Nghe tin nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn ra đi, tôi cứ hình dung ra cái dáng thanh mảnh của ông và kiểu ngồi như một Thiền sư, thì thấy ông thật đúng như tên một bài thơ mà ông lấy làm tên của cả tập thơ do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 1995 – “Ở đời như một nhà thơ Đông Phương”. Ông cứ thế, thủng thẳng trò chuyện và cười hiền. Nguyễn Bắc Sơn đúng là đã “Ở đời như một nhà thơ Đông Phương”.

Ngày ở Quảng Trị “mùa hè đỏ lửa”, tôi đã nghe anh em kháo nhau về một tập thơ phản chiến mang tên “Chiến tranh Việt Nam và tôi” của Nguyễn Bắc Sơn. Có người nói thơ phản chiến của Nguyễn Bắc Sơn cũng thuyết phục như ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn mà chính ông đã viết thành thơ: “Khuya thức mãi trầm tư cây đèn lạp/ Chảy trong lòng men nhạc Trịnh Công Sơn” trong bài thơ bức bối chất phản chiến “Nhắc đến Ma Lâm”.

Sau ngày thống nhất đất nước, tôi ra Hà Nội và gặp lại nhà thơ Anh Ngọc – vốn cùng mặt trận Quảng Trị khi xưa – thì biết chính Anh Ngọc là người đầu tiên gặp Nguyễn Bắc Sơn ở Phan Thiết vừa giải phóng. Khi ấy, Anh Ngọc đã từ khu 6 trên núi cao xuống, ở vùng núi mà chính người cha của Nguyễn Bắc Sơn là Trung tá QĐNDVN Nguyễn Hồi cũng từng ngày nóng lòng về giải phóng quê hương, gặp đoàn tụ gia đình. Ông cũng đã về gặp lại vợ con, gặp lại thằng Hải của ông (Nguyễn Bắc Sơn tên khai sinh là Nguyễn Hải) cùng lúc với Anh Ngọc. Theo lời kể của Anh Ngọc thì mặc dù Nguyễn Bắc Sơn nhiều lần trốn lính nhưng không thành, ông đành mặc bộ quân phục mà ông căm ghét với một cấp bậc thấp nhất và chỉ chuyên thông ngôn tiếng Mỹ. Chuyện của ông đúng như câu thơ của mình: “Chuyện một nhà thơ yêu hòa bình nên bị đời cho đi khiêng đạn”. Cái quý của lần gặp gỡ đó là Anh Ngọc được Nguyễn Bắc Sơn tặng tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi”. Anh Ngọc đưa tập thơ cho tôi xem. Tôi lướt qua thấy hay quá nên mượn về đọc. Đọc đến phát thuộc lòng bởi giọng thơ ngang tàng, đầy khí lực của Nguyễn Bắc Sơn.

Năm 1985, tôi đưa nhạc sĩ Văn Cao vào chơi Sài Gòn đúng dịp kỷ niệm 10 năm thống nhất. Cũng dịp đó, tôi được gặp vợ chồng Nguyễn Bắc Sơn tại văn phòng phía Nam Báo Văn Nghệ ở 43 Đồng Khởi. Lúc này, Nguyễn Bắc Sơn đã làm thuốc ta để mưu sinh. Anh em gặp nhau mừng tủi. Ông rất vui khi thấy tôi thuộc khá nhiều thơ mình. Nguyễn Bắc Sơn tâm sự với tôi, làm thơ là bởi vì bị ám ảnh thơ Quang Dũng. Ngẫm ra, thấy đúng. Hình như chỉ có nhịp thơ khẩu khí, gân guốc của Quang Dũng mới tải nổi những đau buồn thế sự mà Nguyễn Bắc Sơn đang phải nếm trải: “Khi nâng chén lên cao ta muốn cười lớn tiếng/ Cười lên đi cười những tiếng bi hùng/ Đời đã bắt kẻ làm thơ đi làm lính/ Chiếc mai rùa đã nặng ở trên lưng”. Ngay cả thơ tình viết tặng chị Hồng, vợ ông, thì vẫn cứ “U uẩn chiều lưu lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây” theo kiểu Quang Dũng: “Ta trở về với nhau vợ chồng không đám cưới/ Khi em thành sương phụ áo mầu đen/ Anh bán đi chồng sách quý nuôi em/ Cuộc tình hai ta sao cũng buồn quá đỗi”. Tôi nói với Nguyễn Bắc Sơn rằng, mấy năm vừa qua, tôi cũng bán đi bao nhiêu sách để nuôi vợ ăn học. Nguyễn Bắc Sơn cười hết cỡ. Đúng là hai ông nhà thơ báo hại. Nhưng không có nhà thơ, cuộc đời cũng bớt vui.

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn làm thơ bên đường.

 

Tôi hỡi tôi xin đừng chết nhé/ Bóng hòa bình thấp thoáng ở miền Nam/ Ngày ta mong nằm trong tầm tay với/ Sao thấy lòng chưa dứt mối hoang mang/ Chiến trông quá dài nên người quá khác/ Không thể mừng vui tiếp rước hòa bình/ Đêm đen quá dài nên người quá khác/ Không thể nào tin sẽ có bình minh”.

Dịp ấy, tôi và ông thường xuyên uống rượu cùng nhà thơ Nguyễn Duy. Mỗi lần uống, tôi từ nhà ông anh ở đường Nguyễn Hữu Cầu ra chợ Tân Định, Sài Gòn làm một chai vodka Nga mang tới. Lúc đó, uống vodka Nga là đã quá sang rồi. Có rượu ngon, nâng ly lên, đọc thơ uống rượu của Nguyễn Bắc Sơn thấy đã đời thằng lính: “Mùa này gió núi mưa bưng/ Trong lòng thiếu rượu ông hùng nhát gan/ Mùa này gió bụi bạt ngàn/ Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà/ Những thằng lính trẻ hào hoa/ Lưu đầy trong cõi rừng già núi xông/ Lao mình vào cuộc phân trông/ Tiếc thương xương máu sinh thành được ư?”.

Tôi chưa cảm được điều đó mà còn rất căm giận khi thấy đối phương bằng mọi giá tái chiếm Quảng Trị, để lính Thành cổ ta một ngày hy sinh cả một đại đội. Nhưng tôi đã nhận ra điều đó khi tiếp xúc với những tù binh sau trận Thượng Đức. Nhìn gương mặt buồn rầu của họ khi ấy, chẳng thể nào nhận ra có những người đã từng hào hoa những năm sinh viên văn khoa, khoa học, Vạn Hạnh… Và cũng chính vì vậy mà vẫn thấy gợn một cái gì không phải khi sau thống nhất, có phần ta đã “vơ đũa cả nắm”, không còn sự minh mẫn, khôn khéo của những người làm công tác địch vận khi xưa nữa. Bởi vậy, đã đánh mất khá nhiều vốn quý của dân tộc nằm trong những người hiền lành nhưng rất tinh hoa bị bắt đi lính mà ta cứ quy chụp là thù địch, là nguy hiểm. Đọc Nguyễn Bắc Sơn thì thấy họ khao khát gì, mong ước gì: “Điều ta tặng chính là một chầu khoái cảm/ Trong gói quà/ Có núi có sông/ Có rừng có biển/ Có những sinh vật dễ thương/ Có âm thông và ảnh tượng/ Có một Việt Nam/ Quằn quại trong cơn đau/ Có khí thế đang lên/ Xây đời hậu chiến”.

Sau những ngày vui ấy, chúng tôi chia tay nhau. Ông ở Phan Thiết, thật khó cho tôi. Hồi 1991, tôi vào làm Tạp chí Âm nhạc ở Sài Gòn thì thường xuyên uống với ông Lộc bạn ông và đặc biệt là Mai Sơn thường đi lại giữa Phan Thiết và Sài Gòn. Tôi và ông biết tin nhau là qua Mai Sơn làm giao liên. Bởi thế nên khi ông ra tập thơ “Ở đời như một nhà thơ Đông Phương”, tôi đã nhận được một tập với lời đề tặng của ông. Ở tập thơ này, ngoài những bài có thể sự dụng lại từ tập “Chiến tranh Việt Nam và tôi” là những bài thơ mới ông làm từ ngày thống nhất, từ ngày hái cây làm thuốc và dần dà nhập Thiền. Đấy là một loạt tứ tuyệt ngân nga những cung bậc Thiền: “Âm thầm thu phát những âm thanh” hay ẩn dụ quẻ Kinh Dịch như “Qua sông”: “Một sáng phiêu bồng qua bên sông/ Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng/ Phật cũng khổ như người khốn khổ/ Cúi đầu quay lại bên này sông”. Thật mang mang một tinh thần của quẻ Hỏa Thủy Vị Tế. Khi thì thật lạc quan, hồn nhiên đúng như Nguyễn Bắc Sơn mà tôi đã gặp qua “Cãi Phật”: “Phật bảo đời người như bể khổ/ Ta cười sướng khổ bổ sung nhau/ Còn sống còn vui còn múa hát/ Khổ đau như nước chảy qua cầu”. Cũng thật bất ngờ khi Nguyễn Bắc Sơn nhìn thi sĩ như nhạc trưởng: “Thi sĩ giống như người nhạc trưởng/ Âm thầm điều phối những âm thanh/ Làm cho nhân loại quân bình lại/ Làm cho trái đất trổ màu xanh”. Bài “Mùa thu đi ngang cây phong du” là một bài thơ tình lạ. Nó đánh dấu sự cách tân trong thi pháp Nguyễn Bắc Sơn, trong đó có cả kế thừa những giọng điệu ưu tú của thơ miền Bắc: “Nơi hàng cây rạng tiếng tắc kè kêu/ Nơi lầu cao khung cửa sổ đìu hiu/ Soi thấp thoáng ngọn đèn hoa thiếu nữ/ Những sợi tóc rụng trên chồng sách cũ/ Vì thanh xuân theo nước lũ trường giang…”. Song dù sao vẫn cứ Nguyễn Bắc Sơn. Câu kết của bài thơ chỉ Nguyễn Bắc Sơn mới viết thế: “Hẹn gặp nhau ở nhất nguyên thế giới”. Bài “Tâm hồn trẻ thơ” có tứ độc đáo. Đi cắt tóc thì gặp bạn. Thế là mải tán dóc. Đến khi về nhà râu tóc vẫn nguyên. Đó là tâm hồn của “lão nhi” rồi. Nhưng hình như không phải thế. Có một cái đã được cắt đi trong ẩn dụ. Đó là mối u sầu. Cũng rất Nguyễn Bắc Sơn qua “Thơ tình tháng Chạp” với những thi ảnh rất riêng, ngẫm ngợi rất riêng: “Dù cho cây biết đi như mây bay/ Vẫn còn thua bước chân người tình đầy dấu ấn/ Khi loài chim bước tình cờ tha thẩn/ Là lúc tâm hồn anh đầy những dấu chân…”. Bài “Sông Cửu Long chín khúc” cũng hay vì ẩn dụ. Hóa ra nó chẳng tả gì về sông cả mà chính là sự quặn đau chín khúc trong lòng khi cả một khối suy tư nén dồn cứng chật, bung ra một tinh thần vũ trụ vô cùng vô tận: “Những đống xương khô đêm đêm vẫn cựa mình/ Bầu trời kia chẳng qua chỉ là thửa ruộng lớn/ Các vị thánh hiền đêm đêm vẫn cầy mây, gieo trồng thêm trăng sao…” hay: “Gối lên đùi Lão Tử, nhỏ bé thay dãy Trường Sơn/ Nhớ bạn phong phiêu ngoài biển rộng”.

Nguyễn Bắc Sơn tự họa chân dung mình bằng thơ từ lâu. Có lẽ cái ảnh hình đó ám mãi vào ông đến tận cùng đời sống: “Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ”. Và cũng như nhà thơ Nga, S.Esenin: “Nếu không thành nhà thơ/ Tôi sẽ thành kẻ cướp”, Nguyễn Bắc Sơn thì: “Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng/ hoặc nhà thơ theo khí hậu từng mùa”. Nhưng cái chất Đông Phương đã ở trong ông “từ chiếc nôi trôi đến nấm mồ”, nên ông đã sống như vậy cùng buồn vui, đau khổ của một nhà thơ mà số phận không tặng cho nụ cười của sự may mắn. Nhưng có sao đâu nhỉ? “Có lần y chiêm bái một hạt mưa sa/ Trong hạt mưa có khuôn mặt trẻ con/ Cùng đôi mắt chim người nữ/ Y bỗng rùng mình biến thành vũ trụ”. Nguyễn Bắc Sơn đã rùng mình. Và nay chúng ta đã mất ông.

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tên thật là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 ở Phan Thiết, đã mất ngày 4.8 tại đây. Trước năm 1975, ông chỉ xuất bản một tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi” (1972); sau năm 1975, được sự giúp đỡ của bè bạn, tuyển tập thơ “Ở đời như một nhà thơ Đông Phương” (đã ra mắt năm 1995).

Theo Nguyễn Thụy Kha – Lao động cuối tuần (số 34 – ngày 21/08/2015)