Trải qua năm tháng, với sự từng trải và kinh nghiệm sống, nhà văn sẽ cởi mở hơn, đời hơn, hắn bắt đầu cười được. Chỉ khi nào tố chất hài kịch xuất hiện ở trong tác phẩm của nhà văn lúc ấy mới biết chắc rằng nhà văn có thật nhà văn hay không.


Trong một cuộc tiếp tân ở nhà hàng B. cách đây 2 năm có chừng hơn 10 người khách đặc biệt. Họ ngồi với nhau suốt đêm. Mọi người nói đủ thứ chuyện trên đời: nào chính trị, kinh tế, gia đình, văn chương, hội họa… Người ta mang cả hợp đồng kinh tế ra ký. Rồi kể chuyện vui v.v… Thời gian như nước dưới cầu… Tôi đã thử làm một cuộc thăm dò xem sau 2 năm trời người ta còn nhớ chuyện gì nhất thì có tới 2/3 số khách dự hôm ấy đều chỉ nhớ mỗi một chuyện tiếu lâm Tây vớ vẩn. Chuyện như sau:


Có một anh lính tân binh đi nhận nhiệm vụ xa nhà. Trước khi đi, anh ta viết thư cho người yêu và phải gửi vào thư một tấm ảnh mới nhất theo đề nghị của cô. Bà nội anh cũng muốn có một tấm ảnh của anh để giữ làm kỷ niệm. Khốn nỗi, lục khắp các túi anh lính chỉ thấy có mỗi một tấm ảnh duy nhất chụp anh đứng khoả thân ở trên bãi tắm biển. Chặc lưỡi, anh lính xé tấm ảnh ra làm hai nửa: nửa trên anh gửi cho người yêu, còn nửa dưới anh đưa cho bà nội vì nghĩ bà đã già, mắt lại kém. Bà nội anh giương mục kỉnh xem xét hồi lâu rồi phàn nàn: Thật giống hệt ông nội mày ngày xưa, râu ria thì không cạo, còn cái ca-ra-vat thì chẳng bao giờ nắn cho nó thẳng!.


Kể cũng ngạc nhiên! Sao bao nhiêu chuyện nghiêm túc chẳng ai nhớ mà người ta lại nhớ một chuyện thật là vớ vẩn?


Trên con đường văn học, thường nhà văn phải trải qua nhiều chặng khác nhau. Khi mới bắt đầu viết, nhà văn hay bi kịch hóa các vấn đề. Nhà văn thường làm trầm trọng thêm các vấn đề, tác phẩm vì thế trở nên gai góc, điều đó bộc lộ khí uất ngút trời, bộc lộ tư chất thiên bẩm ghét cái xấu, cái ác của nhà văn. Nhiệt tình tiêu diệt cái xấu, cái ác, cái phàm tục, cái thấp hèn, cộng với tình thương người, lòng nhân đạo, tính đa cảm, cộng với cả việc thiếu vốn sống (nên hay chủ quan) ở nhà văn… tất cả những thứ ấy khiến cho những tác phẩm đầu tay của nhà văn thường lúng túng, không mạch lạc, khó tin (bởi các bi kịch tưởng tượng).


Trải qua năm tháng, với sự từng trải và kinh nghiệm sống, nhà văn sẽ cởi mở hơn, đời hơn, hắn bắt đầu cười được. Chỉ khi nào tố chất hài kịch xuất hiện ở trong tác phẩm của nhà văn lúc ấy mới biết chắc rằng nhà văn có thật nhà văn hay không. Trừ một vài cây bút hiếm hoi cười cợt được ngay từ đầu còn đa số để cười được phải rất công phu rèn luyện (một phần trời cho, một phần phải rất có ý thức). Cuộc sống là những bi hài kịch lẫn lộn. Cười được nghĩa là bay được trên các bi kịch, trên các thành kiến và nguyên tắc… Cũng giống như một kiếm thủ, chỉ khi nào làm chủ được cây kiếm trong tay, anh ta mới biến hóa, mới đánh như đùa được.


Đã có những tác giả viết hàng chục tập sách dày dặn, công phu nhưng vẫn nhạt, không đọc được. Sự nghiêm túc một chiều khiến độc giả không tin anh ta nữa. ở đấy không có nụ cười. ở đấy không có hình tượng. Văn học là nghệ thuật của hình tượng. Không vẽ ra được hình tượng thì tác phẩm chỉ còn toàn chữ là chữ, đọc rất sốt ruột, rất buồn ngủ.


Trong văn học, sự phong phú nội tâm của nhà văn là yếu tố số một làm nên sự hấp dẫn cũng như khả năng quyến rũ của tác phẩm. S.Mallarmé, nói: Viết văn, tức là trước hết tự hỏi về chính mình, rồi tự đó lại cho mình một sứ mạng tạo dựng một vũ trụ mới…. Khi không có khả năng tự hỏi, đương nhiên sau đó phải tự trả lời thì rất khó viết, rất khó trở thành nhà văn được.


Trong các nhà văn Việt Nam, chỉ có một số ít có khả năng tự nói về nghề, lại càng ít hơn những người nói hay. Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Khải… là những người biết tự hỏi mình nhất. Nói về nghề văn, có lẽ không ai điên rồ và mê sảng hơn Chế Lan Viên vì với bản tính thi sĩ phần nào khắc kỷ và hơi duy lý, Chế Lan Viên chỉ băn khoăn về các chân lý hình nhi thượng mà thôi. Hỡi ơi, ngoài những chân lý hình nhi thượng, đời còn có bao điều khác nữa, còn có chuyện tiếu lâm, còn có thơ Bút Tre nữa kia mà!


Làm người thật khó, làm một nhà văn càng khó hơn. Việc tự bảo vệ mình để có một nguồn sinh lực dồi dào, đầy sức sáng tạo không dễ chút nào. Có nhà văn trẻ sau khi viết xong tiểu thuyết đầu tay, do sơ xuất để bệnh quai bị chạy vào… chim(!) sợ điều ấy ảnh hưởng đến sự nghiệp văn học, anh lo lắng mang điều ấy tâm sự với một nhà văn lớn tuổi hơn thì được an ủi:


– Tư Mã Thiên ngày xưa còn không có chim cơ mà! Không sao cả! Văn học đứng cao hơn mọi thành kiến, có chim hay không có chim đối với văn học đều không quan trọng.


Văn học quả là vô chiêu! Tôi đồng ý quan niệm với nhiều người coi văn học là phương tiện, lại cũng là cứu cánh…
Lại cũng là cuộc sống nữa.
Vậy cứ cười lên đi! (*)

5/6/2000

– Nguyễn Huy Thiệp – Bài trên báo Tiền Phong –

Exit mobile version