Trong lúc văn hóa đọc đang bị quay lưng như hiện nay, nhà văn không tìm cách đến gần với bạn đọc hơn thì chỉ càng trở nên xa lạ với công chúng mà thôi.

– Giữ nhịp rất đều đặn mỗi năm xuất bản một đầu sách, tuy nhiên cuốn sách vừa ra mắt của anh lần này không phải là một tiểu thuyết mà lại là một cuốn sách mang đậm chất báo chí, có nhan đề “Trong tù ngoài tội”. Anh có thể nói gì về điều này?

– Đúng là trong khoảng dăm năm trở lại đây, năm nào tôi cũng ra sách, và đều là sáng tác (hư cấu) cả. Và như tôi đã từng trả lời trên báo chí, đáng lẽ thời điểm này tôi sẽ công bố cuốn tiểu thuyết thứ sáu. Nhưng rồi việc tôi cho ra mắt cuốn “Trong tù ngoài tội” đã khiến không ít người bất ngờ bởi đây là cuốn ghi chép người thật việc thật (phi hư cấu) đầu tiên trong số hơn chục đầu sách mà tôi đã công bố. “Trong tù ngoài tội” viết lại những thân phận đã từng gây cho tôi nhiều ám ảnh và không ít trong số họ đã trở thành những nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi trước đây. Cho nên có thể nói, cuốn sách này như là một “phụ lục” hay một “chú thích” cho những tác phẩm của tôi. Bạn đọc nào tò mò về “bếp núc văn chương” của riêng nhà văn NguyễnĐình Tú, đọc cuốn sách này có thể sẽ hiểu ra thêm nhiều điều thú vị.

– Chia sẻ rằng mình vừa khép lại một chặng đường, và cần tạm dừng bước để tìm câu trả lời cho chặng sáng tác tiếp theo; vậy điều thôi thúc anh nhiều nhất trong chặng đường sắp tới là gì?

– Tôi muốn không lặp lại mình trong cuốn tiểu thuyết mới. Như vậy tôi phải khước từ đề tài, kiểu nhân vật, cách kết cấu và văn phong mà tôi đã sử dụng trong 5 cuốn tiểu thuyết trước. Điều này khiến tôi phải suy nghĩ nhiều hơn, gạch xóa nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn, thêm bớt nhiều hơn cho cuốn sách mà tôi đang viết. Điều này cũng khiến tôicân nhắc hơn khi quyết định công bố tác phẩm mới.

Sau một loạt tiểu thuyết tạo được hiệu ứng tốt trên thị trường cũng như báo chí, có người nhận xét rằng Nguyễn Đình Tú là nhà văn thị trường. Thậm chí sau loạt bài “Chuyện kể lúc 0 giờ” anh đăng dài kì trên phụ san Tuổi trẻ và đời sống, họ còn gọi anh là nhà văn của báo lá cải. Anh nói gì về điều này?

– Trước khi có những cuốn sách có “hiệu ứng tốt trên thị trường” như bạn nói, tôi cũng đã từng có những cuốn sách được giải thưởng, được dựng thành phim, được nhiều nhà phê bình dành những lời “khen tặng” nhưng tương đối “ngủ yên” trong phạm vi hẹp, chủ yếu chỉ những người trong giới biết đến. Tôi đã từng suy nghĩ, nếu những cuốn sách tiếp theo mình viết ra, được các nhà xuất bản thẩm định tốt, in được, nhưng phủ bụi trong kho, vài năm sau chưa bán hết thì cái việc mình làm có ý nghĩa gì không nhỉ? Nhà văn Ma Văn Kháng có nói một ý rằng, câu chữ của nhà văn như nước mưa vậy, rơi vào lòng đất, dù ít dù nhiều cũng làm cho đất phì nhiêu, nhưng dứt khoát phải rơi vào lòng đất, tác phẩm viết ra dứt khoát phải có người đọc, càng nhiều người đọc càng tốt. Và tôi thấy phấn khởi là những cuốn sách của tôi, càng về sau càng có nhiều người đọc hơn. Ba cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của tôi, cuốn nhiều thì tái bản tới 5 lần, cuốn ít cũng tái bản tới 2 lần. Tất nhiên điều đó chỉ đủ để làm tôi phấn khởi thôi chứ chưa đủ để tôi hài lòng với những gì mình viết ra. Văn chương là cái gì đó xa vời vợi, có khi đi hết cả đời cũng không đến được cái đích mà mình cần đến. Nhưng không vì thế mà không đi khi đã “trót mang lấy nghiệp vào thân”. Còn loạt bài trên báo Tuổi trẻ và đời sống, tôi nghĩ cũng gây ra được nhiều hiệu ứng xã hội tốt. Thứ nhất là với số lượng phát hành lớn của tờ báo, những gì tôi viết ra có rấtnhiều người đọc. Thứ hai là tôi đã viết báo một cách rất văn chương, mỗi bài viết như một truyện ngắn dạng thô với những thân phận khác nhau, tạo được sự đồng cảm nơi người đọc. Thứ ba là tôi luôn thay đổi cách trần thuật, kết cấu, kiểu nhân vật, cách đối thoại… trong mỗi bài báo để tạo sự hấp dẫn nhất định. Thứ tư là xuất hiện dưới dạng tương tác qua báo chí cũng là điều cần làm đối với một nhà văn để giữ mối quan hệ với bạn đọc. Như vậy là tôi đã viết báo bằng tất cả sự trải nghiệm của bản thân, bằng sự mổ xẻ các kiểu người dưới nhãn quan một nhà văn, tập trung theo một chủ đề nhất định, và có ý định hướng tới một cuốn sách. Kiểu làm này rất nhiều các nhà văn thời kỳ 1930-1945 hoặc ở các đô thị miền Nam thời kỳ Mỹ ngụy chiếm đóng đã làm. Trong lúc văn hóa đọc đang bị quay lưng như hiện nay, nhà văn không tìm cách đến gần với bạn đọc hơn thì chỉ càng trở nên xa lạ với công chúng mà thôi.

 

Nguyễn Đình Tú (phải) trong một chuyến thực tế tại trại giam Bộ Công an

 

– Anh nghĩ gì về cái mà lâu nay chúng ta hay gọi: “Nhà văn thị trường” và “Nhà văn chính thống”? Có cần không sự phân tách như vậy?

– Sự xếp hạng các nhà văn dù muốn hay không thì vẫn diễn ra trong đầu mỗi chúng ta, tuy nhiên xếp hạng dưới động cơ nào mới là vấn đề cần đặt ra. Nếu xếp hạng để khu biệt và nhận chân sở trường, sở đoản cũng như giá trị của mỗi nhà văn thì đó là điều bình thường. Còn xếp hạng để ganh đua và miệt thị thì đó là điều chúng ta không nên bàn ở đây.
Quay trở lại với cách gọi “nhà văn thị trường” hay “nhà văn chính thống”, theo tôi chỉ là một cách nói trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó mà thôi, chứ đem phân tích chi li ra thì quả thật sự phân chia này là không cần thiết. Ví dụ như tôi là trưởng ban văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, với tư cách ấy chắc chắn là không thể “chính thống” hơn được nữa. Nhưng chính thống thì có cần đến thị trường không? Tác phẩm của các nhà văn có cần đến người mua không, có nên xem như là hàng hóa không? Tác phẩm sống mãi với muôn đời có nhất thiết phải là tác phẩm không bán được không? Và ngược lại, tác phẩm bán tốt, có chắc chắn là tác phẩm đỉnh cao, có giá trị lớn hay không? Tôi nghĩ mỗi vấn đề đặt ra lại cần phải được xem xét trên những bình diện khác nhau. Ở đây, tôi chỉ muốn nói một điều rằng, mỗi người có quan niệm khác nhau về cái gọi là giá trị của tác phẩm, với riêng tôi thì tác phẩm giá trị phải là tác phẩm hay, mà đã hay thì nhiều người đọc, nhiều người đọc thì sách phải bán được, và như thế, chính thống hay không chính thống chả có ý nghĩa gì nếu không có được tác phẩm hay. Còn hay đến đâu, lớn đến đâu, tồn tại được với thời gian đến đâu, thì đó lại là vấn đề khác, lại phải được nhìnnhận trên một bình diện khác được sử dụng để xây lên những tòa lâu đài có tên là “tiểu thuyết” của tôi mà thôi.

– “Trong tù ngoài tội” ghi dấu một thành công mới của anh ở mảng báo chí. Anh có nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục phát triển nó hay không?

– Tôi nghĩ đơn giản thế này, cuốn sách mới của tôi cho thấy là nhà văn có thể viết được nhiều thể loại khác nhau, còn có đi được lâu với một thể loại nào đó thì cũng còn tùy vào sự hứng thú cũng như “cái duyên với nghề” của mỗi nhà văn.

– Nhiều bạn đọc đã phản hồi lại rằng, họ đọc cuốn sách “Trong tù ngoài tội” và cảm thấy dễ đọc, thấy thích hơn so với khi họ đọc các tiểu thuyết của anh như Nháp, Phiên bản, Kín. Điều này có khiến anh thấy buồn không?

– Sao lại buồn? “Trong tù ngoài tội” là một cuốn sách khác thể loại, không nằm cùng “chiếu” với Nháp, Phiên bản và Kín kia mà. Tâm thế của bạn đọc trước các cuốntiểu thuyết sẽ giống như đứng trước những tòa lâu đài được thiết kế và xây dựng hết sức kỳ công. Còn “Trong tù ngoài tội” chỉ là câu chuyện về những nguyên vật liệu đã từng

– Ngoài việc đi đâu cũng bị/ được phát hiện là tác giả của “Chuyện kể lúc 0 giờ” thì những phản hồi nào đáng nhớ nhất khi loạt bài “Chuyện kể lúc 0 giờ” của anh được đăng tải trên báo?

– Có một nữ sinh viên báo chí viết thư cho tôi, nói rằng theo dõi rất kỹ các kỳ báo tôi viết để sau này ra làm nghề sẽ học cách tiếp cận và khai thác nhân vật. Cô ấy viết rằng: “Các thầy trong trường dậy về phỏng vấn rất bài bản nhưng nếu đem bài bản ấy thực hiện việc khai thác các nhân vật báo chí để có những bài viết như của chú thì chắc là… chào thua! Cháu thấy chú có cách tiếp cận, hỏi chuyện và khơi gợi các đối tượng trong bài trút gan ruột của mình ra như thế, quả thật không dễ chút nào. Họ kể chuyện của họ ra rồi chú tóm lược lại được và không chỉ cứ thế mà viết thành bài báo thông thường, cháu thấy chú còn nghiền ngẫm thông tin và luôn có giọng văn như là cật vấn chính mình. Kiểu viết báo của chú rất khó xếp vào thể loại nào nhưng mà được nhiều người thích, có lẽ vì trên cả thể loại, chú luôn hướng đến sự nhân văn chăng?”. Tôi trân trọng những tâm sự trên đây và coi đó chính là phần thưởng quý giá mà độc
giả đã dành cho mình!

– Việc chạy 100 bài báo duy trì thường xuyên cho một trên mục trên báo hình như không làm khó cho anh. Tuy nhiên, có hay không nguy cơ khi anh sa đà vào báo chí thì thiệt hại sẽ đến với văn chương?

– Khi bài phỏng vấn này lên khuôn thì tôi cũng vừa tạm dừng tham gia chuyên mục “Chuyện kể lúc 0 giờ” của báo Tuổi trẻ và đời sống để chuyển sang thực hiện một “dự án viết lách” khác. Việc “sa đà” vào báo chí cũng như các thể loại khác như phim ảnh, kịch cọt hay viết sử cho đơn vị, tôi nghĩ không những không “thiệt hại” cho văn chương mà còn cho con người ta nhiều trải nghiệm thú vị. Với nhà văn thì không có
sự trải nghiệm nào là thừa cả.

– Đọc cuốn sách mới của anh, có người nêu lên một vấn đề: cuộc sống hiện nay vô cùng sôi động, phức tạp, thậm chí rất khốc liệt song lại chưa nhiều nhà văn, đặc biệt là những nhà văn trẻ dám dấn bước vào những “vùng lõm” này. Ý kiến của anh?

– Tôi thấy các nhà văn trẻ của chúng ta có vẻ như quan tâm đến việc “viết như thế nào?” hơn là “viết cái gì?”. Điều này cho thấy văn học trẻ đang có nhiều thay đổi về hình thức thể hiện nhưng biên độ của đề tài được đề cập đến trong tác phẩm lại hẹp. Bản thân tôi đã nhận thức ra điều này và đang cố gắng khám phá nhiều mảng đời sống nóng bỏng để có thể phục vụ tốt hơn cho trang viết.

– Trong một số cuộc tọa đàm, giao lưu văn học gần đây, vấn đề bức thiết được anh đặt ra với các nhà văn trẻ đó là : làm thế nào để nâng cao chất lượng sáng tác văn học, làm thế nào để có tác phẩm đỉnh cao? Trong cuộc trò chuyện này, tôi rất muốn nghe anh trả lời chính câu hỏi mà anh thường đặt ra?

– Tôi xin tự trả lời thế này: Thứ nhất là phải có tài năng. Thứ hai là phải có tâm huyết. Thứ ba là phải có dũng khí. Ba điều này thuộc về chủ quan nhà văn. Ngoài ra cần hai yếu tố khách quan nữa, đó là cơ chế cho sự ra đời của tác phẩm và cơ chế cho tác phẩm vượt thoát khỏi biên giới quốc gia. Nếu một nhà văn hội tụ đủ ba yếu tố chủ quan trên, lại gặp hai yếu tố khách quan trợ giúp, tôi tin là sẽ có được những tác phẩm có giá trị lớn.


• Xin cảm ơn anh

Nguồn: VNT

Exit mobile version