THƯ GỬI MỘT CÔ GÁI TRUNG QUỐC
Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2012
TT thân mến!
Lẽ ra, tôi phải viết đúng họ tên em nhưng vì sự tế nhị và cẩn trọng nên tôi đành phải viết tắt như thế. Tên em, một cô gái Trung Quốc cao ráo xinh tươi, ba năm qua vẫn thường ngân rung trong tôi. Dù tôi không tin chắn lắm là em còn nhớ chuyến thăm Thiểm Tây của đoàn nhà văn Việt Nam năm 2009 nữa hay không nhưng chúng tôi mỗi khi gặp nhau vẫn thường nhắc lại chuyến thăm đất nước bao la và tráng lệ của em. Những người bạn Trung Quốc để lại trong ký ức chúng tôi những ấn tượng đẹp về sự chu đáo, ân cần, vui vẻ, cởi mở.
Mùa đông năm ấy, chúng tôi đến thành phố Tây An, Thiểm Tây quê hương em bằng máy bay của hãng Hàng không Thượng Hải. Đêm trước chuyến bay, trong khách sạn He Ping Li (Bắc Kinh) tôi mơ thấy người chết. Khi bước lên máy bay lòng tôi vẫn nao nao bồn chồn bởi sự ám ảnh về cơn mơ dữ đêm qua. Nhưng, đúng như quan niệm dân gian ở Việt Nam về giấc mơ: sinh dữ, tử lành chuyến đi của chúng tôi đến Thiểm Tây vô cùng an bình và vui vẻ.
Nắng mùa đông vàng tươi tỏa sáng khắp bầu trời Trung Hoa, trên máy bay nhìn xuống có lúc tôi thấy những vệt tuyết trắng tuyệt đẹp trên các đỉnh núi nhấp nhô. Sân bay thành phố Tây An chan hòa nắng và lồng lộng gió nhưng cũng khá lạnh. Thay mặt Hội Nhà văn Thiểm Tây, V- Chủ nhiệm Ban Sáng tác ra tận sân bay đón chúng tôi. Suốt chặng đường về Thành phố, tuy mới gặp nhau lần đầu, chúng tôi vẫn chuyện trò rôm rả. V cười nói, đại ý: mấy bữa nay trời mù mây dày đặc, chiều này có các nhà văn Việt Nam đến bỗng nhiên ửng nắng rất đẹp. Anh lấy ra tờ báo Văn nghệ in từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước nói với các nhà văn Việt Nam: trong số này có truyện ngắn của bố tôi.
Em biết không, kể từ đấy mọi nghi lễ xã giao dường như không còn nữa, các nhà văn của hai nước láng giềng, những người cùng yêu quý trân trọng Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Lỗ Tấn… và Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… bỗng cởi mở ân cần như anh em lâu ngày gặp lại. Những thăng trầm, ấm lạnh của mối quan hệ bang giao giữa hai nước Việt – Trung chỉ là mấy vết mờ thấp thoáng xa xa, không có nhiều cơ hội can dự vào các cuộc chuyện trò đàm đạo của những người cầm bút khác ngôn ngữ. Chúng ta lấy giá trị nhân văn làm mẫu số chung cho mọi nền văn học, không phân biệt lớn bé, cao thấp, cường quốc hay nước nhược tiểu. Đó chính là nền tảng để các nền văn hóa nói chung và văn học nói riêng đối thoại, giao lưu, học hỏi nhau. Như lần này, chúng tôi đến Bắc Kinh, Thiểm Tây và sau đó là Thượng Hải trong hơn mười lăm ngày… với tư cách là những sứ giả của Hội Nhà văn Việt Nam. Bình đẳng, tôn trọng, đó chính là điều chúng tôi nhận ra trong các cuộc trao đổi, thảo luận về văn học đương đại của hai nước. Em biết không, bằng sự nhạy cảm đầy tự trọng của các nhà văn ai cũng mong muốn hai Hội Nhà văn, hai Quốc gia mãi mãi thắm tình đồng chí – anh em.
Thật thú vị khi được đến quê hương Thiểm Tây, vùng đất cổ của Trung Hoa nơi còn ghi dấu nhiều dấu tích lịch sử dựng nước, giữ nước của Tổ quốc em. Một tỉnh nổi tiếng với cánh đồng lúa mì 800 dặm nằm gọn trong vùng khí hậu ôn đới chia ra bốn mùa rõ rệt, hè có lúc nóng tới 45 độ C, đông lạnh xuống âm 15 độ. Tôi đã từng được sống mấy ngày trong thành phố Tây An có chiều dài lịch sử 5000 năm. Mảnh đất này chính là nơi phát tích của Nhà Hán, bắt đầu từ Lưu Bang; trước và sau đó còn chứng kiến sự hưng thịnh, suy vong của các triều đại nổi tiếng Tần, Ngụy, Đường…
Em biết không, tôi đã đọc Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký… từ thời còn học cấp một, dưới những căn hầm chữ A trong tầm bom đạn của máy bay Mỹ. Nói không quá lời đâu, chính những tác phẩm ấy đã góp phần giúp chúng tôi vượt qua được những ngày gian khó, hiểm nguy nhất trong chiến tranh. Chúng tôi đã “kết bạn” với Tôn Ngộ Không…, Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, Khổng Minh, Triệu Vân, Mã Siêu… từ thời còn là những cậu bé học trò áo vá chân đất. Thú thật, thời con nít, chúng tôi đã ghét Tào Tháo đa nghi và cũng không ưa mấy Chu Du đố kỵ. Lớn hơn, chúng tôi được học Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu… và Lỗ Tấn…
TT ạ, mãi còn man mác, xao xác trong tôi một Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu đấy. Thơ đạt tới tầm này, độ này là di sản của nhân loại rồi chứ đâu riêng một Trung Hoa thâm thúy nữa: Hạc vàng ai cỡi đi đâu/ Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ/ Hạc vàng bay mất nghìn xưa/ Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay/ Hán Dương sông lạnh cây bày/ Bãi xa Oanh Vũ xanh đầy cỏ non/ Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai! Tản Đà, một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam đã dịch bài thơ ấy qua tiếng Việt và rất nhiều người nước tôi đã thích và thuộc Hoàng Hạc lâu.
Cũng chẳng rõ nguyên cớ gì mà tôi lại cứ mường tượng em, một cô gái Trung Hoa hiện đại giống cô bé “hái trộm” hoa sen trên ao trong thơ của Bạch Cư Dị: Cô bé chở chiếc thuyền con/ Đi hái trộm hoa sen trắng về/ Không biết giấu lối đi/ Để bèo mặt nước dạt thành một vệt.
Mới hay, cái sự thanh bình mộc mạc vẫn là mong muốn muôn thuở của con người. Dẫu từ xưa đến nay, để giữ được cái đó chẳng dễ dàng chút nào; hòa bình luôn bị đe dọa, tấn công bởi những mưu toan lấn át, chinh phục, chiếm đoạt nhiều hơn, quyết liệt hơn, thâm hiểm hơn ta tưởng.
Buổi sáng ấy, em dẫn chúng tôi đi tham quan Bảo tàng binh mã Tần Thủy Hoàng. Trời lạnh dưới độ không, gió thổi mạnh và mây âm âm u u. Em và tôi đã chụp mấy bức ảnh làm kỷ niệm. Chúng ta đứng sát bên nhau dưới tượng Tần Thủy Hoàng to cao lừng lững. Tôi quàng tay qua em, em ngoan ngoãn nép sát vào tôi, những ấm áp thơm tho từ em tỏa sang tôi nhè nhẹ. Khuôn mặt thanh tú, nước da hồng mịn và đôi mắt một mí là những nét nổi bật của em. Nụ cười em tỏa sáng tương phản rõ rệt với màu tượng Tần Thủy Hoàng đen sẫm.
Trung Quốc đề cao vị hoàng đế nổi tiếng này, có phải thế không em? Tôi nghĩ đó là sự đề cao chính đáng. Trung Hoa thời đó chia năm xẻ bảy, nước Tần chỉ có 3 triệu dân. Với tài trị quốc cầm binh, Tần Thủy Hoàng đã thống nhất được đất nước. Giang sơn vạn dặm xa xôi mà vũ khí thống nhất, xe cộ thống nhất trong toàn quốc không phải ai cũng làm được. Mỗi thôn xóm là một đơn vị quân sự, hòa bình làm dân, chiến tranh làm lính, khi có biến sẽ hành động được ngay. Thiết nghĩ, chiến lược giữ nước như thế đáng để ngẫm suy học hỏi.
Khi sang thế giới khác, ông có mang theo một “đội quân” đông đúc tới khoảng 8.000 quan tướng, binh sĩ bao gồm quan văn, quan võ, lính trận, lính hậu cần, lính chăn ngựa, lính phục dịch…cộng thêm ngựa xe khí giới hùng hậu. Và nay, nó đang phơi bày ra trước mắt tôi, lớp lớp hàng hàng trong bảo tàng mang tên vị hoàng đế Trung Hoa có một không hai này. Một bảo tàng rộng hàng nghìn mét vuông, rất sống động mặt người, mặt vật. “Đội quân” tùy táng của Tần Thủy Hoàng hàng năm đã mang về cho du lịch Trung Quốc một khoản tiền không nhỏ. Em có nói với tôi rằng, trong trường hợp này, Tần Thủy Hoàng là một hoàng đế sáng suốt, nhân ái. Cứ tượng tưởng xem, nếu ông vua “khởi đầu” ấy cao hứng lên bắt đủ 8.000 quân lính thật đi theo mình cho đỡ buồn thì kinh khủng biết bao. May thay, hoàng đế Tần Thủy Hoàng chỉ sai thợ nặn bằng đất sét “đội quân” đi theo mình qua thế giới bên kia. Bằng đất sét mà sinh động vô cùng, mỗi người một nét mặt, không ai giống ai. Nghe nói, ông thợ này nhìn khuôn mặt của ông thợ khác mà nặn và ngược lại. Khôn ngoan tài trí như thế cũng đáng nể.
Lại có một bức tượng gây ấn tượng nữa. Một chiến binh thời nhà Tần có tầm kích khổng lồ dắt tay một chú bé thiếu niên. Tôi không đặt câu hỏi cho em điều này, đúng không, và tự mình suy ngẫm về bức tượng đó. Đất nước em tôn vinh, đề cao quá khứ hay thầm nhắc nhở với mọi người về vai trò dắt dẫn của Trung Hoa? Có lẽ cả hai, tôi từng nghĩ thế. Ngoái sang em, vẫn ríu rít tủm tỉm nói cười bằng sắc thái của mỹ nhân phương Bắc, không gợn lo âu hay mưu toan gì. Tôi đặt cược vào niềm tin của tôi, dẫu có thiên vị hay lầm lẫn một chút hoặc nhiều chút cũng chẳng sao vì người làm thơ vốn dễ nghiêng ngã trước người đẹp. Xưa đã thế và nay cũng thế. Yêu nét đẹp của người phụ nữ là đặc tính chung của đàn ông thế giới. Những xung đột vì đàn bà không phải hiếm, nhỏ bé và đơn giản là đấu súng, to lớn và phức tạp là chiến tranh. Nhỏ hay to, đơn giản hay phức tạp đều kết thúc bằng sự đổ máu của một người hay nhiều người.
Con người ta dễ nổi giận làm sao, vì thế chiến tranh xung đột rất dễ được châm ngòi. Hòa bình chỉ được bảo hiểm bằng sự kiên nhẫn để thành thực lắng nghe nhau, từ đó sáng suốt tìm ra giải pháp cho các bên cùng có lợi. Nhịn một lúc, gió nhẹ sóng êm. Lui một bước, trời yên bể lặng. Trong dân gian Đất Việt từ lâu đã truyền lưu câu Một điều nhịn chín điều lành em ạ. Muốn sống được phải biết mình, biết ta. Lại có câu Làm anh làm ả phải ngả mặt lên, càng to lớn càng bao dung độ lượng, càng phải biết nhường nhịn giúp đỡ kẻ nhỏ bé yếu ớt hơn.
Kinh tế thế giới suy thoái không tác động mấy tới cuộc chạy đua vũ trang của các nước lớn. Kho vũ khí, thuốc nổ (thông thường và hạt nhân) vẫn được chất đầy thêm. Các cuộc tập trận rầm rộ diễn ra nhiều nơi, đặc biệt trên đại dương. Xu hướng giải quyết tranh chấp bằng sức mạnh cơ bắp vẫn được coi trọng và chủ yếu mặc dù người ta ra rả nói về hòa bình. Chiến tranh bấm nút đã và đang đe dọa loài người, đại dương bao la đang đứng trước nguy cơ trở thành chiến trường trong tương lai nếu con người không học thuộc chữ Nhẫn. Nắm được vũ khí mạnh trong tay, người ta có thể hành xử như bạo chúa, bất chấp luật lệ, quy tắc văn minh và đó là điều tệ hại nhất em ạ. Mong sao điều tệ hại nhất ấy đừng xảy ra, mãi mãi đừng xảy ra cho nhân dân muôn nơi được sống yên lành.
Có lẽ chuyện này tôi nên nói với em. Không biết em có biết, có quan tâm đến đường biên giới màu hồng gồm 9 đoạn ở phần biển Đông trên bản đồ Trung Quốc. Người ta hình dung nó như một chiếc lưỡi bò lè ra muốn ngoạm hết phần lớn biển Đông, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam có đủ tư liệu chứng minh nó thuộc chủ quyền của mình. Em nhìn kỹ chiếc lưỡi bò đó nhé và chắc sẽ băn khoăn đặt câu hỏi: “Tại sao biển của Trung Quốc lại gần bờ của Việt Nam đến vậy?”. Nói cho em biết nhé, đường biên giới màu hồng 9 đoạn ở biển Đông trên bản đồ Trung Quốc vô cùng mơ hồ bởi không thể xác định cụ thể được kinh độ, vĩ độ của nó bao nhiêu. Điều này không phải tôi nói mà nhiều nhà khoa học, nhà báo nổi tiếng trên thế giới, trong đó có người ở nước em đã có ý kiến như vậy. Không biết em biết chưa, Hoàng Sa của Việt Nam đã bị quân đội Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm năm 1974, sau đó lại tiếp tục lấn đoạt một số đảo nữa ở Trường Sa. Gần đây tàu hải giám nước em lại cắt cáp tàu thăm dò biển của Việt Nam, gọi mời thầu thăm dò dầu khí trong vùng biển Việt Nam cũng như ngang nhiên đưa hàng chục tàu đánh cá đến Trường Sa vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Nếu sự việc cứ tiếp tục được đẩy lên như thế thì không thể lường hết được điều tồi tệ gì sẽ xảy ra với hai nước chúng ta.
Xung đột? Chiến tranh?
Trong lịch sử, đã có những cuộc chiến tranh, xung đột đầm đìa máu xảy ra giữa hai nước có núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển này. Lẽ nào, lịch sử sẽ lặp lại những cuộc đối đầu như thế. Mà, đừng ai mong dành được chiến thắng trong cuộc đối đầu mới này. Chiến tranh không những lấy đi sinh mạng, cuộc sống của bao người ở hai phía mà còn gây tổn thất không lường hết được về kinh tế, chính trị, xã hội. Biển đã chát mặn rồi sẽ mặn chát thêm bởi nước mắt thương đau xót xa của bao người mẹ, người vợ, người yêu trên đất nước em và đất nước tôi. Bài học tháng 2 năm 1979 vẫn còn nóng hổi. Nhưng chúng tôi đâu có thể làm khác được… Nếu không bình tĩnh, sáng suốt, hai quốc gia sẽ bị hút vào vòng xoáy thù hận mà ai cũng đã biết hận thù không làm cho chúng ta lớn lên.
Phải biết gìn giữ những vun đắp, xây dựng tốt đẹp đã có giữa hai đất nước, có phải thế không em? Phải đẩy xung đột, đối đầu, chiến tranh ra xa; phải kéo hòa giải, thân thiện, hòa bình lại gần; đó là tiếng nói lương tri được cất lên lúc này, là hành động được thực thi bây giờ.
Suy nghĩ và hành động ở từng con người và ở mỗi quốc gia không thể nhăm nhăm chỉ vì lợi ích của mình mà còn vì người khác, vì quốc gia khác nữa. Khổng Tử đã từng đúc kết, khuyên dặn: Chỉ biết làm việc vì lợi ích của mình, nhất định sẽ chuốc lấy nhiều oán hận.
Tôi và em, những công dân bình thường của hai nước Việt Nam – Trung Quốc cũng nên làm điều gì đó để góp phần đầy lùi xung đột, đối đầu, chiến tranh ra xa và kéo hòa giải, thân thiện, hòa bình lại gần. Cho hai dân tộc, hai đất nước và mỗi gia đình được sống an lành trong cảnh biển trời không có tiếng bom rơi đạn réo. Hòa bình là hạnh phúc chung, hạnh phúc lớn nhất của hai đất nước chúng ta cũng như của cả nhân loại em ạ.
Thư tôi viết đã dài và có lẽ cũng lan man em nhỉ. Trước khi dừng bút tôi lại muốn nhắc tới câu: Nhịn một lúc, gió nhẹ sóng êm. Lui một bước, trời yên bể lặng…
Chúc em và gia đình mạnh khỏe, an lành. Mong được đón em như một người bạn quý trên Việt Nam đất nước yêu dấu của tôi và mong được trở lại thăm quê hương Thiểm Tây và tổ quốc Trung Hoa bao la của em. Cầu mong mọi sự tốt lành đến với chúng ta.
Tạm biệt và hẹn gặp lại.
Nguyễn Hữu Quý
Nguồn : Văn Nghệ