Là một trong số 16 đại biểu quốc tế tham dự hội thảo về Nguyễn Du ngày 8/8, sinh viên ĐH Charles (Praha, CH Séc) Jan Komárek được xếp vào hàng dịch giả trẻ say mê Truyện Kiều. Anh trao đổi với Tiền Phong về ước mơ trở thành dịch giả xuất sắc văn chương Việt Nam.

Được biết Jan đã dịch được 200 câu Kiều, chừng ấy mất bao lâu?

Tôi không dịch ra văn xuôi như nhiều người làm, mà dịch thành thơ luôn. Tôi áp dụng phương pháp gấp đôi số âm tiết, không phải thơ lục bát nữa mà là thập nhị, thập lục, giữ gìn vần điệu trong câu thơ.

Tôi mất khoảng 2 năm đấy, nhưng ít khi tập trung được vì có nhiều công việc. Vừa đi học, dịch tiếng Séc cho cộng đồng người Việt, dịch tiếng Việt, đôi khi mình cũng làm hướng dẫn viên du lịch. Khi làm kỹ, tập trung tôi có thể dịch tối đa 10 câu một ngày.

Người trẻ Séc dịch 'Truyện Kiều' - ảnh 1
Jan Komárek hy vọng 5 năm nữa sẽ có một bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Séc được dịch từ tiếng Việt. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Khi anh trình bày ý tưởng phiên tên riêng ra âm tiếng Trung cho độc giả Séc dễ tiếp cận, nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cũng góp ý nên giữ nguyên tên riêng tiếng Việt cho đúng bản sắc của tác phẩm. Anh có thay đổi quan điểm không?

Đến nay chưa có người Việt Nam nào đồng ý với tôi về điểm này, tôi không ngạc nhiên. Giáo sư hướng dẫn ở trường đại học bên Séc lại đồng tình, coi đó là sáng kiến tốt. Theo tôi với độc giả Séc, không quan trọng cách phát âm theo tên Trung Quốc hay Việt Nam vì họ không biết nhiều về vấn đề này và họ không quan tâm. Nếu ghi bằng phiên âm tiếng Việt, người Séc không đọc được, vì tiếng Séc không có những âm ư, ơ, ng.

Trong số 200 câu, có những câu nào anh thấy khó và phải đổ vào đó quá nhiều thời gian và công sức?

Nhiều chứ. Đến nay tôi vẫn nhớ là câu thơ thứ ba “Trải qua một cuộc bể dâu”. Dịch nguyên xi thì mất nghĩa. Phải dịch theo cách khác một chút nhưng giữ gìn hình thức có dâu, có bể: Biển biến thành ruộng dâu. Nó vẫn giữ ý nghĩa, nghe vẫn thơ mộng, tôi có thêm chú thích đây là điển cố.

Hai năm mới được chừng này, xong được 3.230 câu Kiều chắc Jan cũng xác định tinh thần rồi nhỉ?

Đúng rồi, tôi biết chặng đường phải đi rất dài. Năm năm nữa sẽ kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, hy vọng tôi kịp hoàn thành nhưng e là khó. Biết là chưa chắc nhưng phải cố thôi, vì không dịch được thì rất tiếc. Tôi cũng muốn dịch xong và sau đó tập trung vào phần khác của văn chương Việt Nam ví dụ Lục Vân Tiên, tác phẩm Nguyễn Trãi hoặc Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du.

Anh có tìm hiểu nhiều bản dịch Truyện Kiều sang các tiếng khác? Ngay hội thảo này cũng cho thấy nhiều ý kiến tranh cãi về kiệt tác này, điều này có làm khó hơn cho các dịch giả?

Tôi biết có nhiều bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp. Tiếc là không nói được tiếng Pháp nên tôi chỉ sử dụng bản dịch sang tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông. Đó là bản dịch rất tốt, bao gồm cả chú giải, rất có giá trị. Đúng là còn nhiều tranh cãi, nhiều câu hỏi lớn quan trọng chưa có lời giải: Thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều, khi nào người ta in Truyện Kiều lần đầu tiên.

Tại sao người trẻ như Jan Komárek lại nghĩ đến việc mà nhiều học giả lâu năm có khi còn e ngại? Không chỉ dịch Truyện Kiều mà nhiều tác phẩm thơ khác nữa?

Tôi học ngành Việt Nam học, bắt buộc chọn một đề tài viết khóa luận, mình muốn viết về văn học. Truyện Kiều là kiệt tác của văn chương Việt Nam chưa được khảo sát kỹ trong giới nghiên cứu ở Séc, và chưa được dịch trực tiếp từ tiếng Việt. Khi học phổ thông, tôi đọc được thơ của Nguyễn Bính, Hồ Xuân Hương. Tôi rất thích nhưng lúc đó chưa có quyết tâm trở thành một dịch giả xuất sắc văn chương Việt Nam – Séc. Tôi biết ngôn ngữ trong Truyện Kiều quan trọng, tôi cố gắng làm sao để có được bản dịch mà ngôn ngữ  Séc tương xứng với nguyên bản.

Đúng là dịch thơ rất khó, nhưng điều quan trọng là có đủ tài liệu nghiên cứu rất kỹ về Truyện Kiều cả ở Việt Nam và quốc tế. Tôi nghĩ Lục Vân Tiên, Bắc hành tạp lục hay thơ của Nguyễn Trãi hẳn cũng có nhiều tài liệu nghiên cứu.

Được biết anh dịch được một số bài thơ trung đại Việt Nam, cả thơ hiện đại nữa?

Tôi dịch được ba bài thơ rất hay của thế kỷ 11, một vài bài thơ của Nguyễn Trãi, của nhà sư Mãn Giác, Vạn Hạnh. Văn học hiện đại tôi từng dịch thơ Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương. Tưởng dịch thơ hiện đại dễ hơn, nhưng cũng tùy. Đây thôn vĩ dạ chẳng hạn, tôi thấy khó hơn cả dịch Kiều. Cái khó ở đây chính là nếu chỉ đọc mà không nghiên cứu những huyền thoại liên quan bài thơ thì sẽ thấy khó hiểu, dù đó là bài thơ hay.

Mới học tiếng Việt 5 năm mà đã dịch được thơ, hẳn Jan Komárek tự tin về vốn tiếng Việt của mình?

Thực ra tôi không tự tin lắm, vẫn muốn sang Việt Nam học thêm ít nhất một năm nữa.

Cảm ơn và chúc anh thành công!

Có 25 trong số hơn 100 tham luận gửi về hội thảo, hàng chục ý kiến tranh luận về thân thế sự nghiệp Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều: Có nhiều bài thơ trong Bắc hành tạp lục không làm trong thời gian đi sứ Trung Quốc; vấn đề dịch và chất lượng các bản dịch Truyện Kiều ra quốc tế. Trong bản tổng kết đánh giá bế mạc, đại diện Viện Văn học nói, hội thảo này mở ra giai đoạn mới trong tìm hiểu, nghiên cứu và dịch thuật tác phẩm Nguyễn Du, đưa tình cảm của đại thi hào đến gần hơn với nhân loại.

Theo Toan Toan – Tiền phong online