(Về thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy)

1. Tìm tên

Gần đây, cứ thấy giữa đô thị bỗng mọc lên những nhà gianh, nhà sàn, nhà rông với tranh tre, nứa lá, gỗ lạt thô mộc. Người ta bỗng thích của đồng rừng, đồng bãi. Những thứ như lươn cua ốc ếch, kì đà kì nhông, rau bí rau lang… thành đặc sản tuốt. Đến nỗi người quê có thể kiêu hãnh mà định nghĩa : những thứ nhà quê chán ăn, ra phố lập tức thành đặc sản. Cái tầm tầm quê kiểng bỗng lên ngôi, bỗng thời thượng. Đã đến thời chân quê được chấn hưng chăng? đô thị đã ngả mũ trước gốc rễ của nó chăng ? Tôi giàu trí tưởng bở. Chẳng qua là làm hàng, là một cái mốt lạ thời kinh tế thị trường thôi. Bởi thế, bước vào triển lãm thơ Nguyễn Duy, tại 29 Hàng Bài, thấy bày những xó bếp với cột kèo, đống rấm con cúi, nồi đất đen thui, thúng mủng, nong nia, rành mẹt, rổ rá, giần sàng, chum vại, thửng hũ, cóng ang…trên đó la liệt những câu thơ, trang thơ, tập thơ, tôi có thoáng nghĩ : lại một mốt lạ, một lối chơi ngông. Nhưng không phải. Vào đây tôi gặp mình. Bao nhiêu thứ tưởng có thể quay lưng đang bày biện cả ra kia ! Cái nền văn hoá đã đào luyện nên mình mà mình cứ hòng quên đấy! Cũng là con đẻ của xó bếp, của rơm rạ, của tre pheo và đất thó, chẳng nhẽ Duy lấy những cái đó chỉ để làm chơi? Không. Vừa là một cuộc chơi, lại vừa có cái gì thiêng liêng trang trọng lắm. Không thế, làm sao Duy có đủ xác tín để mang tất cả những thứ đơn sơ đến nôm na, quê kiểng đến quê mùa kia sang trưng bày một cách kiêu hãnh ở Singapore hay ở những cường quốc như Mĩ, Đức tựa như một sứ giả của nền văn hoá này được ! Hay Duy đang tôn vinh xó vườn, xó bếp ? đang giã ơn cái rổ cái xề ? trả nghĩa cái chum cái chĩnh ? Cũng không. Việc như thế một kiếp thi sĩ làm sao kham nổi ! Không mặc cảm, không đùa bỡn, không kiêu bạc. Chỉ đơn giản là Duy đang trình bày mình, đang phơi trải mình, đang trưng bày cái tông tích mình, cái cội rễ thơ mình đó thôi. Và đó là cuộc trưng bày xưa nay chưa từng có. Cuộc chơi thế này người ta có thể làm lúc còn trẻ không? Sao có thể làm được, phải vào cái tuổi tri thiên mệnh trở đi, người ta mới dần trở lại với tuổi thơ. Chỉ có trẻ thơ và kẻ trải tất rồi mới hiểu được Chơi là việc Nghiêm túc (còn khối việc nghiêm túc lắm khi lại là chơi).

Vậy, Nguyễn Duy là ai ? Tác giả của hàng loạt thi phẩm sáng giá như  Tre Việt Nam, Đò Lèn, Hơi ấm ổ rơm,Ánh trăng, Tuổi thơ, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Lời ru đồng đội, Mưa trong nắng nắng trong mưa, Sông Thao, Ông già Nam Bộ, Xẩm ngọng v.v…là ai ? Dù xuất thân như thế, tôi vẫn không nghĩ anh là thi sĩ thôn dân. Duy còn là một thị dân, còn là lính. Hay gọi là Thi sĩ chiến sĩ ? Nghệ sĩ chân chính nào chẳng là chiến sĩ. Thi sĩ công dân ?- Vẽ, ở ta ai chẳng công dân. Thi sĩ bình dân ? – thì cả thi sĩ quan lại quí tộc có ai không nhận là bình dân đâu. Thi sĩ phó thường dân? E rằng sẽ khó được coi là cụm từ nghiêm túc. Thế còn nhà thơ dân đen ? Nghe nó mặc cảm thế nào…Thôi, trong khi đợi phong là thi sĩ nhân dân, tôi cứ gọi Nguyễn Duy là thi sĩ thảo dân. Có người sẽ bảo : như manh dân, lê dân… chữ thảo dân cũng đầy mặc cảm chứ hơn gì. Phải, nó nói cái phận hèn, cái kiếp vô nghĩa, cái đời mong manh. Nhưng đấy là xưa. Tôi thích chữ ấy vì nó… xưa. Và quan trọng hơn, vì cái từ xưa này đang được làm mới, với những sắc thái thú vị của thì hiện tại, bởi một phong cách ngôn ngữ mà Duy đương phải lòng – ngôn ngữ “cơm bụi”. Đã đành, cánh làm thơ xứ ta đa phần là thảo dân. Nhưng thi sĩ thảo dân lại là chuyện khác. Ấy là một kiểu nhà thơ.

2. Từ những chiếc kim la bàn của một đời thơ…

Có thể thấy Nguyễn Duy là thi sĩ thảo dân ngay từ trong quan niệm nhân sinh và nghệ thuật. Thói thường, có được một quan niệm riêng đúng đắn, xem như có một hoa tiêu tin cậy cho hành trình sáng tạo rồi. Quan niệm của một kẻ viết, cố nhiên, không phải nhất thành bất biến. Chả hiếm gì những tâm niệm cuối đời muốn đính chính những ngộ nhận đầu đời. Song ở Duy, cái quan niệm buổi chập chững đã là một kim la bàn khá chuẩn. Càng về cuối chỉ càng sắc nét hơn.

Nghĩ cũng vui, theo cái định nghĩa vĩ đại của Đêcac, đã có bao cái khác nảy sinh. Hồi đánh Mĩ, cả Chế Lan Viên cùng Việt Phương đều nhất quyết: Ta đánh Mĩ vậy ta tồn tại. Trong tình yêu thì Lưu Quang Vũ cũng ngất ngây: Anh yêu em vậy anh tồn tại. Lời kia sắm vai triết gia của kháng chiến, lời này diễn vai triết nhân của ái tình. Còn Duy không thế. Duy nói lên cái triết lí thảo dân: Ta là dân vậy thì ta tồn tại. Thực tình, phải đến sau này, 1989, anh mới đúc thành châm ngôn tổng quát như vậy. Nhưng cái tư tưởng trọng dân thì vốn đã sẵn trong căn cốt rồi. Không thế, làm sao hồi 68 – 70, cậu lính non choẹt bấy giờ đã thấy ra và ghi lòng tạc dạ: “Một đời không thể nào quênlòng dân – chiếc mộc vững bền che ta”? Còn đến 1993, sau hơn 30 năm, tính từ bài thơ đầu đời, thì nó đã thành hẳn một tuyên ngôn bướng bỉnh: “Cứ chìm nổi với đám đông / riêng ta xác định ta không là gì(…) Cứ là rượu của chúng sinh / cho ai nhắm nháp cho mình say sưa”… Chìm nổi cùng chúng sinh, làm rượu của chúng sinh, thế mới là chân thảo dân. Và đáng nói nữa, theo Duy, phải thế mới xứng là đấng tài tình“lẫn trong thập loại chúng sinh / người như thế mới tài tình làm sao”. Duy ngộ ra điều ấy đúng cái lúc tảo mộ Nguyễn Du, hay Duy đang thầm lặng đưa ra quan niệm riêng để đánh giá tầm vóc Nguyễn Tiên Điền? Thật khó mà tách bạch. Chỉ biết cái lõi của nó chính là một chuẩn mực ngỡ như khiêm nhường, kì thực lại cực khe khắt về người nghệ sĩ: sống chết cùng thập loại chúng sinh, nói về họ, rồi thuộc về họ, mới là tột bậc tài tình. Hoá ra thế, thuộc về vô danh mới là vô giá. Mới là siêu danh. Đó chẳng phải thước đo cao nhất dành cho mẫu thi sĩ thảo dân hay sao?

Không có quan niệm đẻ ra tài năng. Chỉ có tài năng đẻ ra quan niệm. Vì quan niệm chân chính bao giờ cũng là sự lên tiếng của một đời văn. Nó phải được đời văn ấy bảo hành, bảo hiểm. Thực mà nói, hiểu ra sự bền vững muôn đời của dân, chả có gì mới. Dĩ dân vi bản, rồi thì quan nhất thời dân vạn đại là những tư tưởng đã xưa lắm rồi. Điều khó là anh, chính anh, có thể trở thành một định nghĩa sống hay không. Khối người có ý muốn cận dân, thân dân, muốn thành kẻ hát rong trong chúng sinh. Nhưng vẫn chỉ suông thôi. Để thành thi sĩ thảo dân xịn đâu có dễ. Chìm nổi cùng thập loại chúng sinh đã không dễ gì, làm được rượu của chúng sinh lại càng không dễ.

*

Quan niệm về nghề, dầu sao, mới chỉ là những định hướng bên ngoài. Nó nghiêng về phần ý thức xã hội của nghệ sĩ. Nó chọn mẫu nghệ sĩ và chọn hướng đi cho một cuộc dấn thân, chứ chưa hẳn là ý thức thẩm mĩ của anh ta. Nhưng ở Nguyễn Duy, nó cũng trở thành một phần của ý thức thẩm mĩ, khi được chuyển hoá vào hình tượng cái Tôi thi sĩ.

Tập thơ đầu tay “Cát trắng” in năm 73, tập thơ cuối cùng (lúc tuyên bố bỏ thơ) in năm 97 có tên là “Bụi“. Tuyển tập in lần này sẽ có bốn phần như một mạch tuần hoàn: Đường làng, Đường nước, Đường xa và Đường về. Đó là hành trình thơ Nguyễn Duy. Hành trình từ Xó bếp ra Thế giới. Từ hạt Cát đến hạt Bụi. Hành trình của “giọt nước lìa nguồn ra biển”, của “giòng nước trôi đi giọt nước lại rơi về”. Trên những chặng đường dài dặc ấy, Nguyễn Duy đã trình ra trọn vẹn cái tôi của mình. Là hạt nhân của một kiến trúc nghệ thuật, cái tôi trữ tình thường được hình dung như một hình tượng sống, với nhân dạng, với tư thế và tâm thế trữ tình đặc thù. Nó nảy nở từ con người thực của tác giả, nhưng đã được điển hình hoá để trở thành một hình tượng nghệ thuật toàn vẹn: hình tượng Cái Tôi. Ở Duy ? ấy là cái tôi thảo dân. Này xem, những ẩn dụ tự hoạ mới cỏ giả làm sao! Duy thường ví mình như hạt bụi bay trong cõi người, như hạt cát dạt trôi trong lòng sông Mạ, như “giọt nước nhỏ biệt tăm ngoài biển cả”… và thiết tha nhất là như cỏ dại vô danh mà hữu ích: “những mong có ích cho người / dẫu làm thân cỏ dập vùi… sá chi”. Chẳng phải đó là thảo dân theo nghĩa đen của chữ hay sao!

Tôi vẫn cho rằng hình tượng sống động luôn là nhất thể toàn vẹn, nó toàn vẹn bởi sự hoà hợp của các đối cực. Tôi tin vào sự hoà hợp này. Đó là cấu trúc phổ biến của vẻ đẹp. Cái tôi Nguyễn Duy cũng thế. Các đối cực ngỡ đầy nghịch lí đã hài hoà trong một nhất thể. Một mặt, nó cực bụi: “ta nhớ ta / bụi bặm quê nhà”, mặt khác, nó cực nghiêm: “xin nghe anh nói cực nghiêm / linh hồn cát bụi ở miền trong veo”. Hình hài thì cát bụi, linh hồn thì trong veo. Vừa là “gã hát rong không xin tiền” vừa sẵn sàng viết “những câu thơ tuẫn tiết”. Cỏ giả thôi mà Nghĩa khí đấy. Nghĩa khí đấy mà Cỏ giả thôi. Nếu thiếu sự hoà hợp của các đối cực như thế, làm sao có thể coi là một cái tôi thảo dân chân chính được ?

Tuy nhiên, trong thế giới hình tượng, cái bản nguyên này vẫn thường hiện ra với hai bản tướng: thảo dân khoác áo lính và thi nhân trong kiếp thảo dân.

Là lính, thì chàng lính này vào chiến trường sẵn sàng xả hết mình vì nước gặp tai ương, chứ cóc phải vì ham súng đạn, mơ chiến tích, hay màng huân chương. Không máu mê đánh chác, không ngất ngây trước đụng độ máu lửa. Mà ngay cả lúc bị cuốn đi giữa “sục sôi bom lửa chiến trường”, thì “tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng”. Chủ yếu là những tâm tư ở bề sâu của cuộc chiến. Không hẳn là cái nhìn sử thi, cũng không hẳn là cái nhìn đời tư. Anh lính ngay lúc trẻ đã già này nhìn chiến tranh bằng cái nhìn của một thảo dân. Một thảo dân đích thực bao giờ cũng vừa thiết tha với số phận đất nước, vừa lo âu cho thân phận chúng sinh. Trong cái nhìn ấy, phần trăn trở nhất của chiến tranh vẫn là thân phận người, thân phận lương dân. Những lẽ Hơn – Thiệt, Được – Thua, Thắng – Bại, Vinh – Nhục, Họa – Phúc, Sang – Hèn, Còn – Mất… nhất nhất phải lấy sự an nguy của dân lành làm chuẩn. Cái nhìn ấy khiến anh soi thấy “Cát trắng ánh lên màu đỏ”. Thấy bom dội thì “nhà bà tôi bay mất / đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền / Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết / bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”. Thấy lính tráng suốt đời chỉ biết gối lên tay mình mà ngủ thì cất lên lời ru đồng đội. Đuổi theo thằng lính địch thì chỉ muốn bắt, không muốn bắn – không ham giết một kẻ thù, chỉ mong cứu một đời người – nghĩa là vì một chiến thắng cao hơn. Thấy “AQ túm tóc Chí Phèo / để hai bác lính nhà nghèo cùng thua”. Thấy một tân binh thì, cái tôi đã vào sinh ra tử với nhiều lần chết hụt ấy có lời “chúc chú mày cứ đẹp như cây cảnh / và, lạy trời / không bao giờ phải ra trận”. Thấy chiến tranh kết thúc thì vừa nhận ra những mảnh đời tan tác lưu lạc trên hai nửa đất đai đang sum họp, vừa thấy người bạn vĩnh viễn nằm lại bên kia cầu xa lộ vào cái giây chót cùng của cuộc chiến. Thấy “mỗi phút thanh bình thật đắt giá / Những giọt máu nặng như chùm quả”… Và bao trùm hết thảy là nghiệm sinh này: “nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Một cái tôi như thế chẳng phải là một thảo dân mặc áo lính hay sao ?

Còn là thi nhân, thì chân ướt chân ráo vào nghề đã tuyên ngôn dứt khoát “là ta ta hát những lời của ta”, đã đau đáu một nguyện ước cất lên “những tâm tình ở đằng sau tâm tình”. Vào những năm 70, thời “minh họa” và “phải đạo” còn ngự trị, tâm nguyện thế này chẳng phải như một thứ tiên phong cho thức tỉnh và đổi mới sau này hay sao ? Mà thơ Duy là thế, lúc nào cũng là “những tâm tình ở đằng sau tâm tình”! Điều rất đáng nói nữa là: cái tôi thi nhân kia thực là kẻ có đạo. Ấy là Đạo Chân Thành – “dù có sao cũng phải chân thành”. Cả trong thơ lẫn trong đời, Duy đều coi chân thành là cứu cánh và cứu tinh của mình. Không chân thành làm sao dám nói lên những tâm tình ở đằng sau tâm tình ? làm sao có thể sẵn sàng tuẫn tiết viết những lời thơ đánh thức lương tri ? sẵn sàng làm những bài thơ “hạng nặng”1 như “Nhìn từ xa… Tổ quốc“, “Đánh thức tiềm lực“, “Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ” để nói thật, nói thẳng, không hề tránh né những vấn đề bức xúc của thì hiện tại được ? Rồi nữa: cái tôi thi nhân kia lúc cần tự họa mình thì cũng cứ chân thành đến đáy, chẳng hề làm dáng làm duyên, chẳng nề hà những nhếch nhác, bụi bặm. Là “một thằng dớ dẩn / ngồi làm thơ rưng rưng”. Là “thi nhân hoá phăm phăm ngựa thồ”. Là kẻ mắc bệnh thơ – “Con ơi cha mắc bệnh thơ / ú a ú ớ ù ờ thâm niên /lềnh phềnh thân phận chúng sinh / lênh phênh hồn xứ thần linh tít mù”.Là “gã hát rong chẳng xin tiền”. Là “xẩm ngọng”, mà “ngạo nghễ khúc đồng dao nhăng cuội … Nghĩa là không phải cái tôi cao đạo, khoác áo tao nhân mặc khách. Không phải cái tôi triết nhân khệnh khạng táo bón. Không phải cái tôi quyền uy rao giảng phán truyền… Đừng nghĩ cái tôi này làm ra thế là muốn dị ứng với những cái tôi đó. Hoặc kị giơ với quí tộc, trí thức, thị dân, chính khách. Chẳng dại gì, mà cũng chẳng hơi đâu. Cũng đừng vội chụp mũ rằng thế là cái tôi phi chính trị. Một con người tự đáy lòng đã khắc cốt ghi tâm “dù ở đâu cũng Tổ quốc trong lòng / cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”, làm sao lại thờ ơ hay quay lưng với chính trị được ? Nghe thêm Duy nói đây này, trực tiếp bằng chính luận chứ không phải gián tiếp qua thơ phú gì gì đâu: “Là một nghệ sĩ mà anh đã đứng về phe Nhân Dân, Dân Tộc thì trong bất kì thời đại nào anh phải có thái độ chính trị của mình… Nhà văn có thái độ chính trị nhưng nhà văn không phải là cái đuôi của chính trị”2. Vâng, cái tôi đây chỉ muốn là chính nó – một thi sĩ thảo dân,một thảo dân thi sĩ. Thế thôi. Đây, hãy xem bộ dạng tự hoạ (không hẳn là tự trào!) của Duy thế này: “Ta dù lếch thếch lôi thôi / mong thơ sinh hạ cho đôi ba dòng…Cứ bèo bọt bước thiên di / đưa chân lục bát mà đi loằng ngoằngCứ là rượu của chúng sinh / cho ai nhắm nháp cho mình say sưa / Cứ như hoa cỏ bốn mùa / giọt sương giọt nắng giọt mưa vơi đầy”, chẳng phải là một thảo dân xịn sao? Cái chân-dung-tổng-quát nhìn lệch, hay là nhìn loằng ngoằng này, xem thế mà nét đáo để !

*

Lõi cốt  của quan niệm thẩm mĩ vẫn là quan niệm về cái đẹp. Tôi cho rằng, về căn bản, nhân văn là thái độ trước cái Đẹp, còn nhân đạo là thái độ trước cái Khổ. Hạt nhân của thái độ nhân văn là tình yêu, còn hạt nhân của thái độ nhân đạo là tình thương. Tuỳ tạng người mà nặng về từng phía. Có lẽ không chỉ ở xứ ta, vấn đề dằn vặt dân đen nhất vẫn là cái Khổ. Khổ vì đói, nghèo, vì thiên tai, địch họa, vì áp bức xách nhiễu… Do Khổ là một thực tại quá phổ biến và dai dẳng, mà thơ ca dân gian than Khổ có phần đậm hơn mê Đẹp. Đến nỗi hễ ai mải mê tìm kiếm cái đẹp đơn thuần, ít nói đến khổ, thì dễ bị coi là kẻ nhởn nhơ, vô tình. Oan mà khó cãi. Đành rằng, thi sĩ phải là kẻ đồng cảm trước hết với cái khổ. Nhưng ngoài cái khổ thảo dân, còn có cái đẹp thảo dân. Không lập được một mĩ học phù hợp, đừng hòng trở thành rượu của chúng sinh.

May thay, ngay từ trong “cơ địa”, Duy đã sẵn mang một mĩ học như thế. Duy nhạy cảm với cái Khổ. Anh tâm sự: “Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo / quen cái thói hay nói về gian khổ / dễ chạnh lòng trước cảnh thương tâm”. Cũng sinh ra ở xứ Thanh “ăn rau má, phá đường tàu, đục ống dẫn dầu, cắt dây điện thoại”, tôi hiểu những bộc bạch thành thực kia có cội rễ từ đất nào. Nhưng anh không nỉ non than nghèo kể khổ. Chẳng mới gì, mà cũng chẳng ích chi. Hướng của Duy là tìm cái Đẹp trong cái Khổ. Cũng theo hướng này, có khối người đã thơ mộng hoá cái Khổ. Chấp nhận khổ và ráng chịu khổ từng được xem như cái Đẹp một thời. Cái Đẹp thế đồng nghĩa với chữ Nhẫn. Coi Nhẫn một bề là Đẹp, làm sao còn biết ngẩng lên ! Giờ Duy cũng thi vị hoá một bề sao ? Duy không vô tâm, tàn nhẫn thế. Chỉ ai muốn lừa mình, mị người mới thế. Cũng tìm cái Đẹp ngay trong cái Khổ, nhưng quan niệm của Duy khác:khắc chế cái Khổ và vượt lên cái Khổ đó chính là cái Đẹp. Một tư tưởng mĩ học như vậy thật khoẻ khoắn và thực tế. Đó chỉ có thể là mĩ học thảo dân. Hướng tới cái đẹp đó, thái độ nhân đạo và nhân văn của nghệ sĩ đã tìm thấy được tiếng nói chung để hoà giọng, hoà điệu. Duy đọc ra di chúc của người xưa giấu trong bức tranh “Lí ngư vọng nguyệt“: “bùn nước rong rêu đắm chìm lặn lội / cứ lững lờ nhắm nháp một vầng trăng”. Nhọc nhằn lam lũ không hề loại trừ lãng mạn thăng hoa. Đọc vào tre Việt Nam, Duy thấy cái lẽ sống của tre là vươn mình, vượt khổ:“Vươn mình trong gió tre đu / cây kham khổ vẫn hát ru lá cành”. Kham khổ đắng cay nhưng đâu thiếu ngọt ngào đằm thắm… Duy nhận ra cái đẹp của hoa chắt chiu (tôi ngờ, nguyên nó là hoa chạc chìu?): “Đồi cằn hoa cũng chắt chiu / Chắt chiu hoa muốn nói điều chi đâyDạ thưa một chút hương này / Mồ hôi hoa đấy tháng ngày chắt chiu”. Nhận ra cái đẹp của tre Việt Nam: “Rễ siêng không ngại đất nghèo / Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”… Khổ mà vẫn Đẹp, Đẹp bởi vượt lên Khổ, là thế. Không có quan điểm kia, làm sao Duy có thể trân trọng, chắt chiu được những vẻ đẹp này ?

Tôi vẫn cho rằng niềm trăn trở nhất trong suy cảm trữ tình của một nghệ sĩ chân chính là chuyện Còn – Mất của những gì mình coi là quí giá thiêng liêng. Nghĩa là niềm canh cánh về Giá trị và Phản giá trị. Tư duy nghệ sĩ sẽ phân lập toàn bộ thực tại thành dãy tương ứng : đẹp – xấu, tốt – xấu, hay – dở, sang – hèn, thanh – phàm, thiêng – tục, thật – rởm, lành – dữ, nghiêm – chơi, hữu ích – phù phiếm, cao quí – xoàng xĩnh, cao cả – thấp hèn, vĩnh cửu – chốc lát, trường tồn – thoáng qua, bất diệt – băng hoại, vững chãi – mong manh, bền thắm – phai tàn v.v… Cái thế giới nghệ thuật sống động của nghệ sĩ, trong chiều sâu của nó, sẽ là sự tương tranh không ngừng mà đầy biến hoá giữa các đối cực ấy. Một bản lĩnh nghệ thuật phải bộc lộ thành xác tín về sự vĩnh viễn của những gì mình coi là giá trị. Duy cũng thế. Nhiều lúc ngẩn ngơ nhận thấy: “có gì lạ quá đi thôi / khi gần thì mất… xa xôi lại còn”. Và vẫn hằng tin: “Sẽ còn mãi những gì không thể mất”. Vậy, giá trị nào, cái đẹp cụ thể nào đã trở thành đức tin của thi sĩ thảo dân này ? Nhìn tổng thể có thể thấy: đơn sơ mà kì diệu chính là diện mạo bao trùm của cái đẹp Nguyễn Duy. Đơn sơ chứa đựng kì diệu, kì diệu ngay trong đơn sơ. Cái đẹp ấy sẽ chi phối ngòi bút của anh trong việc sáng tạo nên thế giới nghệ thuật của mình, từ nội dung đến hình thức, từ cảnh vật tới nhân vật…Duy sẽ đi vào cái vô danh để mang về cái vô giá. Đi vào “những cọng rơm xơ xác gầy gò” để chắt chiu thứ “hơi ấm hơn rất nhiều chăn đệm”. Đi vào cái tối để mang về ánh sáng: “thình lình đèn điện tắt / phòng buyn đinh tối om / vội bật tung cửa sổ / đột ngột vầng trăng tròn”. Đi vào cái lặng im mang về những cái giật mình sâu thẳm: “trăng cứ tròn vành vạnh / kể chi người vô tình / ánh trăng im phăng phắc / đủ cho ta giật mình”. Đi vào cái nhỏ nhoi, mang về cái cao quí, đi tới chốn mong manh để đem về cái bất diệt: lắng nghe câu hát đảo đèn để nhận ra trong câu hát có cái gì bất diệt, ngắm nhìn hạt cát long đong chìm nổi trôi dạt trên những ngọn triều của cuộc đời thấy hạt cát có cái gì bất diệt, đi vào cái mất để đem về cái không thể mất: “Bao triều vua phế đi rồi / người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”, “dẫu cho dòng thời cuộc cứ trôi đi / dẫu em sẽ già như bà vũ sư kia / thì còn lại muôn đời là điệu múa / Cái đẹp giương cao ngọn cờ bất diệt”,”Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi / năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại / cái năm tháng mong manh mà vững chãi / con dấu đất đai tươi rói mãi đây này”… Quan điểm ấy đã giúp Nguyễn Duy vững vàng đi suốt con đường nghệ thuật của mình.

Cố nhiên, không phải ngay từ đầu mọi chuyện đã hoàn chỉnh đến thế. Có thể thấy tư tưởng của anh ngày càng định hình cùng hai bước ngoặt lớn. Lần thứ nhất : đối mặt với thực tại chiến tranh. Trước khi vào lính, cũng như bao người khác, Duy còn “trong suốt giữa hai bờ hư thực”, nghĩa là cả tin và ngây thơ giữa cõi thực và cõi hư, mà hư lại nhiều hơn thực. Thực tại tàn khốc của chiến tranh với “bom Mĩ dội nhà bà tôi bay mất / đền Sòng bay bay tuốt cả chùa chiền / Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết / bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”, đã thẳng tay ném Duy về hiện thực. Cái hiện thực của kiếp thảo dân: “Khi tôi biết thương bà thì đã muộn / bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”. Và lần thứ hai, đối mặt với thực tại sau chiến tranh khi thấy “tầng ôzôn có vấn đề gì đó”. Một lần nữa, anh lại thấy “Bụi thần thánh nhấp nhánh rơi”, và nhất quyết đem “trả cho sao một chút trời xa xăm”, còn riêng phần mình thì hoàn toàn “bình tâm làm hạt bụi người mà bay”. Nghĩa là anh mới thấu suốt cái vạn đại của thảo dân, cái vĩ đại của rạ rơm, cái trong veo của cát bụi: “xin nghe anh nói cực nghiêm / linh hồn cát bụi ở miền trong veo”Đơn sơ mà kì diệu, bấy giờ, không chỉ là một chân lí của nghệ thuật, mà đã trở thành xác tín của nhà nghệ sĩ. Bấy giờ, chìm nổi với thập loại chúng sinh, suốt đời làm rượu của chúng sinh, thực sự thành lẽ sống của Duy.

*

3. … đến thập loại chúng sinh thì hiện tại

Xây dựng thế giới nhân vật không phải là công việc nhất thiết của một thi sĩ trữ tình. Điều căn bản là bộc lộ cái tôi của mình. Tuy nhiên, cái tôi ấy chỉ thực sự được phơi trải khi gặp đối tượng của nó. Cho nên nhân vật trong thơ trữ tình vừa là đối tượng khách thể vừa như những đối ảnh, những hoá thân, hiện thân khác nhau của cái tôi thi sĩ. Cái thế giới mà Nguyễn Duy dựng lên suốt cả nghiệp thơ của mình, hoàn toàn có thể coi là cõi chúng sinh thì hiện tại: binh lửa và bụi bặm, bùn nước và gió trăng, nghèo đói và tiềm năng, tàn phá và gây dựng, xơ xác và nhen nhóm, bần bách và phù hoa … mà đâu đâu cũng là mồ hôi và nước mắt. Có ngẫu nhiên đâu, khi ở đó, nhân loại nhân vật của thi sĩ này hầu hết là thảo dân ! Họ là thập loại chúng sinh thì hiện tại. Trong đó, ta cũng thấy bóng dáng những ông vua. Nhưng hoặc là ông vua vì chúng sinh mà phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người (vua Duy Tân), hoặc là đã trải hết nỗi đời một thảo dân, trăm sự đều vì đời sống lương dân (Pie đại đế), chứ không phải loại vua coi dân là lương thảo. Còn thì tất cả thuần là thứ dân. Họ là những bà và mẹ –  “Bà và mẹ hoá cánh cò cánh vạc”, là ông và cha – “ông và cha man mác kiếp trâu cày”, là bà mẹ đồng chiêm – “bà mẹ đón tôi trong gió đêm / nhà mẹ chật nhưng còn mê chỗ ngủ / mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ / rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm”, là ông già sông Hậu – “Trôi dạt theo sông về đây cày cấy mướn / sống giang hồ trên đồng ruộng bao la”. Họ là những Thị Nở, Thị Đốp, Thị Kính, Thị Màu, những AQ với Chí Phèo. Họ là ông già Chàm gù lưng, là lão bị gậy khóc khàn trên sân ga, là bà bới rác nằm co ro gầm cầu, là một em điếm ế đón giao thừa gốc cây, là chú bé đi bụi khoèo mái hiên lắng nghe pháo tết, là một người nạng gỗ ngồi bên sông nhớ nhà, “những sinh linh đầu đường sinh linh cuối chợ / tết đến đùng đùng ai đi đâu về đâu”.v.v… Họ đều “Lóc cóc kiếp đá cuội, kiếp bùn nước”, kiếp “con cò lặn lội bên bờ đại dương”, “ngán ngẩm những con đường mệt lử”, suốt đời “thình thịch những bước chân toẽ ngón”, “những bàn chân Giao Chỉ”… Nhưng, họ không chỉ mang nỗi khổ thảo dân mà còn mang cái đẹp thảo dân. Họ sống với những lẽ phải muôn đời, giản dị đến nôm na mà lớn lao đến khôn lường, thâm trầm khiến ngơ ngác:“Ai nghèo thiếu qua chia cơm xẻ áo / bụng người sôi cũng sôi giống bụng ta / ki cóp một thân làm chi cho cực / giàu ở lòng còn đẹp ở thịt da / dư ít nuôi làng dư nhiều nuôi nước / thành tích đéo gì mà phải nêu tên”, “Cha tôi đó dân làng tôi vậy đó / xả hết mình khi nước gặp tai ương / rồi thanh thản trở về với ruộng / sống lặng yên như cây cỏ trong vườn”. Chẳng phải họ là thảo dân theo nghĩa đen của chữ đó ư ? Cái đạo lí muôn đời của thảo dân vẫn vậy. Có gì bình dị mà vĩ đại hơn thế ? có gì đơn sơ mà kì diệu hơn thế ? Duy viết về họ bằng niềm cảm thương, bằng nỗi đau đời day dứt, nhưng hơn hết là bằng một niềm kính trọng.

Trong cuộc sống cũng như trong thi ca, người ta yêu thương cả nhân loại thật dễ, còn yêu thương được những người cụ thể thật khó. Cái lẽ của thường dân vốn cho rằng: khó có thể tin vào tình thương dành cho nhân loại của ai đó, nếu như kẻ ấy không biết thương ngay những người quanh mình, những  người thân của mình. Lòng thương với những người máu mủ ruột rà bao giờ cũng là thước đo tin cậy nhất cho lòng nhân ái của một con người. Ta hiểu vì sao, dù phiêu dạt đường nước, dù phiêu du đường xa xứ người, với bao nhiêu là mời gọi quyến rũ, Nguyễn Duy vẫn đau đáu một niềm cố hương, vẫn thiết tha đến thế với “cỏ và lúa và hoa hoang quả dại – vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải – bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua…, thuỷ chung đến thế với tre pheo, rơm rạ, xó bếp, góc vườn, cái chum, cái chĩnh, cái rổ, cái xề, nặng tình đến thế với bạn bè đồng đội… Ta cũng hiểu vì sao trong nhân loại nhân vật của thi sĩ này, hình ảnh và thân phận những người máu mủ ruột rà của anh lại động lòng người đến vậy: bà- “bà mò cua xúc tép ở đồng Quan / bà đi gánh chè xanh Ba Trại / Quán Cháo Đồng Giao thập thững những đêm hàn”, mẹ – “Mẹ ta không có yếm đào / nón mê thay nón quai thao đội đầu”, cha – “ai thấy nữa ông già đầu bạc xoá / đẩy xe thồ ngang dọc lũng Tà Cơn”… và vợ. Duy dành cho vợ hẳn một tập thơ – tập “Vợ ơi“(1995). Việc này ở ta xem ra là độc nhất vô nhị. Cảm hứng về người yêu thì vô tận, cảm hứng về vợ lại dễ… cùng tận. Người ta vẫn kháo nhau rằng thơ cho vợ chỉ có độc một loại thôi: ấy là “thơ…vẹo”. Nghĩa là “theo vợ” ấy mà ! Nhưng Duy không thế. Thơ về vợ của Duy gợi ta nhớ đến Tú Xương. Cũng thương rát lòng, cũng đau thắt ruột, cũng cười ra nước mắt. Bà tú xưa chênh chao ở mom sông, bà tú nay chòng chành giữa phố :“Áo mưa vợ giăng cánh buồm giữa phố / Chồng với con mấp mé một thuyền đầy / năm tháng bão giông sang sông lũ đổ / một tay em chèo chống ngày ngày ngày”. Có điều, ông tú đời nay không thể chỉ thương với hận suông. Mỗi khi bà tú đời mới lăn ra ốm, ông tú Duy (thực ra là ông cử) lập tức hoá thành ngựa thồ để lo đủ “việc thiên việc địa việc nhà / một mình anh vãi cả ba linh hồn”. Gặp tai ương ập xuống làm cho sất bất sang bang, vì cuộc sống của thân nhân, anh đành phải cắt lòng bán bớt đi một ít vàng ròng để cứu khổ cứu nạn. Rồi thì vợ chồng cứ lầm lụi, chia sẻ nhau cái phận người của mình, với cái khổ thảo dân cái đẹp thảo dân.

*

Vào thơ Duy mà chỉ nói chuyện tư tưởng, quan điểm mĩ học với lại hành trình sáng tạo cùng thế giới hình tượng vầy vậy không thôi, khác nào chỉ sắm được mỗi vai “triết gia quàu quạu”. Nói chuyện tình nghĩa mà quên chuyện tình tang, thì e rằng khối tình kia hãy còn thiêu thiếu. Đơn giản vì cái tôi mà Duy sáng tạo ra quả là một thảo dân chánh hiệu, nghĩa là: cực nghiêm mà cực bụi (bụi dân sinh ấy bụi người đấy em), cực tình nghĩa mà cũng cực tình… tang. Trong bất cứ thi sĩ nào cũng có một gã tình nhân. Mỗi gã yêu theo một tạng. Thơ yêu của Nguyễn Duy thuộc tạng nào đây ? Thì còn tạng nào ngoài tạng… tình tang. “Ai sinh ra thói tình tang / để ai hoá gió lang bang quê nhàAi làm ra lúng liếng sông / để đưa tu hú sổ chồng sang ngang”. Dường như, trong hồn gã thảo dân này vẫn có một ngọn gió lang bang như thế, vẫn có một con tu hú như thế. Trách chi, Duy đã làm cả một “Bài ca phiêu lưu“, dành một nhiệt hứng “hơi bị” trong lành để “lập thuyết” cho chuyện tình tang: “Xin em đừng nản lòng yêu / tình tang là cuộc phiêu lưu tuyệt vời”. Tình tang đây có vẻ gần với lối phong tình dân gian, “lối huê tình” của người Quan họ. Suy cho cùng đó là những cảm xúc nhân văn, là nhu cầu thăng hoa, là những khoảnh khắc quên đi kiếp rong rêu bùn nước để lững lờ ngắm một vầng trăng, là “thêm chút sang bớt chút hèn / Nhìn em thôi đủ yêu em rất nhiều”. Duy có cả một lí sự thảo dân cho cái đẹp và cho “tính hợp pháp” của việc thưởng ngoạn những cái đẹp trời cho: “hình và nét cũng có thì / cất làm chi giấu làm chi của trời / không em đời vẫn đẹp thôi / có thêm em nữa thì đời đẹp thêm”.Vậy nên, ngẫm cho kĩ thấy Duy chủ yếu tình tang bằng mắt: “Yêu bằng mắt cũng là yêu / cõi đời đẹp đủ liêu xiêu cõi mình”. Dường như cái đẹp luôn giữ ta trong một khoảng cách. Khoảng cách của nỗi buồn. Nhưng trong nỗi buồn ấy, vẻ đẹp được bảo tồn nguyên vẹn. Đành lòng, cầm lòng đôi khi lại là một ứng xử cao cả đối với cái đẹp vậy. Khi ấy, khát vọng thăng hoa thành cái nhìn bao luyến. Những nồng nàn luyến ái như muốn bao bọc đối tượng trong một bầu khí quyển ỡm ờ và mơn trớn: “Người con gái chợt qua đường / áo em mong mỏng màn sương núi đồi / Chợt rơi lại một nụ cười / và… sương rười rượi một trời phía sau / Đem nhan sắc tặng cho nhau / em giăng cái đẹp ngang cầu ban mai / chả riêng ta… chả riêng ai / để heo hút gíó thở dài trên cây”. Thăng hoa thành cái nhìn lơ đãng vờ: “tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng / siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi”. Có phải “nguy tai” nhất là cái nhìn vòng vẹo: “Em e ấp nấp mình sau đá / để cái nhìn thành vòng vẹo quanh co” ? Chưa đâu, “giết người” nhất, phải là cái nhìn không nói này cơ: “Sông Thao thêm một lần tôi tắm / thêm một lần tôi đến để rồi đi / gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng / tôi nhìn em để không nói năng gì”… Đúng là đàn ông yêu bằng mắt. Ánh mắt phát sóng và phủ sóng. Mắt dù có tham lam táo bạo đến mấy cũng vẫn cứ là kênh giao cảm an toàn nhất, ít gây “xicăngđan” nhất. Ngay cả khi “đối phương” cảm thấy “nhìn ngắm còn tệ hơn sờ mó”, nó vẫn dễ yên bề hơn cả. Bởi thế thơ yêu của Duy không thiếu nhục cảm, nhưng đều là nhục cảm từ thị giác thăng hoa thôi : “Ối giời ơi…nõn nà chưa / bột trinh bạch đấy trời vừa rây xong / hình như gò trắng phập phồng / bao nhiêu con gái ngủ trong tuyết dày”… Cũng bởi thế, trong thơ Duy, tình tang mà vẫn tình nồng, giây lát mà thiên thu. Những thoáng qua ngỡ trôi đi mà vẫn rơi về: “Yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé / giòng nước trôi đi giọt nước lại rơi về”… Thì gốc của tình tang đây cũng vẫn là chuyện còn – mất cả thôi.

Từ đó, bèn có thơ rằng: thăng hoa… nào chỉ thăng hoa / tình tang thế mới gọi là… tình tang.

*

4. Đùa ghẹo mà minh triết

Đọc Nguyễn Duy, theo liên tưởng ngang, ai cũng nghĩ đến vài tay bút nổi nhất của thế hệ thơ chống Mĩ. Còn theo chiều dọc, tôi lại thích liên tưởng đến Nguyễn Bính. Tất nhiên, chả phải nhằm tạo ra một cặp bài trùng: đằng ấy – “gã chân quê tiền chiến”, đằng này – “gã chân quê đời mới”. Cùng gốc quê đấy, nhưng khí xa nhau. Song, cứ đối sánh đôi chút, cũng có sao đâu! Bính là cái tôi lỡ làng- sinh bất phùng thời, Duy là cái tôi thảo dân –  thời nào cũng sống. Bính đoái thương các thân phận lỡ dở, Duy nổi chìm với thập loại chúng sinh. Bính là con chim lìa đàn, Duy là hạt cát lang thang. Bính kiêu bạc mà sầu tủi, Duy cỏ giả mà kiêu sang. Bính lang bạt tìm kiếm mình, Duy lang bang phơi trải mình. Bính muốn giữ nguyên quê mùa, Duy thèm quê mùa thay đổi. Bính ái ngại đổi thay, Duy thiết tha đổi mới. Bính dị ứng thị thành, Duy hoà đồng thành thị. Bính chỉ hồn quê, Duy thêm hồn phố. Bính hoài cổ, Duy canh tân. Bính nâu sồng, Duy bụi bặm. Bính bi, Duy lạc… Chỉ riêng điều tôi sắp nói đây thôi mỗi vị cũng thuộc một kênh khác nhau ấy là giọng điệu.

Nói cho công bằng cả Nguyễn Bính và Nguyễn Duy đều đi ra từ nguồn dân gian. Giọng điệu dân gian như một con sông lớn với hai luồng chính là điệu than và điệu ghẹo. Có lúc chúng nhập vào, nhưng thường khi là tách ra thành hai chi lưu. Than thì tràn ngập trong hát than thân. Ghẹo lại tràn trề trong hát giao duyên. Than ưa kể lể lâm li, tủi hờn mùi mẫn. Còn ghẹo lại thích trêu tròng đùa nhả, cười cợt ỡm ờ. Đằng thì thán, đằng thì tán. Do cái tạng của mình thế nào đó mà gã chân quê tiền chiến ưa triền miên trong nước mắt của điệu than. Thỉnh thoảng cũng có ghẹo ỡm ghẹo ờ, nhưng thưa hơn, mờ hơn. Còn gã thảo dân đời mới này ngay lúc cực mủi lòng cũng chả thích than lâu. Trái lại, cái tạng của gã có vẻ khoái ghẹo hơn. Không chỉ ghẹo trong tình tang, gã ghẹo cả trong tình đời. Lối ghẹo dân gian vốn chỉ bóng gió vòng vo, đến gã đã đa dạng, đa thanh và đầy sinh khí hiện đại. Gã trêu hoa ghẹo nguyệt rõ khéo, mà nhạo thế bỡn đời còn điệu nghệ hơn. Giọng ghẹo được pha thêm chút bụi nữa đã tải được rất ngon lành những tâm tình ở đằng sau tâm tình thảo dân của gã. Bởi thế, cùng với những lời rất tươi sống, lối ghẹo của Duy quả là rất đời. Rất nhiều lối nói ngỡ chỉ trong quán xá vỉa hè, lúc lai rai, khi cà trớn thế mà vào tay Duy đã lập tức được hoán cốt, thoát xác. Người ta thấy cái hướng lớn của thơ hiện đại là đi gần tới cấu trúc của lời nói thường, là sáp mãi vào lời và tiếng đang từng giờ từng phút sinh nở trên cái giòng đời phồn tạp. Thì thơ Duy cập nhật rất nhạy những hơi thở hôi hổi của ngôn từ. Trước, lời thảo dân chỉ được hiểu là lời quê. Nay, lời thơ Duy bén duyên với cả lời quê, lời phố, lời bụi hơi bị ngon lành. Đôi khi có cảm giác đang được hưởng thứ gió tươi trên đồng đất, chứ không phải thứ gió lọc qua máy điều hoà, được chén thứ thực phẩm tươi sống trên sông hồ, chứ không phải bảo quản trong tủ lạnh. Trong lối ghẹo của Duy, có thể thấy lắm khía cạnh thú vị đến quái quỉ của tiếng Việt đã được đánh thức và truy nhập vào ngôn từ thơ: “sọ dừa gặp vấn đề trì trệ / tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra / mắt vấn đề toét tai vấn đề ù / bất an vấn đề giấc ngủ / sâu rầy đang vấn đề cánh đồng / rừng cây vấn đề cháy và trụi / trẻ lang thang vấn đề bụi đời”, “Nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi / người cười nói xúc phạm người ngậm tăm siêng làm xúc phạm phàm ăn / kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng / đàn kêu tưng tửng từng tưng / con trâu xúc phạm sợi thừng cột trâu / đàn kêu tinh tỉnh tình tinh / cái tâm xúc phạm cái hình vô tâm / ngứa nghề hát ngọng nghẹo thôi / người yêu nhau xúc phạm người ghét nhau”, “Chân mây hơi bị cuối trời / em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu”… Xài được lối ghẹo này quả không dễ. Nó khác nào đang xúc phạm những thị hiếu hàn lâm, xúc phạm thứ ngôn từ đóng hộp trong những qui chuẩn xơ cứng. Kẻ bị xúc phạm hẳn đã mỉa: tưởng gì, đó là cái thứ vỉa hè bụi đời. Duy không chấp, chỉ nhắc nhẹ một chân lí giản dị mà thâm thuý này thôi: “đừng chê anh khoái bụi đời / bụi dân sinh ấy bụi người đấy em”. Làm sao lại né tránh bụi, khi bụi vốn thuộc về cuộc đời này, khi bụi thuộc về đời nhọc nhằn bùn đất của thảo dân. Và con người là gì, nếu không phải là hạt bụi mang tư tưởng ! Những gì thuộc về con người đều không xa lạ với một nghệ sĩ. Là một thi sĩ thảo dân, tìm được thứ ngôn từ dính bụi mà lấp lánh chất folklore thế, khác nào như thợ đào dưới hầm tìm thấy được đá đỏ. Có phải ai cũng thấy được rubi trong đất bụi đâu. Có phải ai đãi cát cũng tìm được vàng đâu. Trái lại, khối người cầm vàng mà cứ ngỡ thau, rồi đem thử lửa khiến đau lòng vàng. Thì cứ việc thử đi, thử lại mà xem, ngay trong mỗi tiếng ghẹo đời kia có phải đều ẩn giấu một giọt lệ se lòng, một hạt muối xót lòng không ? Tiếng cười ghẹo đời lắm khi chỉ là phía thấy được của giọt lệ đau đời đó thôi. Nó là cái cực nghiêmẩn sâu trong những lời đùa, lời bụi vậy. Song, nói đi cũng cần nói lại, không phải không có những lúc thơ Duy bụi mù quá ngứa cả mắt, rụi mắt nhìn mãi mà vàng và rubi cứ… trốn biệt tăm.

Trước kia, Nguyễn Duy sính lối chính luận nghiêm nghị khắc khổ. Các triết lí lúc bấy không phải không sâu sắc. Nhưng nghe cứ thế nào. Có lẽ vì thế mà sau này Duy đã tự cáu về sự lẩm cẩm của mình: “Ta quàu quạu học đòi triết gia táo bón / những câu thơ nhăn nhó nhọc nhằn”. Duy muốn cạch lối ấy. Tất nhiên, Duy chả dại gì mà từ bỏ cái ham mê chiêm nghiệm triết lí của mình. Mà cũng không bỏ được, vì hoạt động sáng tạo chân chính nào rồi cũng đi đến triết học, cũng lắng thành triết lí. Có điều, Duy đã xài thứ ngôn từ hồn nhiên, cùng lối ghẹo hơ hớ chất folklore của đời, nên triết lí giờ đây đời hơn, thảo dân hơn. Nghĩa là nó nôm na mà sâu sắc, sâu sắc mà thật nôm na, chả cần vẻ gì là lên giọng lí sự. Mà lại chạm đến những điều cốt lõi của cõi nhân sinh: “Hình và nét cũng có thì / Cất làm chi giấu làm chi của trời”, “Có gì lạ quá đi thôi / khi gần thì mất xa xôi lại còn”, “Ta đi trọn kiếp con người / cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”, ” Trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội / Có một miền quê trong đi đứng nóí cười”,Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”, “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / phe nào thắng thì nhân dân đều bại”, “Bao nhiêu là bóng siêu nhân / khuất trong bóng cỏ giữa trần gian thôi”, “Hiểu cho nhau sống đã là phiêu lưu”, “Em như gạo điệu múa kia là rượu”… Kết tinh từ những tâm tình ở đằng sau tâm tình, có thể coi đó như nhữngminh triết thảo dân vậy.

*

5. Cây đàn hương hoả

Tôi dành phần cuối cho cây đàn bầu của gã thi sĩ thảo dân này. Cây đàn cũ xưa nhưng là thứ hương hoả của ông bà tổ tiên bao đời để lại. Nó dễ gần mà chẳng dễ chơi. Nói thế, là tôi đã mượn hình ảnh “xẩm ngọng” của Duy để nói về thể lục bát. Thì Lục bát cũng là một thứ đàn bầu chứ sao ! Trôi nổi mấy nghìn năm trên đồng ruộng sông hồ làng quê xứ sở, lại qua tay những Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Huy Cận, Tố Hữu v.v…, có lúc cây đàn này đã bị coi là cũ kĩ còm cõi, khó mà tải được nhưng tâm tình của người hiện đại. Khối người đã bỏ nó. Nhưng Duy đã nhặt lấy mang về ôm ấp, chăm nuôi. Tựa như gã Aladin nhặt cây đèn về từ đống đồ cũ nát. Có điều, anh chàng xứ Batđa chỉ vô tình. Còn gã “làm nghề mộng du” xứ Thanh này thì cố tình. Đã là thi sĩ thảo dân ai nỡ hững hờ với lục bát cho đặng. Và không chơi lục bát sao có thể gọi là thi sĩ thảo dân. Duy không hững hờ. Duy phải lòng lục bát. Duy thấy giữa mình và lục bát biết bao nhiêu nghĩa cũ càng: “Câu thơ sáu nổi tám chìm / đụng thời xa lộ thông tin kẹt đường / vương thì tội bỏ thì thương / đành lê thê nốt đoạn trường mộng du”. Vì thế, Duy bền lòng chung thuỷ: “cứ bèo bọt bước thiên di / đưa chân lục bát mà đi loằng ngoằng”. Thực thì, lục bát vẫn được coi là hơi thở của thảo dân (câu sáu hít vào câu tám thở ra chăng ?). Trong tay Duy chẳng những nó được làm mới mà còn lẩy lên được cả những tâm tình ở đằng sau tâm tình. Và rồi, cũng hảo tâm như thần đèn, thần đàn đã luôn đền bù cho Duy một cách hào phóng. Cây đàn này của Duy chơi điệu mới, nhịp mới, hồn mới. Giai điệu lục bát của Duy có cổ điển, có dân gian. Nhưng phần chịu chơi nhất vẫn là phi cổ điển. Giai điệu vốn nghiêng về êm đềm như ru của lục bát được nhiều thế hệ ra tay cải biên để nó xích lại gần hơn với lời nói thường. Ở thời của mình, Duy cũng tỏ ra rất sành chơi. Vừa mở ra một thế giới “cơm bụi” cho thơ, Duy vừa “cơm bụi hoá” lục bát. Nghĩa là đưa lục bát về gần với cuộc sống trần ai vốn đầy bụi dân sinh của thảo dân thì hiện tại. Duy mạnh tay đốc quân, đưa những lời nói, lối nói đời mới xâm nhập vào cấu trúc lục bát, khiến nó phải nới mình ra, dàn xếp lại, tìm đến những dạng hài hoà cũng theo lối mới. Điểm ngắt nhịp trong lục bát giờ đây không nhất thiết cứ phải là nơi gặp gỡ của cả hai yếu tố: điểm dừng cú pháp và điểm dừng ngữ lưu. Mà có thể tách nhau. Khiến cho hơi lục bát có thể tràn lướt qua mỗi điểm, đặng cất lên những nét nhạc mới, ngay lúc còn lạ tai đã thấy khoái tai, khi đã quen tai rồi thì rõ là thú vị: “Thắng rồi – trận đánh thọc sâu / Lại về với mái tăng – bầu trời vuông”, “Làng ta lại lóp ngóp làng / Lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng”… Vật liệu thuận nhất với nhịp chẵn của lục bát thường là từ đơn và từ đôi. Tuân theo thế thì an toàn. Nhưng an toàn thì sao có thể cách tân. Với tạng phiêu lưu của một tay bút dám chơi, Duy rất khoái dùng chùm ba, chùm bốn, đặc biệt là những từ láy kềnh càng. Thế mà anh vẫn dàn xếp ngon ơ : “ở đây có những người con / mang theo cái nõn nòn non lên ngàn”, “đến đây gió cũng đi vòng / ngoằn theo khoeo núi ngoèo trong khuỷu rừng”, “ngứa nga ngứa ngáy cỏ may trong lòng”,”yêu lăn yêu lóc la đà đã chưa”,”đủ phờ phạc đất đủ lao đao trời”,”Thấp tha thấp thoáng tháng ngày mong manh”…Trước Duy, rất vắng người chơi chùm bốn thế, nếu không nói là… chả thấy ai, kể cả Nguyễn Du, người vẫn được xem như vạn thế sư biểu của lục bát[1]. Kì nhất là, nhiều lúc, ngữ âm của các chùm ba chùm bốn ấy cứ láng cháng lanh canh, va cụng nhau như đùa nhả, như trêu cợt mà gợi ra được cả những cảm giác, những tâm tư như cái bóng cứ chờn chợ ngoài ngôn ngữ. Đây là cái cảm giác Boston: “Bia lon thỗn thện người lon / ễnh ềnh ệch hõn hòn hon thùi lùi / Trắng vàng đen láng coóng đùi / Ngo ngoe ngứa nỗi buồn vui không màu”… Bằng cách chơi chữ lai rai, chọi chữ dài dài, Duy cũng đem lại cho âm điệu và nhất là hình thức tiểu đối quen thuộc của lục bát một kiểu dáng đời mới, bảo rằng cân xứng mà tinh nghịch cũng phải, hay bảo rằng tung tẩy mà trang nghiêm lại còn phải hơn: “vô tư như thực nhưnhư gì”, “không ngây không dại không đành phảikhông“,”làng như làng mạc thuỷ tề / em như em giữa bốn bề thuỷ tinh“, “mùi hoang dại cỏ gợi hoang vungười”,”nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi / người yêu nhau xúc phạm người ghét nhau“,  “Em bây giờ có còn nhưbấy giờ“, “thôi ta về với mình thôi / chân trời đành để chim trời nó bay”, “trông người xưa ngẫm người nay“… Không mượt mà ngân nga, cũng không dồn toa trúc trắc. Mà như nói, như không. Ngẫu hứng mà gia công, gia công mà ngẫu hứng, ấy mới thực là thứ lục bát giàu sinh lực. Gọi lục bát Nguyễn Duy là lục bát điệu nói thì đã hẳn. Phải thêm là: nói chơi chơi mà súc tích lạ lùng mới phải: “Tự dưng nhớ thật nhớ thà / nhớ con đường chả đi qua bao giờ… tự dưng nhớ nước chưa mưa / thật thà lúc lắc đong đưa thật thà”, “Em đi bỏ lửng cánh đồng / xơ gan hạt lúa nát lòng củ khoai / rạ rơm bạc phếch tóc dài / hai mà một một mà hai một mình”… Có lẽ bản lĩnh của lục bát Nguyễn Duy là ở đấy, cứ như vũ nữ trên dây, lắm lúc tưởng bước chân nhón đi trong vũ điệu thơ sắp khuỵu xuống hoá thành vè đến nơi rồi, thế mà vẫn không, vẫn cứ lúc lắc đong đưa thế, vẫn cứ thơ thế. Duy đã thổi hồn của thế hệ mình vào đó, đã đưa được hơi thở chúng sinh thì hiện tại vào đó. Nó không chỉ có hồn cổ, hồn quê, mà còn cả hồn phố. Vì thế, nó khỏe khoắn, nồng đượm, tân kì. Nó là rượu chúng sinh đựng bằng lục bát. Nó là Duy. Nghĩa là, dù Duy vẫn dùng cả những thể khác, nhưng chỉ ở lục bát, thân thủ của anh mới phô hết những cao cường, chỉ ở lục bát, hồn vía Nguyễn Duy mới dậy men nổi gió làm “trời lao đao đất lao đao lừ đừ” đến thế. Vậy nên, hiện Duy có tuyên bố ngừng thơ, thì chỉ nên hiểu là ngừng làm thơ, chứ không ngừng sống thơ. Với Duy, ngừng thơ ắt là ngừng thở. Một ngày kia nếu gã thi sĩ thảo dân này  tái xuất giang hồ với thi ca bằng một bài thơ mới, tôi dám cược một ăn mười rằng bài ấy tất phải là lục bát.


1 Ch÷  cña NguyÔn Duy trong bµi tr¶ lêi pháng vÊn Ph¹m Hoµng vµ §ç Quyªn : “T«i nÆng duyªn nî víi th¬…”, Beclin th¸ng 7-2001.

2 Lêi NguyÔn Duy- Tµi liÖu ®· dÉn.

[1] Xem Truyện Kiều, có thấy Nguyễn Du chơi chùm ba (Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham), nhưng hầu như không thấy chơi chùm bốn.


Chu Văn Sơn – Vanvn.net

Exit mobile version