Được người bạn báo tin Nguyễn Đức Lợi đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn năm 2011-2013 của Báo Văn nghệ, tôi lặng người nhưng không phải vì ngạc nghiên. Sở dĩ vì tôi luôn mong đợi và tin là Lợi sẽ thành công trong văn chương… Hơn 20 năm qua, chị em tôi luôn chia sẻ những rủi ro, thất bại, những thay đổi và cả những niềm vui ít ỏi. Tối ấy tôi gọi cho Lợi và mừng quá nên tôi nói khá nhiều, vừa nói vừa lau nước mắt. “Năm 1999 đợt về Hà Nội chữa bệnh, nếu mày lao khỏi thành cầu Long Biên đi theo hà bá, thì cái giải nhì truyện ngắn hôm nay thuộc về ai nhỉ?”… hai chị em cười vang trong đêm, tuy thế, tôi biết đầu kia Lợi cũng khóc như mình. Năm 2004, trước khi lên tỉnh Lai Châu mới để thành lập Hội Văn học – Nghệ thuật, tôi gọi Lợi từ Mường Ảng vào Điện Biên. “Em về bàn với vợ xem có thu xếp chuyện gia đình và lên Lai Châu được không. Chỉ cần thêm mày và Du An, chị với Yến chẳng lo gì nữa. Trên đó gian khổ lắm, nhưng đó là miền đất của văn chương. Sướng nhất là lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Người nghệ sỹ chỉ cần hai thứ đó. Chị chỉ hứa một điều, lên đó chị sẽ tạo mọi điều kiện để em mặc sức sáng tạo. Nhưng còn vợ con ở Mường Ảng, em nghĩ kỹ và cho chị biết sớm”. Ba tháng sau, Lợi gọi điện cho tôi “Em không thể đi được vì đã vay mượn quá nhiều để đầu tư vào trang trại rồi. Em không thể bỏ gánh nợ lại cho vợ em”. Tôi rủ Lợi lên Lai Châu vì trong đám bạn văn chương, Lợi đúng là kẻ giời đầy. Đầy từ tấm bé cho đến tận hôm nay. Duy có hai thứ giời đền bồi cho Lợi là văn chương và người vợ tảo tần, nhẫn nhịn, quên mình, sống vì chồng. Lợi có bài thơ như vận vào số phận của mình. Đúng hơn, đó chính là cuộc đời của Lợi: “Xin làm viên cuội cần cù // Vui lăn dưới đất, buồn đu lên giời // An lành trong cõi thảnh thơi //Bỏ xa dăm bảy nhất thời hào quang”.

Chỉ những ai biết cuộc sống của vợ chồng Lợi mới thấm thía cái viên cuội trần trụi ấy đã lăn, đã va đập, đã bầm dập giữa đời như thế nào. Một chàng lính nghĩa vụ ra quân với hai bàn tay trắng. Một cô giáo mới ra trường nhà nghèo, chỉ có chút kiến thức sư phạm làm hành trang. Tài sản duy nhất họ có là tình yêu. Tôi không thể quên lần đầu đến nhà Lợi chơi trong chuyến về Mường Ảng công tác. Hai gian nhà gỗ thủng, vá tứ bề trên miếng đất vốn là chỗ để xe của nhà trường được Ban giám hiệu cho mượn. Bé Ly chưa đầy một tuổi. Lợi đổ bệnh, ôm đầu đau đớn, mặt xanh bợt; ăn uống bất cứ thứ gì cũng nôn ra; mỗi ngày lên vài cơn co giật, toàn thân tím tái. Tháng lương của Khuyên chưa đủ mua 3 liều thuốc chống co giật cho chồng. Ngoài giờ lên lớp, Khuyên gom nhặt từng đồng từ việc nấu rượu, nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau lang bán… Hôm đó, Lợi khóc với tôi: “Chị xem, cô giáo đấy, vợ em đấy, ăn xong đã kịp uống hớp nước đâu, lên lớp mà tay còn dính cám lợn. Vay mượn khắp nơi để mấy hôm nữa đưa em về Quân y viện 108. Chắc em không sống được đâu chị ạ…”. Sau đó Lợi cho biết kỹ hơn: “Em có vấn đề ở tủy sống, thiếu ôxy não trầm trọng. Đó là nguyên nhân của những cơn đau đầu dữ dội, co giật cục bộ và co giật toàn thân. Nếu thuốc thang, ăn uống tốt thì đỡ chứ bệnh không khỏi được”. Rời bệnh viện, Lợi đi bộ ra cầu Long Biên. Vừa đi vừa nghĩ, vì bệnh tật của Lợi mà nợ nần đã chồng chất. Lấy đâu ra tiền mua thuốc chứ nói gì đến ăn uống tốt. Lợi quyết định từ bỏ tất cả. Chỉ cần lao xuống dòng nước kia là giải thoát cho mình khỏi những cơn đau, giải thoát cho vợ khỏi nợ nần vất vả suốt đời. Nhưng chính đứa con gái bé bỏng đã níu giữ Lợi. Còn chiến đấu được Lợi không muốn con mình mồ côi cha. Vậy là Lợi trở về. Buồn tủi, cùng quẫn, không thể lao được xống dòng sông cũng chẳng đu lên giời được, nên Lợi về lăn dưới đất. Cậu học trò nhà nghèo không có dép, lớp 7 còn bị cô giáo phê bình vì đi chân đất đến lớp, nay 28 tuổi vẫn lăn lộn với đất, nương dựa vào rừng chỉ mong có miếng ăn và trả bớt nợ nần. Thương em, thương cháu, chị gái Khuyên cho vợ chồng Lợi vay vốn. Với số tiền 100 triệu đồng chị cho vay vừa chữa bệnh cho Lợi, vừa để nuôi lợn, nuôi ong. Nhưng trời không thương, lứa ong đầu bị ong rừng tiêu diệt hết. Lại mua giống gây đàn. Lợi bắt đầu viết báo. Xin được tờ báo nào cũng đọc đi đọc lại đến nhàu nát. Nhuận bút thời đó dù không cao cũng là nguồn sống cả về vật chất và tinh thần của Lợi. Không chỉ lăn lộn với đất, Lợi còn lăn lộn với chữ.

Nhà văn Nguyễn Đức Lợi và nhà thơ Đỗ Thị Tấc


Đến khi nuôi ong thành công thì mật không bán được. Sau gần 4 năm, Lợi hoàn toàn phá sản. Đến nước này, văn chương, báo chí không chỉ là nguồn sống mà còn là nơi Lợi vịn vào để bước đi. Bạn bè thương giới thiệu hoặc mời Lợi cộng tác với các báo. Lợi lao vào viết từ tiểu phẩm, tản văn, thơ, bút ký, truyện ngắn… gửi đăng các báo: Lao Động, Giáo dục – Thời đại, Pháp luật, Nông Nghiệp Việt Nam, Thiếu nhi Dân tộc, Tiền phong, Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ, Văn nghệ Lai Châu (cũ), Báo Điện Biên Phủ mà đặc biệt là Điện Biên Phủ Bán nguyệt san… Trời không thương, đất không thương thì chữ thương. Không ít những bài báo, những bài thơ, những truyện ngắn… thậm chí là những giải thưởng của Lợi đã ra đời như thế. Cuộc sống vật vã của Lợi như vận vào từng trang viết. Sự từng trải khắc nghiệt với núi rừng, mường bản, đất đá… được cô lại xù xì, mộc mạc trong từng câu, từng chữ.

Đầy ải đến chừng đó mà không đánh gục được Lợi nên cuối cùng, giời đành buông tha. Bằng nghị lực phi thường, với sự giúp đỡ của người thân, bạn bè cuộc sống của vợ chồng Lợi đã khá hơn. Nhưng đời vẫn đầy trắc trở. Sự sống của Lợi cũng đầy bất trắc nên Lợi không mong gì hơn sự an lành cho mình, cho gia đình nhỏ bé của mình. Người ta đồn rằng, Lợi giàu to rồi. Trang trại của Lợi giờ trị giá hơn 4 tỉ đồng. Họ biết đâu hơn nửa số tiền gọi là trị giá ấy hiện đang đẻ lãi hàng ngày. Lãi ngân hàng có, lãi cao tính theo ngày cũng có; ác mộng vẫn đang ẩn hiện đâu đó như ma đối với “viên cuội cần cù”. Tôi cứ mong viên cuội luôn lăn trên đất. Người ta là hoa đất mà. Bởi chưa một ngày thảnh thơi nên Lợi luôn mơ một cõi thảnh thơi. Biết bao giờ thảnh thơi được? Với người cầm bút đau đáu những mai ngày như chúng ta, mai ngày sẽ khác, mai ngày sẽ đẹp… Được biết cách đây mấy tháng, Nguyễn Đức Lợi đã “trình làng” tập truyện ngắn đầu tay rất chững chạc, có tên “Gia đình thợ mộc”. Đây là tập hợp 12 truyện ngắn, có những truyện đã in trên 2 tờ báo văn chương uy tín nhất Việt Nam, đó là Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trước đó, bản thảo “Gia đình thợ mộc” đã được trao giải nhì (không có giải nhất), trong khuôn khổ “Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Điện Biên Phủ, 5 năm lần thứ nhất – 2009”. Điều đó có nghĩa tập truyện được làm xong ngay từ giữa năm 2009, nhưng sau đó, công việc của một nhà nông cứ cuốn nhà văn đi. Mấy trăm trang bản thảo vi tính cứ trôi qua, mỗi lần Lợi ngậm ngùi cầm maket lên và sửa từ “Tập truyện ngắn 2009”, rồi “Tập truyện ngắn 2010”; “Tập truyện ngắn 2011” và phải đến khi là: “Tập truyện ngắn 2012” thì sách mới ra đời được.

Lợi kể với tôi là khi cuốn sách in xong còn đang thơm mùi mực, thì anh Trương Hữu Thiêm – Một người bạn văn chương tri âm, tri kỷ đã viết trong Blog “Viên cuội cần cù” của Lợi những dòng đúng là tri kỷ, tri âm: “Vậy là cuối cùng thì “mỡ nó” cũng đã “rán chín nó”, tập truyện ngắn đầu tay – đứa con tinh thần thứ nhất – đã được trình làng. Thế cũng là mừng rồi Lợi ạ! Đặc biệt, giữa thời buổi “gạo châu củi quế” lại có người vợ “cho tiền” để chồng in sách. Xét theo ý nghĩa tinh thần, nghĩa là trời cho Lợi một người vợ biết thông cảm, biết sẻ chia với chồng, cả khi chồng mình thất bại quay về. Ngày trước, Nguyễn Bính từng viết những câu thơ làm rớm máu trái tim người đọc: “Con ơi, đừng lấy chồng thi sỹ // Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con”. Bạc thì không phải cứ thi sỹ là bạc, nhưng nghèo thì hầu hết thi sỹ đều nghèo. Đến nỗi: “Hôm qua còn sót hơn đồng bạc // Hai đứa bàn nhau uống rượu say”, là bởi vì: “Người ta đi kiếm giàu sang cả // Mình chỉ mơ toàn chuyện viển vông”… Nhân đây, cùng với giải Nhì cuộc thi truyện ngắn năm 2011-2013 của Báo Văn nghệ, xin chúc mừng tập truyện ngắn đầu tay “Gia đình thợ mộc” của Nguyễn Đức Lợi. Hơn một lần tôi đọc ở đâu đó, rằng trời không lấy đi hết của ai bao giờ. Với Nguyễn Đức Lợi, vĩnh viễn những trang văn còn đó, niềm tin còn đó và cả sự say mê còn đó. Bên cạnh anh là một người vợ đắp đổi tao khang – một người vợ đã gần hai mươi năm lặng lẽ “nêm muối mặn” vào từng trang văn, từng câu thơ của chồng mình…

Hà Nội – mùa hè 2013

Điện Biên Phủ BNS – Số 183