(Chân dung Nguyễn Huy Thiệp của Nguyễn Đình Đăng)

Năm 1941, khi ấy Nguyễn Bính 23 tuổi, Nguyễn viết bài thơ Oan nghiệt. Bài thơ nôm na, không phải câu nào cũng hay cả:

Hôm nay bắt được thư Hà Nội 
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi

Dung là tên nhân vật trong bài thơ, theo nghề ca xướng (kỹ nữ). Đứa con gái lớn lên, theo nghề mẹ, một bữa kia bỗng gặp bố vốn là thi sĩ ở chốn lầu xanh:

Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được
Bố bố con con chẳng nhận ra

Bài thơ hay, tê tái bởi chuyện loạn luân oan nghiệt tình cờ (môtíp Ơđíp). Đoạn cuối bài thơ có câu:

Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ

Tôi tiếc Nguyễn Bính giải thích lý do đừng lấy chồng thi sĩ tầm thường. Có thể trong thâm tâm, Nguyễn cay cú nghề thơ, coi nhà thơ chẳng ra gì. Đa số nhà thơ chẳng ra gì, điều ấy thực, bởi một phần do lối nói quá lên và đặc tính xảo ngôn (nghệ thuật tu từ) của thể loại. Thiên tư mơ mộng ở nhà thơ và lối thể hiện uốn éo (hoạn quan hoặc pê-đê) những thiên tư ấy đã chứa ẩn suy đồi. Một số (rất ít) thoát khỏi sự tầm thường phải là người có thiên nhãn. Song, những nhà thơ như thế thì người bình thường không ai chịu nổi: cách luyện công của họ na ná như trò làm loạn. A.Rimbô (là một người như thế) nói: Thi sĩ làm cho mình thành người có thiên nhãn bằng sự gây rối loạn lâu dài, rộng khắp và có suy tính tất cả các giác quan. Tất cả các nền chuyên chính quân chủ, chuyên chính cộng hòa, chuyên chính dân chủ khi nghe A.Rimbô nói vậy đều cau mặt xiết tay lại: họ không cần đến thứ công dân như thế.


Ta nên lưu ý đến câu suy tính tất cả giác quan mà A.Rimbô nhấn mạnh. Điều ấy là gì nếu không phải là ý thức kiểm soát chặt chẽ mọi nhận thức? Vậy, sự gây rối loạn ở nhà thơ khác hẳn sự gây rối loạn phàm phu tục tử. Dù cho A.Rimbô có thời đi buôn vũ khí nhưng ông chưa bao giờ là người chủ trương bạo động xã hội. Các nhà thơ nếu có bắn thì bắn chỉ thiên: đó cũng là một lầm lỗi nữa ở trong thiên tư của họ tinh thần cải lương (hóa giải) với địch!


Tôi rất khó chịu với những câu thơ đầu môi chót lưỡi về lòng nhân từ bản năng, tính thiện bản năng hoặc là trò ngâm ngợi thứ lòng tốt nhỏ kiểu từ thiện xã hội. Tác giả của nó mới chỉ la liếm ở vành ngoài của tính thiện. ở vành ngoài của tính thiện bao giờ cũng nhơ bẩn: nó là máu me, là những cuống nhau sót lại của bà mẹ ác. Chỉ có đối mặt thẳng thắn, lý giải nó bằng triết học, nhà thơ mới tìm ra được một giải pháp tương đương, có tính chất toàn bộ nhằm chống chọi và giữ được thế cân bằng với cái ác trong bản chất sự sống. Thực ra thiện ác cũng chỉ là nhất nguyên thể (Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương). Vậy thì nhà thơ phải đứng cao hơn điều mình viết. Y bắt buộc phải thấm nhuần ý tưởng siêu thiện ác nếu như y muốn trở thành một người đáng kể.


Phải thừa nhận rằng hầu như tất cả những ai làm công việc sáng tạo (viết v
ăn, làm toán, xây dựng, làm chính trị…) đều chịu ơn thơ. Thơ giữ vai trò người mẹ lẩm cẩm, người mẹ lẫn lộn cho công việc sáng tạo. Nhưng nước mắt chảy xuôi khi thành đạt, những kẻ thành danh đều ngượng nghịu khi phải thú nhận rằng mình có lúc để cho tình cảm chi phối mà ngâm ngợi…


– Thế còn các nhà thơ chuyên nghiệp?


Tôi rất ngạc nhiên bởi danh hiệu nhà thơ chuyên nghiệp! Làm gì có thứ đó! Ta chỉ có các viên công chức, các bác thợ, các ông kễnh, bà kễnh… Có ai làm thơ mà sống được và có ai chỉ sống để làm thơ? Thơ vô vọng đến nỗi kẻ nào dính vào nó, có ý định đi hết đường với nó nghĩa là bất hạnh, là hiểm họa, quá lên nữa sẽ là sung sướng trong tan nát. Dấu hiệu của nghệ thuật thơ ở đỉnh cao (thậm chí có thể của tất cả các loại hình nghệ thuật) là làm cho kẻ sáng tạo ra nó sung sướng trong tan nát.
Có một viên thanh tra cảnh sát nói về nghề nghiệp của mình:


– Muốn tôn trọng nó, đến một lúc nào đó phải biết rút lui khỏi nó.


Câu nói trên rất hợp với việc bình luận nghệ thuật nói chung. Có điều, đối với nhà thơ, việc rút lui ở đây nghĩa là buộc anh ta tiến tới triết học con đường đau khổ để tránh hổ thẹn. ở nhà thơ – nhà triết học dứt khoát phải biết gạt các cảm xúc sang bên để nghiền ngẫm về bản chất. Bản chất ở đây nghĩa là bản chất con người chứ không phải là bản chất đồ vật hoặc cảnh trí thiên nhiên. Thái độ của Spinoza với các hành vi của con người là thái độ duy nhất đúng mà ta học tập: Tôi đã cố gắng một cách thận trọng để không chế giễu hay thương hại hoặc ghê tởm những hành vi của con người, mà chỉ để thấu hiểu chúng. Hỡi ơi, thấu hiểu nghĩa là đau đớn tột cùng, nghĩa là gánh chịu nỗi đau của Chúa đóng đanh câu rút.


Khi ai đó nói thơ là kinh nghiệm thì đây chắc chắn phải là kinh nghiệm tâm linh chứ không có kinh nghiệm gì khác. Kinh nghiệm tâm linh tột cùng nằm ở nơi kết thúc các sự kiện, nằm ở sự chết của sự kiện. Con người xông pha trong cuộc đời (đuổi theo danh vọng, tình ái, tiền bạc, thậm chí danh dự(!), làm cách mạng gia đình(!) với ý niệm cho rằng ta có thể tìm được hạnh phúc ở ngoại giới (!) (thực sự là một ý định kiếm chác phàm phu), lúc nào cũng nghĩ rằng mình gần đạt được điều mình mong muốn. Họ chỉ dừng chân khi nào họ bị cuộc đời hắt hủi, chơi cho một búa. Những cú pan ấy, những nhát búa triết học ấy có ít chất thơ nhưng làm tăng nhanh số người điềm đạm. ở một xã hội điềm đạm dễ chịu hơn nhiều so với một xã hội cuồng nhiệt hăng say… Đây không phải nhận xét cá nhân mà là bài học về lịch sử văn minh nhân loại.


Tôi nghĩ thơ là kết quả của trạng thái sáng tạo trong đó Sự Thật biểu hiện. Quan niệm ấy na ná như một quan niệm tôn giáo nhưng thật ra không thể hiểu khác được. Quan niệm ấy về khía cạnh nào đó sẽ dị ứng với yêu cầu xã hội hóa. Muốn gì thì gì, thực tại thế giới bên ngoài vẫn tồn tại vô cùng tàn nhẫn giữa thiện một bên và ác một bên, hư và thực, tử tế và đểu cáng, địch và ta… Nhà thơ đứng ở ranh giới giữa hai làn đạn để làm một việc là biểu hiện sự Thật mà thôi.


Đừng lấy chồng thi sĩ. Lời khuyên ấy của Nguyễn Bính là một lời khuyên chân thành xuất phát từ nhu cầu an toàn của một nếp sống nhỏ. Nhưng đấy chỉ là lời khuyên cho người tình của nhà thơ. Thế còn nhà thơ? Anh cũng phải lựa chọn hoặc là bậc thánh nhân hoặc là tên đê tiện. Cần lưu ý là bọn đê tiện cũng có thơ và thơ của chúng còn nhiều là khác. Tôi không dám khẳng định rằng một dân tộc đi đâu cũng thấy tiếng thơ véo von là một dân tộc suy đồi nhưng bất hạnh là chắc chắn.


Cần phải tiến tới triết học. Đấy là đích đi đến của nhà thơ. Nhưng muốn tiến tới triết học, nhà thơ bắt buộc phải vượt qua nhịp cầu tâm lý học. Nhà thơ – nhà tâm lý không thiếu việc làm: anh ta liên tục quan sát, liên tục nhận xét và liên tục tìm cách cải thiện các mối quan hệ để thể nghiệm những nhận xét ấy.


Nhà tâm lý theo Nitsơ – phải quay mặt đi đừng nhìn mình để nhìn thấy tất cả. Và đây, một điển hình cho một bài tập tâm lý mà tôi thấy không chê trách được: Giữa đám quần thoa Chân lý! ồ! Chị không biết chân lý là gì rồi! Nó chẳng phải là một toan tính xâm phạm pudeurs (tiết hạnh) của chúng ta sao? (Nitsơ – Làm thế nào triết lý với cây búa).


Vậy nhà tâm lý học có chối từ thơ hay không? Đối với các vĩ nhân tỉnh lẻ thì chịu, câu hỏi này không sao trả lời được. Nhưng với Đăngtơ, Gơtơ, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương… thì họ quả có chối từ một vài thứ thơ nào đấy.


Nhà thơ, nhà nghệ sỹ đáng quý hay không đáng quý? Không biết. Nhưng theo phân tích tâm lý của Nitsơ thì đây là kẻ tự bản chất có thể thiết yếu là một người đa dục, xúc động trước tất cả mọi sự kích thích và những gì gợi ra sau sự kích thích này. Nhưng dưới ảnh hưởng của sứ mệnh hắn, của ý chí đi tới tự chủ của hắn, hắn thường tiết độ nghĩa là trinh khiết.
Trinh khiết giữa cuộc đời ô trọc và phàm phu, hướng tới sự sống, tuyệt giao với mọi biểu hiện suy đồi theo tôi, đấy chính là đạo đức rồi.


Chỉ cần một thứ để làm nên bất tử thôi: Tác phẩm.
Con đường của nhà thơ thật dài (*)


(*) Bài đã in ở Tạp chí Sông Hương (1992)

– Trích “Giăng lưới bắt chim” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp –

Exit mobile version