Bây giờ, sau hai chục năm đọc đi đọc lại, ta vẫn thấy truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thật lạ về mọi phương diện văn chương, như Phạm Xuân Nguyên có lần nhận xét: “Thiệp hai lần lạ: nội dung lạ, nghệ thuật lạ”. sự kiện nóng

Hai lần lạ

Tôi không bất ngờ khi hay tin Nguyễn Huy Thiệp nhận được một giải thưởng nghệ thuật cao quý của nước Pháp, bởi đương nhiên phải thế. Nhưng tôi lại dành trọn ngạc nhiên khi đọc bài viết mới của ông trên tuần báo Văn nghệ trẻ số 28 – “Tôi chú ý đến trí tưởng tượng của nhà văn”.

Chắc chắn, khi trao một tấm huân chương nghệ thuật xác nhận giá trị Nguyễn Huy Thiệp, người Pháp và những người yêu mến truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã bị chinh phục bởi trí tưởng tượng giàu có thênh thang của nhà văn này.

Tôi nhớ nguyên cảm giác đầu tiên khi đọc truyện ngắn đầu tay “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, sau đó là “Muối của rừng” và hàng chục truyện ngắn hay khác… Một lối viết mới mẻ! Tiếng Việt được viết lạ chưa từng thấy! Cung cách tưởng tượng và phản ánh hiện thực cuộc sống người Việt cũng được lạ hóa một cách hiện đại chưa từng thấy.

Bây giờ, sau hai chục năm, đọc đi đọc lại, ta vẫn thấy truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thật lạ về mọi phương diện văn chương. Và như nhận xét của Phạm Xuân Nguyên: “Thiệp hai lần lạ: nội dung lạ, nghệ thuật lạ”. Nếu không có lối viết truyện ngắn mới mẻ tinh khôi ấy, tôi thật khó hình dung văn học Việt nam sẽ đổi mới như thế nào.

Phẩm chất tưởng tượng, hóa ra lại là phẩm chất cốt lõi nhất trong động-thái-viết của Nguyễn Huy Thiệp, được thiết kế trên một nền tảng ý thức triết luận rất rõ ràng.

Giấc mơ nghệ sỹ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp của Nguyễn Đình Đăng)
Sơn dầu trên vải, 97 x 130 cm, 1990


“Bảo đảm vàng”

Đã từng ăn ở đầy vơi với trí tưởng tượng sáng láng của mình và sinh nở từ đó những truyện ngắn hay nhất, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra quanh mình một từ trường mỹ học truyện ngắn. Những nhà phê bình của văn học thời kì đổi mới đã tận tình “môi giới” cái đẹp của tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp đến với người đọc.

Các bài phê bình “Khi ông tướng về hưu xuất hiện” (Đặng Anh Đào), “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió” (Hoàng Ngọc Hiến) đã là  “bảo đảm vàng” cho sự xuất hiện đầy mới lạ của Nguyễn Huy Thiệp.

Nói một cách khác, khi một lối viết mới xuất hiện, sẽ là một “cú hích” thật mạnh, khiến người đọc không thể đọc theo cách cũ nữa. Làm sao có thể đọc Tướng về hưu theo cách cũ? Khi mà Thiệp đã biết cách nén thật chặt dung lượng một tiểu thuyết trong một truyện ngắn, và những vấn đề thường nhật bỗng chốc lóe sáng ý nghĩa trong tác phẩm.

Đặng Anh Đào đánh giá : “Tử và sinh, tình yêu và cái chết, đám cưới và đám ma…Một truyện ngắn mà đã dựng lại cả sơ đồ của tiểu thuyết và truyện kể từ khi ra đời. Chuyện nuôi chó và nuôi vẹt, vấn đề “trinh nữ” trong xã hội này, thế nào là đạo đức và bóc lột, một cô gái dở hơi, những lá thư “giới thiệu”, trí thức hay lao động chân tay, cuộc sống làng xã hay sự cô đơn…. Tất cả những chuyện đó đều là những chuyện nhỏ nhặt, không phải là phổ biến, nhiều khi rất độc đáo (cả những cái đít chum, cả thuốc lá galăng nữa, nhưng đều là những tín hiệu thức tỉnh sự chú ý của người đọc. Chúng nhấp nháy báo hiệu một điều gì đó, khi từ miệng một đứa trẻ thốt ra cái câu: “Có phải ngậm miệng ăn tiền không hở bố?”.(“ Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” tr.24).

Cách dựng nhân vật truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã được lạ hóa uyển chuyển, đến mức Đặng Anh Đào phải thốt lên: “Một số bạn đọc thấy một nhân vật nào đó không giống với “cái phổ biến của một tầng lớp, một giai cấp, một thời đại, một xứ sở” bèn lên án nhà văn xuyên tạc sự thật”. Sự lên án này, theo Đặng Anh Đào, chẳng qua là “sự chụp mũ”, “do một cách hiểu quá thô thiển nào đó về lý luận điển hình”.

Chị đã thật tinh tế khi phát hiện: chính cái mới trong lối viết của Thiệp đã phá vỡ cách đọc cũ, cách đọc được hình thành “có thể vì đã quá quen với một lối viết ở nhiều tác phẩm”.

Gặp thời

Lần đầu sáng chói trên báo Văn nghệ năm 1987, Nguyễn Huy Thiệp tự biết mình là nhà văn “gặp thời”. Song, Thiệp lại biết chắc: “Nếu thời đến, mà nội lực không có cái gì cả, hoặc không có một sự chuẩn bị gì thì nó cũng trôi qua một cách vô ích.” Hai mươi năm nhìn lại, ta chắc một điều: Nguyễn Huy Thiệp biết mình đã “xuất xử hợp lý” trên tinh thần văn hóa phương Đông: Có thời có tự mảy may/ Không thời cả thế gian này cũng không.

Bài học xuất bản đầu tiên mà Nguyễn Huy Thiệp học được từ Hoàng Ngọc Hiến, thay vì giận ông Hiến không đọc, nhét bản thảo của mình vào ngăn kéo là: “Điều quan trọng là phải in nó ra”. Đó là bài học về tính chuyên nghiệp – lạnh lùng nhưng khá xác đáng.

Song, theo Nguyễn Huy Thiệp, tính chuyên nghiệp lại phải được thể hiện trong cái-viết trước đã. Cái-viết phải cầu viện trí tưởng tượng của nhà văn, với nhu cầu mạnh mẽ và ám ảnh nhất là phải thể hiện tính nhân văn trong tác phẩm, theo cách truyền đạt riêng. Cách của Thiệp là “tạo dựng ra những nhân vật, dựng ra những tình huống để người ta suy ngẫm”. Cách này tạo nên những đỉnh cao hay vực sâu trong tác phẩm, theo Nguyễn Huy Thiệp, chẳng liên quan đến ai khác ngoài bản thể nhà văn. Trước hết, nó nằm trong sự bình yên hay sóng gió của nội tâm người viết.

Thản nhiên và trung hòa

Cái lối viết “thản nhiên và trung hòa” có thể ở phương Tây không còn mới nữa, song ở truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp lại là mới lạ. Chính cái lối viết này đã trao cho người đọc một tinh thần dân chủ để người đọc tìm ra ý nghĩa bên trong câu chuyện. Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện một cách trầm tĩnh, ém nhẹm nỗi buồn nhân thế dưới cái nhìn “dân chủ hóa”. Dường như nhà văn này rất kinh hãi sự giáo huấn thô lậu, lộ liễu và chỉ muốn đánh thức sự bất ổn trong người đọc.

Phải nhận rằng cách đọc “Tướng về hưu” của Đặng Anh Đào đúng là một cách đọc tinh tế của người có “con mắt xanh” đối với tác phẩm đầu tay của một nhà văn trẻ.

“Muối của rừng” cũng là một truyện ngắn rất hay, đã “kết tủa” tinh chất Nguyễn Huy Thiệp, hệt như muối đọng hạt trắng muốt từ nước biển lênh loang phơi chín dưới nắng mặt trời. Trí tưởng tưởng đặc biệt kiểu Nguyễn Huy Thiệp đã đẩy nhân vật một ông lão cô độc, chớm già vào rừng. Ông đi săn với nỗi muộn phiền cùng bao hệ lụy trần thế ám ảnh. Ra khỏi rừng, được chính cuộc đi săn “tẩy rửa”, ông buông bỏ hết, cả áo quần, cả con khỉ đực đã vất vả săn được, chỉ mang theo “tấm thân rày đã nhẹ nhàng”, với độc trọi cảm giác “phóng sinh” trong trẻo.

Trí tưởng tượng huy hoàng của Nguyễn Huy Thiệp đã đẩy cảm giác của nhân vật chính cất cánh lên tới bến “ngời sáng”. Truyện đọng lại chói ngời những đóa hoa tử huyền nở nhiều không kể xiết. “Ông Diểu dừng lại sững sờ. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.”

Nguyễn Huy Thiệp đã viết như mê sảng trong đoạn kết “Muối của rừng”. Sau này, đọc ghi chú của Thiệp trong “Giăng lưới bắt chim”, mới thấy sức mạnh trí tưởng tượng của nhà văn này khởi động từ những điều trông thấy ở thiên nhiên hoang dã – nơi Thiệp đã bỏ một phần đời vào đấy.

Song, truyện ngắn này đa nghĩa hơn nhiều so với ý tưởng ban đầu của người viết. Hoa tử huyền đã vượt ra khỏi truyện Nguyễn Huy Thiệp, thành mã văn chương mới lạ, như mã thơ “lá diêu bông” của Hoàng Cầm trong văn học Việt hiện đại.

Trí tưởng tượng

Ở tuổi tri thiên mệnh, sau hai thập kỉ cầm bút, Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn đủ “thẩm quyền” để phát biểu về quyền năng của trí tưởng tượng: “Tôi nghĩ người nào đi theo con đường văn chương thì niềm đam mê phải rất lớn, với những khát khao, những ước vọng lớn, đặc biệt là trí tưởng tượng phải rất lớn. Thành ra khi đọc những tác giả trẻ, tôi chú ý đến trí tưởng tượng của người viết, đọc sáng tác của người nghèo trí tưởng tượng tôi luôn luôn có cảm giác nhói tim và biết rằng họ chọn nhầm nghề hoặc đi không đúng hướng. Trí tưởng tượng với những cây bút trẻ rất quan trọng, nó có thể đẩy người ta đi xa thêm trong sự nghiệp văn học, chứ không chỉ là quằn quại, giữ riệt lấy cái hiện thực cuộc sống trần trụi. Tôi đọc một vài cây bút trẻ 8X, hay đọc Vũ điệu thân gầy tôi không thích vì các nhà văn đã phản ánh một cuộc sống nghèo trí tưởng tượng.

(…) Cuộc sống càng khắc nghiệt, hiện thực càng ghê gớm. miếng ăn manh áo trở thành vấn đề riết róng thì văn học càng phải nâng đỡ con người ta, nó đòi hỏi trí tưởng tượng, đòi hỏi con người phải bứt phá”…

Thiết nghĩ, những lời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã được đảm bảo bằng chính tác phẩm của anh. Với lớp nhà văn hậu sinh, đó là những lời thân ái và sòng phẳng. Đọc bài viết và những truyện ngắn hay của Thiệp, người đọc có thể tìm được cảm giác mà anh từng hân hoan nghiệm sinh và ao ước được chia sẻ: “…tìm được cuốn sách hay để đọc mình sung sướng lắm, cảm thấy tâm hồn mình được tắm gội. Bây giờ tôi thấy rất ít người có cảm giác ấy”…

  • Nguyễn Thị Minh Thái – Báo Vietnamnet.vn

Exit mobile version