Văn nghệ Trẻ – Năm nay là năm thứ 11, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày hội tôn vinh thơ ca. Mười năm qua, tôi luôn theo dõi và ngưỡng mộ các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam của từng năm, nhưng phải đến năm nay mới lần đầu tiên được tham gia trên sân chơi thơ trẻ, nơi hội tụ nhiều cây bút trẻ mà tôi yêu mến. Tôi thấy tự hào và cả một chút hồi hộp nữa. Tự hào vì năm nay sân thơ trẻ với chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ Quốc” là nơi mà những người thơ trẻ sẽ có dịp nói lên tình cảm của mình đối với quê hương, đất nước. Đó là một việc làm thật ý nghĩa trong những ngày đầu xuân mới này. Còn hồi hộp vì tôi không biết mình sẽ tham gia như thế nào, vì thực sự là tôi rất ít đọc thơ, nhất là thơ của mình trước đông người. Bởi trước nay tôi vẫn quan niệm, thơ trước hết là để viết những gì mình cảm thấy, viết cho mình, viết để đối diện với mình. Vậy thôi!


Tôi mong Ngày thơ Việt Nam 2013 với tôn chỉ dành chủ yếu sân chơi cho giới trẻ sẽ đạt được mục đích đề ra, đó là thu hút thêm nhiều hơn sự quan tâm của người trẻ đối với thi ca. Thật mừng vì năm nay sẽ có một số lượng lớn các bạn sinh viên đến từ các trường đai học và cao đẳng. Thật tuyệt vời vì Ngày thơ Việt Nam lại thu hút được thêm nhiều bạn trẻ yêu thơ đến tham dự .


Đúng là cần nhiều hơn những sự kiện như Ngày thơ Việt Nam để làm sống lại một thời chưa xa, khi mà văn hóa đọc còn thịnh trong thời đại Internet chưa phát triển. Bây giờ thì người làm thơ vẫn nhiều, lực lượng các cây bút trẻ cũng khá là đông đảo, nhưng tác phẩm thì đến với công chúng có phần bị hạn chế hơn trước. Đó là một thực tế không chỉ của thơ mà còn của cả văn xuôi nữa. Làm thế nào để thơ có công chúng? Một số tác giả trẻ đã thông qua các mạng xã hội để đưa thơ của mình đến với bạn đọc. Đó là một cách làm hợp lý trong thời đại này, nhưng không thể giải quyết căn nguyên vấn đề độc giả của thơ. Ở đây, tôi không cho rằng, trong xã hội ngày nay đã hết người yêu thơ rồi. Tôi đang làm việc trong một trường Đại học của Quân đội, và tôi biết rằng, có rất nhiều lính sinh viên hàng ngày vẫn tỉ mẩn chép tay từng câu thơ họ thích. Tôi cũng biết ở quê, các cụ già vẫn thích thơ, vẫn hàng ngày ngâm ngợi cùng nhau. Vấn đề ở bản thân của thơ thôi. Thơ hay, đồng điệu với tâm hồn người, thì người vẫn tìm đến thơ để được sống trong không gian êm đềm của nó sau khi đã mệt mỏi với cuộc sống hiện thực. Và vì thế, có lẽ người viết trẻ cũng phải nhìn lại mình. Phải chăng vì quá mải mê cách tân mà chúng ta quên mất rằng, thơ cũng như món ăn, nấu nướng thế nào thì tùy; nhưng vấn đề là phải xem có hợp khẩu vị của nhiều người hay không?

Nguồn: Phongdiep