Bằng cuộc sống của mình tôi đã chứng minh sự cần thiết của tinh thần vượt khó và khát vọng sống cũng như những phần thưởng vô giá giành cho sự đấu tranh đủ kiên trì, đủ bền bỉ, đủ mãnh liệt để giành quyền sống. Không gục ngã là câu chuyện của tôi và tôi thật lòng mong muốn các bạn cũng sẽ viết lên những câu chuyện không gục ngã của chính các bạn trong hành trình sống vô cùng ý nghĩa của mỗi người.
Chị “chào” tuổi 37 bằng việc xuất bản cuốn tự truyện “Không gục ngã” của mình. Theo tôi, lẽ ra cuốn tự truyện này cần được ra mắt sớm hơn, chứ không phải thời điểm này, khi mà các câu chuyện về chị đã được nhiều báo chí đề cập. Chị nói sao về điều này?
-Tôi vốn không có ý định viết tự truyện bởi cũng giống như bất cứ ai tôi không dễ gì lao vào một cuộc giải phẫu tinh thần. Thêm nữa, tôi quá bận với việc dịch văn học. Cho đến năm 2010, giám đốc của Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt, anh Nguyễn Văn Phước, gọi điện cho tôi nói rằng, nếu tôi tự kể câu chuyện vượt khó của mình, trả lời một cách đầy đủ và chi tiết những câu hỏi mà nhiều người quan tâm chẳng hạn như, Bích Lan đã tự học tiếng Anh như thế nào? Làm thế nào Lan đã trụ vững được khi tai ương chỉ chực đẩy bạn xuống hố sâu tuyệt vọng? Làm thế nào Lan có thể quên đi đau đớn để dịch từng trang sách hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác để rồi đi đến ngày hôm nay? thì nhiều bạn đọc sẽ được khích lệ để vươn lên và hành trình sống của Bích Lan sẽ có ý nghĩa hơn. Từ gợi ý đó tôi biết rằng cuộc giải phẫu tinh thần của mình có thể sẽ giúp ích cho ai đó, đặc biệt là những người đang phải lần đi trong đường hầm tối của định mệnh. Và thế là tôi bắt tay vào viết cuốn sách này.
Có lúc nào đó trong hành trình sống gian nan của mình, chị đã nghĩ đến việc đầu hàng?
-Tôi chưa từng nghĩ đến việc đầu hàng. Tôi cũng chưa từng bỏ dở một cuốn sách cho dù cuốn sách đó khó dịch đến mức nào. Khó khăn đã giúp tôi rèn luyện ý chí. Tôi luôn xác định rằng cuộc sống của tôi là một chuỗi những thách thức không ngừng. Ngay cả lúc bình yên nhất tôi cũng chuẩn bị tinh thần để đối mặt với thách thức bởi tôi biết nó sẽ đến. Sự chuẩn bị đó có thể được coi là một bí quyết của một Bích Lan không gục ngã.
Điều e ngại nhất của chị khi viết cuốn tự truyện Không gục ngã?
-Tôi có đủ can đảm và sự thôi thúc từ bên trong để kể câu chuyện của mình một cách trung thực mà không phải e ngại gì. Tôi viết những gì tôi nghĩ, theo cách nhìn của tôi. Người đọc có cách nghĩ và cách nhìn của họ khi đọc cuốn sách này. Hy vọng những gì tôi kể sẽ được bạn đọc chia sẻ.
Thường các cuốn tự truyện đã xuất bản, người ta thấy những sự thật không được đi tới cùng, hoặc bị né tránh, hoặc bị chỉnh sửa. Chị nhìn nhận điều này như thế nào? Liệu có điều gì/ sự thật nào chị phải né tránh trong quá trình viết cuốn tự truyện này?
-Tất nhiên người viết có quyền chia sẻ những gì mình muốn. Bạn thực hiện một cuộc giải phẫu tinh thần qua một cuốn tự truyện không có nghĩa là bạn kể tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc sống của bạn. Trong cuốn tự truyện này tôi chủ yếu viết về cuộc đấu tranh của mình trước những khó khăn và thách thức tưởng chừng không vượt qua nổi để sống và làm việc. Mục đích của tôi khi viết cuốn sách này là để khẳng định rằng sức mạnh của tinh thần, ý chí, và sự chăm chỉ, niềm say mê có thể giúp chúng ta sống cuộc sống có ý nghĩa cho dù nghịch cảnh nghiệt ngã đến chừng nào. Tôi cũng muốn chứng minh rằng từng giây của cuộc sống đều đáng để chúng ta trân trọng. Bởi vậy qua chuyện đời tự kể của mình tôi muốn truyền cảm hứng, muốn khích lệ bạn đọc, đặc biệt là những người đang phải đương đầu với khó khăn, vượt lên chính mình vượt lên nghịch cảnh. Với mục đích chính đó tôi không phải né tránh sự thật, tôi chỉ phải lựa chọn các sự việc và các chi tiết để không sa vào lối viết lan man, ôm đồm tra tấn độc giả.
Khi cuốn sách đã ra mắt, số phận nó thuộc về công chúng. Bản thân chị còn điều gì muốn làm những vẫn chưa thể làm được một cách trọn vẹn ở cuốn sách này?
-Đúng thế, tôi chỉ có thể kiểm soát được tác phẩm của mình khi tôi đang viết nó. Tôi không còn nắm số phận “đứa con tinh thần” của mình nữa khi tôi quyết định để nó đến với độc giả. Sẽ có những bạn đọc rất thích nó, sẽ có những người thích chút ít thôi, và sẽ có những người không thích chút nào. Tôi cảm ơn tất cả những ai đã dành thời gian quý báu của mình để đọc cuốn sách của tôi. Tôi nghĩ rằng những gì tôi muốn kể với độc giả trong thời điểm này tôi đã kể trong cuốn sách. Hành trình sống của tôi vẫn tiếp tục và để kể những chặng sắp tới tôi cần phải có cuộc giải phẫu tinh thần thứ hai. Cũng có thể tôi sẽ không có cuộc giải phẫu thứ hai ấy, cũng có thể sẽ có.
Tôi tin sẽ rất nhiều độc giả tìm đọc tự truyện của chị để tìm câu trả lời “làm thế nào chị làm được tất cả những điều này?”. Nhưng nếu được nói một cách thật ngắn gọn về mình, chính xác hơn là về hành trình sống 37 năm qua, vừa chống chọi với bệnh tật, vừa nỗ lực khẳng định chính mình, chị sẽ nói gì?
-Tôi sẽ nói rằng bằng cuộc sống của mình tôi đã chứng minh sự cần thiết của tinh thần vượt khó và khát vọng sống cũng như những phần thưởng vô giá giành cho sự đấu tranh đủ kiên trì, đủ bền bỉ, đủ mãnh liệt để giành quyền sống. Không gục ngã là câu chuyện của tôi và tôi thật lòng mong muốn các bạn cũng sẽ viết lên những câu chuyện không gục ngã của chính các bạn trong hành trình sống vô cùng ý nghĩa của mỗi người.
Trong cuộc sống, vẫn tồn tại một cách nhìn nhận không công bằng về những người như chị. Ngoài sự công nhận một “thành tích vượt khó” có người vẫn hoài nghi, thậm chí là phủ nhận tài năng ở những người bị khiếm khuyết về sức khỏe. Ý kiến của chị?
-Tôi dịch văn học, viết văn, làm thơ. Đây là lĩnh vực sáng tạo, bởi thế nó loại bỏ một cách dứt khoát những người không thực sự có tài năng, khả năng. Tôi nghĩ thành tích vượt khó không phải là nguồn gốc của sự sáng tạo văn học nghệ thuật mà là yếu tố thúc đẩy quá trình sáng tạo. Bất cứ ai, dù người có sức khỏe tốt hay một người mang bệnh, nếu dịch được một tác phẩm văn học đích thực được bạn đọc đón nhận thì đều đáng ghi nhận và khen ngợi bởi vì rất ít người có đủ khả năng để làm được điều đó. Tôi đã dịch được 24 cuốn sách, chủ yếu là sách văn học, trong đó phần lớn là các tác phẩm văn học tiêu biểu được ghi nhận qua các giải thưởng văn chương uy tín trên thế giới và các bản dịch của tôi được bạn đọc đón nhận. Đã đến lúc người đọc, báo chí, các nhà phê bình của Việt Nam ta có thể nhắc đến tôi như một nhà văn, một dịch giả bình thường giống như những nhà văn, dịch giả khác đang lao động văn chương mà không cần phải đặt bề dầy thành tích vượt khó bên cạnh những thành quả tôi đạt được để gây sự kinh ngạc hay khiến ai đó ngờ rằng có sự chiếu cố. Tôi đọc nhiều bài báo về văn nghệ của nước ngoài, tôi không thấy họ đặt chữ “tật nguyền” hoặc “khuyết tật” bên cạnh danh từ “nhà văn”, “nhà thơ”, “dịch giả”, “họa sĩ” như một số báo ở nước ta đã làm. Đó là cách đối xử công bằng với người sáng tạo và với công chúng. Tôi mong độc giả, báo chí, và các nhà phê bình, hãy cứ xét bản thân tác phẩm của tôi để đánh giá tôi với vai trò tác giả hoặc dịch giả. Đừng đưa sự chiếu cố hay ưu tiên vào, bởi vì với việc dịch văn học, sáng tác văn thơ, nếu bạn không có khả năng, tài năng thực sự và không có niềm say mê, sự lao động nghiêm túc thì dù bạn có được ưu tiên, chiếu cố hết mức bạn cũng không dịch nổi một tác phẩm được người đọc chấp nhận. Đó là sự thật.
Trường hợp của chị đã được khẳng định về tài năng, bằng những giải thưởng, bằng việc trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam. Còn những trường hợp khác thì sao? Theo dõi đời sống văn học, có thể thấy không ít tác giả trẻ đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn của bản thân để sáng tác như: Trần Thị Ngọc Lan, Trần Trà My, Huệ Nguyên, Nguyễn Hữu Thịnh… Chị đánh giá như thế nào về sáng tác của họ? Tiêu chí nào để phân định giữa tài năng và một “nghị lực vượt khó” để tránh sự ảo tưởng?
-Tôi đã đọc một số ít truyện ngắn của Trà My, một số bài thơ của Huệ Nguyên, Nguyễn Hữu Thịnh. Có những sáng tác của họ tôi thấy thực sự hay, tôi thích, cũng có những sáng tác tôi không thể khen hay. Nhưng vì tôi chưa đọc nhiều các tác phẩm của họ nên tôi không thể đưa ra nhận xét tổng quát về từng cá nhân. Tài năng văn chương cần có sự kiểm chứng của thời gian. Những cây bút đó đều còn trẻ, bởi thế chúng ta hãy chờ đợi và hy vọng. Những gì họ đã làm được rất đáng quý. Tôi cảm phục họ. Về sự ảo tưởng, tôi nghĩ tốt hơn hết bản thân mỗi người sáng tác nên tìm cách để giữ cho mình khỏi sa vào ảo tưởng. Bản thân tôi cũng vậy. Dù đã đạt được những thành công nhất định tôi vẫn lao động miệt mài, nghiêm túc, và cảm thấy ngại ngùng, khó xử trước những lời khen “vượt ngưỡng”. Tôi cũng mong báo chí và các nhà phê bình của nước ta, hãy công bằng khi viết chân dung các nhân vật vượt khó làm văn học nghệ thuật. Báo chí khen quá lời, chưa chắc những người như tôi cảm thấy vui. Hãy nói đúng, nói đủ, vậy thôi.
Việc chị xuất hiện tại TPHCM, tham dự lễ ra mắt cuốn sách, giao lưu với độc giả ngày 8-1 vừa qua khiến nhiều người ngỡ ngàng. Dường như sức khỏe của chị đã có tiến triển?
-Vâng, gần đây tôi cảm thấy những cơn mệt đến rồi dịu dần sau khi tôi được nghỉ ngơi. Vậy nên lúc cần phải lên đường là tôi lên đường, không ngại mệt. Cũng vui lắm chứ, khi tôi vượt hơn 2000 km để được gặp những độc giả, những người quý mến tôi.
Dự định sắp tới của chị là gì?
-Các dự án dịch trải kín thời gian trong năm 2013 của tôi. Nếu thu xếp được thời gian trong năm sau nữa tôi sẽ tạo phiên bản tiếng Anh cho cuốn tự truyện này để giới thiệu với độc giả quốc tế. Đó là những dự định cho tương lai gần của tôi. Xa hơn nữa tôi không dám nói trước.
Cảm ơn chị đã chia sẻ
Nguồn: Văn nghệ trẻ