Cái tên Nguyễn Ngọc Chiến đã từ lâu khá quen thuộc với tôi, mặc dù tôi chưa bao giờ gặp anh, chỉ mới đọc anh trên mạng và một số báo chí văn nghệ trung ương và địa phương.

Trên tay tôi là tập truyện ngắn “CHUYỆN TÌNH CỦA LÍNH” của tác giả Nguyễn Ngọc Chiến. Sách do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành tháng 4/2012, dày 192 trang, khổ 13x19cm. Nhìn bìa 4 của cuốn sách có mã vạch, mã số rõ ràng, chứng tỏ nhà xuất bản đã mua bản quyền của anh để in ấn và phát hành. Giữa thời buổi mà đa số người viết phải bỏ tiền túi ra để tự in, tự phát hành tác phẩm của mình, thì tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Chiến được in theo phương thức nói trên hẳn phải có “giá” lắm chứ! Thế là tôi đọc liền một mạch cuốn sách.


Bìa sách

Truyện ngắn mở đầu cho tập truyện là “Bộ cờ ngà voi”. Càng đọc càng bị cuốn hút bởi những tình tiết, chi tiết mà Nguyễn Ngọc Chiến “bày binh bố trận”. Chỉ có hai nhân vật thôi mà anh khiến người đọc không thể dừng nghỉ lấy ít phút. Thế giới quan, nhân sinh quan của ông Lãm (chủ nhân bộ cờ ngà voi) và Xáng, đối thủ của ông cũng là một người chơi cờ tướng “chưa bao giờ thua ai cả, chưa bao giờ thua ai lấy một ván, một trận lại càng không” được nhìn nhận, mổ xẻ khá kỹ càng. Diễn biến tâm lý nhân vật nhiều khi khiến người đọc… thót tim. Lúc thì tôi ủng hộ ông Lãm, lúc lại ủng hộ cho Xáng. Hai kỳ phùng địch thủ tưởng có thể ăn tươi nuốt sống nhau trên bàn cờ, ấy vậy mà kết chuyện lại lật sang một hướng khác, với một triết lý khá sâu sắc. “Giá mà ông biết kìm nén huênh hoang, không tự kiêu, tự đại, biết nhường nhịn kẻ yếu, biết xem thường chuyện hơn thua trong các cuộc chơi… thì mọi chuyện chắc sẽ rất khác… rất khác…”. Đọc đến đây, tự dưng tôi lại nhớ tới nhân vật Dế Mèn trong “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, khi con dế bại trận, nó phải thốt lên rằng: “Chao ôi, tôi có biết đâu rằng cái thói huênh hoang, hống hách chỉ tổ đem thân mà chuộc lấy ngu dại mà thôi. Thật mình làm khổ mình mà không tự biết”.

Ở truyện ngắn này, Nguyễn Ngọc Chiến là một người trong cuộc. Lúc thì anh đóng vai ông Lãm, lúc lại đóng vai gã Xáng. Vai nào anh đóng cũng đạt. Ngôn ngữ truyện khá hoạt và rành rẽ. Ông Lãm là người chơi cờ “gia truyền” vô địch cả một vùng. “Trong nhà ông có tới hai mươi bộ cờ khác nhau. Mỗi bộ cờ là một sự tích oanh liệt trong đời cờ của ông”. Và bộ cờ ngà voi là bộ cờ “đã có từ cách đây hơn một trăm hai chục năm. Nó nguyên là của một vị vua triều Nguyễn nổi tiếng tài cao, đức rộng, đam mê cờ tướng” ban tặng cho ông nội của ông Lãm, để rồi sau đó trở thành vật gia bảo của gia đình ông. Ta hãy nghe Nguyễn Ngọc Chiến tả sự cao cờ của ông Lãm: “Những nước đi của ông ta như làm chủ thế trận, như nhìn thấy ruột gan, óc não của đối phương. Từ xuất xe, vào pháo, nhảy mã, giục tốt, lên tượng… rồi các đường tiến, hồi, qua phải, qua trái, cắm, chọc, nhử, vây, kẹp, chặn, bắt… của ông ta thật là thiên biến vạn hoá không sao mà lường được. Ông ta có cách chơi dồn đối phương vào thế bí, chặn cứng các ngả, khiến quân cờ của gã tiến không xong mà thoái cũng chẳng được. Cờ của ông ta thì tung hoành ngang dọc, quân này giữ quân kia, bắt được một quân của ông ta phải đổi vài ba “mạng”. Cứ thế ông ta vây tứ phía, hạ dần xe, pháo của gã để rồi cuối cùng đánh tan sĩ, tượng, giáng một đón chí mạng khiến gã phải bó tay”. Hay! Viết thế mới là viết chứ! Liên tục động từ, liên tục dấu phẩy, liên tục tính từ, câu văn hoạt, tung hoành ngang dọc, đúng không khí của một trận cờ.

Còn Xáng, như trên đã nói cũng là người vô địch cờ của một vùng khác mà thú chơi cờ đã ngấm vào máu của gã. “Chơi trên bàn cờ gỗ gã khoái nhất là lúc bắt quân, được cầm quân cờ của mình mà đập đến “chát” một cái lên quân cờ của đối phương, nếu là quân chủ lực như xe, như pháo thì cái cảm giác khoan khoái càng tăng lên bội phần”. Xáng và ông Lãm đấu cờ trong một buổi lễ hội và bị ông Lãm cho “đo ván”, thua một cách uất ức để rồi tự gã tìm đến nhà ông Lãm xin đấu tiếp và rồi cũng bị thua đau đớn hơn. Gã phục thù quyết đấu với ông Lãm bằng chính bộ cờ ngà voi gia bảo của nhà ông và gã đã thắng. Mặc dù niềm chiến thắng của gã có sự bày mưu tính kế trước, nó biểu hiện lòng lang dạ sói bỉ ổi và đớn hèn của một kẻ không có nhân cách. Sự hiếu thắng của cả hai nhân vật được tác giả đẩy lên cao trào, ngoặt sang hướng khác với triết lý sâu sắc Nguyễn Ngọc Chiến đưa ra ở cuối truyện.

Cứ thế, hết truyện nọ đến truyện kia, tôi đã đọc xong cuốn “Chuyện tình của lính” của Nguyễn Ngọc Chiến. Gấp tập sách lại mà hồn tôi vẫn lâng lâng. Lâu lắm rồi tôi mới được đọc một tập truyện ngắn hay đến vậy. Mười một truyện ngắn trong tập là mười một khoảnh khắc, lát cắt khác nhau của cuộc sống. Có ba truyện như là cổ tích, cổ tích ngày nay và cổ tích qua câu chuyện kể của người già. “Bố chồng tôi” và “Nửa ngày làm vợ” là cổ tích ngày nay. Nhân vật bố chồng trong truyện ngắn “Bố chồng tôi” và tình yêu của đôi nam nữ Cường và Mai Lan trong truyện ngắn “Nửa ngày làm vợ” đẹp lung linh như trong cổ tích, như là huyền thoại giữa đời thường. Đọc “Bố chồng tôi” tôi lại nhớ tới “Mẹ chồng tôi” của một nhà văn nào đó. Cả hai thật đẹp, hy sinh cho con cháu, cho đất nước, quê hương. Đoạn anh tả ông bố cõng con dâu đau bụng đẻ đi trạm xá trong đêm mưa rét thật cảm động. Rồi khi ông bố chồng đón con dâu “mẹ tròn con vuông” về nhà, bố con, ông cháu ôm nhau khóc khiến người đọc cũng rưng rưng. Cả đoạn ông bố chồng khuyên con dâu đi lấy chồng (sau một thời gian con trai hy sinh), và đoạn trước phút lâm chung của ông, cảnh bố chồng con dâu gặp nhau thì tôi không cầm nổi nước mắt. Cao thượng quá, nhân hậu, yêu thương quá tình cha con “khác máu, tanh lòng”. Hay hình ảnh của Cường trong “Nửa ngày làm vợ” khi biết người yêu bị bệnh ung thư máu trắng vẫn cố chạy chữa cho người yêu. Cảm động nhất là khi Mai Lan hấp hối, Cường vẫn quyết định làm lễ thành hôn với cô ngay trên giường bệnh, để cho Mai Lan được hạnh phúc làm vợ lấy nửa ngày thì đúng là cổ tích thời hiện đại. Đọc những truyện như thế của Nguyễn Ngọc Chiến thấy tin yêu cuộc đời này lắm, trân trọng lắm cuộc sống của chúng ta.

Có thể nói truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Chiến rất nhân văn, không có nhân vật xấu. Mười một truyện thì chỉ có nhân vật Hai Đỏm và Cang “Đêm miền biên ải”, tên tướng cướp “Giếng cô tiên”, Huy “Một thời nông nổi” là nhân vật xấu, trong đó Hai Đỏm lại đáng thương, đáng để chúng ta cảm thông khi anh cải tà quy chính, trở thành nhân tố điển hình trong làm kinh tế, xây dựng làng xã văn hoá, Huy tỉnh ngộ sau những sai lầm khuyết điểm nông nổi thời trai trẻ trong quân ngũ. Kể cả hai nhân vật ông Lãm và Xáng trong “Bộ cờ ngà voi” cũng thật đáng yêu, mặc dù trong họ có những cay cú “nghề nghiệp” nhất định, nhưng ý chí của họ thật đáng nể. Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Chiến thật đáng yêu như ông bố chồng “Bố chồng tôi”, Cường, Mai Lan “Nửa ngày làm vợ”, Trần Tam “Trăng làng Cát”, thiếu uý Trần Văn Thường “Chuyện tình của lính”, Mai Thùy và Cục trưởng Hải quan “Mai vàng rực rỡ”… Họ là những người xung quanh ta, trong muôn mặt đời thường khuất lấp, nhưng cái đẹp, cái tốt luôn hiển hiện. Nhân vật của Nguyễn Ngọc Chiến tròn trịa đến mức như là cổ tích mà vẫn như thấp thoáng đâu đó trong cuộc sống đời thường.

Cũng có thể nói thêm rằng, mười một truyện ngắn của anh còn là sự rung động đầu đời, tình yêu, khát vọng, ước mong, hoài bão và thủy chung, nghĩa tình của con người với nhau mà bối cảnh và nhân vật trung tâm là những người lính. “Một thời nông nổi” là bài học bổ ích cho những người lính trẻ trong đời sống quân ngũ. Còn “Bố chồng tôi”, “Nửa ngày làm vợ”, “Giếng cô Tiên”… có nội dung xúc động người đọc ở sự thủy chung, tình nghĩa… từ những người lính. Nhưng ở “Chuyện tình của lính” lại là một hình ảnh anh sĩ quan nhút nhát, chân thật. “Trăng làng Cát”, “Đêm miền biên ải”, “Cánh đồng chiều của mẹ”, “Mai vàng rực rỡ”, “Hương bưởi” là sự hoài niệm về một thời đã qua nơi chiến trận ác liệt, ở đó có sự chia ly, hy sinh của những người lính.

Văn phong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Chiến mượt mà, dung dị, gọn gàng không cầu kỳ, không đánh bóng, không làm xiếc câu chữ. Ngược lại, mạch văn của anh thường rất lôi cuốn bởi những cảm xúc được đẩy lên đỉnh điểm. Đọc anh ta có cảm giác như đọc những tùy bút, tản văn hay, rất sống động. Khung cảnh làng quê miền biển, những người nông dân chất phác, những cô gái có nước da bánh mật, mặn mòi nước biển, gió biển cùng với cảnh sinh hoạt, tập quán vùng miền đó như hiện lên trước mắt tôi. Hãy nghe Nguyễn Ngọc Chiến tả cảnh cây cầu quê hương trong “Trăng làng cát”: “Trong ánh bình minh khi mặt trời vừa ló rạng, cây cầu hiện ra cong cong như một nét vẽ trên vành mi thiếu nữ. Cũng có lúc Trần Tam lại thấy cây cầu nghiêng nghiêng như một mảnh trăng bên cửa biển…”. Và đây là cảnh trong “Cánh đồng chiều của mẹ”: “Tôi ao ước được một lần về thăm quê ngoại. Được tận mắt nhìn thấy cây cầu Hiền Lương và dòng sông có làn nước xanh trong, hiền hòa, bốn mùa lặng chảy. Và cũng được tung tăng chạy nhảy trên con đường làng và thích nhất là được ra sông cào hến, được vốc những vốc hến trong lòng bàn tay, để rồi mỗi buổi sáng mai lên, được cùng với đám trẻ trong làng dựng lò nhóm lửa, chơi trò “nấu canh hến” gánh đi bán rong, cùng với lời rao cất lên lanh lảnh: “Canh hến đây! Ai mua canh hến nào!” như mẹ và bạn bè mẹ từng chơi với nhau từ thuở nhỏ”.

Những đoạn văn như thế nhiều lắm, đọc thích lắm! Bởi mang tính tản văn nên truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Chiến thường sống bằng hoài niệm, viết về những kỷ niệm. Kỷ niệm quê hương, kỷ niệm chiến trường, kỷ niệm bè bạn… Tất cả man mác một thời, sâu lắng, lâng lâng. Truyện ít lời thoại, chủ yếu là diễn biến tâm lý nhân vật qua ngôn ngữ của tác giả gửi gắm. Có tới già nửa (Trăng làng cát, Đêm – miền biên ải, Cánh đồng chiều của mẹ, Mai vàng rực rỡ, Hương bưởi, Giếng Cô Tiên) trong tổng số mười một truyện có dáng dấp thế. Phải thế chăng mà truyện của anh ngọt ngào, đi vào lòng người đọc, hướng người đọc nhâm nhi, ngẫm ngợi về những gì đã qua về những gì sắp tới của cái gọi là “chân, thiện, mỹ”? Anh đúng là một cây bút truyện ngắn đang độ xanh tươi, hứa hẹn nhiều triển vọng.

Gấp tập sách lại, trước mắt tôi các nhân vật của anh như vẫn còn đâu đó. “Chuyện tình của lính” của anh đã làm tôi hiểu rõ hơn, yêu hơn một phong cách truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Chiến. Đây là dịp tôi đọc anh có hệ thống hơn cả, không như những lần đọc lẻ từng truyện của anh trên báo hay trên mạng. Chỉ những người trong nghề, hoặc yêu thích văn phong của tác giả mới đọc đầy đủ của nhau. Với Nguyễn Ngọc Chiến, tôi đọc anh trên cả hai tinh thần đó. Và lần này, được đọc một cách có hệ thống truyện ngắn của anh nên tôi cũng có một vài cảm nhận như vậy. Giá như anh để truyện của mình gai góc hơn, nhân vật góc cạnh hơn, cấu tứ tung phá hơn thì sẽ còn lắng đọng hơn trong lòng độc giả. Dù sao cũng cảm ơn anh qua tập truyện ngắn này. Chúc anh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường sáng tác văn học.

Nguồn: vanhocquenha.vn

Exit mobile version