Cần có nhiều chuyến đi xa, về các địa phương, tăng cường giao lưu, gắn kết và cả… tiếp thị hình ảnh, giữa Ban Nhà Văn Trẻ, báo Văn Nghệ Trẻ với bạn đọc, bạn viết. Tôi nghĩ, đây là cầu nối để văn học có thể gặp được đối tượng của mình.
Nhà văn Nguyễn Danh Lam
Lớn lên, bắt đầu cầm bút ở phía Nam, nghe ai đề cập Hội Nhà Văn VN, tôi thấy Hội là một cái gì đó rất đỗi… xa vời, có cả một chút hàm ý… xa lạ. Gần mười năm trời viết lách, được kết nạp Hội Nhà Văn TP.HCM, nhưng khi nhắc tới Hội TW, cảm giác trên của tôi vẫn vậy. Rồi “Ban công tác Nhà Văn Trẻ” ra đời. Phụ trách “địa bàn” TP.HCM khi ấy là nhà thơ Phạm Sĩ Sáu. Thấy tôi viết được vài tập, lại đang có chủ trương khuyến khích các cây bút trẻ gia nhập hội, anh Sáu gọi điện, nhắn tin mấy lần bảo tôi làm đơn. Thú thật, khi ấy tôi nghĩ, dẫu có làm đơn chắc cũng… mất công, đơn sẽ bị bỏ đó, nghe bảo vào Hội TW rất… mệt(!) Nhưng rồi, với sự nhiệt tình… hối thúc của nhà thơ đi trước, tôi tặc lưỡi, thôi thì cứ làm. Ai ngờ, đợt kết nạp ít tháng sau đó, tôi đã thành hội viên HVNVN! Một thời gian sau, “Ban công tác Nhà Văn Trẻ” được “nâng cấp” thành “Ban Nhà Văn Trẻ”, tương đương một ban chuyên môn. Tôi nghĩ việc trẻ hóa hội viên đã thực sự được chú trọng qua việc làm này. Hàng loạt nhà văn trẻ có tác phẩm tốt, trong đó có nhiều cây bút phía Nam đã được kết nạp Hội. Với tấm lòng cởi mở của những nhà văn đi trước, lớp sau sẽ có nhiều động lực để sáng tác và… gia nhập Hội.
Sau khi trở thành hội viên, tôi bắt đầu gửi sáng tác ra phía Bắc. Trước đây, tôi chỉ viết đăng quanh quẩn địa bàn TP.HCM. Tham gia cuộc thi Truyện ngắn hay báo Văn Nghệ 2006- 2007, tôi đoạt giải nhì. Có lẽ cảm hứng phần nào từ việc… mình đã là hội viên! Và vinh hạnh lớn nhất cho một cây bút xa TW, với tuổi đời như tôi, đó là giải thưởng Hội Nhà Văn VN 2010 cho cuốn tiểu thuyết của mình. Sự “xa vời” trước đây, nay trở thành gần gũi. Tôi hy vọng, các cây bút bạn bè trẻ hơn tôi sẽ không còn nhìn Hội một cách e dè, như tôi đã từng nhìn!
Ngoài vinh dự, vẫn còn đó những suy tư. Với tình hình văn hóa nghe nhìn đang… hất văn học qua một bên như hiện nay. Hình như văn học, có lẽ vì kiêu hãnh chăng, lại đang tự làm mờ thêm hình ảnh của mình, trong dòng chảy đầy nhộn nhạo của văn hóa đương thời? Những trang sáng tác ẩn khuất trên các báo. Những chương trình về văn học được tổ chức vội vàng, thiếu sức hút. Ngay cả lễ trao giải thưởng Hội Nhà Văn VN, mà tôi hình dung trong đầu sẽ đầy trang trọng, cũng khá sơ xài, cập rập. Tôi nghĩ, không hẳn do thiếu kinh phí. Chẳng qua chỉ là cách làm. Tại sao một chương trình thi hoa khôi học đường, người ta có thể truyền hình trực tiếp. Các nhân vật chính được “thăng hoa rực rỡ”, “kèn trống rộn ràng”, mà lễ trao giải văn học cấp quốc gia lại không làm được? Tôi không có ý riêng tư qua ví dụ này. Đó chỉ là một biểu hiện mà tôi chạm mặt trực tiếp, trong nhiều biểu hiện khác, nên dùng nó để nói sẽ cụ thể hơn.
Về việc đầu tư kinh phí cho các cuộc thi sáng tác, hoặc giải thưởng văn học, tôi thấy cũng cần suy nghĩ. Chẳng so sánh với những cuộc thi… hoa hậu đình đám, chỉ nói riêng văn học thôi, cách đây gần 20 năm, thuở còn đầy khó khăn, cuộc thi Thơ hay 93, của báo Văn Nghệ TP.HCM đã có giải thưởng 10 triệu cho giải nhất. So với tình hình trượt giá, giải thưởng ấy nếu ở thời điểm này, có lẽ phải tương đương hơn trăm triệu(?) Thử đặt vấn đề, báo Văn Nghệ tổ chức cuộc thi truyện ngắn với giải nhất trị giá hơn trăm triệu, sức hút của nó hẳn cũng vì thế mà nâng lên. Nếu Hội không thể “vén khéo” các chi phí khác, để đầu tư cho các cuộc thi, các giải thưởng, tôi tin chúng ta vẫn có thể chạy tài trợ. Nhiều quĩ hoạt động văn học, nhiều giải thưởng văn học ở mức nhóm vẫn được các nhà hảo tâm đưa ra đó thôi? Ngay bản thân tờ báo học trò mà tôi đang làm việc, khi tổ chức một cuộc thi sáng tác văn thơ, vẫn có những nhà hảo tâm giúp đỡ kinh phí. Huống hồ với uy tín của HNVVN, của báo Văn Nghệ?
Một suy tư nữa, đó là phương cách nâng đỡ các mầm non văn học ngay từ tuổi học đường. Nhiều tờ báo học trò đã làm được điều này. Chỉ cần biết địa phương nào đó có một bút nhóm sáng tác chất lượng… ngang báo tường. Các phóng viên phụ trách sẽ lập tức liên lạc, giới thiệu, đăng sáng tác trên mặt báo, dưới dạng khuyến khích. Thậm chí về tận địa phương để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi công việc viết lách. Bản thân tôi, cùng nhiều bạn viết đồng trang lứa đã được nâng đỡ bằng phương thức này, để từ đó có cảm hứng tiếp tục sáng tác, theo đuổi bằng được con đường văn học. Vì vậy việc duy trì, đẩy cao, đẩy sâu, đẩy xa hơn nữa tờ báo Văn Nghệ Trẻ, tôi nghĩ là rất cần thiết. Hội không lẽ chỉ là nơi qui tụ các tên tuổi? Cũng như trong… bóng đá, việc phát hiện, chăm sóc những mầm non còn ngồi trên ghế nhà trường là rất quan trọng. Cần có nhiều chuyến đi xa, về các địa phương, tăng cường giao lưu, gắn kết và cả… tiếp thị hình ảnh, giữa Ban Nhà Văn Trẻ, báo Văn Nghệ Trẻ với bạn đọc, bạn viết. Tôi nghĩ, đây là cầu nối để văn học có thể gặp được đối tượng của mình. Bạn đọc ở các địa phương qua giao lưu, sẽ từ đó đọc báo, viết báo, rồi mua báo. Mỗi Hội Văn học Nghệ thuật địa phương sẽ trở thành một đại lý của tờ Văn Nghệ và Văn Nghệ Trẻ. Thậm chí những tờ báo này của Hội có thể được phát hành trong các trường học, nếu chúng ta biết đi sâu “tiếp thị” bằng cách này cách khác. Nghe có vẻ “thị trường”, nhưng là một thị trường văn hóa, sang trọng…
Một vinh hạnh lớn lao, khi tôi được nói đôi điều, nhân dịp trọng đại của Hội…
Văn nghệ Trẻ