NXB Trẻ và First News vừa ấn hành tự truyện Tôi học đại học của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Cuốn tự truyện này được thầy Ký viết trong hơn 40 năm, thể hiện ý chí và sự hiếu học của một tấm gương đã vào sách giáo khoa nhiều thế hệ.

Vào tháng 7/2013, Nhà giáo Nhân dân, GS Hoàng Như Mai xác tín điều này: “Tôi biết Nguyễn Ngọc Ký đặt bút viết cuốn tự truyện này ngay từ ngày anh vừa rời ghế nhà trường về quê nghèo Hải Hậu, Nam Định trên cương vị một ông giáo làng. Nhưng rồi cũng phải tới nay, sau hơn 40 năm trăn trở viết rồi bỏ, viết rồi sửa, rồi viết tiếp anh mới hoàn thành. Từ nhiều năm nay cứ viết xong phần nào là anh đến đọc cho tôi nghe và góp ý phần đó. Tôi thích giọng văn rất Nguyễn Ngọc Ký của anh”.

Tôi học đại học bắt đầu vào ngày 3/9/1966 khi Nguyễn Ngọc Ký xa nhà đi học đại học. Bằng giọng văn chân chất nhưng rất đỗi mơ mộng, Nguyễn Ngọc Ký làm người đọc thót tim khi ông nhảy tàu suýt ngã nếu không có bạn bè đỡ kịp, bởi người có đầy đủ đôi tay nhảy tàu đã khó, huống gì người không tay như ông. Những dòng này trong tự truyện khiến người đọc càng thương Nguyễn Ngọc Ký hơn: “Đúng là thiếu đôi tay, mình như con thuyền giữa phong ba lại thiếu bánh lái. Sự nguy khốn bất cứ lúc nào cũng có thể hiện hữu như vậy đó”.

Bìa cuốn Tôi học đại học.


Nguyễn Ngọc Ký được biết đến trong suốt 50 năm qua như tấm gương sáng qua các bài học trong sách giáo khoa như: Em Ký đi học (sách Tập đọc lớp 3 từ 1964-1983,) Anh Ký đi học (sách Kể chuyện lớp 4 từ 1983-2000), Bàn chân kỳ diệu (sách Tiếng Việt lớp 4 từ 2000 đến nay).

Trước đây, Nguyễn Ngọc Ký từng xuất bản hồi ký Tôi đi học, kể chuyện 12 năm đèn sách của ông. Thì nay, quyển tự truyện Tôi học đại học, bạn đọc sẽ càng cảm phục hơn về những năm tháng Nguyễn Ngọc Ký sống xa quê hương, mọi việc phải nhờ đến đôi chân, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, tất cả trường học phải sơ tán về các vùng miền núi và nông thôn mà vẫn luôn học tốt.

Càng cảm phục hơn khi biết Nguyễn Ngọc Ký hoàn thành cuốn tự truyện này trong những ngày bệnh nặng, phải chạy thận 3 lần/tuần. Ngoài ra, ông làm việc hằng ngày bằng các hoạt động giao lưu với học sinh các trường, tư vấn tâm lý – giáo dục qua tổng đài 1088 và sáng tác văn chương đều đặn…

Có thể nói, ý chí của Nguyễn Ngọc Ký không chỉ qua một cuốn tự truyện Tôi học đại học, mà thông qua cuốn sách này còn cho thấy nghị lực phấn đấu cả đời của ông: dù bệnh tật vẫn vượt lên để khẳng định bản thân và sống có ích với đời.

TT&VH

Hoàng Nhân