Trong khuôn khổ Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX đã diễn ra hội thảo văn xuôi “Văn trẻ – Nhập cuộc và sáng tạo”. Tại đây nhiều trăn trở, suy nghĩ về con đường văn chương được các tác giả trẻ chia sẻ.

Những trăn trở văn chương của người viết trẻ

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa – người được biết đến với giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội gần đây, khá khiêm tốn khi chia sẻ về con đường văn chương của mình, đó là sự may mắn. Bởi mảnh đất quê nhà Ninh Thuận có rất nhiều điều để viết mà lại ít người cầm bút viết. Theo nhà văn Kim Hòa thì người cầm bút cũng không nên bám ở một vùng đất thân thuộc để viết, nhiều lúc cũng nên thoát ra, tung tẩy như một sự thử nghiệm chính bản thân.

Cây bút trẻ Nhật Phi – tác giả Người ngủ thuê từng được giải nhất Văn học tuổi 20 tiết lộ mình bắt đầu cầm bút viết văn từ khi chưa đến 20 tuổi và lý do cầm bút là sở thích. Tuy nhiên, nếu nói rằng viết một cuốn sách có thể tác động hay làm thay đổi thế giới là điều “quá lạc quan”.


“Đôi khi khó khăn lại chính là điểm thuận lợi của người cầm bút”

Tác giả trẻ Như Hân đến với văn chương bằng văn học mạng và tự cho rằng con đường văn chương của mình không suôn sẻ như những cây bút khác. Nhiều lúc thấy hoang mang như thể “từ trên trời rơi xuống”.

Đến từ Hà Tĩnh, tác giả Trần Quỳnh Nga chia sẻ con đường đến với văn chương của mình là từ cơ hội làm báo, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên có thêm vốn sống cũng như trải nghiệm. Không những thế, tác giả này còn được tiếp xúc với nhiều nhà văn nên việc lựa chọn văn chương cũng khá tự nhiên và thuận lợi. Việc cây bút trẻ Trần Quỳnh Nga lựa chọn theo đuổi đề tài lịch sử là khi thử sức với tác phẩm thuộc đề tài lịch sử được các nhà văn đi trước như Phong Điệp, Uông Triều khuyến khích, động viên.

Trước những băn khoăn về văn học giải trí hiện nay thậm chí có phần “lấn át”, với bằng chứng là lượng độc giả dòng văn học này luôn đông đảo, sách của những tác giả dòng văn học giải trí in đến hàng vạn bản thì tác giả trẻ Nguyễn Nhật Hùng ở Thái Nguyên cho rằng công chúng và người cầm bút nên cở mở hơn với văn học giải trí.

Là một dịch giả gắn bó với văn học Trung Quốc, từng đoạt giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội – dịch giả Minh Thương cho rằng sở dĩ văn học giải trí có phần lấn át là bởi chúng ta đang thiếu và lịch sử văn học sẽ nghiêng về phía thiếu hụt. Nhưng thời gian sẽ làm cân bằng văn học giải trí và văn học tinh tuyển.

Đến từ phía Nam Tổ quốc, tác giả Văn Thành Lê đã viết trong tham luận một băn khoăn cá nhân và tự giải đáp băn khoăn ấy như thế này: Viết cho độc giả hay viết cho mình? Đấy là câu hỏi mà không ít người viết tự vấn bản thân. Riêng tôi, tôi viết cho tôi, cho nhận thức của tôi, rồi mới đến cho người đọc. Những trang viết đi ra từ ẩn ức của cá nhân. Tôi giải bài toán ẩn ức của tôi chứ không phải bài toán viết thế này thì sách bán được bao nhiêu, viết thế kia sẽ bao nhiều người đọc. Có lẽ, đấy là cái khó của văn chương và cũng là hấp lực của văn chương.

Tiếng nói của các nhà văn đi trước

Nhà văn Nguyễn Chí Huân – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra quan điểm rằng đây là thời hoàng kim của sáng tạo.

Còn nhà văn Nguyễn Xuân Thủy – Ban nhà văn Trẻ đặt ra câu hỏi, tại sao có những tác phẩm khi độc giả đọc xong lại ám ảnh và khiến người ta tò mò xem tác giả là ai mà viết hay thế, phải tìm bằng được xem tác giả đó. Điều này phải chăng nói lên tài năng của người cầm bút đã neo vào tâm trí người đọc?


Một số gương mặt nhà văn trẻ tham gia Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9

Cũng tiếng nói từ Ban Nhà văn trẻ, nhà văn Phong Điệp chia sẻ, trong gần 20 năm làm biên tập văn học cho thấy những người viết trẻ ở địa phương khi viết tác phẩm đầu tay thường có tâm lý e ngại, lo lắng tác phẩm mới của mình viết ra có được tiếp nhận không ? Trong vai trò làm biên tập văn học, nhà văn Phong Điệp và có lẽ cũng như rất nhiều người biên tập văn học ở những địa chỉ khác luôn chờ đợi tác phẩm của người viết trẻ, dù có thể tác phẩm chưa được toàn mỹ, nhưng họ nhìn thấy ánh sáng phía trước, thấy hạt mầm đã hé… Do đó, các cây bút trẻ hãy mạnh dạn khẳng định tiếng nói văn chương của mình.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đánh giá cao sự nhập cuộc của nhà văn trẻ cũng như sự nghiêm túc làm việc của các cây bút trẻ. Tuy nhiên theo nhà văn thì nhập cuộc chưa đủ mà cần phải dấn thân.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ ý kiến nhận được sự hưởng ứng của khá nhiều cây bút trẻ. Ông cho rằng dung lượng của một tác phẩm văn chương không phải nằm ở kích cỡ, do đó nhà văn không cần phải viết nhiều. Nhưng một khi đã cầm bút viết thì phải có suy nghĩ như nhà thơ Xuân Quỳnh: Hãy viết tác phẩm nào cũng như viết tác phẩm cuối cùng của đời mình. Và tác phẩm văn học, dù là của tác giả trẻ thì cũng phải có tính “tư tưởng”. Tính tư tưởng trong văn chương rất quan trọng. Tại Hội nghị nhà thơ Hữu Thỉnh cũng tiết lộ chỉ vì một cuốn sách của tác giả Chu Thùy Anh tặng ông mà ông phải bỏ thói quen tập Yoga được duy trì bao nhiêu năm nay, bởi cuốn sách cuốn hút và khiến ông khá ngạc nhiên khi đứng tên một cây bút trẻ.

Đồng quan điểm với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng đánh giá cao tính tư tưởng trong tác phẩm. Đối với Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì khi đọc bất cứ tác phẩm nào dù dài đến đâu đọc xong ông cũng tự hỏi tác phẩm này nói lên tư tưởng gì, có thể tóm lại bằng một câu hay một chữ được không?.

Ở thời nào nhà văn cũng luôn có khó khăn và thuận lợi. Nhưng đôi khi khó khăn lại chính là điểm thuận lợi của người cầm bút và ngược lại. Mọi sự so sánh bao giờ cũng khập khiễng. Mỗi người cầm bút là một thế giới riêng biệt, không giống ai, không lẫn vào đâu. Ai cũng bảo văn chương là tài năng và trời cho. Nhưng tài năng đến đâu và trời cho đến đâu không ai biết. Vì thế các cây bút trẻ cứ nuôi dưỡng đam mê và đi đến tận cùng đam mê.

Hiền Nguyễn