– Chị đã là dịch giả của trên hai mươi đầu sách. Chị có thể kể về cuốn sách đầu tiên chị đã dịch. Chị đã tiếp cận với văn bản như thế nào, và điều gì từ cuốn sách đó khiến chị không thể rời khỏi nó?

+ Năm 2002, sau khi tôi phải ngừng việc dạy tiếng Anh tại nhà của mình vì lý do sức khỏe, cô ruột của tôi là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đã gợi ý tôi nên thử dịch sách. Đó là một gợi ý làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Cuốn sách đầu tay tôi dịch là tiểu thuyết “Never doubt my love” (Đừng nghi ngờ tình yêu của anh). Tôi vốn mê đọc tiểu thuyết và đã đọc khá nhiều tiểu thuyết bằng tiếng Anh thế nên khi có cơ hội dịch một cuốn tiểu thuyết tôi sung sướng lắm. Ngay từ khi ấy tôi đã biết mình không chỉ mê đọc tiểu thuyết mà đang và sẽ mê dịch tiểu thuyết.

– Không riêng gì nước ta mà trên thế giới cũng vậy, việc dịch (chuyển ngữ) các tác phẩm văn học đã (và sẽ) gây nhiều tranh cãi về việc nên dịch đúng như nguyên bản, hay dịch một cách uyển chuyển để phù hợp với cách tiếp nhận của từng quốc gia. Với cá nhân chị thì sao? Chị đặt yếu tố nào lên trước?

+ Tôi sẽ không nhắc đến các lý thuyết dịch. Tôi chỉ xin mô tả theo cách nghĩ của cá nhân tôi về việc dịch văn học. Khi ngồi dịch những trang sách, tôi luôn có cảm giác mình đang ngồi giữa tác giả và một bạn đọc thông thái đại diện cho các bạn đọc của nước mình và tôi có nhiệm vụ phải làm hài lòng cả hai người này. Đôi khi việc đó khó vô cùng, khiến tôi bị giằng xé và áy náy với bên này hoặc bên kia. Tôi luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình.


Dịch giả Nguyễn Bích Lan, sinh 1976

Quê: Hưng Hà – Thái Bình.

Là dịch giả của trên 20 đầu sách như: Đừng nghi ngờ tình yêu của anh, Vũ điệu trái tim, Nghìn khuôn mặt của đêm, Từ sông Nile đến sông Jordan, Triệu phú khu ổ chuột…

Giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm “Triệu phú khu ổ chuột”, năm 2010.

Tác phẩm mới xuất bản: Sống trong chờ đợi (truyện ngắn và thơ).

– Với các tác phẩm đã xuất bản, chị có cần một người hiệu đính không, hay chị tự chịu trách nhiệm về nội dung những bản dịch của mình?

+ Ở nước ta hình như một bản dịch chỉ cần người hiệu đính khi biên tập viên (trước khi sách được xuất bản) hoặc độc giả (sau khi sách được xuất bản) cảm thấy nó cần phải hiệu đính. May thay chưa có cuốn nào của tôi ở trong tình trạng đó. Mặc dầu vậy, tôi ý thức được về cái khổ của tình huống phải hiệu đính ngay từ thời gian đầu tôi bước vào con đường dịch thuật. Để tránh tình huống đó, tôi chỉ dịch những cuốn phù hợp với khả năng của mình.

Trong khi dịch, tôi sử dụng tất cả các nguồn trợ giúp và cố vấn mà tôi có được, như internet, sách tham khảo, những người bạn là các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau để giải quyết các vấn đề tôi gặp phải trong quá trình dịch. Đặc biệt, tôi luôn tìm đến nguồn trợ giúp và cố vấn đáng tin cậy từ chính tác giả của tác phẩm. Đa số các tác giả luôn nhiệt tình giải thích cặn kẽ những cụm từ, những câu mà tôi không chắc mình hiểu được đầy đủ ý nghĩa. Tôi nghĩ không ai khác nên chịu trách nhiệm về chất lượng của một bản dịch ngoài dịch giả của nó.

Triền sông trắng

NGUYỄN BÍCH LAN

Triền sông ấy hoa đay bời bời trắng

Đàn vịt bầu xòe cánh rỉa quên chiều

Chiếc thuyền nhỏ vun sóng xuôi bờ gió

Mắt lưới cài hoàng hôn biếc đăm chiêu

 


Triền sông ấy ôm quanh đường xưa ấy

Trăng đưa ta về tận ngõ đầu thôn

Dắt díu theo cả bầy sao bé bỏng

Ngu ngơ gieo từng giọt sáng bồn chồn

Triền sông ấy cô gái điên ngồi hát

Câu đồng dao chấp chới thuở xa nào?

Hoa đay trắng hay ngọc cài tóc rối

Trẻ con cười quanh những vụn chiêm bao


Ta lặn lội đi tìm mùa chín ngọt

Thương ta buồn triền sông ấy vào thơ

Đời khe khắt ta miệt mài vỡ đất

Chỉ bời bời hoa đay trắng trong mơ.

– Chị đã từng bốn năm dạy học tại nhà. Tôi đã đọc bài viết về “lớp học cây táo” của chị. Việc dạy ngoại ngữ đó đã mang lại điều gì cho cuộc sống của chị?

+ Hơn bốn năm dạy tiếng Anh tại nhà, tôi được nhiều điều ý nghĩa lắm. Thứ nhất, công việc đó đã cho tôi cơ hội chứng minh rằng, mặc dù mang bệnh nan y tôi vẫn là người có ích. Thứ hai, các học trò đã mang cả thế giới bên ngoài đến cho tôi khi mà căn bệnh bắt tôi phải quanh quẩn giữa bốn bức tường. Học trò của tôi cũng mang đến cho tôi cả không khí và sự cảm nhận về thời trung học mà tôi không được trải qua. Và còn nhiều điều khác nữa mà tôi không thể kể hết được.

– Nguyễn Bích Lan là một cái tên đã được ghi nhận trong giới dịch thuật, đặc biệt, trong lòng bạn đọc. Nhưng hình như chị chưa có tác phẩm “dịch ngược” nào. Chị chưa nghĩ tới việc dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Anh, hay vì chị chưa tìm được nguồn cảm hứng từ văn học trong nước đủ để dày công quảng bá với bạn đọc quốc tế?

+ Tôi có tác phẩm dịch ngược rồi. Chỉ có điều đó không phải là sách văn học. Năm 2010 tôi dịch sang tiếng Anh các câu chuyện về 90 nhân vật khuyết tật điển hình trong cuốn sách ảnh “Họ đã sống như thế ” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Theo như tôi biết, cuốn sách đó đã đến được với không ít bạn bè quốc tế. Tôi cũng viết truyện ngắn bằng tiếng Anh (truyện Người cha điếc). Tôi định khi nào có thời gian tôi sẽ tạo phiên bản tiếng Anh cho các truyện ngắn của mình, những truyện đã được đông đảo bạn đọc trong nước đón nhận qua báo Tuổi trẻ cũng như tập “Sống trong chờ đợi” và giới thiệu nó với bạn đọc nước ngoài. Tôi cũng muốn dịch những bài thơ tôi yêu thích của các tác giả nữ Việt Nam sang tiếng Anh để “chào hàng” các nhà xuất bản ở Anh, Mỹ. Hiện giờ thì thời gian của tôi eo hẹp quá. Vả lại, riêng về dịch thơ thì tôi còn phải tích lũy “vốn liếng” dịch đã. Tôi nghĩ nếu tôi cứ giữ được đam mê với nghề dịch như hiện nay thì thế nào cũng sẽ có ngày tôi có đủ điều kiện để dịch ngược nhiều gần như dịch xuôi.

– Vậy còn việc sáng tác thì sao? Chị vừa xuất bản tập sách “Sống trong chờ đợi” và gây được ấn tượng khá tốt trong dư luận. Kế hoạch sắp tới của chị là gì, sáng tác (thơ, truyện ngắn) hay dịch thuật quan trọng hơn?

+ Tôi sẽ theo miết một con đường chính. Đó là dịch văn học. Sáng tác sẽ là phần nhỏ hơn trong hành trình văn chương của tôi. Tôi vẫn sẽ viết truyện, làm thơ, cũng có thể tôi sẽ viết tiểu thuyết. Cuộc sống cho tôi cảm hứng để sáng tạo ra “món” nào tôi đều đón nhận cả. Tôi không từ chối đâu.

– Vượt lên chính mình là điều không dễ dàng, tôi biết chị có một tình bạn đặc biệt với thần đồng Shirly Cheng. Tình bạn này đã có ý nghĩa thế nào đối với chị?

+ Shirley và tôi có những điểm chung và có sự đồng cảm sâu sắc. Cả hai chúng tôi đều mắc bệnh nan y, đều phải vượt khó từng ngày từ nhiều năm nay. Shirley và tôi đều yêu văn học, đều có đam mê viết và đều có khát vọng mang những thông điệp có ý nghĩa đến với bạn đọc qua các tác phẩm văn chương. Tất cả những điều đó khiến chúng tôi gần nhau.

– Chị đánh giá thế nào về đời sống của văn học dịch tại Việt Nam hiện nay khi sách dịch đang chiếm lĩnh khắp các quầy sách trong khi các tác phẩm trong nước thì ít ỏi và… khá khiêm nhường?

+ Tôi thấy giờ đây bạn đọc Việt Nam không còn bị lạc hậu trong trải nghiệm với văn học thế giới nữa. Nhiều tác phẩm mới xuất bản của nước ngoài gây tiếng vang đã được mua bản quyền và được dịch để phục vụ bạn đọc. Điều đó rất đáng mừng. “Văn ngoại” không giết chết “văn nội” được bởi vì người Việt không quay lưng lại với văn chương Việt đâu. Nếu các nhà văn chúng ta bị lép vế ngay trên sân nhà thì đương nhiên chúng ta phải suy nghĩ rồi. Thế hệ văn trẻ chúng tôi chắc không dám nghĩ xa xôi đến giải Nobel đâu. Chắc ai cũng chỉ đau đáu một niềm rằng phải tạo ra cái đáng đọc cho bạn đọc trong nước đã. Như thế thì mình cũng sống được với nghề văn!

 

– Xin cảm ơn chị và mong được đón nhận những tác phẩm mới của chị trong thời gian tới!


Nguồn: Vannghequandoi.com.vn