Nói đến nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người ta nhắc ngay đến những tác phẩm nổi bật mà ông cống hiến cho nền văn học của nước nhà: Kịch Vũ Như Tô, các truyện dài như Truyện Anh Lục, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Bốn năm sau…, tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô cùng truyện phim Lũy Hoa…Và người ta thường hiểu về con người Nguyễn Huy Tưởng qua những thông điệp mà các tác phẩm của ông đã truyền tải. Tuy nhiên, khi tập Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng được người con trai đồng nghiệp của ông là Nguyễn Huy Thắng cho công bố, thì độc giả mới có dịp hiểu sâu sắc hơn con người sâu thẳm bên trong của ông qua những dòng ghi chép hết sức trung thực về cảm nghĩ và tâm tư tình cảm của nhà văn đáng kính ấy.


Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (đứng, thứ hai từ phải sang) cùng các văn nghệ sỹ ở Việt Bắc (Ảnh: Trần Văn Lưu)

1. Mở đầu tập Nhật ký vào ngày 3-2-1938 (khi vừa tròn 27 tuổi – “cái tuổi cũng đã lo thay” – như ông tự nhận xét), Nguyễn Huy Tưởng tự miêu tả con người mình: “Ai mới thoạt thấy tôi cũng phải công nhận rằng tôi là một người hiền lành, và hơn nữa, là một người lù đù. Ai cũng chế tôi là mặt mũi ngây ngô. Tôi muốn học hành cho cực giỏi, mà trí tôi thì ngu độn, tôi muốn tập võ cho khỏe người, mà tôi ốm yếu luôn. Một tai tôi thì điếc…” Đúng là một bức biếm họa trong đó tác giả tự vẽ chân dung mình với chỉ một ưu điểm là “hiền lành”, cộng thêm với lòng mong muốn chính đáng về học giỏi và khỏe mạnh; bên cạnh đó là hàng loạt nhược điểm được cường điệu lên: “lù đù”, “ngây ngô”, “ngu độn”, “ốm yếu”, “một tai bị điếc”. Chỉ những con người hết sức trung thực và cầu thị mới có thể tự giễu mình với sự khắt khe nghiêm khắc như vậy. Thực tế sẽ cho thấy ông đúng là một người hiền lành có nhiều khát vọng vươn lên nhưng bị cản trở do sự ốm yếu của cơ thể, còn những nhược điểm kia chỉ là cái vỏ bên ngoài che đậy một nhân cách cao thượng với tình yêu thương con người và đất nước nồng nàn, một văn tài đặc sắc không cần bàn cãi.

Trong một trang nhật ký viết ngày 10-3-1943, Nguyễn Huy Tưởng một lần nữa tự phê phán những nhược điểm của mình, và bầy tỏ quyết tâm chiến đấu cho lý tưởng của cuộc đời mình: “Tôi nghiệm thấy tôi, trong mọi trường hợp, đều tỏ ra một thái độ khuất phục, chịu lép vế, và chịu nỗi thiệt thòi. Phải bỏ hẳn cái thái độ ấy, và phải giữ thái độ chiến đấu. Chờ cho đến khi thành danh, rồi nấp sau cái bóng thanh danh để hành động là một cái hèn. Trong trường tranh đấu, mình phải có chân giá trị.” Quả là thái độ sống của một nhân cách cao thượng.

2. Những trang nhật ký đã cho thấy Nguyễn Huy Tưởng có tấm lòng yêu thương con người cực kỳ sâu sắc.

Khi ở nhờ nhà một người bạn đồng sự là Mr. Đắc, chàng trai Nguyễn Huy Tưởng ở tuổi 27 được tiếp xúc với hai người phụ nữ: cô em gái chủ nhà và một đứa ở gái giúp việc chủ nhà mang một cái tên quê kệch là Ngó. Chàng nhanh chóng phát hiện tính cách của cả hai người và dành một tình cảm vô cùng thắm thiết, không phải cho cô em chủ nhà kiêu kỳ lại hay ghen ghét, mà cho…cô người ở ngây thơ đẹp người, đẹp nết với giọng nói êm đềm bộc lộ tình cảm âu yếm đối với mình. Khi biết Ngó bị chủ nhà sa thải, chàng ngẩn ngơ buồn bã vô cùng và dành cho nàng những lời tuyệt đẹp xuất phát tận đáy lòng: “Hỡi Ngó, ta chúc cho nàng được mọi sự như ý. Và ta mong nàng sẽ được tuyết sạch giá trong mà không phải đọa đầy mưa gió. Nàng để lại trong tâm hồn ta một kỷ niệm êm đềm. Tình ta đối với nàng vẫn còn trong sạch, ta ao ước nàng và ta còn yêu nàng mãi mãi…” Nếu lưu ý rằng nhiều kẻ trong giới thượng lưu đương thời thường coi những người hầu gái có đôi chút nhan sắc như những phương tiện để thỏa mãn dục vọng của họ, ta mới thấy tình yêu mà chàng dành cho Ngó thanh cao biết nhường nào.

Một ngày tháng 3-1943, Nguyễn Huy Tưởng về quê thăm mẹ đang bị bệnh và để lại những dòng nhật ký: “Tôi trông mẹ tôi mà đau xót. Cụ không cựa cậy được, mỗi khi nhờ chị dâu tôi giở mình thì lại kêu đau, rên rỉ. Mẹ tôi oán trời, sao cứ hành hạ mãi mẹ tôi, mỗi hôm tội tình một khác. Xem ý thì mẹ tôi muốn sống, và bà lang Cổ Loa vào hỏi thăm, mẹ tôi hỏi xem bà ấy trông mẹ tôi có khá hơn không?Ôi thiết tha với sự sống. Mẹ tôi gầy quá, tóc không chải, rối beng, vài sợi tóc trắng. Cả đêm mẹ tôi dằn vặt, kêu đau, tôi nhói đến từng khúc ruột.” Những dòng này có lẽ còn nặng tình mẫu tử hơn cà 35 đồng mà người con hiếu thảo ấy mang về biếu mẹ.

Tình yêu của Nguyễn Huy Tưởng thật mãnh liệt, trong sáng và cao thượng; nó vượt qua mọi rào cản về giai cấp, địa vị và quyền lợi mà chỉ tôn thờ cái đẹp muôn hình muôn vẻ của con người. Tình mẫu tử của ông cũng vô cùng sâu nặng, nó không chỉ là sự thể hiện đạo hiếu của một người con đối với mẹ, mà cao hơn thế, nó còn là sự chia sẻ sâu sắc về nỗi đau nhân thế đối với bậc sinh thành dưỡng dục mình. Tình cảm mà Nguyễn Huy Tưởng dành cho bạn bè đồng nghiệp cũng thật nồng ấm và thấm đẫm tình người. Ông rất tôn kính khâm phục mà cũng rất thân thiết với những bậc trưởng thượng trên văn đàn như Ngô Tất Tố, Phan Khôi mà ông gọi bằng cụ; còn những bạn cùng trang lứa như Nguyễn Đình Thi hay Nguyên Hồng… luôn nhận được ở ông những sự chia sẻ chí tình.

Lòng yêu thương con người của Nguyễn Huy Tưởng chỉ duy nhất dựa trên những phảm chất cao đẹp của chính con người, bất chấp mọi thang bậc hay những mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau trong xã hội. Chính lòng yêu thương ấy đã giúp cho Nguyễn Huy Tưởng miêu tả thành công những nhân cách cao đẹp của con người Đại Việt dưới thời Trần trong Lá cờ thêu sáu chữ vàng, của người Hà Nội thuộc các tầng lớp khác nhau trong Sống mãi với Thủ đô, và của người Việt Nam nói chung trong những tác phẩm khác.

3. Cũng như nhiều nhà văn Việt Nam cùng thời với mình, Nguyễn Huy Tưởng đã trải qua một giai đoạn thử thách về nhân cách trong vụ Nhân văn – Giai phẩm. Khi ấy, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán… dùng báo Nhân Văn và tập san Giai Phẩm để đấu tranh đòi tự do dân chủ cho văn nghệ và cho xã hội. Trước tình hình đó, một phong trào chống họ đã được phát động rầm rộ, một số vị lãnh đạo văn nghệ cùng hàng loạt văn nghệ sĩ đã tham gia vào trận đánh Nhân văn-Giai phẩm: Hoài Thanh, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Đỗ Nhuận, Huy Cận, Xuân Diệu… Người ta không thấy Nguyễn Huy Tưởng trong hàng ngũ của nhóm Nhân Văn, mà ông cũng không cùng hội cùng thuyền với những người đang cùng nhau đánh họ. Có lẽ bản chất hiền lành đã giữ ông đứng ngoài những cuộc đấu tranh gay cấn để dành thời gian cho những tác phẩm theo đề tài lịch sử nhằm ca ngợi phẩm chất cao thượng và lòng yêu nước của con người Việt Nam. Tuy nhiên, ông vẫn nhìn nhận cả hai bên theo tiêu chuẩn riêng của mình về nhân cách con người. Ông tiếp tục dành cho cụ Phan Khôi sự tôn kính và quý mến như xưa, mặc dù lúc này cụ đang bị những người thừa hành quyền lưc nhà nước đánh cho tơi tả.

Mùa xuân 1960, khi Tố Hữu gặt hái được nhiều thành quả rực rỡ với Ba mươi năm đời ta có Đảng, thì Nguyễn Huy Tưởng lặng lẽ viết những dòng sau đây về cuộc bầu cử Quốc hội khóa 2 đang được tuyên truyền rầm rộ: “Riêng ta chẳng thắc mắc mà cũng chẳng lưu luyến gì. Càng ngày càng thấy phải rút hết mọi chức vị để mà chuyên cái việc của ta”. Khi ấy, ông đã nhận rõ bộ mặt phi nhân tính của chủ nghĩa Mao ở Trung Quốc cùng những thành tựu ban đầu của công cuộc “phi Stalin hóa” tại Liên Xô do Khơrutsôp khởi xướng với những tác phẩm văn nghệ đầy tính nhân văn. Ông khẳng định mình “hướng về Liên Xô, về Khơrutsôp nhiều hơn là về Trung Quốc, về Mao Trạch Đông. Tình hình ở đây [tức là Trung Quốc – LVQ chú] không lành mạnh. Máy móc, giáo điều, độc đoán. Văn nghệ đình trệ. Phim Số phận một con người bị đả, sứ quán Liên Xô nhận được hàng ngàn lá thư phản đối, Đàn sếu bay qua bị cấm ngặt. Sinh viên Việt Nam bị giáo sư Trung Quốc truy về tư tưởng Mao Trạch Đông. Đáp: Cái gì hợp với thực tiễn Việt Nam thì áp dụng. Giáo sư trù.”

Xét về bản chất của văn nghệ, Nguyễn Huy Tưởng đã thấy rõ nền văn nghệ đương thời của ta “đè nặng một thứ văn nghệ vô cùng phi văn nghệ, hạn chế tưởng tượng, hạn chế vision [tầm nhìn] của nhà văn, hạn chế cả đến bố cục của một cuốn truyện, cả ngôn ngữ của một bài văn. Nhìn trước nhìn sau, thấy văn học ta nghèo nàn, khô khan, không có xương máu, mà lo. Người ta yêu cầu một thực tế trần trần, người ta yêu cầu những mẫu người cứng nhắc, tốt một cách nghèo nàn, cái đó đã dẫn đến một sự rập khuôn khó chịu.” Từ đó, ông khẳng định rằng văn học “cần tự do như cây cần có không khí để thở, để lớn đẹp”; rồi ông tự hỏi: “Bao giờ cho có một nền văn học thật đúng? Bao giờ cải thiện tình hình đình đốn này của văn học Việt Nam?” Nguyễn Huy Tưởng viết những dòng trên vào ngày 20-4-1960. Với những dòng nhật ký đó, ông đã đưa ra một tuyên ngôn về văn nghệ và văn học của chính mình, không chỉ để tự an ủi, mà chắc chắn rằng ông sẽ đấu tranh cho một nền văn học nghệ thuật theo đúng tuyên ngôn đó. Nhưng đau xót thay, chỉ ba tháng sau ông đã buộc phải vĩnh biệt cõi đời khi mộng ước và sự nghiệp của mình vẫn còn dang dở. Dù vậy, với những di sản quý báu mà ông để lại cho đời sau, Nguyễn Huy Tưởng mãi mãi đi vào lịch sử văn học Việt Nam với tài năng của một nhân cách cao thượng.

29-4-2013

Nguồn: vanvn.net

Exit mobile version