Ông Nhơn và bức bình phong trước đền thờ Đào Duy Từ ở thôn Ngọc Sơn -  /// Ảnh: Hoàng Trọng

Ông Nhơn và bức bình phong trước đền thờ Đào Duy Từ ở thôn Ngọc Sơn – Ảnh: Hoàng Trọng

Sách sử ghi chép về Đào Duy Từ rất nhiều nhưng hai bà vợ ông lại ít được nhắc đến và cho đến nay vẫn còn nhiều chi tiết mơ hồ.

Họ Đào không kết hôn với họ Lê, họ Trần

Trong khi sách sử chép vợ của Đào Duy Từ (1572 – 1634) là con gái của Cống quận công Trần Đức Hòa thì gia phả dòng họ lại chép vợ ông chỉ có bà Cao Thị Nguyên.
Theo ông Đào Duy Nhơn (76 tuổi, thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), quyền trưởng tộc Đào, dòng họ hiện có 2 cuốn gia phả bằng chữ Hán được biên soạn năm Tự Đức thứ 30 (1876) và năm Thành Thái thứ 3 (1891). Hai cuốn gia phả đều chép rằng Đào Duy Từ chỉ có một vợ là bà Cao Thị Nguyên, sinh ra 2 người con là Đào Duy Huệ và Đào Thị Hưng.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi Cống quận công Trần Đức Hòa gả con gái cho Đào Duy Từ rồi tiến cử ông với Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên. Sau khi tiếp chuyện, Sãi vương mừng lắm, liền phong cho Đào Duy Từ làm Nha úy Nội tán, tước Lộc Khê hầu, trông coi việc quân cơ trong và ngoài, tham lý quốc chính.
Trong gia phả họ Trần thì người con gái mà Cống quận công gả cho Đào Duy Từ có tên là Trần Thị Phấn. Vậy tại sao bà Phấn không được ghi trong gia phả họ Đào? Ông Đào Duy Nhơn cho biết đã có nhà sử học lý giải rằng bà họ Trần không có con nên đi tu. Theo quy định “tam tòng tứ đức” ngày xưa, phụ nữ không có con bị quy vào tội “bất hiếu”, có thể vì lẽ này bà họ Trần không được chép vào gia phả.
“Từ thời xa xưa, ở phủ Hoài Nhơn, trai gái họ Đào không bao giờ kết hôn với trai gái họ Lê, họ Trần, chỉ coi nhau như anh em ruột thịt. Có lẽ do họ Lê là họ cha nuôi của ông tổ Đào Duy Từ. Còn với họ Trần thì bắt nguồn từ mối lương duyên của ông Đào Duy Từ và bà Trần Thị Phấn mà ra. Ngày nay, ba tộc họ chúng tôi vẫn rất thân thiết với nhau, chuyện không kết hôn giữa tộc Đào với tộc Lê, tộc Trần tuy không nghiêm ngặt nhưng con cháu vẫn còn giữ”, ông Nhơn cho biết.
Ông Nhơn nói thêm: “Trước đây, chúng tôi có về quê tổ ở H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nhưng tìm không ra người họ Đào sinh sống ở đó, dù mộ ông nội cụ Đào Duy Từ vẫn còn. Chỉ có một người họ Đào sống ở đó nhưng có nguồn gốc từ Phú Yên ra từ thời Pháp thuộc. Có lẽ sau khi ông Đào Duy Từ phò chúa Nguyễn, dòng họ Đào ở đó phải đi lánh nạn hoặc đổi họ khác để tránh sự uy hiếp của chúa Trịnh. Còn ông Đào Duy Từ vào phủ Hoài Nhơn sinh sống, vì nhớ quê cũ nên lấy tên H.Ngọc Sơn ở quê nhà đặt tên cho thôn mình đang sống và lấy tên làng Vân Trai đặt tên cho đồng ruộng nhà mình.

Người lập chùa Bồ Đề

Cũng theo ông Nhơn, gia phả không ghi rõ nhưng chắc chắn ông Đào Duy Từ và bà Cao Thị Nguyên kết hôn rồi sinh con từ thời còn ở Thanh Hóa. Sau khi đã thành danh dưới triều Sãi vương, Đào Duy Từ mới cho người đón vợ, hai con và dời mộ cha vào phủ Hoài Nhơn. Năm 1631, Đào Duy Từ đã tiến cử Nguyễn Hữu Tiến (1602 – 1666) lên chúa Nguyễn Phúc Nguyên và gả con gái là Đào Thị Hưng cho. “Điều này chứng tỏ Đào Duy Từ đã có con ở Thanh Hóa với bà Cao Thị Nguyên trước khi vào Bình Định. Vì năm 1625, Đào Duy Từ vào Bình Định rồi mới kết hôn với bà Trần Thị Phấn thì không thể có con gái chung để gả cho ông Nguyễn Hữu Tiến được”, ông Nhơn phân tích.
Về sau, Nguyễn Hữu Tiến lập được nhiều chiến công trong cuộc chiến tranh với chúa Trịnh, khi mất được truy tặng tước Tiết chế Thuận quận công, đời vua Minh Mạng được truy tặng tước Anh quốc công. Con trai của Đào Duy Từ là Đào Duy Huệ cũng giúp chúa Nguyễn được phong tước Dũ Lĩnh hầu.
Sau khi Đào Duy Từ mất, bà Cao Thị Nguyên để tang 3 năm, đến năm 1637 thì dựng chùa Bồ Đề (ở thôn Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây, H.Hoài Nhơn) để tu hành, tục gọi là chùa Bà. Bên ngoài cổng chùa hiện còn dòng chữ: Đào quốc công phu nhân từ. Bà Cao Thị Nguyên mất năm nào không rõ, hiện trong chùa có thờ 2 bài vị, một của Đào Duy Từ và linh vị còn lại của bà Cao Thị Nguyên, được nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch dịch: Linh vị của người khai lập chùa Bồ Đề là bà Thủy tổ họ Cao, tên đặt sau khi mất là Trinh Thục, phu nhân của quan Nội tán Lộc Khê hầu Hoằng quốc công.
Ngày nay, H.Hoài Nhơn còn di tích lăng mộ Đào Duy Từ (thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo), 2 đền thờ Đào Duy Từ (thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây và thôn Cự Tài, xã Hoài Phú)…
Quê của Đào Duy Từ ở làng Vân Trai, xã Hoa Trai, H.Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Năm 21 tuổi, cha mẹ đều qua đời, ông dự thi Hương ở Thanh Hóa nhưng bị đuổi ra khỏi trường vì là con của kép hát. Năm 1625, ông trốn khỏi vùng đất cai trị của chúa Trịnh để vào nam tìm chân chúa.
Đào Duy Từ là vị khai quốc công thần số 1 của triều Nguyễn. Ông phò Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên trong 7 năm (từ 1627 – 1634), nhưng đã góp nhiều công lớn như: đắp lũy Trường Dục nhằm ngăn chặn quân Trịnh đánh vào xứ Đàng Trong, mở đất về phương nam, xây dựng một định chế chính quyền được lòng dân, đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn… Khi ông mất, chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc, phong làm Hiệp đồng mưu đức công thần, đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu, đến thời vua Minh Mạng truy phong là Hoằng quốc công…

Hoàng Trọng – Thanh niên