xúc vừa lạc quan, nữ tính, vừa đầy lo lắng về chuyện làm người. Và đó cũng là nỗi buồn miên man từng chảy trong văn xuôi của cây bút này.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa