Ra mắt tiểu thuyết đầu tay ở tuổi 40, tác giả “Vọng” quan niệm, nhà văn như người trồng lúa, độc giả mới là người chọn gạo để ăn.
– Tiểu thuyết đầu tay của anh được đặt tên khá lạ: “Vọng”. Việc này có thể vô tình gợi lên ý nghĩ rằng, chưa cần đọc nội dung, chỉ ngay từ cái tên đã thấy anh bị ảnh hưởng bởi các nhà văn đi trước như Nguyễn Bình Phương hay Nguyễn Đình Tú. Anh nói gì về điều này?
– Có một nhà văn nước ngoài nói rằng các nhà văn đều là những “con nợ” của nhau. Và tôi cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Không riêng gì Nguyễn Bình Phương hay Nguyễn Đình Tú, tôi “nợ nần” tất cả các nhà văn mà tôi đã được đọc tác phẩm của họ. Ý tưởng khởi phát triển khai mạch tiểu thuyết “Vọng” của tôi bắt đầu từ một câu mà tôi đọc được trong cuốn “Bốn mùa trời và đất” của nhà văn
Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng. |
– Rất nhiều nhà văn đã nói, câu chuyện về tiểu thuyết không còn là viết cái gì mà là viết như thế nào. Anh đã giải quyết điều này ra sao trong tiểu thuyết “Vọng”?
– Tôi cho rằng quan niệm viết cái gì, viết như thế nào, hậu hiện đại hay truyền thống, vị nghệ thuật hay vị nhân sinh… đích cuối cùng hướng tới vẫn phải là độc giả. Quan trọng là khi họ mở sách ra, đọc có thấy cuốn hút không? Có ám ảnh không? Gấp sách lại có thấy dư ba gì không? Có thấy không tiếc khi bỏ tiền và thời gian ra mua sách của mình không? Và tác giả nữa, anh phải thấy “sướng” khi viết đã! Nếu không đạt được các điều đó, dù anh có quan tâm tới gì gì đi chăng nữa cũng là vô nghĩa. Đó mới là điều mà tôi tâm niệm khi viết “Vọng”.
– Vậy nếu như sau khi phát hành “Vọng”, anh nhận được phản hồi rằng nó không cuốn hút, không ám ảnh… tức là ở tình trạng “tác giả sướng nhưng bạn đọc không sướng”, anh sẽ…?
– (Cười) Tôi sẽ vẫn ăn, ngủ và viết bình thường. Chẳng nhẽ anh ngư phủ mang lưới đi quăng, kéo lên thấy nặng tay, khấp khởi mừng tưởng vớ được cá to, ai dè chỉ là hòn đá nặng lại bực bội xé lưới đi hoặc vò đầu bứt tai ngồi than thân trách phận?
– Cảm giác của tôi khi đọc “Vọng” là khá nặng nề u ám. Yếu tố giải trí trong tác phẩm ngày nay là thứ không thể không tính đến. Anh nghĩ sao về điều này?
– Tại sao lại cho rằng nội dung chuyển tải nặng nề sẽ không mang lại cảm xúc và hứng thú cho người đọc? Nếu như sự nặng nề mà mang tới nhiều cảm xúc cho độc giả thì cấp độ giải trí của nó còn cao hơn rất nhiều so với một tràng cười nhanh chóng bị vuột đi.
Trang bìa cuốn sách. |
– Vậy anh nghĩ điều gì sẽ khiến độc giả đọc “Vọng” cho đến dòng cuối cùng?
– (Cười) Cái này phải chờ độc giả đọc và phản hồi lại rằng họ có đọc cho đến dòng cuối cùng tiểu thuyết của tôi không đã thì mới trả lời anh được.
– Đứng về phía độc giả sẽ có những phân luồng nhất định, với những đòi hỏi khác nhau, ví dụ người lớn tuổi với những bạn đọc 9X cũng đã rất khác. Nếu như phải chiều một nhóm đối tượng độc giả, anh sẽ chọn…?
– Tôi giống như anh nông dân trồng lúa làm ra hạt gạo mang bán. Người ăn lựa chọn gạo chứ không phải tôi lựa chọn ai sẽ ăn hạt gạo của mình.
– Với mỗi nhà văn thì tiểu thuyết đầu tay rất quan trọng, sự thành bại đôi khi nó có tầm quyết định đến cả đường văn của tác giả. Chuẩn bị phát hành “Vọng”, anh có bị ảnh hưởng tâm lý này không, nhất là khi anh đã cập tuổi bốn mươi, không còn trẻ nữa?
– Tôi vẫn nghĩ rằng văn chương là thứ trời cho và cho ai bao nhiêu thì nên bằng lòng hưởng bấy nhiêu. Rất nhiều người bắt đầu sự nghiệp văn chương khi còn rất trẻ và kết thúc cũng… rất trẻ. Ngược lại, cũng có không ít người bắt đầu khi không còn trẻ nữa và sự nghiệp có được cũng ở cái quãng không còn trẻ nữa ấy. Tôi không sợ tuổi tác mà sợ mình không còn đủ hứng thú và say mê để sống chết với việc viết lách.
– Anh kỳ vọng gì ở “Vọng”?
– Chẳng nhà văn nào khi đặt bút viết lại không mong muốn tác phẩm của mình sống mãi với thời gian. Tuy nhiên, điều đó có thành hiện thực hay không lại không phụ thuộc vào mong muốn đó. Thế nên, thay vì kỳ vọng, hãy thở cùng hơi thở của từng dấu chấm, phẩy trên trang viết của mình.
Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1973 tại Hà Nam. Tốt nghiệp Khóa 8, Khoa Sáng tác – Lý luận – Phê bình, Đại học Văn hóa Hà Nội. Đã in “Khói chiều cay mắt” (Tập truyện ngắn, NXB Quân đội nhân dân, 2010). Giải tư truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2007-2009. Hiện là biên tập viên văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. |
Nguồn: eVan