Ngày 3/5, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội nhà văn Hà Nội và Thư viện Hà Nội tổ chức hội thảo “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 2012). Đề dẫn vào hội thảo, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết, hội thảo mang tên “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử”, với dụng ý nhìn nhận về “cách một nhà văn nhìn lịch sử và cách một con người trở thành lịch sử”.
Nguyễn Huy Tưởng qua đời vào năm 1960, ở tuổi 48. Nhà văn lưu dấu ấn của mình trong nền văn học hiện đại Việt Nam với những sáng tác tiêu biểu từ truyện thiếu nhi cho tới kịch, tiểu thuyết mang đậm cảm hứng lịch sử như “An Dương Vương xây thành Ốc”, “Cột đồng Mã Viện”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “An Tư”, “Đêm hội Long Trì”, “Vũ Như Tô”, “Kể chuyện Quang Trung”; những trang viết về cách mạng và kháng chiến như: “Bắc Sơn”, “Sống mãi với Thủ đô”, “Ký sự Cao Lạng”, “Gặp Bác”… Trong số các sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, nhiều tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường như các trích đoạn trong “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, trích đoạn trong vở kịch “Vũ Như Tô”. Tác phẩm “Đêm hội Long Trì” được chuyển thể thành bộ phim cùng tên với việc tái dựng không khí sống động của một thời kỳ điển hình trong lịch sử Việt Nam – thời Lê Mạt.
Hội thảo “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử”.
Tại hội thảo, đánh giá về khuynh hướng khai thác đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng, nhiều nhà nghiên cứu nhận định, chính bầu không khí của làng quê Dục Tú, thuộc vùng Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa đã thổi vào Nguyễn Huy Tưởng luồng cảm hứng lịch sử ngay từ nhỏ. Cùng với đó, bối cảnh lịch sử văn hóa của đất nước (dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật những năm 1940 – 1945) đã nuôi dưỡng tinh thần yêu nước trong con người cậu thanh niên Nguyễn Huy Tưởng, đồng thời đẩy những suy tư về lịch sử trở thành cảm quan sống và viết của ông. Tưởng nhớ Nguyễn Huy Tưởng, không ít nhà nghiên cứu nhắc lại châm ngôn trong nhật ký đầu đời của nhà văn: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được mà cày ruộng nào cũng được”. Nguyễn Huy Tưởng cũng sớm xác định, bổn phận của một người yêu nước là “viết văn chương bằng chữ Quốc ngữ”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá ý thức lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng và nhận định: “Thành tựu lớn nhất và cao nhất của Nguyễn Huy Tưởng ở vở kịch lịch sử ‘Vũ Như Tô’ đã khẳng định ý thức lịch sử của ông để cho người tiếp nhận lịch sử vẫn còn mãi thao thức”. Từ một sự kiện lịch sử xảy ra ở thế kỷ XVI, dưới thời vua Lê Tương Dực, Nguyễn Huy Tưởng đã sáng tạo nên vở kịch “Vũ Như Tô”. Lấy đề tài lịch sử nhưng không nhằm mục đích làm sử mà qua đó, nhà văn xây dựng được bi kịch của một người nghệ sĩ giữa khát vọng và hiện thực xã hội. Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài, khao khát muốn xây dựng một công trình kiến trúc vĩ đại, tuyệt mĩ cho non sông. Để có thể hiện thực hóa khát vọng của mình, Vũ Như Tô nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm – một cung nữ cũng mang những khát vọng nghệ thuật lớn lao như Vũ – mượn uy quyền và tiền bạc của hôn quân Lê Tương Dực để xây dựng “Cửu Trùng đài”. Chính điều đó đã đẩy Vũ Như Tô – người vốn luôn trăn trở về cuộc sống của người dân – vào bi kịch đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, bị họ coi là ‘con yêu con quỷ hại dân hại nước’. Cuối cùng, Cửu Trùng đài bị đốt và Vũ Như Tô tự động đi ra pháp trường nhận cái chết trên bi kịch của chính mình.
Nguyễn Huy Thắng (ngồi bên trái) – con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chủ trì buổi hội thảo.
Theo Phạm Xuân Nguyên, câu hỏi mà Nguyễn Huy Tưởng nhắc lại đến hai lần cuối vở kịch “Vũ Như Tô”: “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải” cho đến nay vẫn chưa mất tính thời đại. Đó vẫn còn là một câu hỏi cần những câu trả lời của nhiều thế hệ tiếp nối. Trong nguồn cảm hứng về bi kịch “Vũ Như Tô”, nhà nghiên cứu Trần Đăng Suyền cho biết, “Vũ Như Tô” chứa đựng hai mâu thuẫn cơ bản: Mâu thuẫn giữa nhân dân lao động lầm than và hôn quân bạo chúa cùng phe cánh của chúng; mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, vĩnh viễn và lợi ích nhất thời, trực tiếp, thiết thực của nhân dân. Mâu thuẫn đầu tiên đã được giải đáp bằng việc hôn quân Vũ Tương Dực cùng phe cánh của mình bị giết. Mâu thuẫn thứ hai là một bi kịch Nguyễn Huy Tưởng chưa giải đáp, mà cũng chưa thể có câu trả lời. Tựu chung, các ý kiến của các nhà nghiên cứu tại hội thảo cho thấy, mặc dù viết về lịch sử, những vấn đề mà Nguyễn Huy Tưởng đặt ra trong các sáng tác của mình vẫn luôn luôn mới và làm thao thức người đương thời.
Sự có mặt đặc biệt của Nguyễn Huy Thắng – con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – tại hội thảo “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử” thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nguyễn Huy Thắng đọc bài tham luận với tư cách một nhà khoa học, nhìn nhận về sự nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng. Theo Nguyễn Huy Thắng, không chỉ dừng lại ở “người viết sử bằng văn chương” hay “mang cốt cách của một người viết sử” mà ông muốn nhìn nhận về bố mình với tư cách một người viết sử. Với những tiểu luận, lược sử về các sự kiện hay giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc như hai tiểu luận “Hội nghị Diên Hồng”, “Ý nghĩa việc thiên đô của Lý Thái Tổ trong lịch sử Việt Nam”, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ dựng lại sự kiện vào đúng thời điểm, bối cảnh nó diễn ra, mà còn đưa ra những bình luận chặt chẽ với bản lĩnh của một người làm sử. Nguyễn Huy Tưởng là người đầu tiên phát hiện ra tính dân chủ đi trước khu vực của Hội nghị Diên Hồng ở Việt Nam từ thế kỷ thứ 13. Nguyễn Huy Thắng cũng viện dẫn những chứng cứ cho thấy có thể đã có một cuốn sách mang tên “Lịch sử cách mạng Việt Nam” của Nguyễn Huy Tưởng được xuất bản tại Thái Lan. Tuy thông tin về cuốn sách sử vẫn chỉ là giả thiết, nhưng những chia sẻ của Nguyễn Huy Thắng tại hội thảo về cha mình soi tỏ hơn chân dung một Nguyễn Huy Tưởng thao thiết với lịch sử dân tộc. Một con người nặng lòng đối với sử dân tộc và chính sự vững vàng về lịch sử, về gốc cội làm nên cảm quan sáng tác trong suốt sự nghiệp văn chương của ông.
Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Tưởng năm 1937.
Nhà phê bình, nghiên cứu Nguyên An đặt ra câu hỏi: “Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn đàn Việt Nam hiện đại sẽ ra sao?”. Và ông đưa ra nhận định: “Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử – truyền thống sẽ vơi đi sự bề thế, vẻ kỳ vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng, mặc dù cạnh ông đã có Tô Hoài, và sau ông, cũng đã có các tác giả đáng nể như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác, Bút Ngữ, Hà Ân, Nguyễn Quang Thân…”. Cũng theo Nguyên An, Nguyễn Huy Tưởng “đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam”.
Các nhà nghiên cứu cũng nhắc đến vai trò của Nguyễn Huy Tưởng trong việc sáng tác truyện thiếu nhi. Vào năm 1940 của thế kỷ 20, Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên cho thiếu nhi trong loạt sách “Hoa xuân”. Sáng tác cuối cùng của ông – “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” – cũng là viết cho thiếu nhi. Những hào khí dân tộc của cậu thiếu niên Trần Quốc Toản trong “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” được đánh giá vẫn có sức tác động mạnh mẽ đến thế hệ trẻ trong thời đại ngày nay. Khép lại buổi hội thảo, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đề cập tới cuốn nhật kí vừa được công bố của Nguyễn Huy Tưởng như một mảng quan trọng trong sự nghiệp văn chương của nhà văn. Tuy nhiên, điều đó được để ngỏ và hứa hẹn sẽ là chủ đề tại nhiều cuộc hội thảo khác về nhà văn – nhà văn hóa Nguyễn Huy Tưởng.
Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912 trong một gia đình nhà nho tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội). Từ trước cách mạng ông đã tham gia hoạt động Văn hóa cứu quốc, phấn đấu vì một nền văn hóa dân tộc, dân chủ, tiến bộ. Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người đặt nền móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam, đồng thời là giám đốc đầu tiên của nhà xuất bản Kim Đồng. Năm 1996, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1. Nguyễn Huy Tưởng sáng tác truyện cho thiếu nhi, kịch, tiểu thuyết và nhiều tiểu luận như “An Dương Vương xây thành Ốc”, “Cột đồng Mã Viện”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “An Tư”, “Đêm hội Long Trì”, “Vũ Như Tô”, “Kể chuyện Quang Trung”, “Bắc Sơn”, “Sống mãi với Thủ đô”, “Kí sự Cao Lạng”, “Gặp Bác”… |
Hoàng Anh Lê
Nguồn: eVan.