Nguyễn Bình Phương là một cây bút có nhiều cách tân nghệ thuật tiểu thuyết. Bắt đầu viết từ những năm 1980, với nỗ lực đổi mới và ý thức cao về nghề nghiệp, nhà văn được ghi nhận bởi một loạt những tác phẩm ấn tượng: Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thuỷ (2004), Ngồi (2006), Mình và họ (2014).

Phương thức tổ chức tự sự tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có nhiều nét độc đáo, không chỉ biểu hiện qua bình diện kĩ thuật/ lối viết mà còn được bộc lộ từ chiều sâu tư duy nghệ thuật của nhà văn. Trong đó, hình thức tự sự đơn nhất và nhịp điệu kể chuyện giữ vai trò then chốt.

1. Tự sự đơn nhất

Tự sự đơn nhất hình thức kể chuyện mà ở đó sự việc xảy ra một hay bao nhiêu lần thì trần thuật lại bấy nhiêu lần. Theo đó, tự sự đơn nhất sẽ có hai dạng: Một là, kể lại một lần điều xảy ra một lần. Hai là, kể lại n lần điều xảy ra nlần, điều thú vị ở dạng này là sự việc có thể giống nhau nhưng mỗi lần kể nhà văn lại mở rộng thêm những góc nhìn, những điểm quy chiếu về hiện thực và con người. Đặc trưng này xuất hiện trong cả ba tiểu thuyết Người đi vắngThoạt kỳ thủy và Ngồi.

Trong Người đi vắng, tự sự đơn nhất xuất hiện với tần số cao. Đó là những đoạn miêu tả đặc điểm của nhân vật hay khung cảnh bầu trời Linh Nham ban đêm, miêu tả âm thanh tiếng mọt, hình ảnh con rồng hay lời nói của nhân vật. Chúng có sự lặp lại nhưng không đồng nhất. Chẳng hạn cái nhìn của ông Điều và khuôn mặt Hoàn là những đặc điểm được kể lại rất nhiều. Dù cái nhìn của ông Điều được kể tới 13 lần ở nhiều thời điểm khác nhau nhưng lại nhằm khẳng định một cái gì đó cố định, không thay đổi. Đó là cái nhìn vô cảm của bức tượng đá, của một “người ngoài cuộc, dửng dưng lạnh lùng” với tất cả. Khuôn mặt Hoàn được miêu tả 10 lần kể cả trước và sau khi bị tai nạn được cảm nhận từ các điểm nhìn khác nhau (Thắng, người kể chuyện, Thư, Cương, Kỷ). Nếu trước đây, khuôn mặt Hoàn đẹp kiêu sa rực rỡ thì sau khi Hoàn bị tai nạn khuôn mặt ấy trở nên vô cảm, lạnh lùng. Hoàn cũng như ông Điều, rơi vào trạng thái tách rời, cách li khỏi cuộc sống hiện tại đầy rẫy những biến cố.

Nhờ hình thức tự sự đơn nhất, nhà văn đã tô đậm đặc điểm của nhân vật và khắc sâu chủ đề truyện. Qua việc miêu tả cái nhìn của ông Điều và khuôn mặt của Hoàn, Nguyễn Bình Phương dường như muốn nhấn mạnh, xoáy sâu vào cảm giác “người đi vắng”. Con người vẫn có sự sống, còn tồn tại nhưng chỉ là sự sống sinh học, xuất hiện chỉ để điểm danh trên cuộc đời còn tâm hồn thì đã thực sự “đi vắng”. Con người xuất hiện không đúng nghĩa của từ con người xuất phát từ quan niệm của nhà văn về dạng thức nhân vật tàn khuyết.

Cùng với đó, ở Người đi vắng, hình ảnh con rồng được trần thuật tới 11 lần dưới những điểm nhìn khác nhau của các đối tượng. Có khi nó được miêu tả cụ thể, tỉ mỉ có khi trở nên bí ẩn, mơ hồ, thiêng liêng. Rồng theo quan niệm của dân gian là một linh vật gắn với sự cao quý, trang trọng, thanh cao. Có thể với mỗi nhân vật trong tiểu thuyết (ông Khánh, lão Bính, ông Điều,…), hình ảnh này mang ý nghĩa riêng nhằm phản ánh một khát vọng trong tiềm thức con người: muốn tìm đến không gian rộng lớn, trong sạch, tự do khác hẳn với cuộc sống ngột ngạt, quẩn quanh thường nhật. Hình tượng rồng vừa cụ thể vừa bí ẩn, khó hiểu, giống như bản thân cuộc sống. Nó được đặt ở vị thế đối lập với con người bởi con người trong tiểu thuyết đều là những con người “bẩn thỉu”, “dị mọ”. Họ  muốn vươn tới sự thanh cao, đẹp đẽ nhưng mãi mãi không thể chạm tới được, chỉ đuổi theo cái bóng của nó. Âm thanh tiếng mọt được kể tới 20 lần trong tiểu thuyết Người đi vắng như một nỗi ám ảnh trở đi trở lại. Có lúc nó tồn tại là âm thanh thực phát ra từ những chiếc cột của ngôi nhà cũ kĩ, ốm yếu như một giấc mơ hoảng loạn của gia đình Kỷ, có khi lại chỉ là thứ âm thanh mơ hồ qua cảm nhận của các nhân vật. Tiếng mọt rào lên từ bên trong những chiếc cột nhà là biểu hiện của sự cũ nát, mục ruỗng, là dấu hiệu thời gian vẳng lên từ ngôi nhà hương hoả tồn tại như tác nhân tâm lí, tác động đến suy nghĩ, tâm hồn của nhân vật, như thứ âm thanh gợi nhắc đến quá khứ, cội nguồn. Nó ăn vào cơ thể con người khiến cho Sơn “bứt rứt”, làm Thư “khó thở”, làm Kỷ “ngứa ran”, và Thắng đang thấy mình mục ruỗng ra. Tiếng mọt ở đây vừa làm tăng cái không khí kì lạ, bí ẩn trong gia đình Kỷ từ sau ngày giỗ bà Điều vừa tạo ra một lớp bụi phủ mờ lên thời gian hiện tại làm cho nó cũ kĩ đi. Thời gian hiện tại bị kéo lùi về dĩ vãng tạo ra cảm giác “người đi vắng” đã từ lâu.

Đọc tiểu thuyết Người đi vắng của Nguyễn Bình Phương, ta gặp một không khí ma quái được tạo nên bởi những câu chuyện, số phận của các linh hồn, của sự vật vô tri và của khung cảnh bầu trời. Bầu trời đêm Linh Nham trở đi trở lại nhiều lần với hình ảnh trăng và đom đóm. Chỉ riêng hình ảnh đom đóm được trần thuật đến 8 lần. Ánh sáng đom đóm xuất hiện giữa bầu trời đêm Linh Nham làm tăng cảm giác lạnh lẽo, không khí ghê rợn, ma quái. Ngay cả khi nó được miêu tả nên thơ nhất thì đó cũng là thứ ánh sáng “lập loè”, gắn với không gian bãi tha ma. Đom đóm xuất hiện cùng với những hồn ma, ánh trăng cũng khác lạ “ánh trăng pha sương sền sệt” để tạo ra một thế giới ma quái bao bọc lấy cuộc sống của con người. Nó tạo thành cái phông nền cho những biến cố kì lạ, khó hiểu xảy đến với gia đình Thắng. Có một thế giới bí ẩn tồn tại bên cạnh cuộc sống thực tại của con người. Và vì thế cuộc sống thực sự là phức tạp, không dễ gì khám phá, nắm bắt được.

Những chi tiết trên được kể lại nhiều lần trong tiểu thuyết nhưng đó là dạng kể n lần điều xảy ra n lần và mỗi lần kể mỗi khác. Một mặt, nó tạo ra ý nghĩa cho văn bản; mặt khác, ở một mức độ nào đó nó tạo ra sự liên kết giữa các phần của truyện kể làm cho tiểu thuyết trở nên liền mạch.

Ngoài ra, tự sự đơn nhất còn phổ biến ở mạch truyện kể về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên từ ngày khởi đầu cho đến ngày cuộc khởi nghĩa kết thúc trong thất bại. Mỗi ngày trôi qua, những diễn biến mới của cuộc khởi nghĩa đều được thuật lại. Tự sự đơn nhất ở đây bị chi phối bởi trật tự tuyến tính của sự kiện. Chỉ có một vài đảo thuật và dự thuật chêm xen vào và cơ bản không phá vỡ logic trước sau của sự kiện.

Trong Thoạt kỳ thủy, tự sự đơn nhất cũng xuất hiện với tần số cao. Cụ thể những đoạn miêu tả đặc điểm nhân vật, tiếng gặm chén của ông Phước, miêu tả hình ảnh ánh trăng, con cú,… Ở những thời điểm khác nhau, ánh mắt của Tính được kể lại rất nhiều lần. Ngay từ khi Tính chào đời, nhà văn đã chú ý miêu tả ánh mắt của anh ở những thời điểm khác nhau. Khảo sát tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy chúng tôi nhận thấy ánh mắt của Tính được kể tới 20 lần. Tuy nhiên, đó không phải là ánh mắt của yêu thương, trìu mến mà của sự man dại, điên loạn. Phải chăng nhà văn có dụng ý khi đặc tả ánh mắt của Tính nhằm khắc họa rõ nét hơn chân dung hay như một đặc điểm để nhận dạng nhân vật. Tiếng gặm chén của ông Phước được kể tới 9 lần trong tiểu thuyết ở những thời điểm khác nhau. Hình ảnh “cả ngày gặm chén” cho thấy Phước là một kẻ nghiện ngập thô lỗ. Phước chỉ biết đến rượu, là nô lệ của rượu ở mức bất kỳ người nào mang rượu đến cho ông ta đều được phong là “Đức Thánh Trần”. Tiếng gặm chén cùng với ánh trăng đã đi vào những giấc mơ, cõi mộng mị trong vô thức của Tính. Xuyên suốt tác phẩm, hình ảnh trăng xuất hiện 19 lần. Với 19 lần xuất hiện, hình ảnh trăng như một yếu tố khách quan thuộc về ngoại cảnh chỉ chiếm 3 lần, 16 lần còn lại, trăng đều gắn với Tính. Trong cái nhìn của Tính, trăng đã mất đi vẻ lung linh thơ mộng vốn có mà chỉ còn là ánh trăng hắc ám. Tâm hồn Tính ẩn chứa những ám ảnh, sợ hãi từ thuở ấu thơ. Lọt lòng mẹ Tính đã thấy trăng và sợ trăng. Có thể nói, cả cuộc đời Tính là hành trình chạy trốn tuyệt vọng, là cuộc trả thù bất thành với trăng. Chính vì vậy, đến với trăng trong Thoạt kỳ thủy là đến với hành trình khám phá một thế giới nội tâm điên loạn độc đáo, đến với một thân phận cô độc bị dồn đuổi, đến với biệt tài diễn tả hình tượng người điên của Nguyễn Bình Phương. Hình ảnh con cú được trần thuật 15 lần ở tất cả các trạng thái kể từ khi bị rơi xuống dòng sông Cái. Hình ảnh con cú được tái hiện nhiều lần trong tiểu thuyết. Mỗi cử động của nó đều dẫn đến những tai họa giáng xuống Linh Sơn, đặc biệt là với Tính. Có thể nói, sự xuất hiện của cú như tiếng gõ cửa của định mệnh chết chóc. Cú bị bắn nhưng không chết, nó vẫn lẩn khuất, các điềm báo vẫn diễn ra báo hiệu bi kịch chưa bao giờ dứt.

Tự sự đơn nhất còn thể hiện ở việc nhà văn ghi lại lời nhân vật, biến nó trở thành dấu hiệu nhận biết. Câu “Mắt chó vàng như trăng” lặp lại 17 lần (15 lần của Tính, 1 lần của Hưng, 1 lần của ông Phùng). Nó như một dạng bùa chú lặp đi lặp lại trong chuỗi từ câm của Tính (13 lần), một lối giao tiếp với cộng đồng (2 lần, khi đi mua rượu ở quán bà Ất và nói chuyện với Hiền), một biểu hiện của năng lượng điên loạn (Phùng, Hưng khi nói chuyện với Tính đều bị nhiễm câu nói này một cách vô thức). Điều này cho thấy bản chất điên, ảnh hưởng tính điên của Tính cũng như phần điên dại tiềm ẩn trong mỗi người dân giữa vùng đất kỳ dị và ma quái này.

Trong Ngồi, tự sự đơn nhất cũng xuất hiện với tần số cao. Cụ thể đó là những đoạn miêu tả việc xóa một cái tên, hình ảnh con bướm, âm thanh của tiếng mõ,… tất cả đều mang một đặc tính riêng không lặp lại. Chẳng hạn, việc miêu tả việc xóa một cái tên: Khi ngồi vào máy vi tính, Khẩn đã nhận thấy, việc xóa một cái tên kể cả tên của chính mình dễ như trở bàn tay. Nó xuất hiện từ từ còn biến mất thì nhanh chóng tương tự là sự biến mất của một nhân vật và một cái tên được kể tới 7 lần trong tiểu thuyết. Với sự biến mất dần của những cái tên, Nguyễn Bình Phương đã cho ta thấy sự tồn tại của mỗi người chỉ như một dấu chấm bé nhỏ và vô nghĩa. Con người có thể biến mất hoặc thay đổi không ngờ trước, đó là điều bình thường mà mỗi chúng ta phải chấp nhận.

Hình ảnh con bướm xuất hiện trong tiểu thuyết tới 8 lần ở những thời điểm khác nhau. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, bướm là những vong linh phiêu lãng, chúng báo hiệu có người tới thăm hoặc có người thân thuộc chết. Trong Ngồi, hình ảnh lặp đi lặp lại của con bướm với những chi tiết kỳ lạ khiến Thúy và Khẩn đều có một cảm giác có một hơi thở rất nhẹ, một khuôn mặt hốc hác in bóng trong đó… Nếu quan sát kĩ những lần xuất hiện của bướm, ta sẽ thấy ẩn nấp đâu đó bóng dáng, khuôn mặt, cử chỉ, âm thanh của một linh hồn. Cùng với đó, âm thanh của tiếng mõ xuất hiện tới 7 lần trong tiểu thuyết Ngồi ở những thời điểm khác nhau. Khảo sát tiểu thuyết Ngồi, ta thấy có sự xuất hiện lặp đi lặp lại âm thanh “cốc” trong 18 chương trên tổng số 49 chương. Âm thanh này thường xuất hiện ở cuối mỗi chương, duy chỉ có chương 34, nó được xen trong đoạn văn. Đó là những âm thanh có nhịp điệu và độ dài ngắn cũng khác nhau, có khi chỉ là một chữ “cốc” song cũng có khi dài đến 117 chữ “cốc cốc cốc…”. Những đoạn âm thanh này vang lên chủ yếu giữa cảnh đời thực với những thăng trầm thường nhật của các sự kiện nơi công sở, khu dân cư, trong gia đình… Có lúc nó được cất lên từ cảnh mơ mộng, hư ảo, huyễn hoặc. Những âm thanh “cốc, cốc” kéo dài xen vào cuộc đời Khẩn. Tiếng mõ cứ ngân lên sau mỗi biến cố xảy ra như muốn cứu rỗi tâm hồn. Khi nhân vật Quân mất tích, khi Thúy tìm đến với Nghĩa, với Khẩn, tiếng mõ sau đám tang bà nội Nhung, chuỗi âm thanh “cốc, cốc” vang lên như tiếng vọng từ tiềm thức để cứu rỗi “tính bản thiện” của con người. Tiếng gõ mõ xoáy sâu vào tâm trí nhân vật để mỗi nhân vật tự soi lại giá trị, ý nghĩa của mình trong cuộc đời. Tự sự đơn nhất còn phổ biến ở mạch truyện kể về đời sống đang xảy ra trong tư tưởng của Khẩn với mối tình của cô gái tên Kim. Từ lúc Kim xuất hiện trong mơ, vô thức của nhân vật Khẩn tới khi kết thúc là lúc hai người chia tay. Mỗi lần hồi tưởng về Kim quá khứ lại hiện ra đều được thuật lại một cách tỉ mỉ.

2. Nhịp điệu kể chuyện

Đối với tác phẩm tự sự, người kể có thể kể tỉ mỉ, tường tận một khoảng thời gian nhất định và nhà văn dễ dàng bỏ qua hoặc chỉ kể rất ít một giai đoạn nào đó của hiện thực. Điều này dẫn tới tốc độ nhanh/ chậm khác nhau, có thể gia tốc khi một khoảng thời gian tương đối dài được kể trong số trang tương đối ngắn, giảm tốc đối với trường hợp ngược lại,… Nghiên cứu nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương chính là xem xét khoảng thời gian ở cấp độ câu chuyện được biểu hiện như thế nào trong khoảng thời – không gian (tức là số trang văn bản truyện hay thời gian giả) ở cấp độ truyện kể. Đọc những tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, người đọc nhận ra sự kết hợp hiệu quả giữa nhịp kể chậm và nhanh, góp phần tạo nên bản sắc riêng trong lối viết.

Nhịp điệu kể chậm dần

Thâm nhập thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, người đọc nhận thấy nhịp điệu kể được tạo nên nhờ vào quan hệ giữa thời gian giả và thời gian sự kiện. Nó phản ánh vận động bên trong của tự sự, khiến tác phẩm như một sinh thể không chỉ tồn tại mà còn biết hít thở trong môi trường nó được tạo ra.

Trong tiểu thuyết Người đi vắng, ở mạch truyện kể về cuộc sống đương đại của người dân Thái Nguyên, nhịp điệu kể chậm dần. Vào đầu truyện, nhịp điệu kể khá chậm sau đó có sự gia tốc, đẩy diễn biến của câu chuyện nhanh dần lên, nhưng càng về cuối truyện nhịp điệu kể càng chậm lại.

Phần đầu truyện: từ buổi tối giỗ bà Điều đến buổi trưa Hoàn bị tai nạn, nhịp điệu kể tương đối chậm. Thời gian câu chuyện là 5 ngày được trải ra trong 47 trang văn bản, tốc độ kể chuyện ở phần đầu này là gần 0,1 ngày/ trang. Tốc độ kể chậm có ý nghĩa chuẩn bị cho những biến cố đầy li kì xảy ra sau đó và người kể chuyện có thời gian để giới thiệu, làm sáng tỏ một số phương diện của nhân vật. Ở đây, tất cả những mối quan hệ của các nhân vật và sự kiện được dự tính đều xuất hiện: gia đình Thắng chuẩn bị xây nhà mới, Cương và Hoàn có mối quan hệ vụng trộm,… và tính cách của các nhân vật được hé lộ phần nào: Thắng mang phẩm chất của một người lính; Hoàn bản năng, tràn trề sinh lực; Sơn nổi loạn; Kỷ an phận; cụ Điển “điên điên”, thích khoe khoang; ông Điều sống như một cái bóng câm lặng; Chung bí ẩn, luôn ám ảnh việc mình bị thiến;… Những điều này giống như những tiền đề, một sự chuẩn bị để đưa đến những biến cố tiếp theo của câu chuyện. Hoàn bị tai nạn, Cương bị điên như một sự trừng phạt cho mối tình vụng trộm giữa hai người. Vì phá bỏ ngôi nhà hương hoả để xây nhà mới mà xảy ra sự việc móng nhà bị san phẳng hãi hùng, Sơn nổi loạn phải nhận lấy cái chết. Ông Khánh yêu quý cây tùng mà cái chết của ông giống như cái chết của con rồng – hoá thân của cây tùng.

Sau đó, lối vào chuyện có sự gia tốc. Từ lúc Hoàn bị tai nạn phải vào viện nằm cho đến khi Hoàn ra viện diễn ra trong khoảng thời gian hơn hai tháng. Khoảng thời gian sự kiện này được trải ra trong gần 120 trang văn bản. Như vậy tốc độ kể ở phần giữa truyện là gần 0,6 ngày/ trang nhanh gấp 6 lần so với phần đầu truyện. Trong khoảng thời gian này, các sự kiện được rải rác, người kể nhẩn nha kể từng diễn biến của câu chuyện ở những không gian khác nhau: ở nhà Kỷ, ở cơ quan Thắng, ở đoàn kịch, ở bệnh viện, ở nhà ông bà Khánh,… Ở quê: Kỷ dồn hết tâm trí vào việc chuẩn bị khởi công nhà. Ở cơ quan Thắng: phòng Thắng nhận nhân viên mới là Hà, những cuộc đối đầu giữa Hà và Chung, những chuyện liên quan đến ông Huỳnh, những lá thư bí ẩn và nỗi ám ảnh bị thiến bệnh hoạn của Chung,… Ở đoàn kịch: Cương nảy sinh tình cảm với Phượng, lãnh đạo chỉ nhăm nhe lật ghế nhau, nhân viên ngày càng bê tha, Cương bị điên, Thư có tình cảm với Thắng – chồng của cô bạn thân. Ở bệnh viện nơi Hoàn nằm: các bệnh nhân lần lượt đến rồi lần lượt không thoát khỏi lưỡi hái của thần Chết. Ở nhà ông bà Khánh: Sơn được nhắn ra đỡ đần ông Khánh, ham muốn có được bộ dàn com – pắc của tay hàng xóm,… Mặc dù so với phần đầu của truyện kể, nhịp điệu kể chuyện ở phần này có nhanh hơn nhưng về cơ bản vẫn là tương đối chậm. Những biến cố quan trọng nhất không diễn ra ở phần truyện này mà chỉ là những thay đổi diễn ra theo từng ngày, từng không gian khác nhau đẩy diễn tiến của câu chuyện đi lên.

Phần tiếp theo của truyện kể, thời gian được kể là 3 ngày, từ ngày Hoàn xuất viện đến ngày khởi công nhà và trước ngày sinh nhật Thư chiếm tới 62 trang văn bản. Tốc độ kể chuyện chậm lại: gần 0,05 ngày/ trang. Sự kiện không có nhiều, thời gian buông chùng. Nhịp điệu kể ở đây được giãn chậm nhờ vào các đảo thuật bên ngoài (những đoạn hồi tưởng của nhân vật) và những quãng ngưng miêu tả (miêu tả giấc mơ của nhân vật). Nhân vật được soi sáng thêm, được phản ánh một cách đầy đặn hơn. Nhịp điệu kể chậm lại tạo ra sự lắng đọng, con người được tô đậm hơn. Sau khi gia tốc thì những đoạn giảm tốc này là cần thiết. Nó giống như quãng ngưng để chuẩn bị tâm thế cho những sự kiện diễn ra dồn dập ở ngày cuối cùng.

Ngày cuối cùng của câu chuyện được kể là ngày mà ở quê Thắng xảy ra sự kiện lạ: móng nhà đào sâu gần một mét bị san phẳng không để lại bất cứ dấu vết gì, là ngày sinh nhật lần thứ hai nhăm của Thư. Thời gian được kể là một ngày nhưng chiếm tới gần 45 trang văn bản trên tổng số 383 trang tiểu thuyết. Tốc độ kể ở phần cuối truyện được hãm phanh đến mức tối đa, chỉ còn khoảng 0,02 ngày/ trang. Thời gian được dãn ra nhưng sự kiện lại được kể dồn dập. Chỉ trong một ngày song tất cả những biến cố đáng kể của câu chuyện đều được dồn tụ lại ở đây: móng nhà bị san phẳng kì lạ, Sơn lấy trộm bộ dàn com – pắc của tay hàng xóm và trở thành kẻ giết người, tự nhận về mình cái chết thê thảm, Thắng có quan hệ với Thư, ông Khánh chết, Hoàn vẫn hôn mê bắc cầu giữa sự sống và cái chết. Nhiều sự kiện nhưng người kể không lướt nhanh mà vẫn kể chi tiết, tỉ mỉ từng biến cố khiến cho tốc độ kể rất chậm rãi. Điều này làm cho thời gian tự sự có sự ngưng lại, người kể muốn xoáy sâu vào sự “đi vắng” của con người ở cuối truyện. Con người ở đây đã thực sự “đi vắng”, đi vắng về tâm hồn, đi vắng là thoát kiếp. Nhịp điệu kể chậm lại ở cuối truyện vì thế làm nổi bật  chủ đề “người đi vắng” của tiểu thuyết.

Như vậy, ở mạch truyện kể về cuộc sống đương đại của người dân Thái Nguyên (cụ thể là gia đình Thắng), nhịp điệu kể chuyện là: chậm – nhanh – chậm lại – rất chậm, tạo ra những khoảng lặng để làm toát lên ý nghĩa của truyện kể.

Trong Thoạt kỳ thủy, ở mạch truyện về người dân vùng Linh Sơn là nhịp điệu kể lên xuống theo cấu trúc hình sin. Vào đầu truyện, nhịp điệu kể nhanh, dồn dập nhưng càng về cuối nhịp điệu kể càng chậm lại. Phần đầu truyện: Từ lúc Tính sinh ra đến lúc lớn nhịp điệu kể tương đối nhanh. Thời gian câu chuyện là gần 20 năm (tính đến thời điểm Tính lấy vợ), được trải ra trong 51 trang văn bản, tốc độ kể chuyện ở phần đầu này nhanh. Người kể chuyện như lướt qua điểm mặt từng người nhưng cũng phần nào hé lộ tính cách của nhân vật để đẩy câu chuyện tới những diễn biến li kỳ xảy ra sau đó. Ở đây các nhân vật lần lượt được xuất hiện: Ông Phước là một kẻ nghiện rượu nặng, Tính luôn sống trong trạng thái vô thức, dở điên dở dại lúc nào cũng thích “chọc tiết”, Hưng bệnh hoạn tới mức đáng thương, Hiền là một cô gái đẹp, bà Liên hết lòng vì gia đình,… Cùng với đó là những yếu tố tác động đến Tính, cổ vũ cho con người điên trong Tính được trỗi dậy (Tính hay đi cùng ông Điện chọc tiết lợn vào mỗi sáng, nghe Hưng kể chuyện cắn cổ Mỹ),… và những sở thích, thói quen của Tính như “bắt công cống giết”, thích nhìn lửa, thích “chọc tiết”, thích chơi với những người điên và đặc biệt Tính rất sợ trăng. Những điều này giống như tiền đề dẫn đến những biến cố tiếp theo của câu chuyện. Có thể nhận thấy trong Thoạt kỳ thủy lối vào truyện ở phần đầu là rất nhanh, dồn dập, khẩn trương nhưng ngay sau đó tốc độ kể có sự chậm dần. Tức là trong khoảng thời gian ngắn của câu chuyện nhưng lại được kể với số trang văn bản tương đối dài tạo nên một sự giảm tốc đáng kể để tác giả có thể đi sâu khai thác các tình huống tâm lý, tạo nên một sự dồn nén, tích tụ những sự kiện quan trọng của truyện. Từ lúc Tính lấy Hiền cho đến lúc “Vinh bán cá trên Đồng Bẩm về bảo đài thông báo có chiến tranh”, ông Sung nhận lệnh phải triệu tập các tân binh huấn luyện để lên đường diễn ra trong khoảng 25 ngày, được trải ra trong 49 trang văn bản. Tốc độ kể ở phần giữa truyện là 0,5 ngày/ trang, chậm hơn rất nhiều so với phần đầu truyện. Trong khoảng thời gian này, các sự kiện lần lượt được người kể một cách chậm rãi. Đầu tiên là sự kiện Tính và Hiền lấy nhau. Mặc dù không yêu nhưng cô vẫn chấp nhận lấy Tính – một con bệnh tâm thần không có khả năng làm chồng. Làm vợ Tính, Hiền luôn bị dày vò và giằng xé giữa một bên là sự nghiệt ngã của số phận với một bên là khát vọng của tuổi thanh xuân. Bạo lực ngày càng phát triển trong con người Tính và được bộc lộ qua hàng loạt hành động tội ác trong vô thức: Tính từng cầm kéo đâm liên tục vào cổ một thằng bé điên, đêm nào Tính cũng lén dậy đi “chọc tiết” lợn của người trong làng,… Tìm hiểu nhịp điệu kể ở mạch truyện này, chúng tôi nhận thấy ở đây không có những biến cố quan trọng nhất mà chỉ là những diễn tiến thông thường của mạch truyện để đẩy câu chuyện đến hồi kết.

Phần tiếp theo của truyện, thời gian được kể là 14 ngày, từ ngày Vinh thông báo có chiến tranh đến hết ngày mùng hai tết chiếm 21 trang văn bản. Tốc độ kể có sự gia tốc 0,6 ngày/ trang. Nhịp điệu này phản ánh rất rõ diễn biến của câu chuyện. Truyện lướt nhanh khi lược thuật 14 ngày sau khi thông báo có chiến tranh các tân binh sẽ phải huấn luyện cấp tốc tại xã để chuẩn bị lên đường. Sau đó giảm tốc rất chậm với một chuỗi hoạt cảnh phức hợp kết hợp với các ngừng nghỉ đó là ngày cuối cùng của câu chuyện được kể là mùng 3 tết. Thời gian được kể là một ngày nhưng chiếm tới 24 trang trên tổng số 167 trang tiểu thuyết. Tốc độ kể ở phần cuối truyện được hãm phanh đến mức tối đa, chỉ còn 0,04 ngày/ trang. Trong khoảng thời gian chỉ có một ngày đã xảy ra vô số chuyện: Tính ngày càng trở nên điên dại lúc nào cũng muốn “chọc tiết” rồi kết thúc là một cái chết bi đát, cái chết của ông Phùng, của Hưng, của ông Khoa. Sự dồn dập các sự kiện ở cuối truyện đã khiến người đọc thấm thía sự ngắn ngủi của kiếp người, ranh giới mong manh giữa sự sống – cái chết và sự nhỏ bé, đáng thương của thân phận con người. Nhiều sự kiện, nhiều cái chết xảy đến bất ngờ nhưng người kể không lướt qua mà vẫn kể rõ, cụ thể, tỉ mỉ từng biến cố khiến cho tốc độ kể chậm. Điều này làm cho thời gian tự sự có sự ngưng lại. Như vậy, ở mạch truyện về người dân vùng Linh Sơn nhịp điệu kể chuyện diễn ra theo trình tự: rất nhanh – chậm – nhanh – rất chậm nhằm điểm nhịp, ghi lại những sự kiện, biến cố quan trọng nhất đời người.

Ở tiểu thuyết Ngồi, nhịp điệu kể chuyện có phần phức tạp hơn vì ở đây có hai mạch truyện chạy song song, nhưng trong cùng một con người. Ở mạch truyện kể về cuộc sống hiện tại của Khẩn nhịp điệu kể là chậm dần.

Từ câu chuyện mở đầu và buổi tối Khẩn đi “nghỉ ở Hồ Núi Cốc về” đến hôm cơ quan Khẩn tổ chức đi thăm quan ở Yên Tử, thời gian sự kiện là 18 ngày, được thuật lại trong 112 trang (trung bình 0,16 ngày/ trang). Trong khoảng thời gian đó đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện ở những không gian khác nhau: Ở khu tập thể, ở cơ quan, ở gia đình những người bạn của Khẩn… Ở khu tập thể là tiếng vợ chồng lão thương binh chửi nhau. Ở cơ quan: Hùng mang vợ lên chữa bệnh, cơ quan họp biểu quyết và đưa ra xử lý trường hợp của Nghĩa; Khẩn có quan hệ tình cảm với Nhung; cơ quan chia bè phái; Ở gia đình những người bạn của Khẩn: Sự kiện Quân mất tích cùng hơn 500 triệu của cơ quan, ít lâu sau Thúy (vợ Quân) nảy sinh tình cảm với Nghĩa, sự ra đi của Bà Nhung và sự trở về từ nước ngoài của bà Quỳnh cùng chồng,… Tất cả những sự kiện này giống như những tiền đề để dẫn đến những biến cố tiếp theo của câu chuyện.

Thời điểm tiếp theo của mạch truyện từ lúc cơ quan Khẩn tổ chức đi thăm quan đến buổi tối “những dự định cho cuộc đi chơi của Khẩn với Minh biến mất” hoàn toàn thời gian sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian 8 ngày, được trải ra 62 trang văn bản (0,12 ngày/ trang). Nhịp điệu truyện chậm dần so với phần đầu truyện gắn với các sự kiện: Tay thương binh vì quá phẫn nộ đã giết vợ mình rồi bỏ chạy, Khẩn tiếp tục có quan hệ với Nhung, người đàn bà bán khoai và những cô gái làng chơi, quan hệ bất chính của lão Việt và Tỉnh bị Tân phát hiện,… Ở đây nhiều sự kiện, biến cố được người kể kể chậm, chi tiết khiến cho tốc độ kể chậm dần. Nhịp điệu kể ở đây còn được hãm chậm nhờ vào các đảo thuật bên ngoài (kể lại những sự kiện diễn ra trước thời điểm “bây giờ” của truyện) thực chất cũng là những đoạn ngừng nghỉ. Qua đó, tác giả có thể đi sâu khai thác các tình huống, sự kiện của truyện.

Phần cuối cùng của câu chuyện là 4 ngày từ sau “buổi đi chơi với Minh biến mất” trong Khẩn đến ngày cuối cùng của câu chuyện được kể trong 45 trang văn bản. Tốc độ kể chậm rãi gần 0,08 ngày/ trang. Thời gian được giãn ra các sự kiện được dồn dập với các sự kiện tiêu biểu: Thúy ngày càng chán ngôi nhà của mình, trở nên vô tâm, không còn quan tâm đến ai, lão Việt phải nhận quyết định nghỉ việc, bệnh của Nghĩa ngày một nặng, Hùng tay trắng cộng với nỗi nhục về người cha nuôi, Trương ốm nặng – chết, Minh với nỗi sợ hãi xuất phát từ tâm lý yếm thế, Khẩn buông xuôi cuộc sống ở trạng thái “ngồi”. Có thể nói, với sự giảm tốc trong tiểu thuyết cùng với sự có mặt của những hoạt cảnh làm cho câu chuyện tương ứng với thời gian truyện kể. Nhịp điệu kể chậm lại vì thế đã khắc họa chân thực rõ nét cuộc sống từ nhiều phía. Như vậy, ở mạch truyện kể về cuộc sống hiện tại của Khẩn nhịp điệu kể chuyện là: chậm – chậm dần – rất chậm. Với nhịp điệu này, tác giả đã gia tăng độ căng thời gian cho các sự kiện.

Nhịp điệu nhanh dần

Trong Người đi vắng, ở mạch truyện về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên cách cuộc sống đương đại hơn nửa thế kỉ, nhịp điệu kể chuyện có sự co duỗi theo cấu trúc hình sin và về phần cuối truyện, nhịp điệu kể chuyện trở nên nhanh dần. Mạch truyện này bắt đầu với tốc độ chậm sau đó nhanh dần rồi lại chậm và về cuối truyện thì rất nhanh. Thời gian sự kiện của cuộc khởi nghĩa được tính từ tháng 10/1917 cho đến ngày 11/1/1918 khi cuộc khởi nghĩa kết thúc trong sự thất bại. Thời gian của câu chuyện là hơn ba tháng nhưng nó không phải được trải đều trên 60 trang văn bản mà từ ngày tự do thứ nhất đến ngày tự do thứ tư được kể cụ thể, từ ngày tự do thứ tư đến ngày trước ngày cuối cùng của cuộc khởi nghĩa bị tỉnh lược, ngày cuối cùng được kể với tốc độ khá chậm. Câu chuyện của Lập Nham sau khi bị Trịnh Văn Cấn tì nòng súng vào bụng nảy cò, lời độc thoại của Đội Cấn là những gì diễn ra sau ngày tự do thứ tư. Như vậy, ta có thể tính được tốc độ kể chuyện ở từng phần của mạch truyện này. Như vậy, nhịp độ kể chuyện ở mạch truyện này là: chậm – nhanh – chậm lại – rất nhanh. Tốc độ kể chuyện về cuối được gia tốc một cách cực đại đẩy nhanh đến kết quả cuối cùng của cuộc khởi nghĩa. Song ngày cuối cùng được kể lại trong 5 trang văn bản. Tâm trạng của vị lãnh tụ Đội Cấn được người kể quan tâm nhiều khiến cho con người lịch sử hiện lên với nỗi niềm nhân sinh bình dị như những con người bình thường khác: thất vọng, chán nản, nhớ về người đàn bà mà ông yêu thương chứ không phải chỉ mang tầm vóc lịch sử.

Trong Thoạt kỳ thủy, ở mạch truyện kể về cuộc đời con cú nhịp điệu kể chuyện lúc đầu chậm sau đó nhanh, rất nhanh rồi chậm lại. Đơn vị để đo thời gian ở đây không phải là ngày, tháng mà được tính bằng khoảng thời gian chính xác đến từng giờ, từng phút. Từ lúc con cú bị một vật gì đó nhằm trúng ngực lúc 11 giờ 15 đến lúc bay lên là 12 giờ. Tất cả chỉ vỏn vẹn diễn ra trong 45 phút và được trải trong 6 trang văn bản. Như vậy, ta có thể tính được tốc độ kể chuyện cụ thể ở từng phần của mạch truyện. Như vậy, nhịp điệu kể chuyện ở mạch truyện này là: nhanh – chậm – rất nhanh. Nhịp điệu này nói lên đời sống tinh thần của Khẩn và hình ảnh của Kim luôn xuất hiện ở mọi nơi, bất cứ lúc nào trong đầu Khẩn.

“Trong tiểu thuyết, việc xử lí thời gian của nhà văn cũng như cái trật tự và nhịp điệu mà nó đem lại cho độc giả trong quá trình đọc đã khiến cho tiểu thuyết mang một đặc trưng cơ bản của thể loại”[1]. Nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương rất linh hoạt, lúc căng – chùng, khi nhanh – chậm luân phiên, xen kẽ theo kiểu làn sóng. Nhịp điệu này đã phát huy tác dụng trong việc phản ánh diễn biến tâm lý nhân vật, thể hiện tư tưởng của tác phẩm, đồng thời cũng là phương tiện giúp chúng ta đánh giá và ghi nhận những cách tân về kĩ thuật xử lý thời gian tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.

3. Kết luận

Nguyễn Bình Phương là cây bút nổi tiếng của văn học Việt Nam đương đại. Riêng trong lĩnh vực tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương đã khẳng định được vị trí vững chắc của mình trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Trên cơ sở phân tích thực tiễn, nghiên cứu tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nhìn từ góc độ thời gian tự sự (tiếp cận qua lý thuyết “thời gian giả” của G. Genette) là con đường tiếp cận khoa học và hiệu quả nhằm ghi nhận đóng góp của cây bút này đối với đời sống tiểu thuyết nước ta hiện nay.

Vận dụng lý thuyết thời gian tự sự của G. Genette và nghiên cứu tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, độc giả nhận thấy những điểm nổi bật: thứ nhất, về tần suất kể, người đọc nhận thấy tự sự đơn nhất là phổ biến, trong mỗi trường hợp cụ thể, nhà văn có những sáng tạo riêng; thứ hai, nhịp điệu kể rất linh hoạt phản ánh cảm quan hiện thực và quan niệm mới về thể loại của nhà văn. Lý thuyết thời gian tự sự đã mở ra những hướng đi đầy triển vọng cho việc nghiên cứu tiểu thuyết. Từ góc độ này, người nghiên cứu sẽ có điều kiện đi sâu phân tích trình độ kĩ thuật tiểu thuyết, đặc biệt là khả năng xử lí vấn đề thời gian của nhà văn, từ đó có cơ sở để giải mã ý nghĩa của tác phẩm. Trên cơ sở đó, chúng ta có cơ sở để tin vào những bước đi, dấu ấn cá nhân cũng như đóng góp mới mẻ của thế hệ nhà văn sau thời kỳ Đổi mới vào tiến trình cách tân tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

“Nguồn: In trong cuốn Thế hệ nhà văn sau 1975 (kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 18/4/2016), NXB Hội nhà văn, 2016)”


[1] Đào Duy Hiệp: Phê bình văn học từ lí thuyết hiện đại, Nxb Giáo dục, H., 2008, tr.65.

Nguyễn Đức Toàn – (Đăng lại từ Vanvn.net)