Nguyễn Đình Thi không có cái may mắn của Tô Hoài. Đến lúc cuối đời có đủ thời gian tâm sự cởi mở một đời văn chương. Một đời nghệ sỹ. Lại chiêu tuyết cho không ít người lăn lội cả đời trong chốn bút nghiên.

Tháng 4-2013, Nguyễn Đình Thi đã về cõi âm được 10 năm rồi. Người nghệ sỹ vào loại tài danh bậc nhất thế kỷ 20 có bao nhiêu tâm sự đường đời, đường văn. Chắc là viết ra cũng nhiều khúc đoạn trường lắm đây. Ở ông, tôi thấy có hai điều trăn trở lớn nhất đã day dứt sau nhiều năm cầm bút, những điều thôi thúc sự nghiệp văn nghệ của ông. Điểm xuất phát của sự trăn trở ấy không phải từ bản thân mình. Mặc dù ông là một tài năng lớn. Nguyễn Đình Thi xuất phát điểm từ lịch sử đất nước mình, từ truyền thống dân tộc mình. Ông nói: “Dân tộc Việt Nam ngoài lịch sử chống ngoại xâm, dân mình còn nhạy cảm với bi kịch làm người”. Trong dòng chảy của hưng vong đất nước, nền văn nghệ Việt Nam không thiếu tài năng. Nhưng “không có nhà văn dẫn dắt cho loài người sống”. “Ta là ai đây. Ta có cái gì. Ta có thể đóng góp cho nhân loại cái gì”. Điều thứ hai này, tôi cho rằng, thế kỷ 20 là sự kiểm chứng gần nhất. Và đó là hai điều trắc ẩn phủ một khoảng sáng mênh mông đầy ám ảnh toàn bộ thế giới tinh thần Nguyễn Đình Thi trên các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có thi ca.

Lịch sử thi ca 2000 năm sau công nguyên, người Việt mất hẳn đi 1000 năm đầu tiên không có thi ca của riêng mình bằng chữ viết. 1000 năm tiếp theo đã có 900 năm thi ca Việt được viết bằng chữ Hán theo niêm luật của người phương Bắc và viết bằng chữ nôm. Thứ chữ được xác âm định nghĩa trên tiết tấu của chữ Hán. Mặc dù vậy, 9 thế kỷ ấy, Thi ca là khúc ca bi tráng chủ yếu được viết trên mình ngựa chiến chống xâm lược, bảo vệ non sông và ấp ủ, hy vọng những nỗi niềm trắc ẩn về bi kịch làm người, thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa nhân văn. Thiên niên kỷ thứ hai chỉ còn 100 năm mà cũng đã đủ mở ra và hoàn thiện một cuộc cách mạng thi ca mau lẹ – Thơ ca viết bằng chữ quốc ngữ, chuyển tải sâu sắc và đầy nhạy cảm cốt cách và tinh thần Việt Nam thời hiện đại. Nguyễn Đình Thi là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của nền thơ ấy.

Nguyễn Đình Thi tiêu biểu cho thế hệ trí thức trẻ giầu hoài bão lý tưởng đi cùng Cách mạng, mang theo cả nền học vấn uyên bác và hiện đại vào những năm sục sôi lửa đạn giữa lòng thế kỷ trước. Họ giống như những người khổng lồ của thời đại phục hưng. Khát khao vì độc lập tự do của tổ quốc. Vì vậy ý kiến bảo Nguyễn Đình Thi là người khách sang trọng của cuộc đời này chưa hẳn đã đúng. Ông đã dấn thân vào cuộc Cách mạng của dân tộc với một lòng tin vào sự chiến thắng của chính nghĩa. Và trước sau ông tự nguyện là người lính binh nhì của lịch sử.

Có lần Nguyễn Đình Thi nói: “Tôi không phải nhà văn viết sau Cách mạng”. Ở lĩnh vực thi ca thì đúng là ông chỉ viết sau Cách mạng tháng 8 thành công và những năm đầu kháng chiến chống Pháp trở đi. Vào thời điểm sau Cách mạng tháng 8, hầu hết các nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới đều trải qua một sự nhận đường mau lẹ về mặt tư tưởng như bất kỳ người Việt Nam nào. Từ thân phận nô lệ của một đất nước chịu sự cai trị trực tiếp của ngoại bang trở thành công dân tự do của nước nhà độc lập. Mặc dù vậy, các nhà thơ của phong trào Thơ Mới, không dễ dàng thực hiện ngay những biến đổi trong sáng tạo thi ca. Trên phương diện này, Nguyễn Đình Thi có thuận lợi hơn họ. Ông tham gia văn hóa cứu quốc từ năm 1943; Từng nghiên cứu triết học và những tư tưởng mới của Cách mạng trước khi có cuộc Cách mạng. Nguyễn Đình Thi cùng Khuất Duy Tiến tham gia Quốc dân đại hội tại Tân Trào tháng 7 năm 1945. Ông là đại biểu quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946. Tôi thật bất ngờ khi biết chính con người có khuôn mặt chữ điền điển trai như trang nam tử trong thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử lại đã từng giao súng ngắn cho nhạc sỹ Văn Cao đi diệt ác trừ gian thời tiền khởi nghĩa. Nguyễn Đình Thi đã sớm đến với chính trị theo cách của người nghệ sỹ. Cuối năm 1947, ông đã viết tiểu luận Nhận đường như một định hướng chung cho anh em văn nghệ: “Tiếng súng kháng chiến nổ. Đường chúng ta thật rõ ràng, tất cả cho kháng chiến, tất cả cho dân tộc”. Vì vậy những năm đầu kháng chiến, trong khi các thi sỹ còn đang tìm đường cho sự đổi mới thi ca; Có một số người đã tìm về với thơ ca dân gian. Nguyễn Đình Thi bằng bản lĩnh và tài năng, trên đà thành tựu của thi ca thế kỷ 20, đã chủ trương và sáng tác thơ không vần. Bây giờ, câu chuyện về thơ tự do không vần tưởng như xa xôi, lung linh sương khói như hình ảnh chiếc áo trấn thủ của anh vệ quốc đoàn thời ấy. Thế nhưng vào năm 1949, còn là quá sớm để thảo luận thơ không vần, thơ Nguyễn Đình Thi. Bởi lẽ những thi phẩm của ông theo hướng này lúc đó chưa phải là nhiều và theo cách nói của các nhà kinh viện, những sáng tác đó còn trong giai đoạn thử nghiệm và chưa đến giai đoạn “chín” theo phương thúc trái cây và mùa vụ. Xét trên phương diện ấy, Thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi làm nổi sóng thi đàn mà không phải là “khoảng lặng của sự chuyển tiếp giữa hai nền thơ mà giai điệu chính là cái tôi và cái ta”. Các bài thơ không vần đem ra thảo luận lúc đó như Đường núi, Không nói, Sáng mát trong in trên Văn Nghệ chưa là những bài thơ hay nhất… Phải đợi đến từ 1950 trở đi  khi có Quê hương Việt Bắc… thì cuộc thảo luận đã đi qua mất rồi. Vì vậy, không ít những nhà thơ nổi tiếng và kể cả một số người làm công tác lãnh đạo văn nghệ không thích đến mức muốn đuổi cổ thơ không vần ra khỏi thơ ca kháng chiến. Thì cũng phải thôi. Truyền thống của thơ Việt Nam là thơ có vần. Vần là một thế mạnh để xâm nhập vào số đông của người đọc Việt Nam vào thời điểm đó. Nhưng lịch sử thi ca hơn nửa thế kỷ qua đã chứng minh điều Nguyễn Đình Thi làm là đúng. Thơ không vần không phải văn xuôi. Càng không phải là lối văn biến ngẫu cổ điển. Thơ không vần không bị ràng buộc lối bắt vần trong thơ ca cổ điển hay dân gian, không theo vần theo kiểu thơ của phong trào Thơ Mới 1930-1945. Thơ không vần của Nguyễn Đình Thi là những cảm xúc trữ tình cuốn theo nhịp điệu của cuộc sống, tạo nên một giọng thơ với nhịp đi dõng dạc và hào sảng không lẫn với ai được, nhất là khi ông dùng thể thơ 6 chữ xen lẫn những câu 7 chữ hoặc ngắn hơn.

Lạng Sơn những đồi lộng gió

Những đêm vang tiếng cọp gầm

Sông Kỳ Cùng ào ào sóng đổ

Những ngày mải miết hành quân.


Đến những năm cuối của thế kỷ 20, thơ không vần không phải là vấn đề tranh luận nữa. Đó là thể thơ tự do, không bắt vần theo các thể thơ truyền thống mà xuất phát từ mạch đập của đời sống, nhịp điệu thơ được hình thành một cách tự nhiên theo sự thăng hoa của nội dung cảm xúc, đa dạng mà biến hóa, không hình thành vần thơ theo kiểu cặp đôi 6-8 hay cách bắt vần trong thơ 7 chữ, 8 chữ v.v…


Nguyễn Đình Thi đã xuất bản 6 tập thơ. Người chiến sỹ. Bài thơ Hắc Hải. Dòng sông trong xanh. Tia nắng. Trong cát bụi. Sóng reo. Đời thơ của ông để lại cho thế kỷ 20 những bài thơ vào loại hay nhất và số đó không phải là nhiều. Đó là các bài: Quê hương Việt Bắc. 1950. Bài thơ viết cạnh đồn Tây. 1951. Nhớ. 1954.Đất nước. 1948. 1955. Em bảo anh (không ghi năm sáng tác). Chia tay trong đêm Hà Nội. 1967.Tia nắng (không ghi năm sáng tác).Lá đỏ. 1974. và Vào mùa thu. (không ghi năm sáng tác).

Đất nước, tình yêu và những nẻo đường thêu nắng là những cảm xúc và hình tượng đẹp nhất trong thơ Nguyễn Đình Thi.

Với Nguyễn Đình Thi, đất nước hiện lên lung linh màu sắc trong tiếng ca hát của tình người .

Lòng ta không ngừng ca hát

Ôi những núi chàm sáng ngời

Ta yêu những rừng Việt Bắc

Nơi ta khôn lớn nên người.

Đất nước chịu bao gian khó. Thương đau, vất vả in trên mặt quê hương và trên mặt mỗi con người.

Quê hương biết mấy thân yêu

Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau

Mặt người vất vả in sâu

Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn.

Đất nước là một trong số những bài thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi và của thi ca Việt Nam hiện đại về chủ đề này. Đất nước với những hình ảnh tươi sáng và rạng rỡ, lòng tự hào về núi sông tươi đẹp, về truyền thống lịch sử của những ngày xưa vọng nói về, đêm đêm vẫn rì rầm trong tiếng đất; đất nước của những truyền thống quật khởi trong đau thương chiến đấu vẫn ngời lên nét mặt quê hương. Sự đứng đậy của nước Việt Nam mới là hình tượng đẹp nhất về tổ quốc trong thi ca Việt Nam hiện đại.

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

Một đặc điểm nổi bật thơ Nguyễn Đình Thi viết về đất nước là cảm hứng bi tráng lịch sử luôn hòa quyện với sự tha thiết của tình yêu con người và hạnh phúc lứa đôi. Sự gắn bó tự nhiên của hai luồng cảm xúc ấy làm cho thơ ông vừa hào hùng vừa thân thương gần gụi. Và cũng chỉ những cây bút tài năng như Nguyễn Đình Thi mới làm nên sự giao hòa một cách tự nhiên hai tình cảm xuất phát từ niềm trắc ẩn của ông về vinh quang với nhạy cảm của bi kịch làm người như là cỗi rễ nhân văn làm nên sự hài hòa ấy. Ở đất nước khói cam tuyền mờ mịt thức mây gần hết thế kỷ. Hàng triệu người đi ra chiến trường mà nhiều người trong số họ không trở về nữa thì vinh quang và khổ đau ngấm vào từng thước đất, bờ cây ngọn cỏ, vào từng thân phận của mỗi một con người, vào từng mái nhà, bếp lửa. Không có một ai ở ngoài cuộc cả. Và do đó không ai có quyền quên lãng. “Ta không quên từng đêm lặng ánh đèn. Giọt nước mắt người rơi xa vắng. Những nẻo đường khuya sớm. Bấy nhiêu năm gió bụi chiến trường. Mưa nắng lăn mình trong lửa”, để tất cả vì tổ quốc bình yên.


Gió ào ào nghìn nỗi nhớ

Khóm cúc bên đường nghiêng ngả

Dòng sông cuộn mãi hiền từ.

Đã có một lúc trong kháng chiến chống Pháp, người ta “dị nghị” với ông về việc viết thơ tình! Mặc dù thơ tình của ông viết ra không phải là nhiều. Nhưng bốn bài thơ tình đặc sắc của Nguyễn Đình Thi đã sống trong sổ tay riêng tư của nhiều thế hệ người đọc Việt Nam thời hiện đại. Nhớ (gửi M), Em bảo anh, Chia tay trong đêm Hà Nội và Lá đỏ.Thơ tình yêu của Nguyễn Đình Thi trở nên gần gụi với mọi người vì gắn bó cái riêng có của ông vào cái chung muôn thuở của cuộc đời. Soi cái tình riêng vào cái tình chung của đất nước quê hương. Gửi M:

Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần

Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn.

Từ đất nước, tình yêu đến những dải đường thêu nắng như những gì đẹp nhất, thiêng liêng nhất để thi sỹ bày tỏ tâm tình. Nắng trong thơ Nguyễn Đình Thi như có hồn người phát sáng. Nắng là màu sắc của tình yêu đất nước và sự thủy chung của mỗi cuộc đời.

Việt Nam đất nắng chan hòa

Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh

Mắt đen cô gái long lanh

Yêu ai yêu chọn tấm tình thủy chung.

Đó là tình yêu thanh khiết nhẹ nhàng như nắng của người con gái làm cho cuộc đời này trở nên tươi sáng hơn.

Em đấy ư, tia nắng đến khẽ

trong căn nhà nghèo nàn của anh

Mỗi hạt bụi bay thành hạt vàng.

Và nắng như một khải huyền của mùa Thu bất tử, tiềm ẩn những giấc mơ về hạnh phúc đời người.

Như có vàng bay trong nắng

Những hàng cây sáng trên cao.

Những năm cuối đời. Đoạn đường ngắn mà cũng thường dài nhất của các thi nhân. Nguyễn Đình Thi thấy gì? nghĩ gì? – không có gì khác. Tình yêu thương và nắng ấm. Ông tự đặt câu hỏi cho mình trong Niềm nhớ: “Hỡi người sắp đi xa, người có muốn đem theo gì nữa không”. Và ông tự trả lời: “Tôi chỉ mong được một vài ánh mắt nhìn quyến luyến”. Tiếp theo là câu hỏi cuối cùng: “Người có muốn gửi lại gì không?”. Tôi chờ đợi câu trả lời này của Nguyễn Đình Thi cái gì đó thật triết học, thật lớn lao của người nghệ sỹ đa tài ấy? Nhưng không. Đó chỉ là một điều giản dị mà bất kỳ ai sống trên thế gian này đều có. Đó là xuất phát điểm cũng là lâu đài ánh sáng cuối cùng trên dương thế của một đời người: “chút nắng ấm cho người tôi yêu thương”. Và từ đấy tôi mới hiểu tại sao những năm cuối đời Nguyễn Đình Thi còn nghe được tiếng ầm ì của “Núi gầm vào mùa Thu”; Còn nhìn thấy được ánh lửa xa xôi của tình yêu tha thiết “mùa thu vàng hoe đôi mắt xa, anh ngồi giữa đáy buổi chiều, lúa ào vào mặt”; Còn cảm thấy được đêm mưa ở bài thơ cuối cùng đứng trong toàn tập chân dung người nghệ sỹ bạc trắng mái đầu mà tình yêu cuộc đời vẫn ướt đẫm nhành lan tím trên bàn tay mưa… Vào năm 1990, ông đã gửi lời chào tạm biệt cuộc đời, khi đứng dậy đi theo cái bóng của mình đến hẹn đã lên. Bao nhiêu bề bộn, ngổn ngang của cuộc đời còn để lại “Mong anh em hiểu đừng cười. Tôi gửi lại đây chìa khóa. Tất cả cửa nhà tôi đó. Ngổn ngang qua tạm cuộc đời”.

Không thể không nói những bài thơ không hay của một thi tài. Nói ra để thấu hiểu trong cõi thơ mênh mông của cuộc đời này, còn lại ít lắm những vần thơ để lại cho đời sau; càng ít hơn những vần thơ dẫn dắt cho loài người sống như trăn trở của Nguyễn Đình Thi. Để hiểu thời đại mà ông đã sống. Nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng không chấp nhận tồn tại lâu dài của cái trung bình. Sự sàng lọc tàn nhẫn của lịch sử và thời đại không để cho những trường ca và thi sỹ trung bình trên giá sách của thời gian. Nhưng sẵn sàng để lại, dù chỉ một câu thơ thôi, nếu đó là trác tuyệt.

Vào những năm đầu của thơ ca kháng chiến chống Pháp và kể cả sau này trong thời chống Mỹ, không ít nhà thơ, thậm chí là những nhà thơ nổi tiếng, trên con đường tìm tòi khám phá đầy gian khó và vật vã, đã để lại những sản phẩm, những đứa con tinh thần mà chính những cha đẻ của nó sau một thời gian cũng không muốn nhìn nhận nữa. Đến giữa tháng 8-1995, sau gần 15 năm đổi mới, Nguyễn Đình Thi tâm sự: “T. C nói: bây giờ đến củ khoai còn thiếu, còn thơ anh Thi thì như kem nước đá”… Sau đó tôi đi cải cách và viết Mẹ con đồng chí Chanh được in nhiều lần, tái bản 6 lần và đem bán lẫn với hàng ở cửa hàng xén. Khương Hữu Dụng bảo: “ông Thi mà phải làm thế này thì liệu mà viết”. Đọc lại Mẹ con đồng chí Chanh và một số bài thơ không hay khác vào lúc thế kỷ 21 đã đi được hơn 10 năm rồi mà vẫn thấy một số bài thơ ông viết theo phong trào quả là không hay thật. Nó không có trên giá sách của thời gian. Bài Vè du kích viết năm 1949. Thơ vè quá hóa vè thật. Bài thơ dài Mẹ con đồng chí Chanh. Tư tưởng rất sáng. Nhưng tiếc thay tác giả tập Kiều nôm na quá, quên mất cảm xúc và hình tượng thơ. Nôm na đến mức ông đã làm người đọc cứ tưởng già Lê, một ông lão khi ẩn khi hiện trong bài thơ ấy là vãi Giác Duyên của Truyện Kiều… Một số bài thơ sáng tác những năm 1970 như Đồng đội. 1972. Bay đêm. 1972.Chị huyện ủy đến thăm sân bay. 6-1972… Dường như cũng viết theo phong trào. Lúc đó ông đã tạm quên niềm trắc ẩn và bản lĩnh của một nhà thơ lớn?

Hàng triệu độc giả mê Nguyễn Đình Thi không chỉ ở văn nghiệp mà cả cái chất nghệ sỹ hào hoa phong nhã của ông. Mùa hè năm 1970, Nguyễn Đình Thi đến khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội nói chuyện văn chương. Ông diện chiếc áo sơ mi cộc tay màu xanh da trời, có hai túi nắp trên ngực. Vừa trẻ trung vừa thanh lịch. Cái miệng cười rộng rãi, để lại ấn tượng mãi không quên. Hàng trăm sinh viên dán mắt nghe ông diễn thuyết. Giữa lúc cao trào, Nguyễn Đình Thi tay đang cầm điếu thuốc lá hút dở, vô tình đưa nhầm phía đầu thuốc than đen đã tắt lửa vào đầu môi. Hút… Hội trường nổ một hồi vỗ tay dài… Sinh viên mà lại, chúng tôi cho đấy là dấu hiệu đãng trí của thiên tài… Từ dạo ấy, mỗi khi đọc Nguyễn Đình Thi. Văn Xuôi. Kịch. Thơ. Lý luận phê bình. Tôi có cảm giác quên đi con người cụ thể của ông. Chỉ thấy dặng núi chàm sáng ngời trước mặt. Thế hệ ông như những người từ bên kia núi ấy trở về. Theo tiếng gọi rầm rì của Đất. Và lịch sử không có sự lặp lại y nguyên như thế nữa.


Hà Nội 8-2013

Nguồn: Văn hóa Nghệ An