Hoài Nam sinh năm 1975, tốt nghiệp khoa văn học Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, hiện đang công tác tại Ban văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam. Sở dĩ chúng tôi nhắc lại đôi dòng thông tin ấy, bởi gần đây, có rất nhiều tin bài trên báo chí, blog có ý xếp Hoài Nam vào nhóm phê bình báo chí. Đó là một cách phân loại, thoáng nhìn có cơ sở hẳn hoi và do vậy dễ nhận được sự đồng tình của số đông. Hoài Nam là một nhà báo, anh xuất hiện rất đều đặn trên báo chí, tham gia điểm sách, viết chân dung, nhiệt tình góp tiếng nói, cách nhìn giải quyết những vấn đề hiện tượng đang đặt ra hay nảy sinh trong đời sống văn học; bài anh viết thường ngắn, đúng văn phong báo chí và lại ít trích dẫn, viện dẫn những ý kiến của người khác để làm sang quan điểm, cách phân tích của mình…. Vậy thì anh đích thị là một nhà phê bình: phê bình báo chí. Thực ra, cách gọi đó chưa hẳn là một lời khen, một thao tác phân loại khách quan vô tư mà ta vẫn mong đợi. Ngẫm kỹ, ở đó có hàm ý đánh giá thấp, tương tự một sự coi thường: phê bình báo chí bao giờ cũng đứng thấp hơn, ít nhất một bậc, so với phê bình hàn lâm. Ở đâu, chứ học thuật ở xứ mình, trích dẫn lẽ ra là một cách làm khoa học, có ý nghĩa khoa học nhưng đối với một số người trích dẫn nhiều, rất nhiều, để… làm cho bài viết có vẻ hàn lâm, cho ra vẻ nghiên cứu, sâu sắc, cho ra chất bác học, đọc nhiều, biết lắm (nếu bỏ đi các trích dẫn la liệt, bộn bề, cũng không khác gì những văn bản mà ta quen gọi là phê bình báo chí). Tức là trong phê bình văn học hiện nay có hiện tượng lạm dụng trích dẫn và thông qua các chú thích diễn giải để biến thông tin của người khác thành “ý tưởng, quan điểm” của mình (không nêu rõ xuất xứ nguồn trích dẫn, mặc dù người viết vay mượn ngôn từ, tham khảo tác phẩm, sử dụng ý tưởng, trí tuệ của người khác). Cũng không nên vội vàng phong cho ai đó là người tài hoa, xuất chúng, khi thực chất những bài viết của họ chỉ đơn giản là thông tin, tổng hợp, tổng thuật… các sách vở, báo chí, ý kiến của người khác (ở ta hoặc bên trời tây, hoặc kim hay cổ).


Trở lại tập tiểu luận phê bình Mùi chữ của Hoài Nam. Mùi chữ gồm ba phần: Tìm lại người quen, viết chân dung một số nhà thơ, nhà văn, chủ yếu là thời Thơ mới; tìm trong trang sách, viết về một số tác phẩm mới xuất bản gần đây và nghĩ về văn chương,viết về một số vấn đề, hiện tượng của đời sống văn chương đương đại. Cả tên sách, tên các phần đều “không có gì mới”, sự giản dị của những cái tên chỉ gợi cho người ta nghĩ về… những điều quen thuộc, dễ đọc, gần gũi, nhất là về một văn phong phê bình báo chí đang lấn át các hướng phê bình khác. Đó là cái thua thiệt đầu tiên của Hoài Nam.

Theo một số thông tin trên báo chí, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch (cũng là một người bạn của tác giả) từng nhận xét rằng Hoài Nam “không bị ám ảnh bởi các thi pháp”, anh đã đi qua sự háo hức của tri thức lý thuyết; Hoài Nam xuất thân từ người học Việt Nam văn học sử nên những gì viết trong Mùi chữ được đặt trên nền tảng văn học sử khá vững chắc; tác phẩm củaHoài Nam như “rượu ủ trong chum gỗ đã lâu”. Nhà văn Hồ Anh Thái khi đọc Hoài Nam cho rằng, ở nhà phê bình này có mấy cái Không: “Không áp đặt ý kiến của mình lên tác phẩm… không tỏ thái độ cao ngạo và hách dịch như nhiều nhà phê bình vốn hiểu sai về công việc của mình… không nóng nảy và hấp tấp khi định giá… không coi câu chữ là để thông tin… không coi người đọc là nơi để trút vào đó cái yêu cái ghét của mình…Vì mấy cái Không ấy mà nhiều người thích đọc văn phê bình của Hoài Nam”. Trên blog cá nhân của mình, dịch giả Cao Việt Dũng thẳng thắn bình luận rằng: “Hồ Anh Thái đã không chỉ ra được một cái không lớn nhất: Phê bình của Nguyễn Hoài Nam không có gì đáng nói… phê bình của Hoài Nam sử dụng vô cùng nhiều công thức của bình giảng văn học nhà trường, đó là lối nói nước đôi, mập mờ, đặt câu hỏi lãng xẹt… Mùi chữ của Nguyễn Hoài Nam quả thật có mùi chữ, mùi của sự vô vị chữ nghĩa.”. Một cuốn sách mới ra, đón nhận những ý kiến đánh giá khác nhau, ngược nhau  như trên, không còn là chuyện xa lạ gì với bạn đọc.

Hoài Nam không sắc sảo, không đem đến cho độc giả nhiều phát hiện, ý tưởng mới, nhưng phê bình của Hoài Nam vẫn đáng được ghi nhận và trân trọng. Chúng ta hiện có nhiều nhà phê bình như Hoài Nam, nhiều bài phê bình có cách viết cũng như Mùi chữ. Nghĩa là trong phê bình, chúng ta có nhiều khuynh hướng, phương pháp, tác giả, mỗi người làm một việc hữu ích nhất định, nhưng mỗi người chỉ quan tâm được vài tác giả, tác phẩm, có được vài điều tâm đắc để theo đuổi, có được cái sở trường, điều kiện này kia để làm nghề, bám nghề, yêu nghề; trong đó có lối viết, kiểu phê bình mà cả về văn phong lẫn tri thức có thể chỉ cần dừng lại ở mức phổ thông…. là có thể chấp nhận được. Khi đánh giá sản phầm của các nhà phê bình báo chí, phê bình truyền thông, phải chăng nên nhìn nhận họ theo yêu cầu của nghề nghiệp, ngữ cảnh báo chí có những đặc thù riêng để rộng rãi đón nhận những tiếng nói phê bình khác nhau.

Nhà phê bình Đoàn Minh Tâm trong một lần trực quán văn Văn nghệ quân đội, đã đặt trở lại vấn đề: “Từ trước đến nay chúng ta vẫn nói về phê bình hàn lâm và phê bình nghệ thuật, về bạn đọc phổ thông và giới làm nghề chuyên nghiệp. Liệu có sự tương ứng nhất định giữa phê bình hàn lâm –  giới làm nghề chuyên nghiệp và phê bình nghệ thuật – bạn đọc phổ thông không?”. Trong vai một khách văn được mời đối thoại, nhà phê bình Hoài Nam bày tỏ suy nghĩ như sau: “Vấn đề chủ yếu ở đây, theo tôi, là sự lựa chọn của người viết phê bình: anh định viết cho đối tượng bạn đọc nào và định công bố bài viết của mình ở đâu? Chớ có dại mà viết phê bình (theo cách) hàn lâm trên báo Tuổi Trẻ, và cũng đừng mong có bạn đọc phổ thông nếu anh muốn công bố bài viết của mình trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học! Ngoài ra, vấn đề còn là trình độ cũng như phong cách của người viết phê bình: có người mãn kiếp cũng không viết hàn lâm nổi, có người lại chỉ thích viết thứ câu chữ vừa choang choang vừa bí hiểm như muốn đánh đố bạn đọc!”. Tập tiểu luận phê bình Mùi chữ phản ánh được rất rõ quan niệm đó của Hoài Nam. Cái tạng của Hoài Nam, nền tảng kiến thức ảnh hưởng đến cách tư duy, cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề ở anh biểu hiện khá đầy đủ trong Mùi chữMùi chữ không chỉ thể hiện rõ văn phong, quan điểm đánh giá, mà còn thể hiện chân thực giới hạn của Hoài Nam trong phê bình. Ai cũng có giới hạn, những thói quen, những khuôn mẫu. Chính giới hạn và cách ứng xử với giới hạn đó làm nên số phận và khuôn mặt tinh thần của mỗi người ấy.

Mùi chữ không mới là sự thật. Có được một ý tưởng mới, rồi hiện thực hóa được ý tưởng ấy thành bài viết hoàn chỉnh, giàu sức thuyết phục, hấp dẫn khó lắm. Viết tiếp, làm rõ hơn những ý tưởng đã có cũng là đáng quý trọng lắm.

Bài viết mở đầu tập sách, cũng là mở đầu phần I Mùi chữ là sự tiếp nối đánh giá của Tô Hoài về Vũ Bằng: Tô Hoài định danh Vũ Bằng là một nhà báo kiệt hiệt, Hoài Nam đồng tình với đánh giá ấy, anh thẳng thắn cho độc giả biết mình đang sử dụng ý tưởng từ đâu, và dường như anh chỉ làm công việc là chứng minh đánh giá của Tô Hoài là đúng. Phải nói, nhiều chỗ Hoài Nam tránh được hạn hế của lối văn tuyên ngôn, tung ra rất nhiều phán đoán, “kết luận” nhưng không chứng minh. Phê bình của Hoài Nam hướng tới các bài học kinh nghiệm, đi tìm những cái lý dẫn đến sự kiện nào đấy, cái cơ sở của vấn đề, hiện tượng, hành động nào đấy. Chúng ta thấy Hoài Nam ham tìm cách lý giải, muốn để lại dấu ấn bằng cách vẽ lại những bước đi trong nghề của từng tác giả, cố gắng cắt nghĩa xem tại sao tác giả lại chọn con đường này mà không phải con đường kia. Hoài Nam, mặc dù không đề xuất nhiều luận điểm mới nhưng vẫn cho thấy anh định hình quan điểm bài viết từ đầu rõ ràng. Hoài Nam quan niệm, muốn bạn đọc phổ thông tìm đến phê bình, nhà phê bình phải đọc nhiều, có thói quen đọc, thích đọc như ăn uống hàng ngày: văn phê bình của Hoài Nam chứng tỏ được anh là người chịu đọc, những câu chuyện anh thuật lại, những ý kiến anh dẫn đều phục vụ cho lập luận, nằm trong sự lý giải của anh. Đọc nhiều, nhưng dẫn và thuật lại sao cho vừa đủ, đúng quy ước học thuật lại là một phương pháp, một nghệ thuật, đòi hỏi phải khéo rút tỉa được những chi tiết, sự kiện, song có tiết chế chừng mực, để vừa làm nổi rõ chân dung nhân vật, vấn đề lại vừa tránh sự tào lao, lan man, khoe khoang kiến thức. Hoài Nam viết chân dung, không có cái tung tẩy tự do phóng túng, lém lỉnh và tinh tế mà ta thường gặp để tạo sự khoái chí cho người đọc, anh dựng chân dung từ những lối định đanh, định vị có sẵn, dựng chân dung mà bằng các chứng cứ, các logic vừa là điểm mạnh vừa phần nào hạn chế sức viết, sức nghĩ của anh.

Bài Gửi vào thiên thu mở đầu phần thứ II. Như tên gọi của phần II, đây là phần Hoài Nam đọc các văn bản cụ thể, “tìm trong trang sách” những hình ảnh ấn tượng, những tín hiệu thẩm mỹ giàu ý nghĩa. Bài Gửi lệ vào thiên thu thể hiện một cách đọc hiểu của anh về thơ, trước hết là thơ Phạm Thiên Thư, tập Động hoa vàng. Tác giả Mùi chữ tìm đọc được từ trang sách của Phạm Thiên Thư, hình ảnh ám ảnh dai dẳng nhà thơ: hình ảnh giọt lệ, tiếng khóc. Bài viết của Hoài Nam nhìn liên tưởng hình ảnh này theo chiều lịch đại. Do xoay quanh hình ảnh trên nên đối với các yếu tố nghệ thuật khác trong tác phẩm Hoài Nam không mấy chú ý, riêng bối cảnh sáng tác và hoàn cảnh của chủ thể phát ngôn được Hoài Nam luôn quan tâm như một yếu tố cắt nghĩa cho sự ra đời của thi ảnh tiếng khóc, giọt lệ. Nảy ra từ một câu thơ của Phạm Thiên Thư, người viết dần dần lần giở lại các trang sách, để nghe “tiếng khóc trầm thống” của Đặng Dung qua bài Cảm hoài; tiếng khóc “chân thực, đầy thống thiết và rất đời” trong Ai tư vãn của công chúa và cũng là góa phụ Ngọc Hân, tiếng khóc của người vợ lính trong Chinh phụ ngâm, tiếng khóc của phận người, kiếp làm người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc, tiếng khóc của Nguyễn Du về thập loại chúng sinh trongVăn chiêu hồn. “Tôi không thể đoan quyết trong thơ Việt Nam tự cổ chí kim đã có bao nhiêu giọt lệ thơ được gửi vào thiên thu, như những giọt lệ thơ kể trên. Tôi chỉ chắc chắn rằng chúng phải tận độ chân thực, chúng tiết ra từ những trái tim đầy ắp tình người và những ngọn bút đầy đắp tài năng” (Hoài Nam).

Những vấn đề mà Hoài Nam đặt ra, tìm kiếm trong các trang sách khá phân tán, tản mát. Nhiều bài viết được ghép lại với nhau trong một cuốn sách nhưng không tạo thành chỉnh thể với tư tưởng nhất quán. Dường như anh gặp đâu nói đó, đọc được cuốn nào, tác giả nào anh viết về cuốn sách, tác giả đó; không theo một chủ thuyết, chủ đích, phương pháp, đối tượng nhất định nào mà đi theo thời sự, thời tiết thất thường của văn học. Cái đó có cái hay, là điểm mạnh của những người gắn bó với môi trường báo chí, với đời sống, nhưng chính cái tâm thế “ở đâu cũng là nhà” này đã dễ khiến cho các nhà nghiên cứu, những người đứng trên mảnh đất hàn lâm, kinh viện thường “nhìn bằng con mắt khác”. Không đẩy vấn đề nào tới cùng, thấy cái gì hay cũng viết, cũng chạy theo, thấy ai nói đến cũng muốn lướt qua, đấy là điều không làm nên tư cách chuyên gia ở anh, mặc dù anh là người viết chuyên nghiệp, văn viết có cái duyên đến được với số đông độc giả. Phê bình của Hoài Nam không phải là phê bình khoa học, có phương pháp, tiêu chí rõ ràng và đây cũng là “kiểu phê bình có ở khắp nơi” trong đời sống văn học chúng ta.

Hoài Nam không mạnh khi đọc văn bản cụ thể, không sắc sảo khi vẽ các chân dung, anh luôn là người đến sau tái diễn giải vị trí văn học sử của một số tác giả quen thuộc, anh cũng chỉ là người đồng hành với các một số tác giả đương đại trong việc ghi nhận sự hiện diện của họ trong đời sống văn học phức tạp bồn bề này. Hoài Nam luôn hướng ngòi bút của mình vào di sản văn học dân tộc, chủ yếu là nửa đầu thế kỉ XX, như những trải nghiệm, sự thưởng thức và những nền tảng tri thức cần thiết; điểm tựa để anh nhìn nhận đánh giá cũng thường đặt ở đấy. Văn phê bình của anh chỉ hấp dẫn khi thể hiện những suy tư cá nhân về các vấn đề, các hiện tượng đang đặt ra trong đời sống văn học đương thời.


Phương Thảo

Nguồn: Văn học quê nhà