(Toquoc)- Đã có những cuộc tranh luận, bài viết về tác phẩm của những người viết trẻ thời gian gần đây. Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, trong đó không ít những ý kiến trái chiều.

Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn với những người trong cuộc, những nhà văn trẻ đang viết trong dòng chảy văn học hiện nay về những vấn đề đang được quan tâm như đề tài, phong cách, sự nhìn nhận của độc giả… Đó là Lê Minh Nhựt ở Cà Mau, Hoàng Chiến Thắng ở Bắc Kạn, Ngô Thị Hạnh ở thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Phú ở Hà Nội.

PV: Có ý kiến cho rằng đa số các nhà văn trẻ hiện nay chỉ viết những thứ nhàn nhạt, nông toèn, quanh quẩn nhu cầu cá nhân mà chưa vươn lên được những đề tài lớn hơn, anh/chị nghĩ sao về điều này?

Lê Minh Nhựt: Tôi chưa hiểu lắm về cái gọi là “nhu cầu cá nhân” mà anh đặt ra ở đây, nếu hiểu một cách tích cực: “nhu cầu ấy là cần thoát khỏi cái tôi của mình và cái bóng của người khác”, thì tôi cho rằng: viết về “nhu cầu cá nhân” không phải tất cả đều là “những thứ nhàn nhạt, nông toèn”. Còn về đề tài lớn hơn ư? Tôi nghĩ: Không chỉ nhà văn “trẻ” mà cả nhà văn “già” – lúc nào cũng không ngừng khát khao vươn tới (còn “tới” hay không thì lại là một chuyện khác!).

Hoàng Chiến Thắng: Nhàn nhạt, nông toèn điều này đâu chỉ ở mỗi nhà văn trẻ. Tôi cho rằng nông hay nhạt chính ở mỗi người viết. Nếu không thực sự bám sát đời sống, không thực sự sống sâu và sống nhiều đời sống khác mình thì dù là nhà văn già cũng vẫn nhạt. Còn nếu bảo “chỉ… quanh quẩn nhu cầu cá nhân” là chưa xác đáng. Vậy Cánh đồng bất tận có phải chỉ là nhu cầu cá nhân? Hay như Cửa Bắc của Nguyễn Anh Vũ, rồi những truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, Kín của Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp hay như X quang một tâm hồn của Hoàng Hải Lâm, rồi truyện ngắn Uông Triều chẳng hạn, nếu để kể, còn nhiều nhiều nữa, liệu đó có phải là quẩn quanh nhu cầu cá nhân? Còn đề tài lớn ư, tôi không quan tâm lắm đến vấn đề này. Vấn đề là giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm chứ đâu phải vấn đề đề tài.

Ngô Thị Hạnh: Mỗi cá nhân đều có đời sống riêng, người viết đem được cái riêng đó vào tác phẩm là đã nói lên được vấn đề của con người. Tôi không nghĩ những nhu cầu của cá nhân (thuộc về con người) lại nông toèn hay nhàn nhạt. Những thứ thuộc về con người đều đáng để viết và suy tư. Chuyện gia đình, tình yêu, thiếu nhi, hay giới tính… đều là những vấn đề chung của nhân loại. Điều cần bàn là cách đặt vấn đề, chất văn và tính ẩn dụ của văn chương. Nếu nhà văn trẻ chưa có tác phẩm lớn hay được đánh giá cao là bởi vì họ chưa dùng hết khả năng hoặc chưa đủ tài để sáng tạo. Tôi không đồng tình với ý kiến trên.

Nguyễn Phú: Nếu nói “các nhà văn trẻ” thì hơi… vơ đũa cả nắm! Nhiều nhà văn trẻ đang “đại phẫu”, “ăn dần, ăn mòn” mình, nhưng cũng không ít nhà văn trẻ mà những gì họ viết ra là những nhịp rung vang vọng, đau đớn và tinh tế trước con người và cuộc đời. Bạn có thể tin tôi khi đọc Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy…

PV: Hơn thế nữa, các nhà văn trẻ không chỉ chịu sự đánh giá nghiêm túc của những người đi trước mà còn bị các bạn đọc thời nay theo dõi “sát sạt”, có người thậm chí cho rằng các văn trẻ chưa làm được điều gì đáng kể?

Lê Minh Nhựt: Câu này làm tôi lại liên tưởng tới việc người ta ép dầu phụng. Nếu ép không ra dầu thì có hai lý do: hoặc là kỹ thuật ép hoặc là hạt đậu phụng có vấn đề.

Hoàng Chiến Thắng: Nhà văn trẻ luôn mong muốn có được những nhận định, đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn. Những nhận định trên cũng là sự an ủi, khích lệ động viên; bởi dù sao chúng tôi vẫn đang được quan tâm, bạn đọc không bỏ rơi nhà văn trẻ, mọi đánh giá, nhìn nhận chính là một tín hiệu, là minh chứng cho điều đó. Còn với những người đi trước, đôi khi chưa hẳn đã đúng. Không phủ nhận có người theo dõi kĩ lưỡng, theo dõi một cách có hệ thông đời sống văn học trẻ tuy nhiên cũng rất nhiều người có khi không đọc, phẩy tay rồi phán… và cứ trẻ là không đáng bàn, kiếu như có gì mà nói, mà đúng, có đọc đâu mà có gì để nói.

Ngô Thị Hạnh: “Văn trẻ” theo nghĩa dùng ở trên là những người viết dưới 35 tuổi? Theo tôi thì họ còn chịu nhiều áp lực khác đến nỗi khó có nhiều thì giờ để ngồi trước trang viết mỗi ngày. Nhà văn trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh đa số làm báo, nhà văn trẻ ở Hà Nội thì làm trong các hãng phim hoặc nhà xuất bản… thật hiếm người chỉ làm nhà văn. Tôi thấy nhà văn trẻ dành thời gian cho trang viết ngày càng thưa dần. Nhưng nếu tính thành tựu của những nhà văn thế hệ 7x thì tôi thấy họ đã làm được nhiều điều đáng kể. Chỉ tính riêng về tác phẩm, họ đã thực sự rất nỗ lực rồi. Còn nếu chỉ tính thế hệ 8x, 9x… thì quả thực như lời nhận xét.

Nguyễn Phú: Đưa ra nhận định như vậy là quá khắt khe với nhà văn trẻ. Tôi thấy nhà văn trẻ đã làm được nhiều điều cho văn học nước nhà: Họ đang tiếp tục dòng chảy văn học Việt và đang nỗ lực hòa vào biển lớn văn chương thế giới; Họ đã xây dựng được một đội ngũ khá đông đảo và chuyên nghiệp. Và tác phẩm của họ (xét về mặt bằng chung) thì cũng không thua kém những giai đoạn trước đây…

PV: Nhiều người nhận định văn học hiện thời chưa có đỉnh cao, quan điểm của bạn về đỉnh cao là thế nào? Liệu những người trẻ có thể làm được điều gì đó?

Lê Minh Nhựt: Những người trẻ đã và đang làm “được” đấy chứ, tuy chưa “to tát” và “dày dặn” như những “người già”. Nếu chịu khó đọc họ thì sẽ thấy, đừng cứ mãi hoài nghi!

Hoàng Chiến Thắng: Đỉnh cao, quả thực tôi cũng không hình dung được đỉnh cao mà người ta đang nói ấy được xét với tiêu chí nào. Nếu như Nguyễn Du là một đỉnh cao thì liệu sau Nguyễn Du có mấy đỉnh cao. Và liệu trong giai đoạn ấy, có mấy người dám cho Nguyễn Du là một đỉnh cao, cũng như nhận định đúng về truyện Kiều. Còn làm được gì đó thì những nhà văn trẻ không ai dám khẳng định, nhưng có một điều chắc chắn họ vẫn viết, vẫn âm thầm miệt mài với chữ nghĩa, còn làm được gì đó hay không để người đọc và giới phê bình đánh giá nhận định.

Ngô Thị Hạnh: Theo tôi, đỉnh cao của văn chương khó lòng đo được bằng giải thưởng, lại càng khó có thể đo được ở số lượng độc giả trong tình hình xuất bản sách và mạng hiện nay. Thước đo của văn chương đỉnh cao hiện nay quả là khó vì không có đội ngũ phê bình văn học theo từng giai đoạn và từng thế hệ. Đội ngũ sáng tác thì có thể còn đếm trên đầu ngón tay theo từng thế hệ cách nhau 15 năm, đội ngũ phê bình thật khó đếm. Việc phê bình văn học cũng ít được đại chúng quan tâm, vậy thì biết làm sao để đánh giá tác phẩm đỉnh cao của thời đại? Bản thân tôi chỉ có thể cảm nhận đỉnh cao văn chương dựa vào thẩm mỹ văn học của cá nhân mình và các anh chị nhà văn đi trước. Không có thước đo chung hay định vị tác phẩm bằng những tiêu điểm được đặt ra từ trước. Vì tôi là người sáng tác, không phải người phê bình văn học.

Còn việc tin tưởng vào chính mình hay vào những bạn sáng tác trẻ thì tôi có cơ sở để tin tưởng. Cơ hội với chúng tôi có đủ, nền tảng kiến thức văn học hay đời sống cũng đã được trang bị, điều quan trọng với chúng tôi là tâm huyết với nghề và động lực để không ngừng sáng tạo. Tôi tin văn chương không thể chết.

Nguyễn Phú: Đó là tác phẩm vượt không gian địa lí, văn hóa của một quốc gia, dân tộc… vươn tầm nhân loại; là tác phẩm vượt thời gian. Để có tác phẩm đỉnh cao ngoài yếu tố tài năng, sự tận hiến của nhà văn hay yếu tố xã hội… đôi khi phải “trời cho” thì mới có được. Đội ngũ những người viết trẻ hiện nay không quá hiếm tài năng. Họ vẫn đang khát khao, vật vã với những đứa con tinh thần của mình. Hy vọng tác phẩm đỉnh cao sẽ sớm xuất hiện.

PV: Còn một vấn đề được quan tâm khác đó là cách viết, có quan điểm cho rằng các nhà văn trẻ mới làm được cái vỏ hình thức bên ngoài, vấn đề cốt lõi là nội dung thì chưa chạm đến được, đó có phải là sự thực?

Lê Minh Nhựt: Sự thật là: Cái “vỏ” hình thức và “ruột” nội dung chưa thật “đồng bộ”!

Hoàng Chiến Thắng: Các nhà văn trẻ mới làm được cái vỏ hình thức bên ngoài. Một quan điểm, một nhận định hết sức quăng chài. Như tôi đã trích dẫn một số tác giả ở trên, nếu những người đưa ra quan điểm ấy đã từng đọc một số tác giả này thì tôi tin sẽ không có nhận định đó, và nếu nhận đinh đó đúng thì cũng chỉ một bộ phận nhà văn trẻ chứ không phải là tất cả.

Ngô Thị Hạnh: Theo tôi thì không phải. Có người hời hợt, có người sâu sắc; có người ẩu thả, có người cẩn trọng. Nếu nói “vấn đề cốt lõi là nội dung thì chưa chạm đến” do nhà văn đó còn trẻ thì không chính xác. Những nhà văn già hay có kinh nghiệm vẫn phạm phải lỗi này khi viết về những đề tài mình chưa thực sự thẩm thấu. Nhà văn trẻ viết về những điều họ đang trải qua vẫn có thể rất sâu sắc, táo bạo hoặc đau đáu. Tác phẩm thì có rất nhiều để chứng minh (Nguyễn Ngọc Thuần với Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận, Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè, Nguyễn Danh Lam với Giữa dòng chảy lạc….), tuy nhiên, đó có phải là tác phẩm đỉnh cao hay không thì còn tùy thuộc vào tiêu chí chọn lựa của thời đại và nhất là những nhà phê bình văn học nhiều tâm huyết.

Nguyễn Phú: Những năm gần đây, đúng là nhiều nhà văn trẻ quá thiên về kĩ thuật viết. “Cách tân”, “hậu hiện đại”, “làm mới”… là những lời “tuyên chiến” của họ đối với lối viết kinh điển, truyền thống. Nhưng xem ra, họ đã quá mải mê nhào nặn, tô vẽ cho chiếc bình mà quên rằng phải chưng cất bên trong chiếc bình thứ men say gây “choáng váng”, “chấn động”… chứ không phải là thứ nước lờ lờ, nhạt toẹt!

* Cám ơn anh/chị về cuộc trao đổi thẳng thắn này.

Uông Triều thực hiện

Exit mobile version