(Rút từ cuốn Nhà quê đang biến mất, NXB Hội nhà văn và Công ty truyền thông Nhã Nam ấn hành tháng 5-2014)


Hồi bé tôi hay được bố kể cho nghe những chuyện liên quan đến thời thuộc địa. Chẳng hiểu bố tôi, một người triệt để từ bỏ quá khứ, thì ông muốn tôi lĩnh hội điều gì từ những chuyện xưa cũ ấy. Một trong những chuyện ông thích kể đi kể lại là nguyên nhân nào dẫn tới việc ông đi theo Việt Minh. Ông kể say sưa, có lớp lang, có nhịp điệu, có thủ pháp, có cả sự bịa tạc, mà thuật ngữ văn học gọi là hư cấu-như sau này tôi nghiệm ra. Phải công nhận bố tôi có khả năng kể chuyện, làm hút hồn người nghe, điều mà tôi không được thừa hưởng. Vì thế mà lần nào trong vài ngàn lần ông kể về cuộc đời đau khổ của ông, tôi vẫn cứ không thể ngăn được những giọt nước mắt. Sau này tôi đã chuyển một phần câu chuyện kể ngàn ngày ấy vào tác phẩm Bước qua lời nguyền. Tôi phải nói ngay rằng tôi đã làm giảm độ hay của câu chuyện bố kể đi rất nhiều khi trình bày nó dưới dạng văn bản.


Bố tôi đi theo Việt Minh vì ông căm ghét cuộc đời thằng ở, không chỉ khiến ông đói khổ mà còn làm cho hai đứa em ruột của ông chết đói ngay trước mắt ông mà không thể làm gì để cứu.


Nhưng có lẽ động cơ lớn nhất khiến ông theo Việt Minh là vì họ hứa sẽ giải phóng đất nước khỏi sự đô hộ của nước ngoài. Bố tôi có đủ trải nghiệm để thấm nỗi nhục của một người dân mất nước chỉ là một lẽ, lẽ chính yếu là trong dòng máu của ông có cả máu chống xâm lược, không chấp nhận bị lệ thuộc ngoại bang, truyền lại từ tổ tiên ngàn đời. Tôi tin rằng bố chưa bao giờ được học về lịch sử nước nhà để hiểu ngàn năm Bắc thuộc là gì và có bao nhiêu cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ nổ ra? Nếu hỏi bố tôi Ngô Quyền là ai, chắc chắn ông sẽ bảo đó là một ông tướng Việt Minh sinh ở Sơn Tây, cho dù ông cũng từng làm bí thư, chủ tịch xã tới 20 năm! Nhưng khi bố lớn lên thì nước Pháp đang cai trị và lẽ tự nhiên là ông hướng mọi sự căm ghét vào người Pháp. Sau này, vào khoảng những năm 1990, trong một lần gặp hiếm hoi với đại sứ quán Pháp gồm hơn chục người, ông đại sứ hỏi chúng tôi nghĩ gì về nước Pháp? Mỗi người trả lời một cách, có cả những câu nịnh bợ nghe phát ngượng. Về phần mình tôi trả lời thành thật là tôi rất thích nước Pháp, nhất là rượu nho, rằng tôi và nước Pháp không còn vấn đề gì vướng mắc nhưng bố tôi và đa số thế hệ ông thì vẫn chưa thôi căm thù nước Pháp. Chả hiểu cô phiên dịch có nói hết ý của tôi không, chỉ thấy ông đại sứ tái mặt đi, nhìn tôi rất thiếu thiện cảm. Ông khẳng định là ông không còn thấy điều đó ở bất cứ đâu, kể cả ở Điện Biên phủ. Tôi bảo với ông đại sứ thật sự tôi còn mong điều đó hơn ông, vì lợi ích của đất nước tôi.


Nhưng mọi sự không thể cứu vãn được nữa, bởi cuộc chuyện sau đó trở nên tẻ nhạt như cơm nguội. Hóa ra người Pháp cũng ghét nghe nói thẳng. Tôi sẽ không bao giờ trách mình là đã không biết điều đó. Bởi vì tôi chỉ nói một sự thật không ai thay đổi được. Sự thật nhỏ ấy phản ánh một sự thật lớn hơn, người Việt dị ứng tuyệt đối với những kẻ đến để đô hộ họ, dù khoác dưới danh nghĩa gì. Điều đó tốt hay xấu chưa bàn nhưng nó là sự thật. Không chỉ người Pháp, người Mỹ đã từng tận hưởng nỗi thống khổ vì thái độ bài xâm lăng đó. Lặn sâu hơn về phía quá khứ thì các triều đại Trung Quốc là những kẻ thấm thía hơn cả. Suốt cả ngàn năm nhưng họ không sao nuốt nổi cái rẻo đất nhỏ tí phía Nam. Nếu sắp tới người Trung Quốc lại nuôi ý đồ ấy, có nghĩa họ rất vô phúc trên khía cạnh không được nhận thừa kế kinh nghiệm của tổ tiên.

Chỉ cần sống với bố tôi cũng có thể đọc ra hàng ngàn trang sử bi thương liên quan đến chuyện độc lập. Ông ghét Pháp, ghét Mỹ chỉ vì họ là nguyên nhân khiến ông không có (hoặc nguy cơ bị mất) độc lập. Không thể thuyết phục nổi bố tôi rằng điều đó có thể gây bất lợi. Đã ghét là không cần. Vì thế, khi tôi có một anh bạn trẻ người Mỹ nhiều lần đề nghị muốn được về thăm quê Lão Khổ-như chính lời anh ta-thì lần nào tôi cũng tìm cách từ chối khéo. Người Mỹ có cái hay là không suy từ chuyện nọ sang chuyện kia, không bị tự ái vì những chuyện vặt, nên anh chấp nhận ngay lời từ chối nhưng hễ có cơ hội là anh lại đưa đề nghị. Cuối cùng, tôi phải về nhà nói chuyện đó trước với bố. Trong những lý do tôi e ngại, thì sự thù hận nước Mỹ của ông là nguyên nhân chính. Tôi sợ ông sẽ làm tôi mất mặt nếu giả sử ông thể hiện một hành động nào đó với anh bạn người Mỹ kia. Thậm chí tôi lo cả đến an ninh của anh ta. Nghe tôi trình bày xong, bố tôi cười lớn, vỗ vào vai tôi như vỗ vào vai một đối tác kém hiểu biết. Ông bảo: “Mày chỉ nghĩ được về bố thế thôi sao? Tao coi nó (anh bạn người Mỹ mà tôi đang nhắc tới) như con, dù chưa biết mặt. Nó về thăm tao chứ có phải về để đô hộ tao đâu. Đô hộ tao thì chết ngay!”


Rất tiếc là sau đó chính anh bạn tôi lại không thu xếp được thời gian. Mỗi dịp tôi về nhà sau đó, bố tôi đều hỏi sao cái thằng “Mỹ con” nào đó chưa thấy về.


Một lần tôi đưa ông giáo sư xã hội học người Pháp, tên là Alain Guillemin về quê chơi theo đề nghị của ông. Khi đó bố mẹ tôi đã dời xuống Hải Phòng. Cạnh nhà tôi có một người mà tôi phải gọi bằng ông họ. Thời trẻ ông phải đi lính cho Pháp, làm ở bộ phận quân y. Nhưng sau đó ông tự thương và thoát được về quê, lên núi theo Việt Minh, cũng làm quân y. Hai ngón tay của ông bị cụt vĩnh viễn không thể mọc lại được, cho ông chút kỷ niệm cay đắng với người Pháp. Con trai cả của ông là liệt sĩ chống Mỹ. Thỉnh thoảng tôi về làng vẫn qua nghe ông nói chuyện oang oang, cho dù ông luôn thiếu ăn vì bà vợ bệnh tật. Lần này, biết có ông người Pháp cùng về, không đợi tôi mời, ông tự sang thăm. Vẫn cái giọng oang oang, ông hỏi thăm thấy bảo có ông quan Pháp về chơi, tao sang xem mặt xem có giống mấy thằng Pháp thời xưa không. May mà ông giáo sư không biết tiếng Việt. Hai ông bắt tay nhau hồn nhiên. Ông hàng xóm của tôi nói bằng thứ giọng mỉa mai: “Gớm, 50 năm trước mà gặp cái lão này nhỉ?” Môi ông bĩu dài ra khiến Guillemin phải hỏi tôi bằng tiếng Anh là ông ta nói gì? Tôi đã định lờ đi vì khả năng tiếng Anh của tôi chỉ đủ để chào và chào tạm biệt. Nhưng Guillemin cứ nhìn tôi bằng vẻ cầu khẩn và có cả sự nghiêm khắc yêu cầu theo kiểu bạn bè. Tôi đành cố nhớ lại những từ cần thiết nhất, tìm cách dịch ghép. Và chả hiểu do trời phù hộ thế nào mà tôi lại dịch đủ để ông giáo sư người Pháp hiểu được ý của câu ông hàng xóm nói. Mặt Guillemin trở nên rất buồn và đầy tâm trạng. Mãi sau ông mới ngậm ngùi nói, đại ý là 50 năm trước thì ông mới chỉ là cậu bé 4 tuổi. Tôi dịch lại để ông hàng xóm nghe. Ông nghe xong thì cười ầm lên, đưa tay bắt tay ông giáo sư, lắc lấy lắc để, nhất định mời ông người Pháp sang nhà chơi. Cuối cùng họ ngồi uống rượu nút lá chuối, ngả nghến vai vào nhau, ông người Việt ân cần bày cách ăn tiết canh ngan cho ông người Pháp rồi cứ ai nói người ấy nghe nhưng cười thì vang cả làng trong xóm ngoài. Vì thấy không khí vui vẻ nên ông giáo sư hứng lên hỏi ông hàng xóm của tôi (tất nhiên là nhờ tôi dịch), rằng, giả sử 50 năm trước ông gặp một người Pháp như tôi ở đây thì ông sẽ làm gì? Nghe trọn câu hỏi, ông hàng xóm của tôi buông bát, sửa lại áo, hai tay xoa vào nhau cho nóng rồi nhìn thẳng vào mặt ông ngoại quốc, nói gằn từng tiếng: “Tôi sẽ chặt đôi ông ra!”


Ông ngoại quốc nhìn tôi, căng thẳng chờ đợi. Tôi không thể dịch nguyên văn mặc dù đó là câu tôi thuộc khi học hội thoại liên quan đến chuyện chia của. Cuối cùng tôi đành đáp: “Ông ta bảo: No Ok!”


Độc lập là nỗi thèm khát kéo dài cả ngàn năm với người Việt, vì thế, bất cứ khi nào có cơ hội thoả cơn thèm khát đó, là họ bất chấp tất cả để giành lấy, nhiều khi vì thế mà thiếu cả sự khôn ngoan cần thiết. Nhưng khôn ngoan là thứ có thể tích cóp sau, độc lập không thể chờ được. Bởi vì người Việt không bao giờ chấp nhận kẻ thù hiện diện trên đất nước mình, dù họ là ai, đến từ bất cứ đâu.


Nguồn: phongdiep