Giới thiệu tác giả
Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn trẻ Lê Thị Kim Sơn.
Gồm các truyện ngắn sau:
2. Làng.
3. Buổi trời nhuốm đỏ.
4. Cây cảm xúc
5. Phóng sanh
Nhà văn Lê Thị Kim Sơn sinh năm 1986, quê quán ở Hoàng Hoá, Thanh Hoá, hiện đang làm giáo viên dạy mĩ thuật tiểu học tại huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai. Bén duyên với văn chương đã khá lâu nhưng Lê Thị Kim Sơn viết khá lặng lẽ, không thích ồn ào phô diễn, mỗi tác phẩm như một lời giãi bày, tâm sự giống như Sơn đã từng nói về trang viết của mình: “Lời ngắn quá lại chưa đủ ý, lời dài nghe chừng lê thê quá, như một cuộc dạo chơi bất ngờ cất tiếng thở dài muốn giãi bày cũng ai đó”.
Năm 2012, truyện ngắn Những nụ cười bị đánh cắp của Sơn được bình chọn Top mười truyện ngắn hay của báo Văn Nghệ Trẻ. Truyện ngắn Giấc mơ lơ lửng được bình chọn Truyện ngắn hay nhất năm 2020 của Tạp chí Sông Hương. Năm 2020 là một năm đầy bứt phá của Lê Thị Kim Sơn khi ra mắt bạn đọc hai tập sách là tập tạp bút Hoa nắng Tây Nguyên và tập truyện ngắn Hẹn yêu.
Lê Thị Kim Sơn viết truyện theo cảm xúc, không bị bó buộc, hay ám ảnh thiết chế kỹ thuật viết, nên đọc truyện của Sơn không bị khô cứng và sáo ngữ. Với lối viết nhẹ nhàng, cùng đồng cảm, ngậm ngùi và cùng giằng xé với số phận của nhân vật, Sơn khiến cho độc giả cảm thấy xót xa hơn cho từng cuộc đời, những tấn bi kịch trong cuộc sống hiện đại, khiến người đọc chạm đến nhiều cung bậc cảm xúc, suy tư về những mất mát trong cuộc đời và giúp người đọc biết trân trọng hơn giá trị của tình yêu, cuộc sống.
NGƯỜI TRỐN BÃO
Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn
– Đồ hư hỏng, mất nết, lăng loàn, thứ đàn bà thối thây, đĩ bợm mà cao giọng với tôi à?
Sau mỗi từ, mỗi hừ, mỗi nghiến răng của anh thì đầu chị lại bị đạp bộp bộp xuống nền gạch bông, đến hoảng loạn, đến đờ đẫn, mà mê muội không thốt nên nổi một lời. Chị quá quen, hay chị trơ lì, hay không còn hiện thực chính chị cũng không biết, mọi từ ngữ cứ ném vào chị, mọi nắm tay cứ nện vào chị, những rệu rã ngày tàn cứ bết vào chị không lối thoát mà cũng chẳng thế chống cự. Anh cứ như con thú say mồi, cứ mãi gầm gừ, cứ mãi điên loạn không ngừng dày vò, hành hạ chị, mà dày vò, hành hạ chị vì lý do gì? Chính chị cũng không biết, chính chị cũng không rõ cơ sự tại sao chị từ một nữ thần lại trở thành người hạ đẳng như thế trong mắt anh.
Cũng như mọi cô gái khác, chị mong chờ đêm tân hôn của mình sẽ diễn ra ngọt ngào lãng mạn như các bộ phim truyền hình, vì anh yêu chị nhiều đến thế, trân trọng chị nhiều đến thế cơ mà, anh và chị cố gắng giữ gìn cho nhau cho đến tận ngày cưới với tâm trạng ngất ngây đến thế, vậy vì lý do gì, chính chị cũng không hiểu, không thể hiểu? Chị có làm gì có lỗi, chị đã làm gì nên tội mà cái dấu ấn chị nghe nói nhiều đến ngàn lần lúc là thiếu nữ không hề xuất hiện trên tấm ra giường tinh khôi ngày cưới? Gần như ngay lập tức, mọi thứ vỡ tung, quăn queo, nhàu nát đến nghi ngờ. Anh điên cuồng đập phá căn phòng cưới mà mấy chị em chị cặm cụi chuẩn bị với bao yêu thương, cẩn trọng, cái bình hoa hồng chị cất công gửi mẫu ra Bát Tràng cho bạn chọn về để trang trí căn phòng tân hôn cũng vỡ tung, cánh hoa lả tả đỏ, mà tan tác như cuộc đời rúm ró của chị nấp sau mép giường, run lên hoảng loạn. Bão, bão, bão và bão kéo đến với chị đơn giản như vậy thôi. Cơ mà chị đã biết gì, chị đã biết đến ai ngoài anh đâu mà lại như vậy, nhưng chị không thể tỏ bày, chị không thể nói với ai câu chuyên tủi nhục của chị, chị câm lặng thu dọn tàn dư của đêm tân hôn, không một lời nói, câm lặng đến không ngờ trong khi anh – chồng chị, đang nằm thẳng giấc trên chiếc giường xộc xệch. Sáng mai ra, cuộc đời chị sang trang mới, trang mới thực sự, với sự lạnh lùng, nhiếc móc, bỉ báng đến không ngờ từ anh, không thuận mắt chuyện gì, anh sẵn sàng giáng xuống thân thể bé nhỏ của chị những cái bạt tai, những nắm đấm nặng nề. Mái tóc dài óng mượt mà anh từng mê muội, nay lại khiến anh càng ngứa mắt và thuận tay túm lấy để lôi chị xềnh xệch trên sàn nhà, để dằng, để dử, như một con thú say mồi.
Mặc dù vậy, chị vẫn hy vọng là anh nghĩ lại, chị vẫn mong là anh nghĩ lại, vì mỗi khi đi ra ngoài cùng nhau, anh vẫn như cũ, vẫn quan tâm ân cần, vẫn săn sóc chị từng cái nhỏ nhặt nhất như một cặp vợ chồng mới cưới hạnh phúc đến không ngờ. Ban đầu, chị hàm ơn anh vì cử chỉ đấy, nhưng rồi chị lại căm thù và ghê tởm anh vì những việc đó, giá mà anh cứ nói ra, anh cứ thản nhiên đối xử với chị như vậy thì có lẽ chị đã không hy vọng, chị đã dứt ra khỏi anh nhanh hơn. Nhưng vì anh, như anh nói, “giữ thể diện cho một thằng đổ vỏ như anh, và giữ thể diện cho một con đàn bà lăng loàn như chị”, chị phải biết ơn, và nên biết ơn cái đặc ân mà anh ấy tạo ra cho chị. Gương mặt hạnh phúc rạng ngời của anh, nụ cười tươi tắn của chị sau khi tiễn các bạn ra về, lập tức sa sầm xuống, biến đổi chua chát, và hằn học đến kì lạ. Chị hoảng sợ trước cách anh đối xử với chị, mà không dám tỏ bày cùng ai. Nhưng đó chưa là gì so với mỗi khi anh say, anh như một con thú hoang tàn, trút lên chị những căm hờn nhất, đau đớn nhất, tàn mạt nhất mà lời nói có thể cứa vào chị, còn thể xác chị rã rời, xước xát như một con búp bê vạ vật nát tươm nơi góc phòng mà không thể cất tiếng khóc. Bí bách và ngột ngạt đến không ngừng, chị muốn thoát, mà không thể lấy lý do nào được, vì ngoài mặt ai cũng khen anh là người tâm lý, dịu dàng và chiều chuộng, hai vợ chồng lại luôn hạnh phúc sóng đôi, thế chị còn thiếu gì nữa mà dám mở miệng ra đòi ly dị anh. Chị không được ai ủng hộ nếu nói ra quyết định của mình, đành cùng anh diễn cho tròn, cho nốt vai trò gia đình hạnh phúc, người vợ hạnh phúc.
Những lần cùng chị về thăm gia đình vợ, anh luôn tỏ ra ân cần và chăm lo hết mực cho chị, sốt sắng trước các công to việc nhỏ nhà vợ, nên ba mẹ chị, em út chị đều lấy anh ra làm gương, một cái gương lấp lánh đáng sợ, nhất là khi anh tỏ ra dịu dáng trìu mến đặt tay lên vai chị, hết lời cảm ơn ba mẹ chị đã nuôi dạy được một người vợ hiền thảo, nết na tốt đẹp đến thế cho anh, chị thực sự tởm. Lời nói của anh vừa túa ra, chị đã chạy vội vào toa lét, ói một cách ngon lành tất cả những gì mà chị được anh chăm chút gắp cho trong bữa ăn, nước mắt nghẹn ngào hòa cùng sự uất ức khiến chị như muốn ngất đi. Và chị ngất đi thật, khi tỉnh lại, chị thấy mình đã nằm trong bệnh viện, trắng toát, mẹ chị, mẹ anh, cả gia đình đều có mặt đầy đủ, vui mừng chạy đến giường chúc mừng chị, chị đã có thai, cái thai đã ba tháng. Chị xây xẩm mặt mày, đã ba tháng, cưới nhau mới sáu tháng, hạnh phúc chưa thấy, chỉ thấy toàn ê chề nhục nhã, vậy mà cũng tượng hình được đứa con sao? Chị len lén nhìn sang để tìm gương mặt anh, nhưng không thấy, lòng bỗng nhẹ bẫng không hiểu sao chị bỗng nghĩ đây có thể là cứu cánh cho chị, nỗi đau chị đang cố giữ có thể nào vì sự kiện này mà hóa giải được chăng? Chị xuất viện sau ba hôm, lặng thinh lên xe anh đèo về, gió táp vào mặt hỗn loạn những suy nghĩ, vì anh cũng im lặng không nói, không giả vờ đóng kịch yêu thương ngọt nhạt nữa nên chị sợ, chị sợ bão.
Và bão thật, khi cánh cửa nhà đóng lại, ngăn cách chị, anh và thế giới bên ngoài, tiếng đóng cửa nghe như dấu hiệu bắt đầu của cơn bão kìm nén trong anh. Anh sụp xuống, như một cái cây bị đốn gốc, khóc ngon lành, chị cũng òa lên khóc trong nức nở và khiếp sợ, điều chị không bao giờ làm từ khi bước chân về ngôi nhà này. Chị không suy nghĩ được, chị không biết tại sao chị lại không thể tưởng tượng, chứ đừng nói đến chuyện nghĩ rằng mình sẽ là một người mẹ, sẽ sinh con cho anh, chị không hề quan tâm đến bản thân mình kể từ cái đêm kinh hãi của cuộc đời làm vợ, nên chị không biết mình sẽ đối xử sao với anh và với cái thai trong bụng của chị. Chị không thấy tình cảm với cái bản thể đang ở trong chị. Anh lê gối bò lại gần chị, úp mặt vào lưng chị, nức nở, cái nức nở của người đàn ông khác hẳn cái nức nở của người đàn bà, uẩn ức tột cùng. Rồi lại như lên cơn, bàn tay rắn chắc của anh nắm lấy cánh tay gầy guộc của chị lôi xềnh xệch vào cửa phòng như đang cầm một con rối, phải rồi, chị cay đắng tã tượi nghĩ, chị chỉ là một con rối trong bàn tay anh, Khi nào anh muốn diễn yêu thương thì chị sẽ cười, khi nào anh muốn cuồng nộ, chị sẽ là mớ giẻ rách hỗn độn này đây.
Hàm anh bạnh ra, răng nghiến trèo trẹo thoát ra nỗi hờn ghen điên cuồng “nói, nó là của ai, là của thằng nào? Mày nói đi, nói đi”. Sau mỗi từ nói đi, chị chết lặng, chị không ngờ, sự việc đến như thế này mà anh vẫn còn nghi ngờ chị, chị tuyệt đối im lặng, không mở ra được lời nào với anh, tiếng nức nở cũng im bặt. Sau mỗi cái tát, mỗi cái dập đầu chị xuống bàn, chị lại càng như nhìn thấy rõ ràng hơn khuôn mặt anh, khuôn mặt xa lạ, nghi kị, nhỏ nhen đến không ngờ. Chị đâu có tội gì mà phải chịu oan ức như thế, chị đâu có làm gì nên tội mà anh đày đọa thế với chị, đây không phải là con người mà chị yêu, tuyệt đối không phải là người chị muốn lấy làm chồng, hoàn toàn không phải, đây là một con thú ngu si và điên cuồng nào đó. Thoáng chốc anh ở kí ức cũng xa lắc, còn người ở đây với chị là ai? Con người điên cuồng bão tố như chưa từng quen biết này là ai? Còn anh? Anh ở đâu? Hay là anh đã bị cơn bão cuồng nộ này cuốn bay mất rồi?
Chị sẩy thai, tất nhiên, làm sao có thể giữ được sau trận đòn nhừ tử của anh, mà lý do lại hết sức đơn giản là chị bị té cầu thang, anh đợi đến khi chị hết bầm, đưa chị về nhà rồi mới báo cho cha mẹ hai bên đến. Chu đáo đến thế là cùng, chị đau đớn nghĩ, chua chát cười. Ba mẹ hai bên chỉ biết hết lời an ủi, chỉ biết xót xa cho cái thân thể xanh lét, đang nép hờ vào đống chăn gối dày cộm đờ đẫn. Anh lại bước vào, trên tay là một bó hồng đỏ thẫm, lại vén mọi người ra, lại diễn trò ngọt nhạt, lại nói lời yêu thương giả tạo, trở tráo, chị run lên, kéo cao chiếc chăn lên cổ, ngăn cảm giác muốn trào ngược từ dạ dày lên cổ họng, quặn thắt, quặn thắt, từng cơn, và chưa xong bài diễn văn nhàm chán của anh, tấm chăn trắng tinh đang quấn lấy chị lại nhầy nhụa. Anh lao vào ôm lấy chị, an ủi, khóc lóc khuyên chị đừng quá đau khổ, rồi họ sẽ có những đứa con mới, hãy yên lòng với những yêu thương của anh. Bó hoa đỏ vương trên giường như lời giễu cợt với chị, loài hoa chị thích, loài hoa đêm tân hôn chị trang trí cho căn phòng mình, mà như ít phút trước đây thôi, lọ hoa đã tơi tả, chị cũng tơi tả.
Chị gần như dại đi, chị gào thét, chị nắm lấy bó hồng, quất vun vút vào người, vào gương mặt đang cố kề sát một cách ân cần vào chị, chị muốn lao vào cắn xé kẻ đã cướp mất người chồng mà chị muốn thấy đêm tân hôn. Chị mờ cả đi trong cơn điên, nghe vọng lại tiếng mình xa lạ, nghe mọi người can ngăn, kéo chị ra khỏi anh. Rồi tất cả tắt lịm, như một cú tắt cầu dao điện, mọi thứ lặng im, đen tối, không lời đến yên ả trong tiếng rú của còi xe cứu thương.
Cánh hoa hồng lả tả, chị tả tơi, nhập viện vì trầm cảm, vì không ngừng la hét, không ngừng cấu véo vào anh. Mẹ chị xơ xác như già đi chục tuối ngày vào thăm chị, cả hai gia đình vẫn nghĩ do chị bị sốc vì sẩy thai chứ không phải vì anh, anh vẫn đều đặn vào thăm, đều đặn làm một người chồng mẫu mực không mệt mỏi. Chỉ cô bác sĩ điều trị tâm lí cho chị nhận thấy đựơc dấu hiệu bất thường của chị, bởi khi gia đình và bạn bè tới thăm, chị đều im lặng, im lặng lắng nghe, và hoàn toàn bình tĩnh, nhưng khi anh tới, chị sẽ run sợ, quay vào khóc, không ngừng bứt tóc, không ngừng ú ớ, mặc cho anh giải thích lý do với cô bác sĩ là chị làm thế với anh là do cô cảm thấy có lỗi vì làm mất đứa con của hai người. Cái nhìn tha thiết và những bó hoa hồng đỏ thắm của anh dành cho chị những ngày tới thăm, có lần đã đánh bật suy nghĩ của cô bác sĩ, cô tự cười mình suy nghĩ dại khờ và nông nổi, cô lại cảm thấy thương anh chồng.
Chị vẫn không thuyên giảm, và có dấu hiệu nặng thêm, cô bác sĩ trẻ đã cố dò hỏi, mọi dấu vết đều mờ mịt vì anh quá khéo, và cái quá khéo đã làm lộ anh. Khi anh vẫn sắm vai một ông chồng cần mẫn yêu vợ với bó hoa vào thăm chị như mọi khi, lần này chị đang được cô bác sĩ chuyển hướng điều trị mới, cô đang ghi âm lại các cuộc trò chuyện vô nghĩa của cô với chị, nhưng vì có việc đột xuất nên cô phải ra ngoài, máy ghi âm để sau bàn nước đã thu lại được giọng gầm gừ của một loài thú, cái gầm gừ rịt sâu trong cổ họng của một con thú ăn thịt hung dữ bị thương mà vẫn điên cuồng không buông tha cho con thú nhỏ tội nghiệp của mình. Không còn một người chồng mẫu mực, chính xác anh là một con thú, và chị không có đường trở ra, khi mà mỗi lần vào thăm là một lần anh túm chị lại niệm câu thần chú ghầm ghè của mình, anh chặn đứt lối thoát, chặn đứt ánh sáng của chị. Chị sẽ lại lên cơn động kinh ngay khi anh rời khỏi, chị sẽ lại thẫn thờ dớ dẩn những ngày sau, và cứ thế lặp lại tiến trình. Cô bác sĩ lập tức đưa lại cho gia đình chị nghe đoạn băng thu âm được, tiếng cười của anh khiến mọi người muốn sởn gai ốc, rồi tức tốc, âm thầm hơn, chị lặng lẽ được tách ra khỏi anh. Với những lí do khéo léo, chị được gia đình đưa rời xa vòng kiểm tỏa của anh.
Nhanh chóng một cách thần kì, một tháng không gặp anh, chị đã không còn lên cơn động kinh, nhưng vẫn vứt hoa hồng và sợ hãi nó. Hai tháng sau chị đã ậm ừ theo bài hát, bớt la hét, nhổ tóc và nói những điều kì dị. Đôi mắt chị đã có thần hơn, và đã lên lại ba kí, mẹ chị mừng đến rơi nước mắt. Và năm tháng sau, mọi việc vỡ ra, anh thất thần nhận tờ đơn li hôn từ chị, không còn dấu vết nào của chị, không còn dấu vết nào cho anh. Mọi thứ diễn ra âm thầm và nhanh chóng, cô bác sĩ tâm lí lại chìa cho anh tấm car địa chỉ tư vấn tâm lý, và cả một tấm car của một vị bác sĩ nào đó nữa với một lời nói bâng quơ nhẹ như gió “Anh nên hỏi thẳng bác sĩ này, không phải người phụ nữ nào cũng có dấu vết trong lần đầu tiên đâu, đừng sai lầm nữa, chị ấy không đáng bị như vậy”. Chìa khóa hạnh phúc của anh đã bị anh nhẫn tâm vứt đi, rồi dày xéo vì những ích kỉ không đâu của một cơn tự ái đàn ông. Chị là mối tình đầu của anh, anh là mối tình đầu của chị điều này anh biết rõ hơn ai hết, gia đình hai bên đều biết. Vậy mà tại sao? Chỉ vì một dấu vết ngờ nghệt lại thổi bùng lên trong anh một ngọn lửa, lại đánh thức lên trong anh một con thú, để một lần lỡ tay, hai lần thành ám ảnh rồi anh tự ám thị mình rằng mình đã bị chị lừa dối. Chính anh cũng không thể hiểu nổi điều gì đã xảy ra với anh của ngày hôm qua, với chị của ngày hôm đó, nhưng cái lâu đài hạnh phúc mà anh từng hứa sẽ vì chị mà xây đắp lên đã tan tành sau bão. Bão của ai? Bão của thiên nhiên rồi thời gian sẽ cồi lên mà che lấp, còn bão của lòng người cứa vào lòng người những nhát cứa không thể khép miệng được, liệu thời gian có bôi xóa được chăng? Chị bước đi mà không cần nhìn lại, không dám nhìn lại, bởi chính chị biết khi đi qua một cơn bão lòng người, chị sẽ lại không thể thoát ra, nên chị lại đi, lại phải trốn bão, vì ở đâu đó, bão lại nổi lên rồi…