Đại hội nhà văn họp ở hội trường. Tôi hỏi một cảnh vệ gác cổng: Này chú em, chú thấy những người đi họp ở hội trường kia thế nào?. Cậu cảnh vệ mỉm cười: Cháu thấy họ cứ điên điên thế nào!

(Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)


Với người bình thường, các nhà văn thường có vẻ “điên điên”. Lao động trí tuệ khiến chân dung họ có nhiều nét suy tư khác thường. Có lẽ ít có nghề nghiệp nào dễ bị hiểu nhầm như người làm văn học. Chúng ta biết rằng đến ngay cả Puskin lẫn Đôxtôiépxki đều cùng có vẻ “điên điên”, hai ông đều từng bị người đương thời coi là thiếu giáo dục(!) còn chính quyền Sa hoàng thì liệt họ vào dạng phần tử nguy hiểm đáng đưa đi đầy ở Xibêri. Hai người này về sau hậu thế đều coi họ là đại diện cho những tâm hồn Nga hoặc bản tính Nga. ở ta, Nguyễn Du từng bị một hoàng đế (Tự Đức) muốn cho ăn đòn, còn Nguyễn Trãi thì bị giết phăng.


Gần đây trong thời cận đại, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương từng bị người đời coi là hạng bỏ đi, không chấp. Bùi Giáng được coi là cuồng sĩ, không phải ngờ rằng “điên điên” nữa mà là điên thật! Người ta đến nay vẫn còn hay dùng danh từ hàn nho, hàn sĩ, văn sĩ quèn, văn sĩ nghèo để chỉ nhà văn hay người cầm bút.


Công việc chữ nghĩa là công việc dù ít nhiều thế nào đó vẫn cứ gắn với một ý nghĩa, một chân lý, cao xa hơn còn gắn với đạo một trong những khái niệm người xưa hay dùng để chỉ bản chất thế giới. Đi lối này, E-xít, Ở đây bán thịt: chỉ một thông báo viết bằng phấn trên tấm bảng đen như thế cũng đã chứa ẩn cả một thông tin hay một chân lý cụ thể nào đó rồi. Trong văn chương, trong sách vở có chứa cả thế gian (trong sách có người đẹp, có cả nhà vàng). Người ta có thể nhận ra được khẩu khí, nhận ra chân dung tinh thần của người cầm bút, của người kể chuyện. Người đọc tinh ý còn nhận ra cả vẻ sang hèn của tác giả nữa. Có người tự nhận là hèn mà vẫn cứ sang, có người tưởng sang mà lại hóa hèn. Có người viết hàng ngàn trang giấy mà vẫn không phải nhà văn hoặc vẫn chỉ là một tay chơi không sạch nước cản, một nhà văn không biết viết văn.


Bao nhiêu đồ cử lên mây hết,
Còn lại văn chương một tú tài!


Xuân Diệu đã nhận xét và bình luận rất đúng về văn đàn thời Tú Xương như thế. Đây cũng là một lời bình luận tuyệt khéo, kinh điển trong gia tài văn học mà Xuân Diệu để lại cho đời. Riêng về việc luận bàn văn chương Tú Xương, quả thực Xuân Diệu là một bậc thầy, xứng danh đệ nhất tài tử, thậm chí ông còn làm tốt hơn cả Nguyễn Tuân đã từng làm. Cho đến nay trên văn đàn Việt Nam, có lẽ chưa có ai có một tình yêu văn học chân thành và hồn nhiên như ở Xuân Diệu. Ông cũng là một trọng tài, một người công bằng và chính trực với các giá trị văn học.


Phê bình văn học, bình luận văn học là một lĩnh vực khó chơi, khó nhằn vì nó đòi hỏi sự công bằng, chưa nói gì đến dũng khí nhưng chí ít người làm việc đó phải không hèn. Ngoài ra, tính chuyên nghiệp phải được đề cao như một phẩm chất số một. Trên văn đàn, số nghiệp dư và tỉnh lẻ thời nào cũng có và đông như kiến(!). Thói to mồm, tính chất bảo hoàng hơn cả nhà vua và đủ kiểu văn hay khác có thể giết phăng, giết tươi những người có ý định tử tế muốn làm việc này. Việc tranh đấu với những con ngợm văn chương (chữ của người Pháp dùng để chỉ đám quần cộc trong văn học) là bất khả. Không ai hoài hơi đi làm việc ấy (mãnh hổ bất địch quần hồ) nhưng việc nhận dạng ra nó để không dây vào, không chơi, không đánh đu là việc rất cần thiết với các nhà văn trẻ và những người cầm bút có ý thức chuyên nghiệp.


Có thể việc sống và làm việc như mọi người của nhà văn là hay nhưng cũng có thể sống “điên điên” một chút là hay. Điều cần thiết và quan trọng đối với nhà văn là ở chỗ có được tác phẩm và tác phẩm đó có được chất lượng giá trị văn học hay không. Về chất lượng giá trị văn học thì đây là thứ tưởng là dễ định nhưng lại khó định nhất. Chúng ta đã biết chuyện bao nhiêu đồ cử lên mây hết trên văn đàn thời Tú Xương. Thời nay cũng vậy, rất có thể 99/100 tác phẩm được in ra rồi sẽ lên mây hết. Cứ phải đợi đến giờ phán xử cuối cùng nhưng trước mắt, chúng ta có thể nhận ra tín hiệu về chất lượng giá trị thực sự của văn học qua nhận định của những người viết trẻ, của các nhà văn trẻ. Họ là những làn sóng xanh, là những tác phẩm tuổi xanh, là tương lai của văn học và lương tâm của văn học. Đương nhiên, trong số những người viết trẻ ấy họ rồi cũng sẽ giống như các lớp đàn anh đi trước. Họ cũng sẽ lại “điên điên”.


Cũng chẳng sao cả! Họ sẽ viết ra những tiểu thuyết điên điên”, những truyện ngắn điên điên và cả những tuỳ bút điên điên! (*)


(*) Đã in báo Tiền Phong.

– Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp –