Vào những ngày cuối năm 2011, tôi được đọc cuốn Cô bé gan dạ, tập sách gồm những truyện do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sáng tác từ những năm 1940 trong Tủ sách Hoa Xuân vừa được sưu tầm, do Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và Nhà xuất bản Văn học cho ra mắt bạn đọc. Đọc những trang sách từ hơn 70 năm về trước và được nhìn tận mắt các bản chụp phim những trang sách in từ ngày xửa ngày xưa, lòng tôi không khỏi xúc động.
Phải chăng, từ những ngày xa xưa ấy, những nhà văn trẻ tuổi Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng mới khởi nghiệp những trang viết đầu đời của mình trong một dòng chảy văn học chữ quốc ngữ đang bạo phát sung mãn, đã khơi mạch ra một nhánh văn trong vắt như suối đầu nguồn: văn học dành cho trẻ em Việt Nam.
Nếu nhìn vào chiều sâu lịch sử của văn hóa dân tộc, chúng ta đều thấy rằng văn học dành cho trẻ em ở ta đã tồn tại từ lâu đời dưới dạng văn chương truyền miệng qua những bài hát đồng dao, trò chơi dân gian, truyện cổ tích, giai thoại và truyện dã sử về các nhân vật anh hùng… Khi công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ đã được các nhà văn hóa yêu nước Việt Nam dấy lên thành một phong trào rộng lớn, mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng là một thành viên tích cực của phong trào này, nhu cầu phổ biến văn hóa cho thế hệ trẻ có lẽ đã thúc đẩy sự ra đời một thể loại văn học mới, được hiện hình như một loại sách riêng: Tủ sách Truyền bá, Tủ sách Hoa Xuân, Tuổi Hồng, Tuổi Xanh… dành cho lứa tuổi thanh thiếu nhi, ra đời trong những năm 1940, 1941, 1942… Cũng chính từ đây, tác phẩm bất hủ Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài đã xuất hiện.
Trong lời giới thiệu tập Cô bé gan dạ, anh Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã cho bạn đọc biết, nhà văn trẻ khi ấy 27, 28 tuổi đời, đã hăng hái tham gia phong trào Hướng đạo, một tổ chức tập hợp những thanh thiếu niên giầu nhiệt huyết, yêu đời, tràn đầy lòng tự hào dân tộc… Từ sở trường riêng sớm xác định cho mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã hướng suy tư thẩm mĩ của mình vào việc tìm hiểu kho tàng truyện lịch sử và cổ tích của dân tộc. Không chỉ làm công việc sưu tầm “Kho tàng truyện cổ tích” như nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi, hay sưu tầm “Tục ngữ phong dao” như học giả Nguyễn Văn Ngọc, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với ý thức sáng tạo đã xuất phát từ truyện cổ tích sưu tầm ở dân gian như Cô bé gan dạ và sau này là Tìm mẹ, viết nên những truyện ngắn như huyền thoại, làm ra một bản sắc riêng trong văn học cho thiếu nhi.
Có thể nói rằng trong các tác phẩm xinh xắn này, dưới ngòi bút của nhà văn, tiếng Việt đã trở nên tinh xảo và sinh động, có sức gợi mở trí tưởng tượng cho người đọc. Ta hãy đọc đoạn mở đầu truyện Cô bé gan dạ: “Một buổi chiều thu. Mặt trời đã lặn, gió may thổi rợn người. Cách độ mươi bước về phía đầu làng Thần Quyết, dựa vào một cái hồ rộng thông ra sông, ngôi đền của làng ẩn trong một rừng cây um tùm, âm u, lạnh lẽo trong khói sương…”.
Có một điều lạ là, từ cách đây hơn 70 năm, khi mà tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn vô cùng nặng nề, thậm chí ngay cả tác giả khi ấy không biết đã nghe nói đến mấy chữ “văn học nữ quyền” chưa? Thế mà ông đã viết nên một truyện ngắn có thể nói là đầy khích lệ cho “phái yếu”: Truyện Cô bé gan dạ thể hiện hình ảnh một cô con gái liễu yếu đào tơ, dám liều mình nhận làm vật hiến sinh cho con quái vật, để rồi đối mặt chiến đấu với mãng xà và cuối cùng đã chiến thắng, diệt trừ được mối tai họa cho dân làng. Đọc câu chuyện này, tôi càng hiểu hơn ý thức, tấm lòng của Nguyễn Huy Tưởng khi ông tâm niệm: “Văn chương viết cho thiếu niên phải cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng bột bột, mà vẫn biết lẽ phải, và vẫn biết thương nhau”. Điều này sẽ còn được tác giả thể hiện rõ nét hơn, hào hùng hơn trong Lá cờ thêu sáu chữ vàng sau này.
Phải chăng tâm huyết về một dòng chảy văn học riêng cho trẻ em đã thôi thúc ông và nhà văn Tô Hoài cùng những người đồng chí khác sáng lập ra Tủ sách Kim Đồng trong những ngày kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc, và sau này khi hòa bình mới lập lại, ông là người đảm nhiệm chức vụ giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng, ra đời năm 1957 ở thủ đô Hà Nội.
Cuộc đời không dài của ông với biết bao công việc bề bộn cùng những đam mê sáng tạo các tác phẩm lớn như Sống mãi với Thủ đô… khiến ông chưa có nhiều dịp để bày tỏ ý kiến của mình về văn học thiếu nhi. Tuy nhiên từ những tác phẩm ông để lại cho đời, từ những việc làm có ý nghĩa hệ trọng nhất của ông cho sự hình thành và phát triển nền văn học thiếu nhi Việt Nam, tất cả khiến cho những người làm công tác văn học thiếu nhi sau này luôn luôn nhớ đến ông.
Đã có nhiều bài nói về những tác phẩm viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng, những bài của đồng nghiệp, bạn bè, các nhà nghiên cứu như Tô Hoài, Vũ Ngọc Bình, Văn Hồng, Vân Thanh… Và cũng đã có nhiều cuộc hội thảo về sự nghiệp văn học của ông trong đó có phần sáng tác cho thiếu nhi. Nhưng hình như mỗi lần đọc lại tác phẩm của ông, ta lại thấy sáng ra một điều gì khác. Rõ ràng nhờ có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhờ có sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng mà ta mới có thể khẳng định được dòng chảy bền bỉ, thôi thúc của văn học thiếu nhi Việt Nam. Tìm đọc những sáng tác của ông, ta mới càng thấy việc viết cho thiếu nhi là một sự nghiệp đòi hỏi công phu, tinh tế và có ý nghĩa lâu dài, bởi nó tác động vào tâm hồn, tạo nên nhân cách văn hóa cho những con người còn măng tơ.
Tôi tin rằng, trong những lúc văn học thiếu nhi Việt Nam trải qua thăng trầm, có khi lúng túng về phương hướng, thậm chí đi đến bế tắc, việc đọc lại các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là điều hết sức có ý nghĩa. Con đường đến với tâm hồn trẻ em, đi sâu vào cội rễ văn hóa của dân tộc để tiếp tục sáng tạo ra cái mới cho hôm nay là một bài học chưa bao giờ cũ với công việc sáng tạo của các nhà văn, ngay cả khi đất nước đã hội nhập văn hóa với toàn nhân loại.
Kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng chính là một dịp để chúng ta tưởng nhớ đến ông và cũng là một dịp để chúng ta cùng đọc lại những tác phẩm của ông như một sự truyền lửa, một ngọn lửa ấm áp, tỏa sáng cho văn học thiếu nhi hôm nay.
Tháng 3/2012
Lê Phương Liên
Nguồn: TCNV 05/2012.