Người về từ đảo
Bút ký của Trương Thu Hiền
Hôm nay biển lặng. Mặt biển lăn tăn sóng. Một quả cầu lửa phía chân trời từ từ đội biển nhô lên và những con sóng bắt đầu lấp lánh đỏ. Khi cả bầu trời và mặt biển rạng rỡ ánh hừng đông, tôi lên đường phóng xe ra Nhân Trạch.
Con đường chạy theo mép biển nối thành phố Đồng Hới với xã biển bãi ngang này mới mở dăm năm nay. Biển- dương xanh- cát trắng thừa sức làm chênh chao những tâm hồn phẳng lặng. Thừa sức nhấn chìm những tâm hồn chơi vơi. Nếu vào một buổi sáng khác, buổi sáng hôm qua chẳng hạn, tôi sẽ tự nguyện chìm. Chìm rất sâu. Tôi vốn thích cảm giác ấy bởi những lúc tự chìm như vậy tâm hồn tôi, cõi lòng tôi thanh thoát. Có người cho rằng như vậy là hèn. Là trốn chạy. Là chối bỏ cuộc sống. Cũng được, có ai tồn tại trên đời mà không một lần phải quay mặt khỏi hiện thực đâu?! Nhưng hôm nay, khi một mình trên con đường vắng, cũng biển ấy, cát trắng và dương xanh ấy tôi lại không là tôi hôm qua nữa. Chuyện về người đã một phen quyết sống mãi với quân thù để giữ yên biển đảo Tổ quốc tôi sắp được gặp cân chỉnh lại tâm thế tôi. Nguyễn Văn Thống, tên anh. Một người lính trên tàu 604- Trung đoàn Công binh 83- Quân chủng Hải quân Việt Nam tham gia xây dựng đảo Gạc Ma và bị hải quân Trung Quốc bắn trọng thương năm 1988. Vả lại với một người hiểu thế nào là liêm sỷ thì có lẽ khi biết, dù chỉ là mơ hồ thôi, rằng: Giữa cuộc đời ào ạt bon chen này còn có những con người đã một thời vào sinh ra tử cống hiến sức trai cho Tổ quốc như Thống, nay vì không muốn lụy phiền gia đình, vợ con và đất nước đang gắng mưu sinh bằng chút sức lực còn lại, mà mình cứ mãi chìm, mãi chênh chao, mãi lặn ngụp trong mộng ước hão huyền về một cuộc sống ngập ngụa vật chất thì quả là trơ trẽn.
Biển đảo Việt Nam (ảnh Internet)
Chợ Nhân Trạch buổi sáng. Cá. Tôm. Mực. Rau dưa. Hành tỏi… Giọng miền biển mặn như muối nhưng không khẳng khiu chao chát. Giữa không gian buổi chợ đông, đứng lặng mà nghe vẫn thấy người Nhân Trạch dù nóng nảy nặng lời vẫn có phần rông rải đằm địa. Cuối chợ, có một người đàn ông bán gạo muối, lặng lẽ và có phần khuất lấp. Đó là Thống, Nguyễn Văn Thống. Nếu không được một người bà con chỉ dẫn trước, nếu cứ theo sự hình dung kẻ vẽ của mình tôi sẽ không tìm được Thống. Thời gian trôi. Cuộc đời trôi. Vẫn biết chẳng có gì mãi mãi nhưng tôi đã lặng người khi đứng trước anh. Anh không lừng lững như tôi nghĩ. Không cuồn cuộn sức trai như tôi nghĩ. Không… không… và không… Thống chỉ còn một nửa.
Tôi đến. Thống điềm tĩnh nhìn tôi bằng con mắt còn lại. Không ra hồ hởi cũng chẳng tỏ vẻ lạnh lùng “Mời chị vô” rồi lặng lẽ ngồi bên góc chiếc giường đơn kê trong quán, nhìn vợi ra phía con đường nhỏ kéo dài xuống mép biển. “Nhiều người đến tìm tôi để hỏi về chuyện Gạc Ma, trong nước có, ngoài nước có, trên mạng đăng loạn xạ, nói đi nói lại mãi tôi thấy mình không ra răng. Muốn quên mà chẳng thể nào quên. Tôi rứa là được, còn thân xác, có vợ, có con, có chế độ…”. Im lặng. Tôi sinh sau Thống. Nói đúng hơn vào cái năm tôi vừa mới lớn thì Thống đã có mặt trong chiến sự ở đảo Gạc Ma- Trường Sa. Một bên là quân đội Trung Quốc được trang bị chiến hạm và vũ khí tối tân. Một bên là những người lính Việt với trái tim hiền hòa và tình yêu đất nước. Ngày 14 tháng 3 năm 1988, những dòng máu Lạc Hồng kiên cường yêu nước đã đổ trên biển Đông. Sự kiện ấy tôi chỉ biết qua các nguồn thông tin khác nhau và ý định đi tìm các anh- những người con của quê hương mình có mặt trong chiến dịch “CQ 1988” (Chủ quyền 1988) thôi thúc mãi trong lòng tôi. Vậy mà hôm nay, gặp được anh rồi, câu nói mở màn của anh làm bay biến bao nhiêu ý đồ tôi sắp đặt, đành phải hỏi một câu ngớ ngẩn không chịu nổi để mong kéo được anh trở về ngày 14 tháng 3 năm 1988 “24 năm rồi, chắc là anh còn nhớ…” Rất may Thống không nổi nóng vì câu hỏi được bình chọn là “bế tắc” của tôi, anh cất cao âm sắc “Nhớ! Cứ mặt trời lên là nhớ… Đó là một buổi sáng mặt trời lên đẹp lắm, như biển quê tôi hôm nay, nhưng máu của bộ đội ta đã đổ…” Sau đó thì chùng hẳn “Quê tôi miền biển. Tôi theo cha đánh cá từ năm 8, 9 tuổi. Nghe nói xa quê, xa biển là tôi sợ. Không sợ chi chỉ sợ nhớ biển thôi. May mắn là tôi được vô quân chủng hải quân. Với tôi ở đâu có biển ở đó là quê hương. Hồi nhỏ còn đi học, trong sách tập đọc có vẽ hình chú bộ đội hải quân ôm súng đứng gác tôi mê lắm!” “Đứng canh ngày canh đêm/ Ngoài xa vời hải đảo/ Kìa bóng chú hải quân/ Dưới trời xanh trứng sáo/ mặc nắng mưa gió bão/ Cây súng chú chắc tay/ Quân thù mà ló mặt/ Biển cả sẽ vùi thây”. “Đúng! Đúng! Ngày đó tôi ước chi mai mốt lớn cũng như rứa. Năm 1985, 21 tuổi, ước mong của tôi thành hiện thực. Hôm lên huyện nhập ngũ, biên chế vào Hải quân, được phát quân phục là tôi mặc vô ngay, về nhà ai cũng khen oai trai. Nhưng không biết vì đẹp trai quá hay răng, Chỉ huy nhận tôi làm liên lạc. Rứa là 3 năm chỉ quanh quẩn trên bờ. Sung sướng thiệt nhưng xa biển tôi buồn. Ở nhà tôi lặn ngụp ngoài biển cả ngày, đi Hải quân lại ở trong doanh trại, ngứa tay ngứa chân, da dẻ nhợt nhạt như bị đau chi. Tôi xin ra đảo. Ngày 11 tháng 3 năm 1988 tôi lên tàu 604 bắt đầu chuyến biển đầu tiên, cùng đồng đội nhận nhiệm vụ xây dựng đảo đá Gạc Ma. Kế hoạch đi 3 tháng…”. Thống gục đầu không nói. Tôi ngỡ ngàng “Nhưng ngày 14 tháng 3 đã xảy ra chiến sự…”, “Thì rứa… Đó cũng là chuyến biển cuối cùng trong đời lính của tôi. Kế hoạch xây dựng đảo 3 tháng chỉ còn lại 1 ngày… Nhưng tôi không ân hận. Đời trai mà ?!”. Tôi không dám hỏi những điều đã chuẩn bị trước khi thấy khuôn mặt vốn đã bị đạn pháo phạt mất một góc của Thống thay đổi liên tục. Ngoài kia chợ vẫn lao xao hỗn âm. Rất may Thống kể tiếp, có cảm giác như trong anh cuộc chiến đấu vừa mới xảy ra hôm qua “Tàu của ta ra đảo chỉ để xây dựng thôi. Có ai nghĩ đi để bắn nhau đâu. Sau một hải trình hai ngày hai đêm ròng rã, tàu 604 và hai tàu nữa là 605 và 505 đến vị trí cụm đảo Sinh Tồn vào chiều 13 tháng 3. Nằm trong Binh chủng Hải quân nhưng đơn vị của tôi là đơn vị công binh. Tàu 604 tôi đi được lệnh tập kết vật liệu xi măng, sắt thép, gỗ… để xây dựng nhà dàn trên đảo chìm Gạc Ma. Khi chúng tôi đến đảo một lúc thì thấy có nhiều tàu lớn của Trung Quốc lao tới. Vừa quần thảo quanh tàu của ta, họ vừa bắc loa kêu gọi chúng ta rút khỏi khu vực các bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Nhưng đây là Tổ quốc mình chúng tôi quyết tâm ở lại để xây dựng và bảo vệ. Công việc đầu tiên chúng tôi làm là cắm cờ Tổ quốc lên đảo. Tổ ba người: thằng Phương Quảng Trạch, thằng Lanh Quảng Ninh và thằng Tư được giao nhiệm vụ giữ cờ. Những trai biển bơi lặn giỏi như tôi cũng được lệnh rời tàu vào đảo yểm trợ. Gọi là yểm trợ nhưng chúng tôi không có vũ khí. Ở Trường Sa có nhiều loại đảo: Đảo nổi, đảo chìm hoàn toàn và đảo nửa nổi nửa chìm. Gạc Ma là một đảo chìm hoàn toàn. Thủy triều lên nước ngập đến ngực. Thủy triều xuống nước ngang đầu gối. Khi đó thủy triều lên, đảo toàn đá san hô không cắm cờ được, thằng Phương đứng trong nước giơ cao cờ. Trong cuộc đời gần 50 năm của mình, chưa bao giờ tôi thấy lá cờ Tổ quốc bay đẹp như buổi sáng trên đảo Gạc Ma. Nhưng súng Trung Quốc đã nhằm thẳng trái tim thằng Phương. Nổ! Trước khi hy sinh Phương còn hét vang mặt biển, át cả tiếng súng của lính Trung Quốc “Thà hy sinh chứ nhất định không để mất đảo…” rồi mới ngã xuống. Thằng Lanh thay Phương làm cột cờ sống, giằng co với lính Trung Quốc mãi, cán cờ gãy, Lanh quấn cờ quanh mình nhất định không để lính Trung Quốc giật được, mặc cho đạn và lưỡi lê lũ cướp biển găm tới tấp vào người… (Trần Văn Phương và Nguyễn Văn Lanh đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân). Tôi khi ấy là Tiểu đội trưởng bơi trở ra tàu chuẩn bị cơm nước tiếp viện cho anh em thì bị thương. Vào mặt. Vào tay. Vào chân. Anh em kết vào nhau thành vòng tròn bảo vệ đảo hy sinh gần hết… Quảng Bình mình mất 16 thằng… Tôi và hai thằng nữa, toàn Bố Trạch cả, bị thương, trôi lênh đênh trên biển suốt một ngày bà vào xin khất nợ đến chuyến biển sau. Tự nhiên thấy mình là người có lỗi trong chuyện này, tôi ăn năn nhìn Thống, có lẽ anh hiểu “Tôi mở cái quán này ra là để thấy mình đang sống trong đời thực. Ngày ấy xa rồi. Đồng đội cũng xa rồi. Đứa trong lòng đất. Đứa trong lòng biển. Há dễ mình ngồi không…”.
*
Chiến sự ngày 14 tháng 3 năm 1988 xảy ra trên đảo Gạc Ma đã làm buốt nhói triệu triệu trái tim Việt. Cả dải đất Quảng Bình mỏng như lá lúa đồng sâu ngày đó cũng quặn thắt âu lo. Trong hai phân đội công binh gồm 70 chiến sỹ nhận nhiệm vụ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trên cụm đảo chìm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa năm đó có rất nhiều chàng trai Quảng Bình tuổi mới 18 đôi mươi. Cả quê hương thấp thỏm, biết bao gia đình thấp thỏm mong nhận được tin lành. Nhưng 19 giấy báo tử, báo mất tích đã về trong tiếng nức nở đau buốt tâm can của những người mẹ, người vợ, người yêu ở Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ – Ninh. Một năm sau, ba gia đình trong số đó đột nhiên nhận được thư con. Đó là Thống cùng hai người đồng đội ở Liên Trạch và Tây Trạch. Bàn thờ nghi ngút khói hương 3 năm nay được giỡ xuống. Những gia đình có con báo mất tích lại một lần thấp thỏm ngóng đợi tin lành.
Đợi… đợi… đợi mãi đến hôm nay. Nhà thơ Xuân Hoàng có bài thơ “Trường Sa súng đã nổ” tôi may mắn tìm được trên mạng trong khi tập hợp tư liệu để viết bút ký này:
Trường Sa súng đã nổ
San hô đẫm máu người
Tàu chiến dập tên lửa
Lửa cháy ba ngày trời-
Những chiến sỹ Trường Sa
Giữ ngọn cờ Tổ quốc
Ngã xuống thành tượng đài
Giữa muôn trùng sấm chớp…
Tôi đọc cho Thống nghe. Con mắt còn lại của anh đỏ ròng và trên nửa khuôn mặt nguyên vẹn một nét buồn xa vời vợi “Tôi nhớ anh em!” “Nếu có thể anh vẫn ra đảo…?!” “Nói có, e mấy thằng bạn quân ngũ của tôi cười cho chết. Thương binh hạng nhất rồi gân guốc lên làm chi nữa. Việc nớ để con trai tôi…”. Sau ba năm rưỡi bị giam giữ tại Lôi Châu- Trạm Giang- Trung Quốc, năm 1991 sau Hiệp định bình thường hóa quan hệ hai nước Việt – Trung, Thống và 8 chiến sỹ hải quân của ta bị Trung Quốc bắt giữ sau chiến sự Gạc Ma được trao trả. Sau đó Thống được quân đội cho vào trại điều dưỡng thương binh nặng nhưng anh tình nguyện trở về quê. “Trái tim còn nguyên vẹn, tôi cũng yêu đương. Lấy vợ gái biển. Gái biển là phải biết nhưng đừng coi thường tôi là thương binh. Tôi vẫn làm cho cô ấy hạnh phúc và có hai con trai mạnh khỏe, khôi ngô. Quân chủng Hải quân Việt Nam sắp có hai chiến sỹ mới nữa đấy… Thương mấy thằng bạn ở lại ngoài biển, nhiều thằng chưa cầm được chéo áo ai…”. À ra vậy! Thống cũng có vẻ hài hước từ niềm kiêu hãnh giới tính. Có lẽ đó là bệnh trọng của tất cả đàn ông! Nhưng rồi anh bỗng có vẻ không yên, xoay trở liên tục, chân tay có duỗi liên tục và nữa khuôn mặt bị thương giật lên từng cơn, tôi lo lắng nhìn anh, “Trở trời, tôi đau! Nhưng không sao, có lẽ chiều sẽ bình thường”. Rồi anh đề nghị: “Ra biển tý đi. Những lúc như thế này nếu đi ra biển tôi thấy đỡ đau hơn…”. Biển Nhân Trạch sáng lòa ánh nắng. Bãi vắng người. Bơ nan, thuyền thúng, thuyền máy nhỏ… nằm im lìm sau một đêm mất ngủ. Bên bờ sóng còn lại mấy chân hương cắm sâu trong cát “Của tôi đấy. Ngày rằm, mồng một tôi ra thắp cho bọn hắn mấy que hương. Ít ỏi rứa đó mà ấm lòng bọn hắn. Có bữa tôi đau không ra được, bọn hắn về… Tôi có nói “Bây yên tâm, tau chưa khi mô quên bây cả. Tau không ra thăm bây được, ít bữa nữa con tau ra. Con thằng Phương cũng đi hải quân rồi…” Nghe những lời thầm thì của Thống với mấy thằng bạn trong lòng biển tôi bỗng nhớ đoạn thơ Trần Đăng Khoa viết ngày anh còn là lính đảo Trường Sa “Nào hát lên cho đêm tối biết/ Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây/ ta đứng vững trên đảo xa sóng gió/ Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này”. Mắt Thống sáng lên và anh dành cho tôi một cái nhìn đồng cảm. Một thoáng bâng khuâng lướt nhẹ vào tim “Ừ! Cuộc sống cần gì hơn thế!”./.
Đồng Hới – Nhân Trạch
Bút ký của Trương Thu Hiền
Nguồn: Toquoc