Gần một đời người làm thơ, sống giữa Sài Gòn với bao nhiêu thăng trầm dâu bể, có những ngày đói rách, lang thang. Bạn bè thì nhiều, có kẻ nhớ người quên sống khắp cùng đất nước, nơi đâu cũng để lại trong tôi ít nhiều kỷ niệm.
Có những chuyện vui, cũng không ít chuyện buồn. Mỗi ngày đi qua, mỗi người bạn thoáng qua trong đời đều lưu giữ những mến thương trên dặm đường lang bạt với tình yêu văn nghệ khó phai. Một trong những người bạn thơ tuy gần gũi không nhiều, nhưng để lại trong tôi một hình ảnh đẹp, nhân ái và chân thành, đó là nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.
Còn nhớ thời bao cấp, những năm tám mươi, việc đi lại từ Đà Nẵng vào miền Nam rất khó khăn, không như bây giờ. Vậy mà Hạnh đã lang thang vào Sài Gòn đi tìm những người bạn, mong gặp được những nhà thơ tên tuổi trước năm 1975 mà anh yêu quý từ thời còn học phổ thông. Không biết tôi ở đâu nên anh nhờ nhà thơ Nguyễn Vân Thiên, người bạn cùng quê chở đi tìm. Gặp nhau ở chợ Trần Hữu Trang giữa lúc tôi “mười năm ở chợ không tri kỷ/ ta đứng thu thân một nỗi buồn” (TDL). Tôi quá đỗi xúc động. Hạnh ôm tôi nói: “Tôi thích thơ Trần Dzạ Lữ từ lúc còn học đệ tứ lận và đọc nhiều thơ của anh trên Văn, Bách Khoa, Văn Học, Thời tập, Tuổi Ngọc thời đó…Tôi mê dòng Văn học miền Nam, đọc và thuộc nằm lòng những tên tuổi như Bùi Giáng, Mai Thảo, Trần Dạ Từ, Tô Thùy Yên, Viên Linh, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng, Hoài Khanh, Trần Tuấn Kiệt, Phạm Công Thiện, Nguyễn Mộng Giác, Luân Hoán, Thành Tôn, Võ Phiến, Du Tử Lê, Hoàng Lộc, Hạc Thành Hoa, Phạm Thiên Thư, Trần Hoài Thư, Vô Ưu, Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nhật Ánh, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Thanh Trịnh, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện… Đời sống văn học thời ấy, không chỉ có nhiều tác phẩm lớn mà đặc biệt là các nhà văn sống và xử sự với nhau rất chân thành, chuẩn mực, không xô bồ bè nhóm. Dù trước năm 1975, báo, tạp chí ở miền Nam không nhiều, phát hành hạn chế, nhưng hầu như giới trí thức, sinh viên học sinh luôn theo dõi, đọc thường xuyên; các tác giả lớn luôn là những thần tượng với anh em yêu văn học trẻ thời ấy. Có tài là được bạn đọc ngưỡng mộ, không mấy người đố kỵ, tranh giành hơn thua…Họ luôn là mẫu mực, là hình ảnh đẹp trong mắt chúng tôi ngày ấy. Hạnh nhắc chuyện xưa, làm tôi nhớ lại: Hồi đó, nhà văn Vũ Hạnh và nhà văn Võ Phiến, hai ông mang hai chính kiến khác nhau nhưng họ vẫn tôn trọng lẫn nhau và cùng bước vào tòa soạn Bách Khoa hợp tác công việc của tờ tạp chí này. Một điều minh chứng là văn chương, văn nghệ không biên giới và chẳng có hận thù, nhỏ nhen…Nhớ là năm 1972, 1973 gì đó, nhà văn Vũ Hạnh bị bắt giam ở Biên Hòa, anh chị em văn nghệ sĩ Sài Gòn đã cùng ký tên, yêu cầu trả tự do cho ông, sau đó nhà văn Vũ Hạnh được thả về.
Nguyễn Ngọc Hạnh kể với tôi, năm 17 tuổi, khi anh còn là học sinh đệ tứ, học ở Hội An, Hạnh đạp xe đạp lên ngã 3 Vĩnh Điện ăn ngủ với nhà thơ Đynh Trầm Ca, nhân dịp anh ra mắt tập thơ tình Một chút cho tình yêu thời trai trẻ ấy. Sau này, tôi cũng nghe bạn bè Đà Nẵng cho biết, khoảng năm 1984, cũng tại thị trấn này, Nguyễn Ngọc Hạnh đã tổ chức thành công đêm thơ Tạ Làng của Phùng Quán tại trường Nguyễn Duy Hiệu Điện Bàn, và hôm sau anh đưa nhà thơ xuống nhà Hoàng Lộc ở Hội An, cùng với nhiều anh em văn nghệ tổ chức giao lưu đọc và nghe thơ Phùng Quán bằng chính sự thôi thúc của tình yêu thơ ca “Lời mẹ dặn”, cho dù Hạnh gặp nhiều hệ lụy, anh bị cấp trên phê bình, nhưng Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn không hề nao núng, yêu đến cháy lòng công việc mình làm. Không yêu, không rành mạch trong đời sống văn nghệ thì khó lòng vượt qua những cam go, tai ương của thời bao cấp ấy, nhất là khi đất nước mới vừa đổi mới. Nhắc lại mới nhớ, cũng một phần chính vì tâm can ấy của Nguyễn Ngọc Hạnh đối với thơ, nên khi nhà thơ Du Tử Lê từ Mỹ, nhà phê bình văn học Đặng Tiến từ Pháp về cũng đã gần gũi, yêu quý, tin cậy Nguyễn Ngọc Hạnh. Từ tình yêu văn chương, cộng với một tâm hồn cao đẹp mà những năm tám mươi, sau đêm thơ Tạ Làng của Phùng Quán, Nguyễn Ngọc Hạnh đã lặn lội ra Hà Nội cùng nhà thơ trẻ Nguyễn Lương Ngọc (đã mất) đưa anh đến gặp các nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán… và gần gũi, thân thiết với các nhà thơ, nhà văn ở Hà Nội hiện nay như Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên… sau này.
Chỉ trò chuyện một lần với nhau bên ly cà phê ở một khu chợ mới mọc giữa Sài Gòn, nhưng thấm đượm cái duyên văn nghệ, cái tình thơ bất chợt rồi quý mến nhau từ đó. Chia tay bạn trong nỗi bùi ngùi, rồi sau đó suối trôi đời suối, sông chảy đời sông. Cuộc cơm áo lắm phong trần. Tuy vậy, trong lòng tôi luôn nghĩ về anh, một người đắm đuối, yêu văn chương chuẩn mực. Cho đến năm 2015, một lần về thăm Đà Nẵng, tôi điện thoại cho Nguyễn Ngọc Hạnh và anh em văn nghệ gặp nhau. Hạnh bây giờ khác xưa, lái ô tô Camry đến đón tôi. Hai anh em đến một quán cà phê nằm bên bờ hồ Hàm Nghi, ngay góc đường mang hai tên tuổi lớn, Văn Cao và Quang Dũng. Bao nhiêu năm mới có dịp gặp lại nhau, trò chuyện về thơ ở một nơi chốn thế này hết sức thú vị. Hôm sau là cuộc tụ hội với anh em văn nghệ Đà Nẵng thật ấm tình: nhà thơ Đoàn Huy Giao, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Gia, Họa sĩ Hoàng Đặng, Nguyễn Duy Ninh, nhà văn Trần Trung Sáng, trong một góc quán thật dễ thương. Ngày thứ ba thì Hạnh đưa tôi, nhà phê bình Đặng Tiến vừa từ Pháp về thăm quê cùng nhà thơ Nguyễn Gia và một người nữa tôi quên tên qua thăm Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam của nhà thơ Đoàn Huy Giao bên chân núi Sơn Trà. Đến đây hít thở cái không khí trong lành và thơ mộng, tôi như được thanh tẩy mọi phiền não. Bạn tôi, nhà thơ Đoàn Huy Giao chọn một chỗ để làm việc và sáng tác thật lý tưởng. Tự nhiên tôi liên tưởng và nhớ đến bản nhạc Thiên Thai và Suối Mơ của nhạc sĩ Văn Cao. Gần cuối đời mà Đoàn Huy Giao có được không gian này để sống, để viết thì còn gì thú vị bằng!
Tôi nghĩ Hạnh đi làm báo trên 20 năm, có điều kiện để giao tiếp, ứng xử với mọi người, ngoài tình yêu thơ ca và lòng chân thành vốn có của mình nên Hạnh có rất nhiều bạn bè, đặc biệt với anh em văn nghệ khắp nơi là điều dễ hiểu. Điều này nên vui cùng bạn. Sáng tác của Nguyễn Ngọc Hạnh cả thơ và báo chí thì đăng tải đầy khắp trong cả nước, riêng trên mạng internet có gần 40 ca khúc mà nhiều nhạc sĩ đã phổ từ thơ Nguyễn ngọc Hạnh, trong đó có không ít nhạc sĩ tên tuổi như Phan Huỳnh Điểu, Trọng Đài, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Cường… đã thổi vào thơ anh những cảm xúc giao hòa giữa thơ và âm nhạc. Tôi rất thích thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh. Những tư duy, những tra hỏi mọi dấu vết và căn nguyên cuộc tồn sinh hay phân hủy của kiếp người luôn đau đáu trong trái tim và trí tuệ của bạn tôi. Qua thơ, không chỉ là cuộc nội soi và tìm kiếm chân-thiện-mỹ mà còn là khát vọng đẩy nàng Thơ đến tận cùng của ý thức và ngôn ngữ. Đấy chính là điều cần có của một người làm thơ nếu không muốn thời gian và bạn đọc lãng quên. Về thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh đã có nhiều người bình luận rồi, riêng tôi nói thật lòng là tôi rất yêu thơ của anh. Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chân chất, không màu mè kiểu dáng. Đặc biệt những bài thơ viết về làng quê dung dị, mang đầy tâm trạng của những người con xa quê. Làng là một trong những bài thơ như thế. Ngồi cà phê với bạn bè ở Sài Gòn, khi nhắc đến Nguyễn Ngọc Hạnh, hầu như tôi nghe ai cũng nhớ “Xưa tôi sống trong làng. Giờ làng sống trong tôi”. Tâm trạng những người xa quê có thể thường hay nghĩ về điều này, nhưng viết ra câu thơ hay về làng là của Nguyễn Ngọc Hạnh. Thơ là vậy thôi, có lạ gì! Hoặc trong bài thơ Qua đò nhớ mẹ, anh viết như nói nho nhỏ thì thầm:
Bóng mẹ gầy lặn lội bờ sông
Đêm giá lạnh ẵm bồng ru tiếng khóc
Nỗi niềm trôi xuôi theo con đò dọc
Trôi cả thời thiếu nữ mẹ tôi…
Hạnh đang viết về mẹ của mình trong một cơn trở dạ, rồi bất chợt nhà thơ lại “mong được một lần làm mẹ để sinh con”:
cha đi rồi lều tranh một mái
mẹ một mình sanh nở những niềm đau
giọt nước mắt đắng cay
ngày mẹ tôi trở dạ…
bất chợt nhớ ngày xưa đến lạ
mơ được một lần làm mẹ để sinh con
Đây chỉ là một ghi chép từ ký ức dọc đường văn nghệ, về những kỷ niệm đáng nhớ một thời lang bạt, tôi không có ý định luận bàn về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, nhưng tôi vốn là người làm thơ tình, nên khi đọc thơ tình của anh, tôi rất thú vị. Những bài thơ như Hạnh phúc lặng lẽ, Ngõ hẹp, Phút giao thừa, Có một ngày, Ngỏ lời yêu Hà Nội, Chiêm bao… cứ bồng bềnh, sâu lắng đầy cảm xúc lại vừa như tác giả muốn gửi gắm một điều gì đó với cuộc đời này:
chiêm bao
mà ngỡ như đời thật
cũng đầy buồn vui, nhiều nước mắt
cũng lắm vinh quang và bao điều ô nhục
nỗi đau y hệt đời thường
đêm nằm thương giấc mộng con
Thơ tình thì nhiều, nhưng viết cho lạ, tứ thơ đa tầng mà dung dị thì không dễ dàng. Nguyễn ngọc Hạnh tỏ bày với người mình yêu một cách hình tượng, mới mẻ: “Em đã thắp sáng trái tim người đàn ông/ Cứu rỗi linh hồn ấy để cùng bay về phía ánh sáng bên kia hoàng hôn/ Có một bầu trời như thế/ Để tình yêu bay qua dịu dàng…” Một bầu trời thơ rất riêng của Nguyễn Ngọc Hạnh mà tôi yêu quý. Thu rơi cũng là một trong những bài thơ rất thích. “Ai như vừa đi qua heo may/ Có nghe chăng mùa thu xa rồi/ Chút nắng hanh vàng còn sót lại/ Em bềnh bồng hay thu đang trôi”. Đọc bài thơ với nhạc điệu rất thu này, tôi bất chợt cũng nghe lòng mình đang rơi:
Thu xa rồi hay em xa tôi
Biết còn ai nâng niu bên đời
Một chiếc lá vàng rơi rất thấp
Rơi theo chiều tôi đang rơi.
Có khi những phút bất chợt ấy đã ám ảnh tôi! Bất chợt ngày nào rất xa từ thời bao cấp Hạnh và tôi gặp nhau giữa chợ Sài Gòn. Bất chợt lần về Đà Nẵng cùng với nhà phê bình Đặng Tiến và những người bạn văn nghệ lâu ngày gặp lại. Bất chợt đôi khi như là một cơ duyên giữa Trần Dzạ Lữ tôi và Nguyễn Ngọc Hạnh, một người bạn đắm đuối với thơ, say mê thơ chân thành và chuẩn mực, anh luôn đi tìm những giá trị bất diệt của thơ ca cho dù bối cảnh lịch sử có thăng trầm, nghiêng ngã. Điều này với tôi luôn quý giá. Thơ chỉ có một, đó là thơ hay. Tôi viết lại những câu chuyện dọc đường văn nghệ với những người bạn thơ của mình cũng chỉ là cách tri ân cuộc đời và lưu giữ kỷ niệm ấy cho riêng mình. Đi hết một đời mà đâu dễ gặp tri âm! Xin mượn mấy câu trong bài Câu thơ mắc cạn của Nguyễn Ngọc Hạnh để dốc cạn nỗi niềm:“Biết là chân thấp trời cao/ Vầng trăng phía trước bèo ao phía này/ Ruột gan cháy xé miệng cay/ Tôi xin dốc cạn trời mây/ Rượu tràn…
Tháng 11/2016
T.D.L
(TCSH334/12-2016)