“Mênh mang triều lên… (ớ..ờ). Bên này biển bạc, bên kia than vàng… (ớ… ơ). Đẩy thuyền ta ra khơi cá về nặng lưới (ớ ơ). Thuyền nghe biển gọi, nghe bến đợi chờ…” (Hò biển)

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, đây là bài hát hay nhất của Nguyễn Cường, mặc dù ông có hàng trăm bài, nhiều bài rất cá tính, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe nhạc, nhất là mảng viết về vùng đất cao nguyên. Có thể tôi đã không bước qua khỏi ký ức sâu đậm của mình, khi lần đầu nghe “Hò biển”. Âm nhạc và ca từ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc làm xúc động người nghe. Có thể nói, ngày đó, cái đói luôn giày vò mỗi người ở thế hệ chúng tôi, nếu bữa trưa được ăn cái bánh mỳ nguyên cái (225 gram), bữa tối ngô bung đã là hạnh phúc. Nhiều đêm còn không có điện, mọi sinh hoạt đều âm thầm trong bóng tối đèn dầu.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Ấy vậy mà, hôm đó, chúng tôi quên đi cái đói, cái rét, không biết thời gian đã trôi đi như thế nào, chúng tôi nói về cuộc chiến vừa mới đi qua, về sức sống mãnh liệt của người Việt và về âm nhạc, sôi nổi nhất là nói về bài hát Hò biển của Nguyễn Cường.  Hồi đó, con người không mấy ai chú trọng đến đời sống vật chất, nếu tinh thần phơi phới thì chuyện thiếu thốn tiện nghi sống chẳng có gì quan trọng, có lẽ vì thế mà những sân khấu diễn ca khúc chính trị luôn rất đông người xem. Những tác phẩm mang tinh thần cổ vũ lý tưởng anh hùng, những bài ca khích lệ sức chiến đấu, thi đua sản xuất là những tác phẩm được sử dụng với tần suất rất cao trên làn sóng phát thanh và trên các sân khấu.

húng ta đều biết rằng, kháng chiến chống Mỹ thành công, không thể thiếu đóng góp của các nhạc sĩ, nhiều bài hát đã thúc đẩy bước chân người lính. Nhưng, Hò Biển của Nguyễn Cường không nằm trong số những bài hát khích lệ các cuộc hành quân, nó là một bức tranh ca ngợi vẻ đẹp, sự thanh bình của biển Việt Nam, giá trị như một niềm hy vọng, một an ủi khích lệ vượt qua gian khổ thời hậu chiến: Hạ Long như say/ Trời biển hôm nay lặng cánh chim bay/ Con nước vơi đầy hò dô … hò dô/ Năm tháng đêm ngày hò dô … hò dô /Thuyền ta trời biển gắn bó trọn đời/ Trời xanh mênh mông biển rộng mênh mông/ Lời hát cùng ta giông tố tan rồi /Hò dô hò dô/ Nắng ấm lên rồi hò dô hò dô/ Trời yên biển lặng sóng vỗ mạn thuyền…

Hò biển ra đời (1974) trong một chuyến đi thực tế về Quảng Ninh do Hội nhạc sĩ tổ chức mà NS Tân Huyền làm trưởng đoàn. Nguyễn Cường coi chuyến đi là một sự đặt hàng (Và cho đến bây giờ Nguyễn Cường vẫn nói rằng, không có bài hát nào của ông không xuất phát từ một đơn hàng. Nếu không có đơn hàng từ hội này, hội khác, bộ này, bộ khác, tỉnh này, tỉnh khác, công ty này, công ty khác.. thì cũng là đơn hàng của chính bản thân ông, được thúc đẩy bởi cảm xúc bắt nguồn từ cuộc sống). Nhưng đơn hàng chỉ là cái cớ, Nguyễn Cường làm ra bài hát nào thì bài đó phải đạt được yêu cầu thẩm mỹ của chính ông trước, rồi mới đến sự đồng thuận của người đặt hàng.

Ông bảo, bản chất của nghệ sĩ là lang bang và phóng túng, “đơn” đặt hàng là  chất kích thích, đồng thời là mối ràng buộc trách nhiệm để nghệ sĩ dồn thúc các cảm xúc. Nhận lời với “đối tác” xong, Nguyễn Cường tìm đủ mọi cách để thực hiện lời hứa. Có người kể rằng: nhiều đoàn đi sáng tác trong đó có Nguyễn Cường, lúc thì hơn ba mươi, lúc thì năm mươi, lúc hai chục người. Ban tổ chức vận động sáng tác đã đưa hàng trăm trang tài liệu về vùng đất, con người, về những thành tích của các đơn vị, về tính đặc thù v.v. và v.v. cho các thành viên trong đoàn, ai nấy đều nghiêm chỉnh đọc, nghiên cứu, chấp hành giờ giấc hàng tháng, chỉ riêng Nguyễn Cường là… lang bang, có mặt được vài ngày. Sau đó, đến hẹn, cả đoàn nộp bài. Nguyễn Cường lần thì Giải Nhất, lần thì Giải Nhì…  Đôi mắt Pleiku. Bác sĩ ơi nụ cười… Là những ví dụ như vậy. Không ai nghĩ đó là những bài hát được Pleiku, được Bộ y tế đặt hàng…

Cho nên không phải dễ dàng mà người ta vẫn nói, Phó Đức Phương, Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường là “tứ quái” làng nhạc. Trần Tiến ít tuổi nhất, nhưng thoạt trông thì có lẽ “mặt nhàu” nhất. Dương Thụ quần bò áo phông đi xe phân khối lớn, còn Phó Đức Phương thì uốn tóc xoăn theo kiểu Beethoven. Mỗi người mỗi vẻ, ông nào cũng…nhiều đàn bà… theo đuổi. Ông nào cũng học nhạc viện, có ông phải đi kéo xe bò để tiếp tục được học tiếp như Phó Đức Phương, Dương Thụ. Nguyễn Cường, ban đầu học cello, sau học khoa sáng tác.

Nhìn vẻ bề ngoài Nguyễn Cường rất giống một cao bồi viễn Tây, từ cái mũ trên đầu, thời trang ăn mặc đến phong cách đi đứng, nói năng. Trong giao tiếp ông rất thẳng thắn, cởi mở, không giả bộ, giả điệu, làm dáng, “vòng vo tam quốc”. Nhưng, nếu chú ý hơn một chút thì thấy Nguyễn Cường đúng chất Hà Nội, không thích những gì ồn ào, to lời, nói xấu người khác, thậm chí ngại va chạm. Nhiều người đã viết sai, rằng, ông sinh ở phố Hàng Bạc, Hà Nội. Thực ra, cha ông, cụ Nguyễn Quang Hộ, quê gốc ở Phú Xuyên, nhưng cụ sinh năm 1910, tại Hà Nội. Thời Pháp thuộc, cụ là phi công đầu tiên của Việt Nam, lái máy bay cho hãng Air France, và đã tử nạn trên một chuyến bay dân dụng vì đâm vào núi ở  Sơn Trà năm 1953.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường và cố ca sĩ Y Moan trong một lần trở lại Tây Nguyên.

Mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Nhung sinh năm 1920 trong một gia đình có năm đời sống ở Hà Nội. Các cụ có ngôi biệt thự ở phố Phan Chu Trinh. Hồi đó anh em Nguyễn Cường còn nhỏ. Cụ ông mất, thời cuộc thay đổi, cụ bà phải đi làm nuôi các con, ngôi biệt thự ở phố Phan Chu Trinh đó có người đến vận động giao lại, cụ bà đã nghe theo, đưa các con về Hàng Bạc, trên gác tư, diện tích nhỏ hơn nhiều lần. Từ đó Nguyễn Cường sống ở Hàng Bạc cho đến bây giờ.

Có người bảo ông hoặc là làm đơn xin lại ngôi biệt thự kia, vì ông vẫn còn giữ trước bạ, hoặc làm sổ đỏ cho mình được sở hữu chính thức cái diện tích nhỏ bé này, ông đều không muốn. Ông rất ngại những chuyện như vậy, mặc dù sẽ rất thiệt thòi, hoặc có thể nói, vì thế Nguyễn Cường vẫn là người có đời sống tinh thần phong phú chứ vật chất thì vẫn rất khiêm tốn so với nhiều văn nghệ sĩ bây giờ.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Cường thi vào trường Trung cấp Âm nhạc Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) học được vài tuần, thì tổ chức bảo ông thuộc diện “gia đình tư sản”, nên bị cắt học bổng. Bữa ăn tự túc, đói, nhưng Nguyễn Cường nhẫn nại vượt qua. Cho đến giờ ông vẫn nhớ những lần được nhạc sĩ Cát Vận, người học cùng trường, đã nhường bớt phần ăn cho mình. Sau khi tốt nghiệp năm 1965, ông được phân công về Đoàn Ca múa Tây Nguyên (nay là Đoàn Ca múa Đam San), lúc đó đóng tại Hà Nội.

Từ năm 1967, ông chuyển về công tác tại phòng Giáo dục chính trị Trường Mỏ Địa chất. Không hẳn long đong, lận đận, nhưng dẫu có long đong lận đận thì Nguyễn Cường cũng không cảm thấy. Ông có đôi mắt của người chỉ nhìn thấy những điều tử tế trong đời, coi mọi sự nhẹ như cánh hồng. Nghĩ đến Nguyễn Cường bao giờ tôi cũng nhớ bài hát của Trịnh Công Sơn: Những con mắt trần gian/ nuôi ta biết nồng nàn/ Những con mắt thù hận/ Cho ta đời lạnh căm/ Những mắt biếc cỏ non/ Xanh cây trái địa đàng…

Tháng 5 năm 1980, tốt nghiệp khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội, ông và nhạc sĩ Trần Tiến được Đoàn Ca múa Đắk Lắk mời về sáng tác. Có lẽ Tây Nguyên đã chọn ông.

Không chỉ thành công mảng ca khúc viết về Tây Nguyên, khai thác dân ca (Tây Nguyên, hay đồng bằng Bắc Bộ) ở góc tinh túy nhất, triệt để nhưng không dễ dãi, Nguyễn Cường phả vào đó dấu ấn riêng của mình,dấu ấn của cảm xúc mãnh liệt và sâu sắc, dấu ấn của người tài năng, đã từng học khí nhạc. Nguyễn Cường ham đọc sách, đọc rất nhiều, nhưng khi trò chuyện, hay khi sáng tạo, những gì đọc được ông đã ném đi, ông chỉ dùng cái đã chưng cất được từ những kiến thức nhân loại qua những trang sách. Cho nên từ:  Rừng biên cương âm vang điệu then mới, Một nét ca trù ngày xuân , Ơi M’Đrak, Ly cà phê Ban Mê, đến Hò biển, Say trăng, Mãi mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội, Lạng Sơn lung linh mưa ngàn, Đàn cầm dây vũ dây văn đều làm say lòng người, làm nên tên tuổi một nhạc sĩ đất Hà thành.

Mặc dù ông đã được tặng: Huân chương Lao động hạng Ba; Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt II (2007), đã được nhiều Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhưng không bao giờ ông khoe ra. Nếu được hỏi, ông chỉ thích nói đến những câu chuyện vui khác của cuộc đời. Đối với người trẻ ông thường khích lệ nhằm giúp họ tự tin bước vào con đường sáng tạo, luôn là độc đạo và nhiều thử thách.

Năm 2009, ông đã bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng là viết một hợp xướng để hát với trống đồng, và ra đời “Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc Hồng” – một hợp xướng cần tới hàng ngàn nghệ sĩ theo hình thức Acapella không có dàn nhạc đệm, mà biểu diễn trên 100 trống đồng của các nghệ nhân Thanh Hóa đúc tặng Thủ đô Hà Nội nhân sự kiện Nghìn năm Thăng Long. Bản hợp xướng đó đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2010. Cho đến nay, ở tuổi 73, Nguyễn Cường vẫn khiến người ta thấy ông còn giàu năng lực sáng tạo và năng lượng sống. Ông vẫn đi đó đây, lúc sang Mỹ lúc lên Tây Nguyên, lúc vào miền Trung phố biển. Chúc cho Nguyễn Cường thêm tuổi thêm bài hát hay và mãi là người tốt bụng như đã từng.

Theo Trần Thị Trường – Văn nghệ công an

Exit mobile version