Từ khi một bộ lạc dã man tự nghĩ ra chữ “người” để gọi những phần tử của mình cho đến nay thì quan niệm về “người” đã có nhiều thay đổi. Chữ “nhân” đã trở thành một hệ suy tưởng chung của nhân loại. Nhân tính là một ý thức trùng phức có hai bản diện: bất nhân và có nhân mà bộ mặt thứ nhất thường được che đậy, lấp liếm tới chỗ phủ nhận và bộ mặt thứ nhì được khuếch trương, phô bày như một nhãn hiệu cầu chứng về sự tự mãn của con người về con người.
Nếu bộ lạc dã man xưa kia dùng chữ người để chỉ những thành viên trong gia đình mình, thì đồng thời họ cũng coi những thực thể khác -ngoài bộ lạc mình- tuy không là người, thì ít ra cũng là một cái gì khác. Ngày nay, đối với chúng ta, ngoài người ra, không còn một cái gì đáng kể. Sự tiến bộ dựa trên nguyên tắc khai trừ: phá hoại thiên nhiên, tiêu diệt sinh vật, diệt chủng các dân tộc nhược tiểu, khu biệt người điên, biệt lập người già, rời mồ, rời mả, đuổi người chết ra khỏi thành thị v.v… Nếu chúng ta tự hào mở rộng cái quyền “làm người” cho cả nhân loại, thì ngược lại, cái thế giới -tạm gọi là “nhân loại lành mạnh”- càng ngày càng nhỏ lại. Ý thức về nhân quyền -ở các nước được gọi là dân chủ tự do- hôm nay cũng đã hẹp hòi hơn ý thức về quyền sống của muôn loài ở những bộ lạc dã man hôm qua và ý thức về nhân quyền ở những nước không dân chủ, thiếu tự do, trở thành bát cơm siếu mẫu.
Muốn tra khảo sự tiến bộ dựa trên nguyên tắc khai trừ ấy, tưởng không còn phương cách nào hữu hiệu hơn là làm lộ cái ác trong con người. Phương cách ấy là một trong những sở đắc của văn chương.
Viết về cái ác, cái xấu của con người, xưa nay có nhiều trường phái: Ác bệnh hoạn, ác điên loạn, ác sản phẩm của niềm cô đơn tuyệt đối trong ngôn ngữ của Sade. Ác lãng mạn, ác nhân dục, ác Heathcliff trong Ðỉnh Gió Hú của Emily Bronté. Ác u uất, ác tội lỗi, ác phản xã hội, ác cảm xúc dị thường trong Ác Hoa của Baudelaire. Ác tiểu nhân, ác lưu manh, ác Sở Khanh trong Kiều của Nguyễn Du. Ác lớn, ác nhỏ, ác theo phong cách, trường phái nào chăng nữa thì những dòng chủ lưu trong văn học cổ điển vẫn còn phân chia ranh giới thiện ác: bên thiện, bên ác, bên nạn nhân, bên thủ phạm. Sự phân chia này đã ít nhiều giới hạn văn chương ở phần ngoại cảnh của tâm hồn.
Hậu bán thế kỷ XIX, Mallarmé kêu gọi “đổi thay ngôn ngữ” (changer la langue). Văn học có nghe thấy chăng? Về hình thức chắc chắn có. Về nội dung dường như cũng đã có sự chuyển mình, tìm cách xóa nhòa biên giới để biểu hiện cả hai khía cạnh thiện ác trong cùng một con người. Sự nhập nhằng giao lưu này đánh dấu ngõ quặt hoài nghi và hiện sinh trải dài trong thế kỷ XX.
*
Văn học Việt Nam (chủ yếu là miền Bắc sau 45), không những đi ra ngoài tiến trình ấy mà dường như có nhiều dấu hiệu quay ngược trở lại thượng nguồn. Người cầm bút hầu như chỉ được quyền hướng thượng, viết về cái hay, cái cao cả, cái tích cực. Họ bắt buộc phải lờ đi phần xấu, phần khuyết tật trong con người (trừ cái xấu của địch). Khuynh hướng này được Hoàng Ngọc Hiến dùng một chữ rất nhẹ nhàng là khuynh hướng sử thi.
Ung dung trong phạm trù húy kỵ, cái xấu trở nên một thứ siêu quyền, mặc nhiên hoành hành, tự do sáng tác mà không ai được phép nhắc đến, được quyền phê bình kiểm thảo. Nó thuộc địa hạt quốc cấm, bất khả xâm.
Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn tiên phong, ngược dòng nước chảy, giao thiệp với cái ác, nhận diện và khảo sát chúng bằng kính hiển vi, không phải để tiêu diệt chúng vì văn chương chưa bao giờ điểm trang diện mạo và cải hoán bụng dạ nhân loại. Nhưng biết chúng để “biết người biết ta”, đừng bịt mắt, đừng đánh lừa mình, đừng ảo ảnh, đừng sống một nửa. Chấm dứt tự mãn. Ðó là vấn đề nhận thức và trách nhiệm, vấn đề nhân cách và tự trọng, và là một kỹ thuật, một thái độ văn chương. Nói cách khác, nhận diện sự bất nhân trong nhân tính là biện pháp hiện thực, là nhân sinh quan và xã hội quan trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Phô diễn lưỡng diện thiện ác trong con người, cho chúng giao thoa và sau đó bằng cách này hay cách khác giải mã vấn đề và truy nguyên tại sao có thế. Qua năm truyện ngắn: Tướng Về Hưu, Không Có Vua, Những Bài Học Nông Thôn, Những Người Thợ Xẻ và Cún(1), Nguyễn Huy Thiệp đúc kết nên khuôn mặt của xã hội Việt Nam hiện đại bằng sức mạnh siêu quyền của ngôn ngữ.
Câu văn ngắn gọn, cộc lốc, sắc bén và hàm súc. Tác động dồn dập. Ngay trong văn phong đã có dụng ý xã hội và chính trị: Không câu giờ, mạch nhanh, dứt khoát, bỏ hư từ và liên từ, không xuống hàng. Chữ nghĩa nặng cân và đắc địa, bắn thẳng vào hồng tâm, tác dụng như những mũi dao cắm phập vào ung nhọt lở loét, chọc vỡ mủ, tóe máu. Dòng mực cường toan tiêu hủy bệnh lười, bệnh quan liêu, bệnh khệnh khạng trong văn chương và trong cuộc sống. Lối nói gọn lỏn, trắng trợn, dung tục, thẳng thừng đốp chát lại thứ ngôn ngữ bệnh hoạn, lưỡi gỗ (langue de bois), thường thấy trong các bài hiểu dụ, các định thức quần chúng đại loại:“nhờ ơn Bác và Ðảng” vừa phản chiếu tính cách hống hách, trịch thượng của thế quyền đối với quần chúng, vừa phản xạ tâm địa quỵ lụy, hèn mọn của con người đứng trước thế quyền. Ðối diện với thứ ngôn ngữ ấy, lối nói gọn gàng và cộc lốc của Nguyễn Huy Thiệp thể hiện sự bình đẳng, đòi hỏi bình đẳng giữa người và người. Vượt khỏi những gửi thưa khúm núm tàn tích của xã hội phong kiến mà xã hội cộng sinh nhai lại.
Về phía ngữ học, lối viết hàm súc, thâm ý, thuộc cấu trúc ẩn dụ, chủ yếu dùng trong thơ, mở ra nhiều ngả: làm huyễn ảo, mông lung ý nghĩa, khai thông nhiều đẳng độ tiếp thu, bắt buộc người đọc phải tư duy, tham dự. Về phía tâm linh, ngôn ngữ sắc gọn biểu tình với cái ác, cái xấu, khiến cái ác ác thêm, cái xấu xấu thêm; do đó có tác dụng dội nước lạnh vào tri thức, xát muối vào lương tâm độc giả.
Hầu như mỗi truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều là một trường hợp cần được khảo sát cặn kẽ vì tính chất phức âm, tác dụng nhân sinh, tác dụng xã hội và chính trị của nó. Năm truyện ngắn nói trên là năm trắc nghiệm bệnh lý, năm phẫu thuật phản ảnh năm dự trình kiến tạo xã hội và an sinh con người trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp.
*
Không Có Vua, truyện gia đình lão Kiền có thể xem như là tế bào của toàn bộ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Không có vua, trước hết có thể là không có gia đình, không còn rường cột. Gia đình đã mất, tình nghĩa đã mất, chỉ có tiền, chỉ còn tiền. Tiền là vua. Cái mà chúng ta gọi là gia đình, tức cái tế bào, tiểu tổ của xã hội, cái ấy hiện nay đang lung lay, đang xuống dốc, đang tan rã. Vua còn có thể là kẻ giữ trách nhiệm đời sống tinh thần cho con người, vua là lương tâm của mỗi cá nhân trước bản thân và trước đồng loại. Không có vua: lương tâm vắng mặt.Không có vua còn có nghĩa là không có lãnh đạo, người chủ gia đình vắng mặt, gia đình lão Kiền chỉ còn là một tổ hợp 6 nam: Kiền, Cấn, Ðoài, Khiêm, Khảm, Tốn -tên rút trong kinh Dịch- và một nữ; trong đó người nữ duy nhất trở thành đối tượng khát vọng chiếm đoạt của sáu cha con lão Kiền.
Vợ chết, lão Kiền ở vậy nuôi con; sự hy sinh của lão cũng không đến nỗi vô ích. Con lão: hai trí thức, hai lao động và một ngẩn ngơ. Sinh là con dâu trưởng.
Anh em, bố con lão Kiền cư xử với nhau cạn tàu ráo máng. Bố ốm. Ðoài, thằng trí thức biểu quyết: Ai đồng ý bố chết giơ tay. Thằng trí thức cũng là thằng đểu nhất trong gia đình: vừa làm quân sư quạt mo, vừa thọc gậy bánh xe, sở khanh, lưu manh hạng nặng. Thằng ngớ ngẩn bị bóc lột, trù dập, làm tôi mọi trong nhà. Thằng lao động hoạn lợn bị lợi dụng, khinh miệt: vừa nuôi gia đình vừa bị thằng trí thức nói xỏ. Sinh, người con dâu, tâm hồn đẹp. Nàng là sự sống lạc loài vào cửa tử trong thế bát quái của một oan gia quái gở, xoay chong chóng như một trận đồ tàn nhẫn, đạo đức xuống cấp, phẩm hạnh tiêu ma, mà không tìm được cửa sinh để thoát: Cuối cùng, “loạn cờ”, đứa con của Sinh không biết là con ai.
Lão Kiền là một người cha đặc biệt: thương con là lão, biết rõ con là lão. Ðộc địa với con cũng là lão và ngộp thở trong gia đình, nhiễm bạo bệnh mà chết cũng là lão. Lão có chủ ý tốt, muốn gầy dựng cho con nhưng lão đã thất bại: Con lão du côn, tham tiền, bất nhân, mất dạy bởi chính lão cũng tham tiền, du côn, mất dạy, rượu chè và vô liêm sỉ. Chính lão cũng khuyết tật, mồ côi vợ; lão không thể sản xuất ra được những sản phẩm khá hơn chính mình. Nền tảng gia đình không thể xây trên một cái cột lung lay, khập khiễng. Gia đình hình thành và đứng vững trên thế lưỡng cực: có âm, có dương, có mẹ, có cha, có lưu lượng hai chiều. Trong thế độc đạo, một chiều, một cha, một cực, tất phải chênh vênh, sập tiệm. Gia đình là tế bào của xã hội; gia đình tha hóa, xã hội tiêu ma.
*
Những Người Thợ Xẻ đề cập đến vấn đề thâm lạm và lũng đoạn tài nguyên của đất nước. Câu chuyện phá rừng, xẻ gỗ bán lậu chỉ là vi bản của hiện tượng đạo chích lan tràn trên toàn diện lãnh thổ. Ðội ngũ hành nghề có nhiều lớp lang, đẳng cấp: Thấp nhất là bọn ăn cắp vặt, tài tử và ô hợp gồm những phường du thủ du thực vừa mãn hạn tù (Bường), trí thức lưu manh (Ngọc) hoặc choai choai, cù lần, hữu dũng vô mưu (Biên và Biền)… Ðội ngũ lính trơn tép riu này lên rừng, xẻ gỗ, làm công cho bọn ăn cắp gộc, quyền thế, tầm vóc, đểu giả hơn (ông Thuyết). Những mánh lới, những thủ đoạn chặn họng, ăn hiếp, hung hãn tung ra từ tứ phía, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài: giữa chủ và thợ, giữa những người cùng ê-kíp, vừa sống chết với nhau, vừa sẵn sàng thịt nhau vì miếng mồi còm. Tục ngữ Pháp có câu: “Les grands voleurs pendent les petits” ngụ ý nói kẻ cầm quyền là những tay đao búa lớn treo cổ những phường cắp vặt. Từ ngàn xưa, đạo đức thảo khấu vầy vò khung cảnh núi rừng thơ mộng “bạt ngàn là hoa ban trắng, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này, hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không?”
Ðây là đâu? Là cổng trời, là thiên đường, là trần gian là địa ngục hay là đất nước chúng ta? Từ ngàn năm trước bụng dạ và hành tung của con người vẫn chỉ có thế ư?
*
Những Bài Học Nông Thôn là bức tranh quê hiện thực và huyền ảo. Cái thế giới ấy quê mà rất tỉnh, tưởng như mơ mà có thật. Cái thế giới ấy, hình như nhà nào cũng có ba ông “Phúc, Lộc, Thọ lồng kính, chăng đầy mạng nhện, trên mặt kính đầy vết cứt ruồi”. Cái thế giới ấy có con diều lẩn thẩn mò lên thượng từng tìm dưỡng khí, để trốn “những thứ gió quẩn khốn nạn, hiểm nguy và đầy bất trắc ở dưới”. Cái thế giới ấy có chị Hiên, chồng đi lính biền biệt, bức xúc, quẫn bách “nửa chừng xuân”. Có bố Lâm ngày ngày thả diều, tìm ảo tưởng “bay lên, bay lên”. Có bà Lâm già lão tám mươi, nói như Khổng Tử: “Các cụ toàn chim to”, “đàn ông nó chẳng thương mình đâu. Rượu thì nó ngồi mâm trên. Ngủ thì nó đè lên mình” Có thầy giáo Triệu phát ngôn bừa bãi: “Tôi hiểu sâu sắc sự ngu của bọn có học tai hại thế nào, nó vừa phản động, vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy”. “Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân. Vì sao? Vì chúng giả hình. Chúng nhân danh lương tâm, đạo dức, mỹ học, trật tự xã hội, thậm chí nhân danh cả dân tộc nữa”. Còn dân chúng? “Dân chúng cầu lợi, mà có cầu lợi thì cũng chẳng ai cho, người ta chỉ hứa suông, hoặc thoáng có cho thì cho rất ít, lợi bất cập hại. Lợi phải do chính dân chúng tạo ra bằng sức lao động của mình. Họ cần hiểu rằng phải cần một thứ cao hơn thế nửa, đấy là giá trị chân chính cho toàn bộ cuộc sống của mình, quyền được tự mình định đoạt cuộc sống, tóm lại là tự do”. Một sự phát ngôn xanh rờn như vậy dưới chân trời rực hồng một mầu lửalà nguy hiểm, và Triệu đã bị trâu điên húc ộc máu, chết tươi tức khắc.
Ngoài những trực ngôn của Triệu, bút pháp trong Những Bài Học Nông Thôncó tính chất ẩn dụ cao độ. Ẩn dụ trong ngôn ngữ bà Lâm, ấm ức trong ngôn ngữ chị Hiên, bí hiểm trong hành tung ông Lâm. Mỗi sự kiện, sự vật, hình ảnh, phong cảnh, mỗi lập ngôn đều nhập nhằng nhiều ý nghĩa. Nguyễn Huy Thiệp sử dụng ngôn ngữ như một nòng cung phức âm bắn vào đa từng xã hội: Từ hàng chóp bu “râu rậm”, chân dung “lồng kính”, đến loại tiên chỉ “chim to”, rồi hạng nhàng nhàng ăn trên ngồi chốc lấy sức đè người, đến cả loại trâu điên cuồng tín, tay sai, đao phủ…. Mỗi chữ là một mũi tên bắn đi, trúng hồng tâm thủ phạm, kéo theo tàn quân của bọn đồng lõa. Hình ảnh nông thôn cũng là hình ảnh xã hội toàn diện, nực nồng và u uất: Kẻ trực tâm, có lòng bị hãm hại. Kẻ thông minh bị đàn áp. Sự cù lần, độc ác và mù quáng trụ trì. Tất cả lồng trong không khí bình lặng của nông thôn rực hồng một màu lửa đỏ ở phía chân trời.
*
Ba nhân vật Thuấn, Thuần và Thủy trong Tướng Về Hưu là ba mô-típ điển hình thời đại:
– Người cha, ông Thuấn, tướng về hưu, 70 tuổi, lãnh đạo “chính thức”gia đình. Trốn nhà đi bộ đội từ năm 12 tuổi. Không thích văn học. Thích viết thư “giới thiệu” người quen. Trọng việc lớn: “chiến tranh”. Khinh việc nhỏ: “kiếm tiền”. Nhưng không ngại tiêu và thích cho tiền.
– Người con trai tên Thuần, 37 tuổi, đã du học nước ngoài, nghề nghiệpkỹ sư nhưng làm
việc ở viện vật lý. Trí thức ăn bám. Nhục. Gì cũng hỏi vợ. Vợ rúc rích với tình nhân ở nhà: Lẩn. Ðếm 28 mâm cỗ, vợ bảo 32 cũng gật. Duyên do là bởi anh đếch sống được một mình: ông bố bảo vậy.– Người con dâu, tên Thủy, lãnh đạo “thực thụ” gia đình, chủ trì kinh tế, nuôi 8 miệng ăn. Nghề nghiệp: bác sĩ nạo thai. Sống nhờ lợi tức nuôi gà vịt, nuôi heo, nuôi chó béc-giê bằng thai nhi.
Sau đây là một trích đoạn trong Tướng Về Hưu:
“Một tối, tôi đang đọc Sputnhich, cha tôi lặng lẽ đi vào. Ông bảo: “Cha muốn nói chuyện với con”. Tôi pha cà phê, cha tôi không uống. Ông hỏi: “Con có để ý công việc của Thủy không con? Cha cứ rờn rợn.”
“Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá mang về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc-giê: “Khốn nạn! Tao không cần sự giầu có này!” Ðàn chó sủa vang. Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: “Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết!” Ông Cơ bảo: “Cháu quên, cháu xin lỗi mợ.”
Tháng mười hai, vợ tôi gọi người bán sạch đàn chó bẹc giê. Vợ tôi bảo: “Anh thôi hút thuốc Ga lăng đi. Năm nay nhà mình hụt hai mươi bảy nghìn, chi lạm mười tám nghìn, cộng là bốn mươi lăm nghìn”. (Tướng Về Hưu )
Trích đoạn trên đây rất tượng trưng cho “kỹ thuật văn chương” của Nguyễn Huy Thiệp. Ðọc rồi, đọc lại, đọc kỹ, không chỉ có mình ông tướng thấy rờn rợn, mà chính chúng ta cũng thấy rợn, kẻ yếu bóng vía có thể bị tẩu hỏa nhập ma. “Kỹ thuật” ấy phản ánh nghệ thuật hỗn hợp bất nhân và có nhân trong một con người.
Ông tướng, nhân từ và nhân hậu, sau 58 năm phục vụ tổ quốc, những tưởng“việc lớn trong đời đã làm xong” về nghỉ. Ở nhà, ông thấy gì? Ông thấy thai nhi nấu lên cho chó lợn. Ông khóc. Người con dâu chuyên nghề phá thai: một lần tội ác; trách người làm bằng một câu nói nhị hóa tội ác: “Sao không cho vào máy xát”. Nhưng ngay sau đó, nàng lại nhẹ nhàng: “Sao để ông biết?”. Chút ân tình nhỏ nhoi này đã rửa tội cho nàng. Rồi sự toan tính chi li sau đó: “Năm nay nhà mình hụt hai mươi bẩy nghìn, chi lạm mười tám nghìn, cộng là bốn mươi lăm nghìn” giải mã lối hành sự rợn người của nàng. Trong khi đó người chồng bình thản ngồi đọc Sputnhich. Nguyễn Huy Thiệp vừa vẽ nên thực trạng đen tối của xã hội, vừa lý giải tại sao có thực trạng đó bằng một lượng số chữ nghĩa cực tiểu; nhưng dòng mực đen, đậm, đặc và độc của nó đã thấm vào tận não thùy người đọc, khiến chúng ta phải vật vã, phải tư duy.
*
Người cha, ông tướng và chủ gia đình, bản tính nhân từ và độ lượng, nhưng soi kỹ ông chỉ là thứ xếp bù nhìn vô tích sự. Cả đời đi hoang, làm được mỗi việc lớn là chôn ba nghìn người. Ðến cái chết của ông cũng lãng xẹt: già rồi mà còn bò ra trận địa, mọi người dở tay đánh nhau, không ai tiếp; ông lần mò lên chốt một mình. Lóng ngóng, chết uổng.
Con trai ông, trí thức, vô tích sự và vô trách nhiệm hơn ông: Trước tất cả khó khăn vật chất của gia đình, hắn hút Ga lăng, hắn đọc Sputnhich. Người chú, phu xe, vừa quịt nợ, vừa chửi: “Quân trí thức khốn nạn, rẻ dân lao động”. Cũng đúng. Cũng đáng. Người vợ một mình xoay sở, chạy vạy, nuôi đủ hai con, hai bố mẹ, hai người ở và một chồng. Ðối với Thủy: cứu cánh biện minh cho phương tiện. Thảm kịch này không phải chỉ xẩy ra trong lòng một gia đình, mà là thảm kịch chung của mọi gia đình.
Lối gọi người sinh ra mình là cha, có nhiều ngụ ý. Cha là bố trong nghĩa rộng, từ không để xưng hô mà để chỉ định. Có thể hiểu là cha chung, là cha của nhiều người, của chung chung.
Ông tướng là hình ảnh người cha lý tưởng và không tưởng, một thứ cha chung, “cha già dân tộc” chăng? Cả đời chỉ lo chuyện lớn. Lấy việc bình quân làm lẽ sống. Lấy chiến tranh làm dưỡng khí. Trong hòa bình, ông thoi thóp, ông ngộp thở. Ông xây dựng thượng từng cơ sở trên vinh quang và chiến thắng mà không biết những vinh hạnh ấy dựng trên xác người. Ông không màng đến những chuyện nhỏ như kiếm tiền, kiến trúc xã hội, kiến trúc kinh tế, kiến trúc đời sống trong hạ tầng cơ sở. Ông tưởng ông phụng sự con người, thật ra ông chỉ thạo việc chôn người. Tha hóa và bất hạnh bắt nguồn từ chỗ đó. Vì xã hội thiếu hạ tầng cơ sở, dùng người không đúng chỗ, cho nên có du học ngoại quốc cũng bằng thừa. Người con trai kỹ sư, làm việc ở viện vật lý trở nên một thứ trí thức bất lực, ăn bám, hèn và nhục, ký sinh trùng của xã hội. Vì thiếu hạ tầng cơ sở, thiếu kế hoạch dân sinh và an sinh, người dân không dùng thượng sách ngừa thai mà phải xuống hạ sách phá thai. Bác sĩ sản khoa thay vì đỡ đẻ cứu người lại phải nạo thai, hủy trẻ. Những biện pháp bất nhân nho nhỏ này được phát triển, bình thường hóa, cập nhật hóa, dẫn đến những bất nhân linh tinh khác và trở thành một thứ trật tự, ổn định xã hội mới dựa trên các công thức chạy vạy, xoay xở, kiếm tiền và tất cả mọi thủ đoạn, mọi phương tiện đều tốt.
Xã hội mới ấy khu biệt mẹ già. Mẹ già. Mẹ lẫn. Mẹ ngã. Mẹ chết. Nhìn xác bà miệng nhét đồng xu, cái Vi hỏi: “Ðấy có phải ngậm miệng ăn tiền không?” Ðạo đức xã hội thấm vào lời con trẻ. Ðám ma chị, tiếc quan tài gỗ giổi, ông Bổng chửi thề: “Mất mẹ bộ xa lông”. Ðánh bạc canh xác chị, ông Bổng khấn: “Lạy chị, chị phù hộ cho em vét nhẵn túi chúng nó”. Chị hấp hối, nhận ra mình là người, ông Bổng oà lên khóc: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người.” Nguyễn Huy Thiệp kê khai ngần ấy thứ trong một con người: Ngoài người, kiếp gì có thể đa mang và đa đoan đến thế? Mức độ tha hóa, nhục nhã của kiếp người đã lên tới cực điểm ở đây.
Tướng Về Hưu không phải là một truyện ngắn bình thường, theo nghĩa truyện ngắn, mà là sự cô đọng của một trường thiên trải ba kiếp người, hai thế hệ chồng chất những tương phản đớn đau, những đốn mạt hèn mọn, những nhầm lẫn, ngộ nhận, cô đơn, bất hạnh, vô trách nhiệm và vô tổ chức… giữa người với người, giữa những cá thể với nhau, và mỗi cá thể ấy lại là một thành viên của xã hội chúng ta đang sống. Ðấy mới là điểm kinh hoàng có thể làm loạn thần những tâm hồn “lành mạnh” nhất.
*
Sau cùng chúng ta bắt gặp ở cái biểu đồ sâu sắc, thâm trầm đến cùng cực về cái gọi là “tính người” trong Cún. Nguyễn Huy Thiệp gieo quẻ sấp ngửa, âm dương, xấu đẹp, thiện ác, pile ou face giữa hai sinh vật có tứ chi: người-chó, chó-người, một cách độc địa, úp mở, lộn ngầu giữa pile và face đến độ không ai đoán được đâu là người, đâu là chó.
Cún, quái thai mặt đẹp, thân dị dạng được lão Hạ ăn mày hốt lên từ miệng cống. Dưới con mắt chó thì Cún là người. Dưới con mắt “người” thì Cún là quái thai, chưa được làm người, mang tên chó. Nhưng trong cái thế giới tạm gọi là “người” ấy, từ nhà nghiên cứu văn học K, đẹp trai, thông minh, cô Diệu xinh đẹp, đến lão Hạ đói rách, nhìn dưới một góc độ nào đó, họ cũng… chó má không kém gì Cún: Lão Hạ thương Cún, cứu vớt và nuôi dưỡng Cún, dùng Cún như một dụng cụ nạo lương tâm kẻ qua đường bắt nó bài tiết ra vài xu bố thí. Cô Diệu đẹp nõn và ác khiếp, ngủ với Cún để chiếm cái “gia tài” của “thằng hình nhân mặt đẹp”. Cái bào thai “sản phẩm tình yêu” hợp tác xã giữa cô Diệu-Cún, Cún-cô Diệu (người-chó, chó-người) lớn lên, làm “người”, trở thành nhà nghiên cứu lý luận văn học thời danh K, “ngọn roi” quất vào “con ngựa sáng tác văn học” giúp nó phi nhanh hơn và không trật đường.
Tuyệt nhiên không thể phân biệt được đâu là “tính chó”, đâu là “tính người”, và dĩ nhiên là cả các thứ “tính” khác, rất thời thượng, rất “xã hội chủ nghĩa” mà Thiệp không nói ra. Cún, bào thai thui chột, vô chủ, bị sa thải trong bối cảnh nhớp nháp của phường cái bang tỉnh lỵ, giao hợp với điếm cơ hội, sản sinh ra loại trí thức “am hiểu các vấn đề lý luận văn học ở ta”. Ba đời lý lịch tốt. Cay độc. Khủng khiếp. Kinh hoàng.
*
“Văn chương là cuộc thám hiểm sức mạnh của ngôn ngữ”, đúng như lời Todorov; cuộc thử nghiệm của Nguyễn Huy Thiệp chứng tỏ sức mạnh vạn năng của ngôn ngữ.
Qua những truyện ngắn, kể như đùa, như chơi, nhà văn có thể đặt những vấn đề cơ bản và nghiêm chỉnh nhất, từ chính trị, xã hội, đến nghệ thuật, văn hóa và tư tưởng: đào sâu đến tận rễ và khơi cao đến tận đỉnh.
Hầu như mỗi truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều là một hồ sơ khảo sát bệnh lý những vấn đề lớn của xã hội hiện hành, liệt khai những vi khuẩn phá hoại, giải phẫu ung nhọt. Tất cả khởi nguồn từ ngôn ngữ, và bằng ngôn ngữ.
Thay đổi ngôn ngữ! Nguyễn Huy Thiệp đề nghị một ngôn ngữ nặng cân, ngôn ngữ có nội dung, ngôn ngữ người nói với người. Nó dung tục, không văn hoa, bài bản, không trá hình lắp ghép như những định thức, khẩu hiệu, quyền ngôn. Ngôn ngữ ấy dẫn đến một tư duy trung thực, một tâm hồn lành mạnh, một phong cách tự trọng của những cá thể mới, những tế bào mới, trong một xã hội mới. Xã hội ấy không ồn ào tự mãn nhất mình vì biết mình, biết nhìn sâu suốt đến cái xấu cực điểm của chính mình.
“Thay đổi ngôn ngữ” là một đề nghị của Mallarmé từ thế kỷ XIX. Gặp Nguyễn Huy Thiệp ở thế kỷ XX. Sự hội ngộ tư tưởng của các nhà văn vượt không gian, xuyên thế hệ, là điều bình thường nhất trong đời sống và là một đặc dị của văn chương.
Chú thích
(1) Nhưng truyện được lựa chọn để giới hạn bài viết này.
– Thụy Khuê –