Tặng Phạm Thế Cường
Tin Liên Xô phóng thành công tên lửa vũ trụ lên Mặt trăng khiến Nguyễn Huy Tưởng xốn xang. Một thành tựu của nước bạn Liên Xô, một kì tích của loài người! Tin lại đến đúng dịp Trung thu của Việt Nam càng khiến ông thêm xúc cảm. 14-9-1959 cũng là ngày mười ba tháng Tám ta, trăng thanh gió mát. Khắp nơi trẻ em đã vui đón Trung thu. Nhiều nhà đã mua sư tử, đèn ông sao, trống ếch cho con trẻ. Chỗ này, chỗ kia các em đã chơi rước đèn, đánh trống múa lân, tiếng huyên náo vọng vào căn gác của ông làm cho con trai ông cũng thấp thỏm. Con ông đã lên bốn tuổi, cái tuổi bắt đầu biết hỏi đủ mọi thứ linh tinh và cả những gì thật nghiêm túc. Như lúc này đây nó đang hỏi ông, Mặt trăng xa đến chừng nào, Liên Xô bắn tên lửa thế nào mà tài thế?… Câu hỏi của trẻ thơ đưa ông về với tuổi thơ của mình, đồng thời cũng nhen trong ông một ý định: viết cái gì đó cho các em, nói tâm sự của mình, về trăng sao, về nhân loại, về thế giới…Nguyễn Huy Tưởng sinh năm 1912 tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Vào đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, làng Dục Tú của ông còn “nhà quê” lắm. Nhờ sự tần tảo buôn bán, cửi canh của mẹ ông – cụ Đỗ Thị Điều, nhà cũng có của ăn của để, xây được một ngôi nhà gạch ba gian hai chái, có sân gạch thoáng rộng. Hồi nhỏ, ông hay ngồi trên bậu cửa, xem đám thợ gặt thuê đập lúa dưới sân cho đến khi díp mắt ngả vào lòng mẹ. Ông cũng hay ra sân ngửa mặt ngắm trăng sao, những đêm trăng hè, với biết bao câu hỏi chứa chan trong đầu. Ý nghĩ miên man dần dần thành hình câu chữ. Nhìn đứa con đang giơ tay chỉ trỏ, Nguyễn Huy Tưởng đặt bút viết: “Trong cái tuổi thơ ngây như nó, tôi cũng đã bao lần nhìn ông giăng mà hỏi mẹ: Ông giăng gần hay ông giăng xa? Cái sân nhà ta có bắc được một cái thang lên trên ấy được không?… Và tôi, rồng rắn với các bạn, hát bài ông giẳng ông giăng, hát bài lên tới cửa trời, và ngủ thiếp đi với những mộng lạ lùng”.
Lớn lên, Nguyễn Huy Tưởng được cha, cụ tú Nguyễn Huy Liễn dạy cho chữ Hán. Với vốn chữ Hán ngày một dày thêm lên, ông tìm đọc các sách chữ Hán của ông cha để lại. Ở đấy, Nguyễn Huy Tưởng có thể đắm mình hàng giờ vào các trang cổ sử nước nhà cũng như những áng thơ văn của các nhà thơ, nhà hiền triết Trung Hoa. Và ông viết tiếp: “Lớn lên, tôi mơ với Lý Bạch say rượu ôm vầng trăng mà sống mãi, bay theo Trang Tử trong những cuộc tiêu dao. Tôi ngẩn ngơ như Trương Nhược Hư, trên dòng sông xuân trăng sáng, và tự hỏi mình: Trên bờ sông người nào đầu tiên trông thấy mặt trăng? Năm nào lần đầu tiên trăng chiếu xuống con người?”… Vô ý thức, Nguyễn Huy Tưởng đọc lên thành tiếng hai câu thơ chữ Hán của Trương Nhược Hư trong bài Xuân giăng hoa nguyệt dạ (Đêm trăng trăng trên sông xuân): “Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt / Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân”…
Dòng ký ức tiếp tục đưa ông đến những năm tháng sau này. Quãng năm bốn mốt, bốn hai, ông hoạt động Hướng đạo ở Hải Phòng, nhận trông một bầy sói con. Đó là từ dùng để gọi các em nhỏ tham gia phong trào Hướng đạo, cùng sinh hoạt trong một đội, như một bầy sói con mà ông là bầy trưởng, hay huynh trưởng. Các em nhiều đứa là con nhà khá giả, nhưng vào Hướng đạo không phải để ăn chơi, để trưng diện, mà là để luyện “chí cả gan vàng”. Ôi nhớ sao cái đêm đưa các em đi cắm trại ngoài trời ở Kiến An, Hải Phòng. Mọi người cùng đi bộ, tự mang theo gạo để thổi cơm, đến nơi vào làng xin người ta rạ, rồi đem ra ngoài đồng rải làm chỗ ngủ. Nằm bên các em, gối đầu lên một mô đất, Nguyễn Huy Tưởng ngắm nhìn bầu trời sao bao la, bát ngát. Đêm ấy sao mà nhiều sao thế. Cả bầu trời chỗ nào cũng nhấp nha nhấp nháy như những chiếc đèn tắt bật dõi xuống ông. Thế rồi một ngôi sao lặn, rồi một ngôi tiếp theo, cứ thế bầu trời thưa dần cho đến khi những ngôi sao cuối cùng cũng rủ nhau lạc hết… Không trung im ắng như sắp bước vào một sự kiện lớn lao. Trước khi chìm vào giấc ngủ, Nguyễn Huy Tưởng còn tự nhủ lòng phải đưa những gì vừa trải nghiệm vào trong tác phẩm của mình…
*
Cách mạng rồi kháng chiến, Nguyễn Huy Tưởng cùng nhiều văn nghệ sĩ bước vào cuộc trường chinh của dân tộc. Ông lại nhớ tới cái thời khắc ấy, 20 giờ 05 phút tối 19-12-1946, cả Hà Nội chìm trong đêm tối sau tiếng nổ lớn báo hiệu Toàn quốc kháng chiến. Lúc ấy, ông đang cùng các ông Nguyễn Đình Thi, Trần Huy Liệu… trong Văn hoá cứu quốc đưa điện đài lánh vào Hà Đông để lên chiến khu. Đêm ấy trời cũng đầy sao, và là một đêm trăng hạ tuần. Toàn quốc kháng chiến thế là đã nổ, rồi ra sẽ thế nào? – Nguyễn Huy Tưởng suốt đêm không ngủ, trong lòng xáo động, ông đi đi lại lại, vừa đi vừa nghĩ. Mà cũng không chỉ riêng ông, nhiều người cũng tỏ ra chộn rộn. Người ta hết nhìn trời, lại nhìn về phía Hà Nội, nơi đang có tiếng súng rộ lên. Thế rồi có người chỉ lên nền trời, rồi nhiều cái cổ ngoái theo, người ta xuýt xoa khi thấy vành trăng và hai ngôi sao hai bên rất rõ. Những tin thắng trận đầu tiên truyền về khiến nhiều người tin đó là điềm lành, trời mừng Cụ Hồ…
Gần ba ngàn đêm tiếp theo, với Nguyễn Huy Tưởng và những người ra đi kháng chiến đều là những đêm đen, chỉ có ánh trăng sao bầu bạn. Ánh trăng làm vui cảnh núi rừng, nhưng cũng có khi ánh trăng làm cho người ở rừng thêm cô quạnh. Lần ấy, Nguyễn Huy Tưởng vừa đi công tác với pháo binh về. Ông đang buồn về việc kịch Những người ở lại bị chỉ trích với nhiều áp đặt, thì lại được tin người bạn Nguyễn Công Mỹ của ông bị hy sinh. Ngày 15-2-1949, ông cùng mọi người dự lễ truy điệu bạn. Đêm về trằn trọc, càng nghĩ càng thấy cuộc đời thật trớ trêu. Đấy là một đêm trăng đẹp, 18 tháng giêng – tháng giêng với đêm nguyên tiêu trăng đẹp nhất trong năm. Thế mà ông thì thế nào? Nguyễn Huy Tưởng còn nhớ như in những dòng nhật ký ông ghi khi ấy, bởi nó ghi dấu một đêm trăng bi đát nhất trong đời ông: “Lòng ta như rỗng, ngực ta chứa một hơi đầy không ra thoát. Khủng hoảng quá đi thôi. Ta muốn trốn cuộc đời. Ta muốn sống như một người bình thường. Ta không muốn là Nguyễn Huy Tưởng…” Chỉ nhờ ý nghĩ về bạn, một người cực tốt, thật chí công vô tư, ông mới bình tâm lại: “Nhưng sao mà ta thảm thương đến thế này? Ta vừa đi truy điệu Nguyễn Công Mỹ. Mỹ chết không uổng. Ta phải làm thế nào sống mà còn giúp đời một cái gì…”.
Cuộc sống cách mạng và kháng chiến, có thể nói, đã tôi luyện Nguyễn Huy Tưởng bằng những công tác, nhiệm vụ. Ông ngày một ít đi những băn khoăn về bản thân, về tâm trạng mình. Ông cũng bớt dần đi những giây phút “tức cảnh sinh tình”, khi mà yêu cầu “cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt” ngày càng khiến người ta phải gạt bỏ hết cả đi những nghĩ ngợi vẩn vơ dễ bị coi là “tiểu tư sản”. Thế nhưng mặt trăng với vẻ đẹp vĩnh hằng của nó vẫn còn đủ sức ám ảnh ông, như ngày nào ông từng băn khoăn với những câu hỏi không có trả lời của thi sĩ họ Trương. Mùa hè năm 1951, nhật ký ngày 24-7 (21 tháng Sáu âm lịch) của Nguyễn Huy Tưởng ghi lại một sự việc có thể nói là lạc lõng giữa những ghi chép thuần tuý công việc khi ấy của ông: “Nằm ngủ đêm dậy. Sáng giăng chiếu sáng các bụi tre. Có một cái ngậm ngùi ấy là không có mình giăng vẫn sáng, vẫn đẹp”… Biết làm sao được, ông là nhà văn mà!
*
Tiếng hỏi líu lô của đứa con trai kéo ông về với thực tại. Con ông đã buồn ngủ díp mắt lại, nhưng xem ra nó vẫn còn nhiều điều muốn hỏi. Đêm thanh gió mát, cũng như ông, nó không thể nào ngủ được giữa những tiếng reo hò của lũ trẻ đang vui chơi dưới sân vọng tới. Trả lời trẻ con không dễ, những câu hỏi vừa hồn nhiên vừa rất lạ. Nhưng ông cố gắng trả lời hết các câu hỏi của con trai. Đã tự bao giờ, ông đặt cho mình một nguyên tắc: “Đối với trẻ con không thể và không có quyền làm ngơ trước những câu hỏi của chúng nó”. Và trong khi ông nói với con về tên lửa vũ trụ của Liên Xô được phóng lên Mặt trăng, mang theo quốc huy Liên Xô tới chỗ chị Hằng… thì nó ngủ thiếp đi, mặt vẫn hướng về phía cửa sổ được ánh trăng chiếu sáng như một chiếc gương trời. Nguyễn Huy Tưởng mỉm cười ngắm đứa con trai bé bỏng. Mong sao khi lớn khôn, con ông sẽ được sống trong kỷ nguyên chinh phục vũ trụ, được trực tiếp tham gia khám phá những bí ẩn của trăng sao… Ông cầu mong cho nó sẽ được thoả chí tang bồng, được toại nguyện với những phát minh, khám phá. Còn ông thì cứ làm cái công việc viết lách của ông thôi. Nhưng suy cho cùng, đâu phải việc viết văn không có gì là tìm tòi, sáng tạo. Nguyễn Huy Tưởng chợt mỉm cười, nhớ tới một chi tiết trong bản thảo tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô. Ở lần viết lại gần đây nhất, trong một phút giây cảm hứng bất ngờ, ông đã đưa vào tác phẩm hình ảnh vầng trăng có hai ngôi sao gần hai bên mà ông từng nhìn thấy trong cái đêm Toàn quốc kháng chiến ở mạn Hà Đông. Có điều trong tiểu thuyết, hình ảnh ấy được gán cho hai chàng trai tự vệ Hà Nội ở phố Nhà Thờ: “Qua cái cửa sổ lớn có chấn song, Thu Phong lơ mơ nhìn lên trời. Trăng lưỡi liềm trong suốt, như một bìa giấy bạc, in rõ trên nền trời không gợn mây. Hai bên đuôi trăng, có hai ngôi sao sáng như ngọc. Anh nghĩ: người ta thường bảo sao bao giờ cũng xa trăng. Không hiểu vì sao đêm nay, hai ngôi sao kia ở sát ngay trăng mà sáng như thế được. Đấy là điềm gì? Điềm ta thắng hay ta thua? Anh là một nhà đạo gốc, nhưng từ bé đến lớn, anh không tin đạo. Quái, sao lúc này anh bỗng lẩm bẩm đọc kinh, cầu trời cho Việt Nam chiến thắng. Vũ Minh cũng nhìn cái cảnh lạ lùng ấy, kêu lên một tiếng ồ khe khẽ, rùng mình vì cái cô quạnh của trăng sao”…
Chiến tranh đã xa rồi. Thế hệ con ông giờ đây đã được sống trong hoà bình, và đêm nay, ánh trăng như càng tăng vẻ yên bình cho Trái đất. Nguyễn Huy Tưởng cúi xuống hôn lên má con. Ông chợt nghĩ đến bài tùy bút ông vừa mới bắt đầu được mấy đoạn. Biết bao cảm xúc lai láng đang chờ ông viết tiếp. Chưa biết tiếp theo sẽ viết những gì, nhưng ông đã hình dung ra bài tùy bút sẽ kết thúc ra sao. Lại cúi xuống hôn con, ông lật giấy viết liền một mạch: “Đứa con nhỏ bé của tôi đang nằm ngủ bên cửa sổ chan hoà ánh trăng, và được ru bằng tiếng trống sư tử và những tiếng reo mừng. Nó ngủ ngon lành, không biết nó có mơ gì trong giấc ngủ của nó không. Tôi ngồi bên nó. Mặt trăng in dấu vết của bàn tay con người đã lên cao và chiếu ánh sáng dịu dàng lên cái trán chưa có nếp nhăn của nó. Ánh trăng và tôi cùng canh gác cho gấc ngủ của nó êm đềm”. Và ông nắn nót viết lên đầu trang, hàng tít bằng chữ in mà ông đã chọn được cho bài viết của mình: “TÂM SỰ ĐÊM TRĂNG”…
Nguyễn Huy Thắng
Nguồn: TCNV 05/2012.