Di Li

Minh họa của Choai.

Trong suốt những ngày lưu lại bên bờ vịnh Baltic, chúng tôi trông cả vào sự dẫn đường của cô Heikkila, một phụ nữ trung niên tóc bạch kim ngọt ngào và dễ chịu.

Như tất cả các công dân Phần Lan khác, cô Heikkila ngoài tiếng mẹ đẻ còn thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh. Khi mới gặp chúng tôi, cô Heikkila nói giản dị: “Tôi chỉ biết người Việt Nam là những con người vĩ đại”.

Tôi cũng tỏ ra thông cảm vì đã qua nhiều nước và thấy người dân của họ chỉ biết tới Việt Nam qua những cuộc chiến vang động địa cầu. Chúng tôi được coi như những vị khách quý và vì thế, được chiêu đãi liên tục món cá hồi hun khói, loại thực phẩm đặc trưng của vùng biển Baltic, bánh nướng nhân đại hoàng và… quả khế. Cô Heikkila hãnh diện khoe rằng quả khế ngon lắm, quý lắm, chúng tôi phải nhập từ Viễn Đông đấy, ăn thử đi, và hướng dẫn mọi người… chấm đường.

Tôi nín cười nói rằng, phải chấm muối mới thấy hết vị chua mặn ngọt của quả khế và đây là thứ quả tượng trưng cho quê hương chúng tôi đấy. Còn có hẳn một bài hát về quả này nữa kia. Cô Heikkila mở to mắt ngạc nhiên và bảo lần đầu nghe nói khế chấm muối.

Nhìn chung, món ăn của người Phần Lan rất khó ăn. Không phải do chúng tôi lạ miệng mà nhiều khách nước ngoài da trắng ở các bàn bên cạnh cũng phàn nàn rằng “Thật chẳng dễ chịu gì”.

Người Phần Lan hay ăn đồ sống như rau sống các loại và cá hồi sống. Biển Baltic nhiều cá hồi. Ở nhà cá hồi là đặc sản, được bán ở siêu thị lớn với giá gần 500.000/kg, ra nhà hàng, đầu bếp chế biến cầu kỳ bày ra cho khách chỉ vài lát mỏng nên rất quý hóa.

Sang đây, ngày nào tôi cũng phải thưởng thức cá hồi, nhưng không ai nuốt nổi món ấy. Có lần họ phục vụ một liễn cá hồi trộn nước sốt cà chua. Nhìn rất ngon mắt, nhưng cắn một miếng xong mới biết mình dại. Nước sốt được làm chín, còn cá hồi để sống nguyên, lại có cả vẩy. Trót nếm không có lẽ lại… nhè. Mà nếu không, nuốt cái vị rất tanh và lạnh ngắt ấy vào bụng thì sẽ muốn nhịn đói suốt ngày còn lại.

Cá hồi khi ăn sống cần phải được lạng phần thịt đỏ ở lưng, và tất nhiên, cả da nữa, vì đấy là những bộ phận gây ra vị tanh khó chịu. Và cá hồi chẳng nên ăn sống với gia vị nào khác ngoài mù tạt, thứ có thể làm tăng vị béo ngậy của món ăn cao cấp này và át đi những gì sống sít còn lại khiến thực khách ngại ngần. Nhưng người Phần Lan dường như chẳng hứng thú gì với mù tạt.

Lại có lần họ bày ra bàn một khoanh cá hồi to, cũng sống nguyên, trên rắc hạt tiêu, ăn với bánh mì. Người Nhật cũng ăn cá hồi sống, nhưng họ lạng thành miếng mỏng rất thanh lịch, điểm trang tinh tế cùng nhiều loại rau gia vị khác nhau nên chẳng ai còn cảm thấy trong miệng mình là một món ăn chưa chín. Còn người Phần Lan ăn cá sống, cứ để nguyên cả khoanh to tướng. Thật khiếp hãi.

Cứ như thế những thổ dân Viking từ bao đời nay cứ câu được con cá hồi nào thì xử thịt nó luôn trên boong tàu rồi bỏ ngay vào miệng trong khi cá vẫn còn há hốc miệng nhìn. Thành thử cứ đến bữa, chúng tôi đồng loạt yêu cầu phục vụ bàn đổi cá hồi lấy… bơ. Tức thì năm phút sau người quản lý xuất hiện với khuôn mặt lo lắng. Chúng tôi giải thích rằng chỉ vì người Việt không quen với món này, chứ thực đơn không có vấn đề gì hết, anh cứ yên tâm.

Khoai tây cũng là nguồn thực phẩm chính của người Phần Lan, thay cho cơm và bánh mì. Khoai tây ở đây nhỏ xíu bằng quả nhót. Cứ đến giờ ăn, chúng tôi chỉ được cấp phát vài củ khoai tây luộc, cá hồi hun khói, cá hồi hấp, cá hồi sốt, cá hồi sống và đĩa rau trộn là xong, bữa nào cũng vậy, ấy là tiêu chuẩn dành cho khách quý ở khách sạn năm sao. Đến độ, sau này về nhà, phải mất cả năm trời tôi mới phục hồi được căn bệnh sợ… khoai tây và cá hồi.

Nhân tiện thì cũng cần phải nói thêm rằng người xứ sa mạc đã nóng thì chớ lại còn thích ăn đồ nóng, còn người xứ băng tuyết như bán đảo Scandinavia thì chỉ thích ăn đồ nguội. Chúng tôi đã thưởng thức cú đồ nguội đầu tiên khi bước chân lên chiếc máy bay in chữ Scandinavia, mỗi người một chiếc sandwich kẹp thịt nguội và một lát cà chua với lá xà lách. Những tưởng trên máy bay ăn tạm thế, nhưng là người xứ lạnh thích như vậy.

Ừ thì cũng như ở Thái Lan, nơi quanh năm chẳng bao giờ biết đến mùa đông mà dân thích ăn ớt bột, ớt quả, ớt sốt cay xé lưỡi cho chừng nào ăn xong người phát ngốt thêm lên, còn xứ Hàn, lạnh là thế mà họ chỉ thích ăn… mỳ lạnh.

Helsinki, thủ đô của Phần Lan nằm bên bờ vịnh xanh biếc. Giữa những ngày nóng nhất trong năm mà vẫn cứ phải áo đơn áo kép nếu muốn đi dạo phố giữa trưa nắng hè. Cứ hình dung mùa đông tuyết phủ trắng trời hiu quạnh, ngồi trước đĩa khoai tây và miếng cá hồi sống khổng lồ lạnh ngắt, nếu có phải đi công tác biệt phái ở đất nước có chỉ số cạnh tranh, chỉ số HDI, GDP luôn thuộc top đầu thế giới này, đất nước từng bị Pushkin gọi là “đứa con ghẻ của Thượng đế”, chắc tối nào tôi cũng khóc mất, khóc chỉ vì nhớ một bát phở và những vỉa hè nhộn nhịp mà thôi.

 

Lao động Cuối tuần

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài