Nhà thơ Trần Dần, trong những suy niệm của mình về thơ và cuộc đời đã từng  xa xót thốt lên:

Tôi khóc những chân trời không có người bay

Lại khóc những người bay không có chân trời.

Còn nhà thơ Nguyễn Hoa lại thành thực thú nhận:

Tôi biết khát khao tuổi nhỏ tôi bay lên

Sự hẫng hụt

Tôi chưa quen

Có thể thế

Tôi có nhiều cảm xúc?…

Qua ô cửa tròn – mây trắng muốt dưới tôi

(Máy bay đang bay)

Vâng! sự cảm nhận về đường bay và cách bay của mỗi người có thể khác nhau. Bởi sự nghiệm sinh của mỗi người không bao giờ đồng nhất cả. Cho nên, sự khác nhau trong cách nhìn về hướng bay của thi sĩ Trần Dần và Nguyễn Hoa cũng là một tất yếu.

Nếu ở Trần Dần là khát vọng bay trên đôi cánh của một “người khổng lồ” luôn vươn tới những vùng trời không hề biết đến sự giới hạn, thì ở Nguyễn Hoa cái khát vọng ấy chỉ là một khát khao của con người đã tự thức nhận về sự giới hạn của chính mình.          Và trong cõi nhân gian mờ mịt này, không phải ai cũng nhận biết sự giới hạn của mình khi người ta đang bị cuốn vào rất nhiều nỗi đam mê của cuộc sống đời thường. Vì vậy ta càng quí sự đốn ngộ của Nguyễn Hoa về giới hạn của phận người khi anh tự hiểu rằng

Dưới tôi là bầu trời mặt đất

Còn trên cao tôi lại cũng bầu trời.

(Máy bay đang bay)

Có thể trong chúng ta, có người thích cách nhìn về cuộc đời và khát vọng sống đầy lãng mạng của Trần Dần. Có người lại thích cái khát vọng sống với ý thức về sự giới hạn trong thơ Nguyễn Hoa. Song theo tôi cả hai khát vọng ấy đều đáng trân trọng. Có thể khát vọng theo kiểu Trần Dần thích hợp với chúng ta ở thời điểm nào đó khi mà con người còn đủ năng lượng bay cao bay xa để thực hiện những hoài bảo lớn lao của đời mình. Còn cái khát vọng của Nguyễn Hoa với những giới hạn về phận người có lẽ là một giá trị hằng cữu. Bởi con người luôn sống trong những giới hạn và không ai, dù là thiên tài, là vĩ nhân chăng nữa có thể vượt qua giới hạn của phận người …!?

Và phải chăng, vì luôn ý thức được sự giới hạn ấy mà Nguyễn Hoa trong khát vọng sống của mình không có ước mơ bay cao bay xa về những chân trời cao rộng mà anh luôn gắn ước mơ của mình với mặt đất, với số phận con người trong cõi nhân sinh.

Ôi! Mặt đất gụi gần

Mặt đất

Như bước ra từ ước mơ…

Vì chính anh đã tự thức nhận:

Bởi tôi biết

Đường thơ còn dài….

Chính vì sự tự thức này mà trong thơ anh chất chứa đầy nỗi nhớ như một sự ám ảnh của vô thức và tâm linh. Những nỗi nhớ mà anh gọi tên là “Nỗi nhớ không thời gian”. Và sự khắc khoải trong thơ anh cũng bắt đầu từ những nỗi nhớ này.

Quả thật, đã là nỗi nhớ thì làm gì có thời gian, có không gian. Bởi nỗi nhớ chính là một cảm thức hiện sinh nên nó không bao giờ bị “cầm tù” trong giới hạn của không thời gian. Với tâm hồn nhạy cảm của một thi nhân, có lẽ Nguyễn Hoa đã nhận ra điều ấy. Nỗi nhớ trong thơ Nguyễn Hoa không chỉ là sự kết tinh của thế giới tâm tưởng mà còn là sự kết tinh của những tâm cảm luôn dằn vặt và đớn đau trước những hy sinh thầm lặng của biết bao người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất mẹ.

Và bắt đầu từ nỗi nhớ

Nỗi nhớ không sợ thời gian…

Những đồng đội của tôi – không thể nào quên

Tuổi mười tám, đôi mươi nằm xuống

(Dưới mặt trời)

Trong thơ Nguyễn Hoa, ta thường bắt gặp sự khắc khoải về nỗi nhớ luôn dày vò tâm thức anh. Đó là nỗi nhớ về sự hy sinh của những người lính vốn là đồng đội của anh trong chiến tranh. Sự hy sinh ấy không mất đi mà vẫn luôn hiện hữu, luôn song hành và định hướng cho anh trong những chọn lựa của đời sống

…. những đồng đội nằm lại Trường Sơn

Đang giữ cho máy bay đúng hướng

(Máy bay đang bay)

Có một thông điệp khác cũng đầy khắc khoải mà tôi muốn nói đến trong thơ Nguyễn Hoa đó là cảm thức của thi nhân về đất đai với một không gian đa chiều. Mặc dù tập thơ có tên gọi là Máy bay đang bay nhưng rất nhiều bài thơ trong đó lại viết về mặt đất. Có thể nói Mặt đất – Đất mẹ đã trở thành một nỗi ám ảnh trong thơ Nguyễn Hoa. Đất như một phần máu thịt làm nên hồn thơ của anh. Vì thế, dù thơ của anh có bay về “chốn bồng lai tiên cảnh” nào thì hồn của nó vẫn găm sâu trong lòng đất.

Ta hãy nghe anh thầm thì, thủ thỉ cùng đất đai mà lòng tê điếng khi từng ngày từng giờ trên quê hương mình đâu đâu đất đai cũng đang bị người ta băm nát đến lạnh lùng và vô cảm

Chúng tôi ngồi cùng đất

Xòe ngắm hai bàn tay

Chưa ai nói hết với ai

Cái phập phồng trong đêm không ngủ

Chúng tôi ngồi tâm sự với đất đai….

…….

Rằng đất đai sẽ xanh lúa, xanh khoai

Rằng đất đai sẽ mọc làng, mọc phố

Đất đai ơi!

(Những người đi về phía mặt trời)

Trong tập thơ này, cảm xúc xuyên thấm hồn thơ Nguyễn Hoa là sự hòa quyện của ba hình tượng: Trời – Đất – Con Người. Đó là những thông điệp thơ giàu chất nhân văn nhưng cũng giàu tính triết luận, thứ triết luận không phải là những lời đại ngôn của lối tư duy triết học siêu hình rối rắm mà là thứ triết luận chân mộc, hồn nhiên như đất đai, cây cỏ nhưng lại hàm chứa những giá trị nhân sinh sâu sắc. Và đây cũng là cội nguồn tạo nên những khắc khoải trong thơ Nguyễn Hoa

Tôi là cánh rừng hoang mọc cây cỏ dại

Bạn bè của chim và của mặt trời

Lời là gió chưa biết mình có tuổi

Hát không ngừng để tìm bạn của tôi

(Bạn của đất đai)

Và sự gắn bó với đất đai, chính là cơ sở tạo dựng niềm tin vào cuộc sống và con người của thi nhân. Niềm tin ấy xét về một phương diện nào đó cũng là sự thể hiện ý thức công dân của người nghệ sĩ trước cuộc đời.  Với Nguyễn Hoa, điều ấy đã trở thành một hệ giá trị được xác tín bằng chính sự trải nghiệm đầy khắc khoải trước những phận người

Dù cái nghèo còn làm còng lưng mẹ

Dù nỗi đau chửa thể nguôi quên

Và mẹ đi tin

Vào đất đai, bầu trời, non nước

Như chúng con tin:

Sau con MẸ là con NHÂN DÂN là con TỔ QUỐC

(Con Tổ quốc)

Tuy tin như thế, nhưng điều đáng quí ở Nguyễn Hoa, niềm tin ấy không phải là một thứ tín điều mù quáng mà nó luôn đặt cơ sở trên những chân giá trị của đời sống. Đó là một thứ đức tin được chưng cất từ những trải nghiệm trong cuộc đời của một một người lính làm thơ và của một nhà thơ mặc áo lính. Song bên cạnh niềm tin, thơ anh cũng chứa đầy những đau đớn, những trăn trở, những ưu lo trước thế thái nhân tình. Và vì thế, trong thơ anh có lúc hiện lên sự thao thiết đầy khắc khoải về nỗi cô đơn tột cùng của phận người như một tâm thức hiện sinh.

Nếu cái chết là điều đáng sợ

Thì cô đơn còn đáng sợ hơn

(Dưới mặt trời)

Có thể nói cô đơn là thuộc tính của con người, là định mệnh, là sự dự phóng sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ vừa cần có sự cô đơn nhưng lại vô cùng sợ hãi sự cô đơn. Bởi “cô đơn còn đáng sợ hơn” cái chết. Và điều nầy ta lại bắt gặp trong thơ Nguyễn Hoa như một dấu ấn của ý tưởng sáng tạo khi anh nhận ra rằng cô đơn cũng chính là biểu hiện của sự khốc liệt trong chiến tranh. Điều mà không phải tác phẩm nào trong văn học hiện đại Việt Nam viết về chiến tranh cũng nói đến.

Vì bom đạn muốn cất đi mọi tín hiệu

Của con người

Để chúng tôi chết bằng sự cô đơn trên đảo đá

Bằng sự ngày mai cũng như hôm nay

Không là gì cả

Trên đầu trời xanh và dưới biển xanh…

(Dưới mặt trời)

Không có ai muốn chiến tranh và cũng không ai muốn sống mãi trong chiến tranh. Nhưng cũng không ai được quyền quên những mất mát trong chiến tranh, nhất là những cuộc chiến tranh vệ quốc mà dân tộc đã phải hy sinh biết bao xương máu cho sự tồn sinh của mình. Đây cũng là thông điệp mà chúng ta có thể nhận biết qua những câu thơ đầy khắc khoải của Nguyễn Hoa. Song điều quan trọng, chúng ta cần vượt qua những nỗi đau và mất mát trong chiến tranh để được sống chứ không phải để tồn tại!? Và muốn được sống đúng nghĩa, có lẽ điều chúng ta cần nhất chính là “niềm tin về tình yêu con người” như Nguyễn Hoa đã bộc bạch.

Cùng máu trong ta

Cùng trời đất?

Ôi, chỉ có:

Niềm tin về tình yêu con người

Mãi mãi!

(Gửi bạn nơi xa…)

Niềm tin ấy chính là một tuyên ngôn sống, một tuyên ngôn thơ đã tạo nên một thông điệp thơ đầy tính nhân văn của Nguyễn Hoa trong tập thơ nầy cũng như trong suốt hành trình sáng tạo thơ của anh

Tôi dự cảm về tôi

Về con người

Không mất

Như trái đất!

Và tôi nghe trong bình minh tơ non

Tiếng gà cúc cu gáy gọi

Ngày mới – Ngày mới – Ngày mới!

( Dự cảm)

Thật vậy, đọc thơ Nguyễn Hoa, chúng ta không kỳ vọng tìm kiếm trong đó những cách tân với những sắc màu hiện đại hay hậu hiện đại như một thứ mode mà thị trường thơ đang ồn ào. Nhưng ta lại bắt gặp trong đó những trăn trở và những suy nghĩ của một nhà thơ luôn đắm mình trong đời sống ngồn ngồn hiện thực và chan chứa chất thơ. Tôi cho rằng đây mới là điều tạo nên giá trị của thơ Nguyễn Hoa.

Và cái làm nên hệ giá trị thơ anh, phải chăng cũng chính là tiếng gà gáy gọi bình minh, hướng chúng ta về những ngày mới, như cái “tiếng gà” đã đánh thức cả quốc dân trong thơ Phan Bội Châu ngày nào. Đây cũng là thông điệp nhân văn đầy khắc khoải về phận người và hàm chứa nhiều ẩn dụ trong thơ Nguyễn Hoa về một cái đẹp đang ngày một hoàn thiện trong một “thế giới đổi thay”.

Con người có hơn hai triệu năm hoàn thiện

Bao nhiêu thánh thần xuất hiện

Có cái gì giống cái đẹp vĩnh viễn

Cái đẹp chúng ta sáng tạo ra

Cái đẹp có cánh

Con người bay…

Cả chính chúng ta đã  sinh bao ràng buộc này

Trật tự những ràng buộc

Trong thế giới đổi thay…

(Dự cảm)

Sài Gòn, những ngày mưa: 19/8/2012

Nguồn: Vanvn.net