Nguyễn Chí Trung thuộc thế hệ các nhà văn xuất hiện và trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Cũng như phần lớn các cây bút cùng thời, là người trong cuộc, từ những chiến sĩ viết văn, họ trở thành những nhà văn chiến sĩ, những cây bút mặc áo lính chuyên nghiệp của “ngôi chùa văn” số 4 Lý Nam Đế như: Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Hồ Phương…, mà Nguyễn Chí Trung cũng không là ngoại lệ. Điều ấy đã lý giải vì sao chiến tranh luôn là đề tài quán xuyến, chi phối cảm hứng sáng tác của họ. Khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống thời bình với những vấn đề của xã hội và con người đương đại không kém nóng bỏng và gay cấn cũng đã mời gọi những cây bút đã thành danh nói trên tiếp cận và khám phá. Nhưng với Nguyễn Chí Trung, cuộc chiến tranh đã qua vẫn là những quá khứ , “dĩ vãng phía trước”, vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, luôn ám ảnh ông “sống mà nhớ lấy” đã tạo nên những trang viết về chiến tranh “trăm phần trăm” trong cảm hứng sáng tạo nơi ông. Từ Bức thư làng Mực, Tiếng khóc của nàng Út đến Đối thoại trong đêm, tiểu thuyết gần đây nhất của nhà văn đều tái hiện bối cảnh lịch sử đầy hào hùng và bi tráng của đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là một trong những cuộc khởi nghĩa thắng lợi sớm nhất ở miền Nam thời kỳ 1954 – 1960, khởi nghĩa Trà Bồng – Quảng Ngãi (Tiếng khóc của nàng Út), là thời điểm nổ súng trong đêm toàn quốc kháng chiến ở Đà Nẵng (Đối thoại trong đêm), hay tinh thần quyết tâm bắn rơi máy bay Mỹ của đồng bào Tây Nguyên (Bức thư làng Mực). Tất cả những sự kiện đó thể hiện ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do và quyền sống con người, thấm đậm và hiện hình rõ nét trong văn xuôi của Nguyễn Chí Trung.
Trong dòng tiểu thuyết viết về chiến tranh theo hướng sử thi hôm nay đã xuất hiện hiện tượng “giải sử thi”, bộc lộ ở sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người; ở sự tái nhận thức về chiến tranh; ở cách phản ánh chân thật sự thật chiến tranh và số phận con người; ở cái nhìn đa diện về con người bên này hay bên kia chiến tuyến, cho thấy chất sử thi không còn thuần khiết mà có sự pha trộn, nhiễu tạp hơn. Trong bối cảnh đó, tuy không chuyển đổi mang tính bứt phá như một số cây bút khác nhưng người đọc đã nhận ra trên những trang viết của Nguyễn Chí Trung sự vận động âm thầm trong tư duy nghệ thuật của nhà văn. Hơn lúc nào hết nhà văn cảm thấu: “Chiến tranh tàn phá ghê gớm. Nhưng những gì con người thu lượm được trong khắc nghiệt của chiến tranh, những khổ đau, những bi tráng, những hào hùng, những tự vấn, những thẩm định, những phán xét, những cái bắt buộc con người nhất thiết phải lớn lên và trung thực, phải tự bóc dần cái giả dối, phải tự lọc dần cái ươn hèn, biết vượt qua cay đắng lắm lúc tưởng như một thứ định mệnh ập xuống đầu, tất cả những cái ấy cả khi thắng và khi thua, quý giá xiết bao. Song tất cả những cái ấy cũng sẽ rơi rụng, tan biến, mai một, chột thui dần nếu như không được kết tinh và cố định trong những tác phẩm hợp thành giá trị tinh thần” (Truyện ký Nguyễn Chí Trung. Nxb HNV, HN, 2008, tr 26). Có thể nói, cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc đã định hình làm nên những “giá trị quan trọng cho văn hóa và văn học”. Tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út được tác giả ấp ủ, tìm thấy hơi ấm sáng tạo trong những lần trở về Quảng Ngãi, trở lại vùng đất, cánh rừng chiến tranh năm xưa để thực hiện hoài bão của đời mình là viết một cuốn sách về giai đoạn bi thương nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ tại mảnh đất này. Có lẽ Nguyễn Chí Trung là một trong số ít những người viết chọn giai đoạn trước và sau ngày tập kết (1954 – 1959), là giai đoạn đen tối nhất của cách mạng miền Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, cho đến thời điểm bùng nổ cuộc khởi nghĩa Trà Bồng tháng 8 năm 1959 làm chất liệu sáng tác. Là người sống trong cuộc, trực tiếp trải nghiệm cùng nó, Nguyễn Chí Trung đã chủ động trong cách tiếp cận, xử lý và tạo dựng không khí, bối cảnh cũng như dàn dựng một thế giới nhân vật đa sắc diện với nhiều dạng thái, trạng huống thể hiện thái độ và cảm xúc con người một cách chân thật nhất, tận cùng nhất. Trong Tiếng khóc của nàng Út cuộc chiến đấu của dân tộc được tác giả tạo dựng không chỉ bằng hiện tại mà bằng cả chiều sâu văn hóa và lịch sử. Không phải ngẫu nhiên, nhà văn nhấn mạnh đến mạch ngầm của tiểu thuyết: viết về cuộc khởi nghĩa ấy là viết về “một nền văn hóa, nền văn hóa kỳ lạ của các dân tộc miền núi, viết về một hoàn cảnh éo le trong cuộc đấu tranh lâu dài của dân tộc” mà ở đó đã “chất chứa một phần đời” của tác giả (Tạp chí VNQĐ, 744, 3- 2012).
Trong Tiếng khóc của nàng Út, Nguyễn Chí Trung đã tái hiện được một bối cảnh bi tráng nhất của cách mạng miền Nam, cho thấy cuộc khởi nghĩa Trà Bồng diễn ra như một tất yếu lịch sử, tức nước thì vỡ bờ. Nhà văn đã tạo dựng không khí chìm ngập đau thương tang tóc của những người từng sống ở vùng tự do suốt 9 năm chống Pháp giờ bị kẹt trong vòng vây của kẻ thù. Hàng ngày hàng giờ bị chúng thi hành chính sách “tố cộng diệt cộng” cực kỳ man rợ với các thủ đoạn đê hèn tàn bạo hòng trả thù những người kháng chiến cũ, bắt người dân phải ly khai cách mạng, ly khai cộng sản nằm vùng hoặc đi tập kết, phá bỏ hiệp định Giơnevơ, biến các vùng đồng bằng trở thành vùng trắng. Không khí nghẹt thở, ngột ngạt ấy đã tác động đến số phận của biết bao con người ở làng Bàu Ốc, Trà Bồng, Quảng Ngãi. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, sống chết treo lơ lửng ấy, các nhân vật trong tiểu thuyết đã bộc lộ bản chất của mỗi người trước lằn ranh của sự kiên trung và hèn nhát, của lòng bao dung và sự ích kỷ, giữa quyết đoán và thỏa hiệp, giữa cứng nhắc, rập khuôn duy ý chí và ứng xử phù hợp với thực tiễn… Nhưng bao trùm lên tất cả là tấm lòng của người dân với cách mạng, với đảng. Ở đây, tác giả đã có cái nhìn tận đáy về những người đảng viên đang ở trong thế kìm kẹp của kẻ thù, thấm thía cái buồn của những người không biết ngày mai sẽ thế nào, sống chết ra sao? Ngay với nhân vật Toàn, là đảng viên trung kiên được cấp trên giao trọng trách ở lại gây dựng phong trào, cũng không khỏi có cảm giác bi quan, chán nản “nỗi buồn trong lòng ngày một ứ bầm” trước sự đổ vỡ của tổ chức, đoàn thể, trước sự hy sinh của biết bao đồng đội và người thân để bảo vệ cách mạng, giữ bí mật cơ sở.
Một khía cạnh tạo nên điểm nhấn của cuốn tiểu thuyết là sự phản ánh những sự thật đau lòng trong hàng ngũ đảng viên, thậm chí của những cán bộ cấp cao như quyền bí thư huyện hay bí thư tỉnh trước các vấn đề liên quan đến việc thi hành mệnh lệnh, chỉ đạo của cấp trên như thế nào cho phù hợp với thực tiễn cách mạng. Đây là những vấn đề ít được đề cập trong tiểu thuyết mang tính sử thi trước 1975. Ngòi bút Nguyễn Chí Trung khá thành công khi đi sâu khám phá tâm lý nhân vật quyền bí thư huyện trong trường đoạn trần thuật cuộc đối thoại khá nẩy lửa giữa nhân vật Toàn và quyền bí thư huyện về vấn đề đảng viên ở lại có nên ra hoạt động hợp pháp hay không? Theo Toàn không thể ra công khai vì nhiều nơi thử chuyển ra hợp pháp đã bị địch “tóm cổ”, diệt sạch, như vậy không khác gì “đem trứng mà gửi cho ác”. Khi quyền bí thư trả lời: “ Đó là nghị quyết của trên, chứ đâu phải của cá nhân ai”. Toàn không ngần ngại cho rằng: “Nghị quyết cấp trên cũng có khi sai”. Câu nhận định thẳng băng của anh đã chạm nọc quyền bí thư huyện nhưng ẩn dưới cái áo khoác đương chức, ông vẫn “giấu trong bụng tấn bi kịch đầy hài hước ấy bằng bộ mặt nghiêm trang giả dối”. Sau lần trực diện đối chất với ông quyền bí thư, tỉnh rút Toàn lên làm phó văn phòng tỉnh ủy. Trên cương vị mới, Toàn có dịp trình bày những bức xúc của anh với bí thư tỉnh ủy, vẫn là vấn đề chuyển hướng hoạt động hợp pháp. Anh thẳng thắn đề cập đến những tổn thất, thiệt hại về người, số đảng viên ở lại hàng trăm nay còn lại mấy mươi người, bị bắt, bị giết gần hết. Nếu ra hợp pháp “như mỡ đút miệng mèo, ra người nào bị bọn hắn tóm cổ người nấy”. Khi nghe ông bí thư tỉnh nói đấy là chỉ thị của cấp trên, Toàn không khỏi sửng sốt vì đã biết câu này từ miệng ông quyền bí thư huyện trước đó. Đã đến nước này, anh phải sang số: “Chỉ thị cấp trên có cái đúng mà cũng có cái sai”, “đau khổ, có khi không phải chỉ kẻ thù gây ra”. Khi ông bí thư viện dẫn cấp trên chưa cho phép, Toàn đã phân tích: lâu nay chúng ta chỉ biết nghe như truyền đạo, không dám lật ngược vấn đề, phản biện, nêu câu hỏi. Tín điều là khuôn phép để làm theo chứ không phải để cưỡng lại dù do tín điều ấy mà phải chết hàng chục vạn người. Hơn lúc nào hết, là người kiên trì trụ bám cơ sở, Toàn nghĩ đã đến lúc không thể lừa dối mình, lừa dối đồng bào, “trơ trơ trước trước đau khổ rền rĩ khắp xóm làng, vô cảm trước những điều nghe những điều thấy” vì kẻ thù không chỉ không tôn trọng hiệp định Giơnevơ mà còn trắng trợn vi phạm, đẩy người dân rơi vào cảnh dầu sôi lửa bỏng. Theo tình hình hiện nay sẽ không diễn ra hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước sau hai năm tạm thời lấy vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền. Anh đã kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình: thà chịu kỷ luật không ra hợp pháp. Có súng phải dùng súng. Lúc này đồng bằng đã biến thành vùng trắng nhưng vẫn còn miền núi là hậu cứ. Không thể trụ lại ở đồng bằng, những đảng viên còn lại, trở thành hạt nhân của phong trào như Toàn, Vần, ông Quách, ông Thương đã gây dựng lại cơ sở tại vùng núi Trà Bồng Quảng Ngãi, dựa vào dân, đẩy mạnh phong trào, giữ lấy đất và giữ thế tiến công. Chính từ nơi này nàng Út, cô gái dân tộc Chăm Roi bị cho là ma lai may mắn sống sót, được ông Thương nhận là em nuôi đem lòng yêu Toàn. Đúng vào ngày Mỹ Diệm tổ chức tổng tuyển cử riêng rẽ, Trà Bồng khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi thì Toàn hy sinh. Tiếng khóc rền của nàng Út nghẹn ngào, thương tiếc người đã hóa thân vào núi rừng như cô đặc nỗi đau của đời người.
Sau Tiếng khóc của nàng Út, Nguyễn Chí Trung lại cho ra mắt bạn đọc cuốn Đối thoại trong đêm. Đối tượng sáng tạo ở đây là quá khứ xa hơn quá khứ trong Tiếng khóc của nàng Út, là quá khứ của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp ở Đà Nẵng. Với tiểu thuyết này, Nguyễn Chí Trung hồi nhớ những kỷ niệm như đang “xanh rờn”, ken dày trong ký ức nhà văn về các chiến sĩ cảm tử và nhân dân Đà Nẵng. Ông gọi đây là “một vở diễn” trên tấm phông màn chìm đắm trong đêm trước ngày 20 tháng 12 năm 1946. Ngòi bút Nguyễn Chí Trung tỏ ra linh hoạt khi tái dựng không khí Đà Nẵng trước giờ nổ súng với đoàn người đang hối hả, khẩn trương nối tiếp nhau tản cư để lại phía sau thành phố Đà Nẵng ngổn ngang chướng ngại vật cản ngăn bước tiến của quân lê dương Pháp. Những trang viết khiến ta nhớ lại không khí Hà Nội trước ngày nổ ra tiếng súng chống trả lính Pháp trong Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng. Sau lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, Hà Nội và toàn quốc bước vào trận tổng giao chiến đồng thời Đà Nẵng cũng chung một thế trận với cả nước. Nhưng ở đây, Nguyễn Chí Trung không dàn thế cuộc trên bề rộng mà khoanh vùng trong phạm vi của Tòa Nhân Dân (Tòa đốc lý cũ) và trên đoạn đường quốc lộ Đà Nẵng – Hương An. Ở tọa độ quan trọng này, Nguyễn Đỏ, tiểu đội trưởng và Tú Hùng, tiểu đội phó cùng các chiến sĩ của tiểu đội sẽ giáp mặt với một đại đội lê dương do viên quan ba, người Đức chỉ huy, thuộc hạ của hắn là tên quan một và tên đội lê dương da đen trong đêm nổ súng tử thủ với thành phố bên sông Hàn. Hòa với hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến, Ủy ban quân sự và lãnh đạo thành phố quyết định giờ nổ súng của thành phố là 2 giờ sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946. Bốn Thì là trung đoàn trưởng trung đoàn 96 nhận nhiệm vụ thực hiện mệnh lệnh. Trong giờ phút trọng đại của quê hương, anh ta đã nghe rõ tiếng gọi thiêng liêng truyền đi từ sở chỉ huy của Tổng tư lệnh quân đội. Nhưng trong khi các chiến sĩ, đồng đội của Bốn Thì đang sẵn sàng áp sát các vị trí địch thì trời sáng dần mà vẫn không nghe phát lệnh chiến đấu vì vị trung đoàn trưởng đã rời bỏ vị trí của mình cùng vợ ra khỏi thành phố. Đây là một sự thật lịch sử mà Nguyễn Chí Trung đã được “quyền công bố” sau hơn sáu thập niên: “Đau đớn thế, Đà Nẵng nổ súng chậm hơn cả nước 6 tiếng đồng hồ. Ta bỏ mất cơ hội đánh phủ đầu, bỏ mất yếu tố bí mật bất ngờ, tại đây – Đà Nẵng. Đà Nẵng thân yêu, năm 1858, cha ông ta đã làm tốt hơn chúng ta”. Sau 8 giờ sáng ngày 20 tháng 12, khi Nguyễn Đỏ, Tú Hùng và tiểu đội đang trấn giữ Tòa Nhân Dân nhận ra sự chậm trễ thì tình thế đã diễn ra ngược lại. Các đơn vị lê dương Pháp triển khai tấn công ta trước.
Khi quan niệm Đối thoại trong đêm “kể về một vở diễn thời chưa xa tháng 12 năm 1946”, dường như ngòi bút Nguyễn Chí Trung đã chú ý hơn đến việc tổ chức những màn đối thoại sống động, đầy kịch tính và nhân văn, làm toát lên cá tính và lập trường của các nhân vật ở cùng chiến tuyến (Nguyễn Đỏ và Tú Hùng), thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tử cho Đà Nẵng quyết sinh của Nguyễn Đỏ, một dân Đà Nẵng thứ thiệt và Tú Hùng, chàng trai Hà Nội nghe theo tiếng gọi non sông đã tình nguyện Nam tiến. Trong thời khắc ác liệt và hiểm nguy nhất của cuộc chiến không cân sức giữa tiểu đội Nguyễn Đỏ và đại đội lính lê dương, Tú Hùng và Nguyễn Đỏ đã “quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, chọn phương án đánh giáp lá cà với bọn lê dương. Hay như đối thoại giữa hai vợ chồng Bốn Thì, cho thấy tính tráo trở của kiểu người chọn cách sống khoảng giữa mà với anh ta thực chất là chạy trốn: “Chẳng có nơi nào không có kẽ giữa. Cứ kẽ giữa mà ở. Bên này thắng thì ở bên này, bên kia thắng thì ở bên kia”… “Đời, cũng phải có khi làm xiếc. Miễn là sống”. Ở trường đoạn đối thoại của nhân vật thuộc hai chiến tuyến khác nhau (Tú Hùng và tên đội lê dương), (Nguyễn Đỏ và tên quan một), Nguyễn Chí Trung đã đem đến cho giúp người đọc những hiểu biết một cách sinh động và ấn tượng về những trang sử đẫm máu và nước mắt của chế độ thuộc địa ở phi châu, quá trình khai thác thuộc địa của thực dân da trắng, lịch sử xâm lược và khai hoá của thực dân Pháp ở Đông Dương, nguồn gốc của lính lê dương, quá khứ đau khổ và bi tráng của lịch sử dân tộc trong quá trình lập đất và giữ đất hình thành nên Đà Nẵng nơi Nguyễn Đỏ và đồng đội của anh đang vì nó mà chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Khi tên quan một lên giọng kẻ cả: “cái gì còn lại trên đất, ở cái xứ An Nam, đều là dấu ấn của tâm hồn và trí tuệ chúng tao” thì ngay tức khắc hắn bị Nguyễn Đỏ phủ nhận, vạch trần bản chất của kẻ xâm lăng: “ Không, những cái gì rực rỡ để lại cho đến ngày nay đều thấm máu và mồ hôi muối của người cùng khổ”. Những đoạn đối thoại giữa các nhân vật nói trên đã vượt ra khỏi đường biên thể loại với sự xâm nhập, giao thoa giữa tự sự và kịch, cùng sự đan cài các yếu tố văn hóa, lịch sử, địa lý trong nước và thế giới đã gắn kết với mạch chính của tác phẩm bằng hình tượng văn học, cho thấy tri thức và sự am hiểu các vấn đề trên đã trở thành sở trường trong tư duy sáng tạo của nhà văn ở cả Tiếng khóc của nàng Út lẫn Đối thoại trong đêm.
Trong quá trình sáng tác của mình, Nguyễn Chí Trung luôn có ý thức coi trọng bản sắc văn hoá của dân tộc. Do vậy không phải ngẫu nhiên mà trong các trang viết của Nguyễn Chí Trung từ ký, truyện ngắn đến tiểu thuyết, đặc biệt ở thể loại “nặng ký” này, đều thấm đẫm và đậm đặc chất địa văn hoá, là thành tố quan trọng làm nên đặc trưng riêng, tạo điểm nhấn trong tác phẩm của nhà văn. Ở Tiếng khóc của nàng Út là những huyền tích trữ tình và bi tráng, mang âm hưởng sử thi về câu chuyện đi xin Nước Thần, Nước Xu Đỏ của các bộ tộc Tây Nguyên, thể hiện tình đoàn kết, đồng lòng chống kẻ thù, hoặc phản ánh phong tục, tập quán hình thành từ “quá khứ sống sâu thẳm của dân tộc mình” được các già làng của vùng núi Quảng Ngãi truyền lại cho con cháu từ đời này sang đời khác như tục cúng lúa mới, cùng thứ cây “nấu ra rượu”, rượu đoác, thấm trong từng nếp ăn ở và cách ứng xử của những con người nơi đây, giúp họ cầm súng không chỉ bảo vệ quê hương đất nước mà còn bảo vệ bản sắc văn hoá bản địa của mình. Ở Đối thoại trong đêm là những đoạn trữ tình ngoại đề đầy ắp chất dân ca xứ Quảng, hoặc những trang mang âm hưởng bi tráng về những con người cùng khổ từ những phương trời khác nhau dạt trôi về Nại Yên là làng gốc của Đà Nẵng: “Đà Nẵng có từ làng Nại Yên xưa. Lau lách chen nhau xen lẫn những lùm tre liền bụi. Tre liền bụi giữ đất cho đôi bờ ven sông. Đôi bờ ven sông nuôi người Làng cố – Làng cố là làng người Đàng Ngoài gồng gánh cả làng dìu nhau vào Đàng Trong lập làng mới, đau đáu nhớ về quê cũ”. Ở đây, kết cấu không thời gian và nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Chí Trung có sự xáo trộn, đảo ngược quá khứ và hiện tại, ký ức và hiện thực, lịch sử và văn hóa nên chất sử thi không còn dầy đặc, ít nhiều tạo sự co giãn với huyền thoại cộng đồng, khiến những trang viết về quá khứ chiến tranh và cách mạng giảm sự căng thẳng, nặng nề tạo sự gần gũi, thú vị trong tiếp nhận của người đọc. Có thể nói, chất chính luận, tri thức văn hóa với văn phong trữ tình, giàu cảm xúc, thấm đượm trên các trang viết đã tạo nên sắc thái phong phú và sinh động của ngòi bút Nguyễn Chí Trung.
Hiện nay, thiếu tướng nhà văn Nguyễn Chí Trung đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, thuộc thế hệ U80 nhưng “gừng càng già càng cay”, ông liên tục đi và dự những cuộc hội họp cho cả những người cao tuổi và cả của những nhà văn trẻ. Và hơn hết ông vẫn viết, các sáng tác của Nguyễn Chí Trung đều đặn ra mắt bạn đọc. Tiếng khóc nàng Út (2007), Truyện ký Nguyễn Chí Trung (2008), Đối thoại trong đêm (2011). Đặc biệt với tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út đã mang đến cho tác giả của nó “tiếng cười”, niềm vui trong cuộc đời sáng tạo văn chương của mình. Tiểu thuyết này đã vinh dự được nhận giải thưởng của Bộ quốc phòng năm 2008, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2009 và giải thưởng văn học ASEAN năm 2011. Vào đầu năm 2012, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã có mặt tại Bangkok (Thái Lan) để nhận giải thưởng sang trọng này. Trong niềm vui của mình, nhà văn Nguyễn Chí Trung vẫn không quên ngược dòng thời gian để hồi niệm và ước muốn: “Hồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và giúp bạn Campuchia đập tan ách thống trị của bọn diệt chủng PônPốt, hồi sinh dân tộc, tôi phải làm nhiều thứ công việc. Có được chút thời gian thì tranh thủ viết. Bây giờ tôi dã được nghỉ, nhưng còn phải bận bịu một việc gì đấy. Bởi vậy, tôi sẽ hết sức dành thời gian để viết. Tôi đang cố gắng viết cuốn sách mới. Và cố gắng năm nào cũng có sách viết về những gì đã tích lũy” (VNQĐ số 744; 3 – 2012). Đối với những người cầm bút thì viết như là sống, độc giả sẽ chờ đợi ở Nguyễn Chí Trung, nhà văn luôn có ý thức viết về chiến tranh như một sự tri ân, thực hiện được những mong muốn chính đáng của mình.
Nguồn: Vannghequandoi.vn