Tiếng là con cháu của nhà văn Nguyên Hồng, nhưng những ngày chập chững bước vào con đường văn chương, Đỗ Nhật Minh chưa bao giờ dám đưa trang viết của mình nhờ nhà văn bậc cha chú góp ý, chỉ bảo. Chính vì sự kính trọng và bao hàm cả niềm tự hào quá lớn, vì có người nhà là nhà văn quá nổi tiếng, nên Đỗ Nhật Minh giữ bề khép nép, khiêm nhường vậy.
Ngày vinh dự được về Hà Nội dự Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ nhất, năm 1971, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Đỗ Nhật Minh còn là anh giáo viên trẻ. Khi thấy Đỗ Nhật Minh ở hội nghị, nhà văn Nguyên Hồng mới ớ người ra là thằng cháu ông nó cũng ham mê, đeo đuổi nghiệp viết lách.
Nhà văn Nguyên Hồng rất mừng, hoan hỉ kéo Đỗ Nhật Minh ra góc riêng, nói nhỏ: “Chú rất mừng thấy cháu mê văn chương. Nhưng theo nghề văn là chấp nhận nhiều cực khổ đấy, cháu ạ!”.
Ngày ấy, ngoài một vài truyện ngắn in trên báo chí, Đỗ Nhật Minh đã có tập truyện “Câu chuyện về một đội kịch” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Hơn bốn chục năm trước, với một tác giả trẻ, được in tập truyện đứng tên riêng là niềm vui khôn tả.
Ấy nhưng nghĩ về người chú mình, nhà văn của những bộ sách đồ sộ, người đẻ ra những số phận, những cảnh đời bần khổ như Tám Bính, Năm Sài Gòn, mẹ La… thì Đỗ Nhật Minh thấy mình quá nhỏ bé, nhỏ hơn chiếc lá tí xíu trên cây đại thụ xum xuê tươi tốt. Độ ấy, nhà văn Nguyên Hồng cùng gia đình còn ở ấp Cầu Đen, Nhã Nam.
Tháng tháng, từ ấp Cầu Đen về Hà Nội, thể nào ông cũng ghé qua Bắc Giang, thăm mẹ anh, chuyện trò chị chị em em. Những khi ấy, Đỗ Nhật Minh cũng chưa dám ngồi đối diện với người chú nhà văn mình kính phục, mà chỉ loanh quanh điếu đóm cơm nước. Họa hoằn, khép nép bên góc nhà nghe lỏm chuyện.
Nhà văn Đỗ Nhật Minh
Nếu kể về đầu nọ mỏ kia trong quan hệ gia đình, thì bà nội của Đỗ Nhật Minh là chị ruột của bố nhà văn Nguyên Hồng. Nghĩa là, nhà văn Nguyên Hồng là em của bố Đỗ Nhật Minh. Nên Đỗ Nhật Minh gọi nhà văn Nguyên Hồng là chú họ rất gần. Đã vậy, hai gia đình cùng cảnh ngộ nghèo khó bỏ quê Nam Định, lang bạt đó đây, rồi cùng chốt lại sống ở mảnh đất Bắc Giang đã bao năm, nên quan hệ hai nhà càng gần gũi.
Đỗ Nhật Minh nói rằng, bao năm sống ở vùng đất này, nhà anh chỉ có gia đình nhà văn Nguyên Hồng là họ mạc gần nhất và duy nhất. Ấn tượng về những ngày nhà văn Nguyên Hồng ghé qua nhà mình, là hình ảnh mẹ Đỗ Nhật Minh và nhà văn Nguyên Hồng trò chuyện rất dài. Chị em hợp nhau, chuyện nối chuyện dường không bao giờ hết. Hai chị em thường trải chiếu ngồi chơi bên hè cho thoáng đãng.
Đỗ Nhật Minh thường được mẹ sai đi rang bò lạc và rót cút rượu Kế để nhà văn nhấp giọng. Chuyện xưa chuyện nay, chuyện làng xóm cố hương và ấp nhỏ, phố nhỏ mới lập. Chuyện về cây đa đầu làng, cây khế sườn đồi.
Chuyện về con chó, con lợn. Lõm bõm câu được câu chăng. Qua đó, Đỗ Nhật Minh hình dung chặng đường gieo neo mà mẹ mình và nhà văn từng trải qua. Đôi lúc hưng phấn, nhà văn Nguyên Hồng lại nhấp một ngụm rượu, ngửa cổ nhìn trời sao, ngâm nga một câu thơ Đường. Cái giọng của ông trầm ấm và mê sảng. Những câu thơ về cát bụi đường đời, về khí khái làm người.
Khi nhà văn ra về, Đỗ Nhật Minh lại theo mẹ ra tận đầu ngõ đưa tiễn. Hình tượng chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô bé lũn cũn của nhà văn Nguyên Hồng, có chiếc cặp da cũ chất đầy giấy tờ bản thảo buộc trên đèo hàng, cùng mắm muối tương cà, có khi buộc kèm đôi chiếu, hay chiếc lốp xe vắt ngang, nom nhom nhem như xe một lão nông.
Ấy nhưng Đỗ Nhật Minh rất hãnh diện khoe với đám bạn học cùng ngõ. Nhà văn Nguyên Hồng nổi tiếng đấy! Người chú của gia đình mình đấy!
Đỗ Nhật Minh tự thú rằng, đam mê theo đuổi nghiệp chữ nghĩa, là ảnh hưởng lớn từ nhà văn Nguyên Hồng. Thời trẻ, có ba nhà văn mà anh kính phục. Đó là Pauxtốpxki, Mácxim Goócki và Nguyên Hồng. Ông Pauxtốpxki khơi gợi vẻ đẹp lãng mạn. Còn ông Goócki và ông Nguyên Hồng tạo dựng cái đẹp của cuộc đời cần lao, trần trụi.
Sự ảnh hưởng gián tiếp, nhưng lại tác động rất lớn tới thẩm mỹ sáng tạo trên con đường chữ nghĩa của anh. Những trang sách của nhà văn Nguyên Hồng, người chú trong gia đình, ngồn ngộn sự sống, ngồn ngộn số phận, mà Đỗ Nhật Minh nhận ra tấm lòng cao cả, đầy bao dung, đầy yêu thương của người cầm bút chân chính. Nhà văn, thời buổi nào cũng vậy, cần có thái độ đúng đắn trước thời cuộc. Trang sách, luôn phản ánh cốt cách của người viết.
Cho đến ngày nhà văn Nguyên Hồng đường đột nằm xuống, Đỗ Nhật Minh vội vã về ấp Cầu Đen chít khăn chịu tang người chú của mình. Khi ấy, anh mới thấm thía sự trống trải của công việc viết lách mà mình theo đuổi. Anh thấy nuối tiếc, những ngày trước, chưa dám hỏi cặn kẽ kinh nghiệm viết của người chú, nhà văn mà anh kính phục.
Mê viết lách, Đỗ Nhật Minh đã đánh đổi nghề dạy học từng gắn bó gần hai mươi năm trời, sang Hội Văn học nghệ thuật tỉnh làm cán bộ biên tập. Chính nhờ cuộc thay đổi nghề nghiệp này, Đỗ Nhật Minh càng dốc hết tâm lực cho nghiệp văn chương.
Ngoài việc biên tập sách và tạp chí của hội, Đỗ Nhật Minh tranh thủ đi các huyện, các xã, gặp gỡ nhiều con người, nhiều mảnh đời, làm vốn thực tế sáng tác cho thêm phong phú. Nhớ về nhà văn Nguyên Hồng, người chú của mình, Đỗ Nhật Minh càng thấm thía lời khuyên nhủ chân tình của ông thuở nào “Nghề văn, là chấp nhận nhiều cực khổ đấy, cháu ạ!”.
Đến nay, sau hơn bốn chục năm lao động hết mình với con chữ, Đỗ Nhật Minh đã cho ra đời mười hai cuốn sách, gồm truyện ngắn và tiểu thuyết. Có một số cuốn tiêu biểu, như: “Giã từ đêm quan họ”, tiểu thuyết, 1990. “Cái lồng sắt”, tập truyện, 2004. “Quán trần gian”, tập truyện, 2009. “Trường có cây dã hương”, tập truyện, 2012. Có nhiều cuốn được nhà xuất bản tái bản hai, ba lần.
Đỗ Nhật Minh trở thành cây bút văn xuôi đĩnh đạc của Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang. Nhớ lại ngày cùng anh em từ Bắc Giang về Hà Nội dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, đôi lúc Đỗ Nhật Minh không khỏi chạnh lòng. Nhà văn Trần Ninh Hồ, Nguyễn Phan Hách, Trần Anh Trang đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ lâu cả rồi.
Anh em vẫn bảo, với sức làm việc, với chất lượng sáng tác, Đỗ Nhật Minh xứng đáng là hội viên Hội Nhà văn từ lâu. Có phải tại anh làm đơn muộn? Hay bởi lối sống âm thầm, lặng lẽ, nên ít người biết đến? Thi thoảng có việc về Hà Nội, lại như sự bất đắc dĩ, chỉ nhanh nhanh cho xong việc để nhảy ôtô về Bắc Giang, nên anh em ở Hội Nhà văn ít người biết tới anh?
Đỗ Nhật Minh thì cứ tâm niệm, mình lao động hết mình với thiên chức nhà văn trên trang sách là được rồi. Còn danh hiệu này nọ, cũng không quá quan trọng. Trong kỳ về dự Đại hội của Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang năm vừa qua, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có phát biểu trước toàn thể đại hội, là Hội Nhà văn Việt Nam còn mắc nợ, chưa kịp kết nạp nhà văn Đỗ Nhật Minh.
Câu nói của Chủ tịch Hội Nhà văn như cởi tấm lòng cho Đỗ Nhật Minh. Anh lại lặng lẽ và âm thầm viết. Ngoảnh đi ngoảnh lại, những người bạn viết thân thiết quanh anh đã ra đi vãn cả. Anh giáo trẻ, cây bút trẻ, nay đã là ông già tuổi thất thập. Nhớ lại những ngày tết, như thành lệ bao năm, mồng hai tết gia đình Đỗ Nhật Minh dọn mâm cỗ mời bạn văn đến sum vầy. Đấy là Anh Vũ, Nguyễn Thanh Kim, Duy Phi, Hoàng Kỳ, Đỗ Tiến Huy…
Sinh thời, nhà văn Lê Bầu từ Hà Nội về ăn tết cùng gia đình ở Thùng Đấu, Bắc Giang, bao giờ cũng đến góp vui. Nay thì các ông Lê Bầu, Anh Vũ, Duy Phi, Hoàng Kỳ đã đi về cõi bên kia cả rồi. Cuộc gặp gỡ bạn viết tân xuân tồn tại bao năm, rồi cũng phải tan, Đỗ Nhật Minh không khỏi bùi ngùi. Cái xóm nhỏ Dĩnh Kế nay đã là một phường của thành phố Bắc Giang.
Đỗ Nhật Minh vẫn thi thoảng đạp xe loanh quanh cái thị xã nay chuyển lên thành phố bên bờ sông Thương. Đi và ngẫm nghĩ sự đời. Những suy nghĩ, những cảm xúc, ùa vào trang sách khi nào không hay. Trong truyện ngắn “Bến bờ” in trong tập truyện mới của Đỗ Nhật Minh vừa được Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân phát hành, mượn lời nhân vật, người viết như tự nói với chính mình về bản ngã con người “Chết chẳng có gì đáng sợ. Hết sinh rồi đến tử. Hết mở mắt oe oe chào đời rồi phải đến lặng im nhắm mắt xuôi tay”. Lại nghe đối thoại về sự sống và cái chết trong truyện:
” – Bờ trông vậy mà không tới được. Cũng tại thuyền và cả người lái đò nữa. Và cũng tại cánh ta. Cứ nhấp nha nhấp nhổm, mới thấy mưa gió đã cuống cuồng hoảng loạn.
Câu chuyện xảy ra giữa vùng sông nước bời bời. Giữa một bối cảnh “Bất ngờ gió nổi lên. Bầu trời từ xanh nhợt bỗng đột nhiên xám lại. Lát sau, những đám mây đen từ chân trời lê lết kéo đến làm tối sầm cả một vùng. Mưa ào ào trút xuống. Gió quẫy mạnh. Con thuyền chỉ trong phút chốc bị lật, kéo mọi người xuống nước”. Trong tình huống bi khốc đó, con người vẫn phải hy vọng. Thời khắc nào thì con người vẫn phải cần hy vọng. Hy vọng có một bến bờ để cứu vãn mình.
– Ấy là cái bờ trông thấy, còn cái bờ trong tưởng tượng…
-Làm gì có bờ tưởng tượng!
-Thế cái bờ trong kinh Phật quay đầu là bờ chẳng là tưởng tượng hay sao?”.
Đọc tới đây, tôi lại nhận ra cái ung dung tự tại của một người từng trải, đã thấu hiểu cái vô hạn và hữu hạn của kiếp người. Có phải vì thế, bao năm, Đỗ Nhật Minh vẫn âm thầm, lặng lẽ ngồi viết trên mảnh đất miền sông Thương. Cho dù chính anh đã nhận thấy, cuộc đeo đuổi chữ nghĩa càng đi vào càng thấy xa xăm vô cùng.
Trong cuộc trò chuyện mới đây, Đỗ Nhật Minh khoe vừa viết xong tiểu thuyết “Người ơi”. Cuốn sách viết về số phận trầm luân của mấy thế hệ sống ở xóm Dĩnh Kế, cái xóm nhỏ ven thị, nơi quá nửa đời anh gắn bó. Viết xong, Đỗ Nhật Minh thấy người trống rỗng, như vừa rút hết tinh lực cho cuốn sách đó.
Tháng 9-2016
Vũ Từ Trang – Văn nghệ công an