Trong tác phẩm “Hỗn độn”, nhà văn bày tỏ dự cảm về sự tha hóa nhân phẩm, mô tả chúng như một đại dịch đang phình ra chiếm lĩnh phần nhân tính.
Tiểu thuyết có cấu trúc lộn ngược, giống cái tên Hỗn độn. Tác phẩm bắt đầu từ phần Zz (chứ không bắt đầu bằng A, B, C), mở ra các nhân vật, địa danh không theo trật tự thông thường.
Không gian tác phẩm giống chốn hoang tưởng với Ngõ Vong, Rốn Rồng, Vườn Tỏi, xứ Lạc Quốc… Các nhân vật đều gợi sự kỳ dị, lạc lõng như người Rơm, anh Hề, Người Mê, Vong Mũ Sắt, Con Tin, Người Xanh, ngợm Xám…
Bìa sách “Hỗn độn”.
Nhân vật chính là Rơm – một kẻ tự nhận sứ mệnh “phao tin” về hạnh phúc, tình yêu, những điều tốt đẹp của cuộc đời. Nhưng không biết từ bao giờ, Rơm bị ném vào mớ hỗn độn, tối tăm, bị giật dây như tên hề trong vở kịch. Ở đâu, trong tình huống bi đát hay đáng cười cợt, Rơm luôn là một kẻ cô độc, bất lực. Sự trớ trêu đó khiến Rơm có cơ hội chia sẻ tâm tư với bao cuộc đời thê thảm như Anh Hề, Kỳ Ngôn, nhà văn Hồn Bướm, Con Tin…
Trên cái nền hỗn độn ấy, những thân phận người được phơi bày. Các nhân vật hoang mang với sự tồn tại của mình, không biết thực ra mình được đưa đến cõi đời để sống làm người, hay để bị đọa đày cả thể chất lẫn tâm hồn.
Thông qua những nhân vật đau khổ, Nguyễn Khắc Phục vẽ ra một hiện thực xã hội chua xót, đưa ra những dự cảm bất an về sự tha hóa của nhân phẩm con người. Ông mô tả cái xấu như một đại dịch đang xâm thực, sự tăm tối đang phình ra chiếm lĩnh nhân tính.
Hỗn độn là tiểu thuyết tâm đắc của Nguyễn Khắc Phục – ông vua kịch bản sân khấu, lễ hội. Ông mất 10 năm để hoàn thành đứa con tinh thần này. Thời gian gần đây, Nguyễn Khắc Phục phát hiện bị ung thư phổi. Trong lúc chiến đấu với tử thần, ông quyết tâm đưa đứa con tinh thần mà mình chăm chút đến với bạn đọc. Tác phẩm mới được nhà xuất bản Hội Nhà văn và Bách Việt Books phát hành. Buổi ra mắt sách dự kiến tổ chức vào ngày 25/11.
Theo Lam Thu (Vnexpress)